Đảng Dân chủ - Tự do Nhật Bản là đảng chính trị bảo thủ của Nhật Bản, cầm quyền và chi phối nền chính trị Nhật Bản từ khi thành lập cho đến nay (ngoại trừ hai giai đoạn ngắn 1993 - 1994 và 2009 - 2012). Đảng này có tên tiếng Nhật: 自由民主党, tên tiếng Anh: Liberal Democratic Party, vt. LDP hoặc Jimintō (自民党).
Thành lập vào ngày 15.11.1955 tại Tokyo trên cơ sở hợp nhất của hai đảng bảo thủ chống lại Thủ tướng Yoshida: Đảng Tự do (thành lập năm 1945 do Shigeru Yoshida lãnh đạo và cầm quyền từ năm 1949 đến 1954) và Đảng Dân chủ (ra đời ngày 20.10.1954 do Ichirō Hatoyama đứng đầu). Trong cuộc bầu cử năm 1955, hai đảng này lại hợp nhất để chống lại Đảng Xã hội bình dân, thiết lập nên hệ thống chính trị bền vững trong gần 4 thập kỷ, được gọi là “Hệ thống 1955” với sự lấn áp của Đảng Dân chủ - Tự do.
Đại hội ngày 15.11 đã thông qua Sắc lệnh thành lập và Cương lĩnh chính trị, trong đó quy định tính nhân dân, hòa bình, dân chủ và nghị viện của Đảng Dân chủ - Tự do. Về lý tưởng, Đảng này thuộc kiểu đảng phái “cái lều lớn” (big tent) hoặc “nắm bắt tất cả” (catch-all), tức là chấp nhận tất cả các ý kiến của các thành viên, do không thống nhất được lý tưởng chung. Tuy nhiên, đa số thời gian hoạt động, Đảng kết hợp chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa dân tộc Nhật Bản, định hình sự phát triển của mình theo một số mục tiêu chung như: sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế dựa trên nền tảng xuất khẩu, hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong chính sách đối ngoại và phòng thủ cũng như một số vấn đề khác. Trong những năm 1990, một số ưu tiên khác của Đảng Dân chủ - Tự do được vạch ra: tăng cường vai trò chủ động của Nhật Bản đối với sự phát triển nhanh chóng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quốc tế hóa kinh tế Nhật Bản bằng việc tự do hóa và thúc đẩy nhu cầu trong nước, thúc đẩy khoa học công nghệ, xây dựng xã hội công nghệ - thông tin,…
Các cơ quan Trung ương của Đảng được tổ chức thành ba nhánh chức năng: chỉ đạo, chấp hành, kiểm tra.
Cơ quan quyền lực tối cao là Đại hội Đảng, do Chủ tịch Đảng triệu tập thường kỳ vào tháng 1 hàng năm với sự phê chuẩn của Hội đồng điều hành. Đại hội là cơ quan duy nhất có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh và Điều lệ của Đảng. Trong trường hợp các quyết định còn tranh cãi tại Đại hội, khóa họp toàn thể các nghị sĩ Quốc hội của Đảng sẽ được triệu tập để đưa ra quyết định cuối cùng. Khóa họp toàn thể cũng có quyền triệu tập đại hội Đảng bất thường. Chủ tịch Đảng là người đưa ra quyết định cuối cùng trong trường hợp số phiếu tán thành và phản đối ngang nhau.
Chủ tịch được Đại hội Đảng bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín; là người chịu trách nhiệm cao nhất, đại diện và thực hiện công việc lãnh đạo chung; quyết định thành phần lãnh đạo, chịu trách nhiệm về ngân sách, về công việc bầu cử. Khi Đảng chiếm đa số trong Quốc hội, Chủ tịch Đảng cũng đồng thời là Thủ tướng Nhật Bản.
Sau Chủ tịch Đảng, các lãnh đạo quan trọng nhất là Tổng Thư ký (kanjicho), Chủ tịch Hội đồng điều hành (somukaicho) và Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách (seimu chōsakai). Tổng Thư ký là người giúp việc cho Chủ tịch Đảng và giải quyết các công việc của Đảng; là người phát ngôn và gây quỹ cho Đảng; lãnh đạo trực tiếp một số cơ quan; kiểm soát công việc của Ban Thông tin, Văn phòng hoạt động quần chúng, Ban Chính sách Quốc hội,… Hội đồng điều hành gồm 30 thành viên do Chủ tịch Đảng bổ nhiệm, Hạ viện cử theo phân bổ vùng và được bầu ra từ các Thượng nghị sĩ (theo tỉ lệ 8 - 15 - 7). Hội đồng này họp 2 lần/ tuần, thông qua các quyết định liên quan đến nhân sự của Ban Thư ký, các dự thảo luật và các quyết định khác trình Quốc hội của Chính phủ. Hội đồng Nghiên cứu chính sách có 17 ban với cơ cấu gần như trùng với cơ cấu Chính phủ, do đó được gọi là “Chính phủ thứ hai”; có chức năng nghiên cứu các vấn đề chính sách và chuẩn bị những kiến nghị tương ứng; soạn các dự thảo trình Hội đồng điều hành thông qua để đưa ra Quốc hội.
Hoạt động của Đảng có thể chia làm hai giai đoạn: trước và sau năm 1993. Trước năm 1993, Đảng Dân chủ - Tự do nắm quyền lãnh đạo với đa số ghế trong Quốc hội và giành được đa số phiếu trong các cuộc Tổng tuyển cử. Ngày 15.11.1985, sau 30 năm thành lập, Đảng đã thông qua Tuyên bố đặc biệt và Cương lĩnh chính trị thay cho Cương lĩnh chính trị đầu tiên, với điểm khác biệt lớn nhất là đề ra các mục tiêu mang tính toàn cầu, nhấn mạnh “sứ mệnh cao cả của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế”, trong đó Nhật Bản cần đóng góp tích cực hơn và giành vị trí xứng đáng hơn trong cộng đồng quốc tế.
Các vụ bê bối chính trị cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 (bê bối “Tuyển dụng” (1988) khiến Nội các Noboru Takeshita sụp đổ; bê bối của Sagawa Express (1992) khiến Shin Kanemaru, Phó Chủ tịch Đảng buộc phải từ chức; các vụ tham nhũng máy tính bị vạch trần (1993) đã khiến uy tín của Đảng Dân chủ - Tự do bị sụt giảm. Tháng 8.1993, việc Thủ tướng Hosokawa Morihiro thuộc Tân Đảng lên cầm quyền (từ 9.8.1993 đến 28.4.1994) đã chấm dứt thời kỳ độc quyền lãnh đạo của Đảng Dân chủ - Tự do, thay thế vào đó là Chính phủ liên hiệp 7 đảng. Tuy nhiên, Nhật Bản rơi vào tình trạng khủng hoảng khi Nội các Hosokawa đề ra chính sách cải cách chính trị nhưng nhanh chóng sụp đổ, thay vào đó Nội các Hata Tsutomu (tồn tại trong 64 ngày do bị chia rẽ). Đảng Dân chủ - Tự do giành lại được quyền lãnh đạo vào tháng 7.1994 trên cơ sở xây dựng một “liên minh kỳ lạ” với Đảng Dân chủ Xã hội do Murayama Tomiichi làm Thủ tướng. Tháng 10.1996, Đảng Dân chủ - Tự do giành thắng lợi trong Tổng tuyển cử và chính thức trở lại nắm quyền độc lập dưới thời Thủ tướng Hashimoto Ryutaro. Từ năm 2009 đến 2012, Đảng này một lần nữa mất quyền lãnh đạo vào tay Đảng Dân chủ trong thời gian cầm quyền của ba Thủ tướng Hatoyama Yukio, Kan Naoto và Noda Yoshihiko. Việc Abe Shinzo giữ cương vị Thủ tướng (từ năm 2012 đến 2020) đã khẳng định sự trở lại lần nữa của Đảng Dân chủ - Tự do với vị trí Đảng cầm quyền. Năm 2021, Suga Yoshihide, Chủ tịch Đảng, trở thành Thủ tướng đầu tiên của thời kỳ Thiên hoàng Naruhito (Lệnh Hòa).
Đảng Dân chủ - Tự do là chính đảng lớn nhất ở Nhật Bản với hơn 1 triệu đảng viên (năm 2019), 47 đảng bộ cấp tỉnh/thành (năm 2005) và cơ sở xã hội từ 22 đến 25 triệu cử tri.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hồ Việt Hạnh, Vài nét về Đảng Dân chủ - Tự do Nhật Bản, Nghiên cứu Nhật Bản, số 1, tr.24-28, 1998.
- Nguyễn Thanh Hiền, Thất bại của Đảng Dân chủ - Tự do năm 1993 và sự chia lại hệ thống chính trị Nhật Bản, Nghiên cứu Nhật Bản, số 5, tr.14-18, 1999.
- Nguyễn Thanh Hiền, Đảng Dân chủ - Tự do ở Nhật Bản sau năm 1993, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 6, tr.16-21, 2001.
- Nguyễn Thanh Hiền, Nhật Bản trong thời kỳ Đảng dân chủ - Tự do cầm quyền (1955 - 1993), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
- Trần Thị Vinh, Chủ nghĩa tư bản: Lịch sử thăng trầm 120 năm (1900 - 2000), Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019.
- Koichi Kishimoto, Politics in modern Japan: development and organization, Japan Echo, 1997. (Koichi Kishimoto, Chính trị Nhật Bản thời hiện đại: sự phát triển và cách tổ chức, Japan Echo, 1997).
- Patrick Köllner, The Liberal Democratic Party at 50: Sources of Dominance and Changes in the Koizumi Era, Social Science Japan Journal, no.9#2, pp.243-257, 2006. (Patrick Köllner, Đảng Dân chủ Tự do vào thập niên 50: Nguồn gốc của ưu thế và những thay đổi trong thời kỳ Koizumi, Tạp chí Khoa học Xã hội Nhật Bản, số 9, tr.243-257)
- Ethan Scheiner, Democracy without Competition in Japan: Opposition Failure in a One-Party Dominant State, Cambridge University Press, 2006. (Ethan Scheiner, Nền dân chỉ phi cạnh tranh ở Nhật Bản: Sự chống đối yếu ớt trong Nhà nước một đảng cầm quyền, Đại học Cambridge, 2006)
- Ellis S. Krauss, Robert J. Pekkanen, The Rise and Fall of Japan's Liberal Democratic Party, Journal of Asian Studies, no. 69#1, pp. 5-15, 2010. (Ellis S. Krauss, Robert J. Pekkanen, Thăng trầm của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, Tạp chí Nghiên cứu châu Á, số 69, tr.5-15, 2010)