Mục từ này cần được bình duyệt
Đảm phụ quốc phòng

(Defense Contribution)

(Đảm: 1; phụ: vác trên lưng; Đảm phụ: 1. Nhận gánh vác một công việc; 2. Số tiền nhân dân đóng góp cho Chính phủ). Đảm phụ quốc phòng là hình thức động viên sự đóng góp bắt buộc của nhân dân cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời, chính quyền Cách mạng đứng trước những nhiệm vụ cấp bách, như củng cố tổ chức Nhà nước còn non trẻ, xây dựng lực lượng vũ trang, đảm bảo an ninh, quốc phòng, giải quyết hậu quả nặng nề của thiên tai, thúc đẩy phát triển sản xuất. Nhu cầu chi tiêu cho những nhiệm vụ trên là rất lớn, trong khi khả năng Tài chính rất eo hẹp. Vì vậy, ngày 10.4.1946, Chủ tịch Chính phủ liên hiệp kháng chiến đã ban hành Sắc lệnh số 48/SL quy định một khoản đóng góp bắt buộc gọi là “Đảm phụ quốc phòng” với đạo lý: “Trong khi các chiến sĩ mang xương máu ra bảo vệ non sông thì quốc dân ở hậu phương được yên ổn làm ăn cũng phải có nhiệm vụ đóng góp vào công cuộc bảo vệ quốc gia”.

Theo Sắc lệnh này thì Đảm phụ quốc phòng chỉ thu trong niên khóa 1946. Mức thu gồm hai loại là thu đồng loạt đối với mọi công dân từ 18 đến 65 tuổi (gọi là Đảm phụ chính) và thu vào các đối tượng kinh doanh, công nhân viên chức (gọi là Đảm phụ tỷ lệ). Cụ thể là:

- Đảm phụ chính đối với đối tượng là công dân từ 18 tuổi đến 65 tuổi. Mức thu 5 đồng/1 người; Các đối tượng được miễn là: những người nghèo khó, tàn tật không kế sinh nhai; những binh lính hiện tại ngũ trong quân đội nước Việt Nam; những cha, mẹ, vợ, chồng của các chiến sĩ tử trận; những chiến sĩ tàn tật mặc dầu có kế sinh nhai.

- Đảm phụ tỷ lệ đối với người nộp thuế điền thổ, thổ trạch, thuế mỏ và những người nộp thuế môn bài từ 20 đồng trở lên; các viên chức và công nhân tại chức hay về hưu mà lương bổng trong năm trên 1.000 đồng. Đảm phụ tỷ lệ thu theo hình thức lũy tiến, theo tỷ lệ phần trăm (%) trên số tiền thuế tổng cộng hàng năm ghi trong sổ thuế (đối với người kinh doanh) từ 30% đến 200%, hoặc trên số lương bổng đồng niên hiện thời (số lương bổng nhận được trong năm) từ 0,5% đến 4%.

Sau khi Sắc lệnh được ban hành, toàn dân đã tích cực thực hiện việc đóng góp theo quy định. Nhiều người thuộc diện được miễn cũng xin đóng góp, có người nằm trong diện đóng góp thì xin được đóng cao hơn so với mức quy định. Chỉ trong thời gian ngắn, riêng ở Bắc bộ và Trung bộ đã có khoảng 8 triệu người tham gia đóng góp với số tiền lên đến gần 40 triệu đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài chính, 70 năm Tài chính Việt Nam, Nxb. Tài chính, Hà Nội, 2015.

2. Hồ Xuân Phương, Nguyễn Công Nghiệp (Đồng chủ Biên), Tài chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Nxb. Tài chính, Hà Nội, 2001.

3. Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2002

4. Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ liên hiệp kháng chiến, Số 48, ngày 10.4.1946.

5. Tổng cục Thuế, Thuế Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.