Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đảng Dân tộc Indonesia
Tổng thống Sukarno-Tổng thống đầu tiên của Indonesia

Đảng Dân tộc Indonesia đảng chính trị theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, được Sukarno thành lập vào ngày 4.7.1927 tại Bandung, Indonesia với tên gọi Liên minh Dân tộc Indonesia (INA). Tháng 5.1928, đảng được đổi tên thành Đảng Dân tộc Indonesia (Partai Nasional Indonesia - PNI).

PNI được thành lập với mục tiêu giành độc lập về chính trị và kinh tế cho Indonesia thông qua phương thức bất hợp tác với chính quyền thuộc địa Hà Lan, theo mô hình bất bạo động mà Mahatma Gandhi theo đuổi ở Ấn Độ. Ngay từ những ngày đầu thành lập, PNI đã khẳng định được uy tín, tập hợp được nhiều giai cấp, tầng lớp trong xã hội Indonesia. Cuối năm 1929, đảng đã phát triển đến 10.000 đảng viên. Uy tín và ảnh hưởng ngày càng tăng của PNI khiến thực dân Hà Lan lo ngại, tiến hành bắt giam, cầm tù Sukarno cùng bảy lãnh đạo khác của PNI. Ngày 25.4.1931, tại đại hội bất thường của đảng, Sartono với tư cách là người đứng đầu đã tuyên bố giải thể PNI và thành lập một đảng mới, lấy tên là Partindo với sự tham gia của Sukarno. Phản đối việc giải thể PNI, Mohammad Hatta và Sutan Sjahrir đã thành lập tổ chức Giáo dục Dân tộc Indonesia hay còn gọi là PNI Mới. Tuy nhiên, PNI Mới tan rã vì các lãnh đạo của Đảng bị thực dân Hà Lan bắt và cầm tù.

Hai ngày sau Tuyên ngôn Độc lập của Indonesia ra đời, Tổng thống Sukarno đề nghị thành lập một đảng nhà nước đại diện cho Chính phủ Indonesia. Ngày 21.8.1945, Đảng Dân tộc Indonesia (PNI) được thành lập. Tuy nhiên, do mâu thuẫn nội bộ, ngày 31.8.1945, PNI tan rã.

Ngày 29.1.1946, PNI hồi sinh nhờ một số đảng kết hợp với nhau, trong đó có đảng Partinto nhưng không có sự tham gia của Sukarno. Từ cuối năm 1946 đến trước thời kỳ Dân chủ có chỉ đạo (7.1959 - 6.1968), PNI là một trong những đảng phái có ảnh hưởng lớn nhất tại Indonesia khi các thành viên chủ chốt của đảng này nắm giữ các chức vụ quan trọng trong nội các của quốc gia vạn đảo. Soesanto Tirtoprodjo giữ chức vụ Quyền Thủ tướng (12.1949 - 1.1950), Wilopo giữ chức vụ Thủ tướng (4.1952-6.1953), Ali Sastroamidjojo giữ chức vụ Thủ tướng (8.1953 - 7.1955; 3.1956 - 4.1957); Djuanda giữ chức vụ Thủ tướng (4.1957 - 7.1959).

Ở giai đoạn Dân chủ có chỉ đạo (7.1959 - 6.1968) và Trật tự mới (6.1968 - 5.1998), vai trò của các đảng phái chính trị ở Indonesia bị hạn chế. Thành viên PNI có chức vụ cao nhất trong Nội các là thời Thủ tướng Sukarno với các vị trí Bộ trưởng Tài chính và sau đó là Bộ trưởng Thứ nhất kiêm Bộ trưởng Tài chính dưới Nội các thứ nhất (7.1959 - 2.1960) và Nội các thứ hai (2.1960 - 3.1962). Tháng 2.1971, Suharto ra lệnh thu hẹp số lượng các đảng chính trị. Ngày 10.1.1973, PNI được sáp nhập vào Đảng Dân chủ Indonesia (PDI).

Về nền tảng tư tưởng, những năm đầu thành lập, PNI theo học thuyết Marhaen do Sukarno đưa ra trong giai đoạn 1926-1933 với chủ trương chống đế quốc, chống thực dân; bất hợp tác với chính quyền thực dân để giành độc lập; giáo dục cho dân chúng và đoàn kết các lực lượng chống thực dân, đế quốc trong một mặt trận chung thống nhất. Trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, đường lối này của PNI đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp trong xã hội Indonesia. Tuy nhiên, sau khi Indonesia giành được độc lập, vấn đề đấu tranh giai cấp trở nên cấp thiết hơn. Từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX, nhu cầu gia tăng tài chính và mở rộng thành viên khiến lãnh đạo PNI ưu tiên nhiều hơn cho việc kết nạp giới doanh nhân giàu có. Từ đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, mặc dù PNI vẫn chủ trương công khai theo đuổi, thậm chí mạnh mẽ bảo vệ nền tảng tư tưởng Marhaen để cạnh tranh với sự nổi lên của Đảng Cộng sản Indonesia (PKI) nhưng sự hiện diện của nhiều giai cấp, tầng lớp đối lập nhau trong Đảng khiến nội bộ Đảng mất đoàn kết. Sự chia rẽ vùng miền trong Ban lãnh đạo Đảng cũng khiến PNI luôn ở trong tình trạng đấu đá nội bộ.

Đầu năm 1973, PNI sáp nhập vào Đảng Dân chủ Indonesia. Vào thập niên 90 của thế kỷ XX, một số đảng phái được xây dựng dựa trên hệ tư tưởng của PNI như Đảng Liên minh Dân tộc Indonesia (PNI), Đảng Mặt trận PNI-Marhaen (PNI-FM), Đảng Quần chúng PNI-Marhaen (PNI-MM) nhưng không đảng nào tạo được dấu ấn trong nền chính trị Indonesia.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.
  2. J. Eliseo Rocamora, The Partai Nasional Indonesia, 1963-1965, Indonesia, Cornell University Southeast Asia Program, Vol.10, 1970.
  3. Claire Holt (chủ biên), Culture and Politics in Indonesia, Equinox, Jakarta, 2007.
  4. Herbert Feith, The Decline of Constitutional Democracy in Indonesia, Equinox Publising, Jakarta, 2007.
  5. Aminuddin, Katimin, Syukri, Sukarno's Thought about Marhaenism, Budapest International Research and Critics Institute-Journal (BIRCI-Journal), Vol.2, No.2, 2019.