Đảng Cộng sản Trung Quốc là tổ chức chính trị cầm quyền duy nhất ở Trung Quốc, đại diện cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc Trung Quốc, được thành lập vào ngày 23.7.1921.
Từ sau phong trào Ngũ Tứ (ngày 4.5.1919), việc truyền bá chủ nghĩa Marx vào Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, sâu rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1920, với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Nga, một số nhóm cộng sản ở Trung Quốc đã ra đời, như Thượng Hải (tháng 8.1920), Bắc Kinh (tháng 10.1920), Trường Sa (tháng 11.1920), Quảng Đông (tháng 3.1921), Tế Nam (mùa xuân năm 1921),… Các nhóm cộng sản nói trên thường gọi chung là Tiểu tổ Cộng sản. Những Tiểu tổ Cộng sản này đã tích cực tham gia vào các hoạt động của công nhân để truyền bá chủ nghĩa Marx vào phong trào công nhân.
Ngày 23.7.1921, Đại hội Đảng lần thứ nhất đã họp tại Thượng Hải, tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cương lĩnh của Đảng chủ trương “dùng quân đội của giai cấp vô sản lật đổ giai cấp tư sản… thực hiện chuyên chính vô sản để đạt tới mục đích đấu tranh giai cấp là tiêu diệt giai cấp… xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản…”. Đại hội bầu ra ban lãnh đạo lấy tên là Trung ương Cục do Trần Độc Tú làm Bí thư.
Từ ngày 16.7 đến ngày 23.7.1922, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp Đại hội lần thứ hai tại Thượng Hải. Đại hội đã thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc và 9 nghị quyết khác, trong đó có nghị quyết về Mặt trận Liên hợp dân chủ, nghị quyết gia nhập Quốc tế III. Kết quả thảo luận được phản ánh trong Tuyên ngôn Đại hội II của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bản Tuyên ngôn khẳng định: xã hội Trung Quốc là xã hội nửa thuộc địa, nửa phong kiến; tính chất cách mạng Trung Quốc là cách mạng dân chủ; động lực cách mạng dân chủ Trung Quốc là các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Bản Tuyên ngôn cũng đã phản ánh tư tưởng về hai giai đoạn cách mạng ở Trung Quốc là cách mạng dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1921 đến năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân Trung Quốc tiến hành đấu tranh lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chế độ phong kiến, thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (ngày 1.10.1949).
Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhân dân các dân tộc cả nước giữ gìn độc lập và an ninh quốc gia, triển khai công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa có kế hoạch và quy mô lớn, khiến sự nghiệp kinh tế và văn hóa ở Trung Quốc được phát triển to lớn chưa từng có trong lịch sử. Sau khi hoàn thành cơ bản cải tạo chủ nghĩa xã hội đối với chế độ tư hữu tư liệu sản xuất, vì thiếu kinh nghiệm, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mắc phải một số sai lầm trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1958, Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động phong trào Đại Nhảy Vọt, đưa hàng triệu nông dân vào các nhà máy nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa. Bước ngoặt này, cùng các thiên tai và việc giới chức phóng đại quá mức số lượng ngũ cốc hiện có đã dẫn đến nạn đói lớn làm hàng chục triệu người chết đói. Từ năm 1966 đến năm 1976, Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện Đại Cách mạng Văn hóa với mục tiêu là đấu tranh với giai cấp tư sản trong lĩnh vực tư tưởng, đưa nhiều trí thức về nông thôn để lao động nặng nhọc. Nhiều trường đại học ở Trung Quốc đã bị đóng cửa, dẫn đến hậu quả là cả một thế hệ người Trung Quốc không được tiếp cận với giáo dục đại học.
Từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (tháng 12.1978), Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định dồn trọng tâm công tác của toàn Đảng, toàn dân cho sự nghiệp xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, lấy phát triển kinh tế làm trung tâm, tiến hành cải cách và mở cửa, chuyển sang nền kinh tế thị trường XHCN, nhằm hiện đại hóa và xây dựng CNXH mang đặc sắc Trung Quốc, biến Trung Quốc thành nước giàu mạnh, dân chủ và văn minh. Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương tích cực phát triển quan hệ đối ngoại, phấn đấu tạo môi trường quốc tế có lợi cho công cuộc cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa ở Trung Quốc. Công cuộc cải cách, mở của Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội khiến cả thế giới quan tâm. Năm 2010, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tổng sản phẩm quốc nội năm 2020 vượt mốc 100 nghìn tỉ nhân dân tệ, chiếm tỉ trọng 17% kinh tế toàn cầu, duy trì xã hội ổn định.
Hiện nay, tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Ban Chấp hành, Ban Bí thư Trung ương, Quân uỷ Trung ương và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức 5 năm một lần. Ban Chấp hành là cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc là một chỉnh thể thống nhất, hoạt động dựa trên cương lĩnh và điều lệ của Đảng, theo nguyên tắc tập trung, dân chủ. Công nhân, nông dân, quân nhân, tri thức và phần tử tiên tiến trong các tầng lớp xã hội tròn 18 tuổi, công nhận cương lĩnh và điều lệ Đảng, nguyện tham gia và tích cực làm việc trong một tổ chức của Đảng, thi hành nghị quyết của Đảng, nộp đảng phí định kỳ, có thể xin gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Lý tưởng tối cao và mục tiêu cuối cùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc là thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy chủ nghĩa Marx – Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng ba đại diện là kim chỉ nam cho hành động của mình.
Trong công việc quốc tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc có quan hệ hữu nghị với hơn 300 chính đảng của hơn 120 nước trên thế giới. Đảng Cộng sản Trung Quốc là đội tiên phong của giai cấp công nhân Trung Quốc và các dân tộc Trung Hoa. Đảng là nòng cốt lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, đại diện cho lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân ở Trung Quốc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Huy Quý, Lịch sử Trung Quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.
- 中共中央党史研究室,中国共产党历史 第一卷,中共党史出版社出版,2011年 (Phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quyển 1, Nxb Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, 2011) .
- 许耀桐,当代中国政治,中国人民大学出版社,2018年 (Hứa Diệu Đồng, Chính trị Trung Quốc đương đại, Nxb Đại học Nhân dân Trung Quốc, 2018).