Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đạo Sikh
Biểu tượng của Sikh giáo
Đền Amritsar thánh địa của Sikh giáo

Đạo Sikh tôn giáo ra đời vào thế kỷ XV ở vùng Punjab, Ấn Độ, do Guru Nanak sáng lập, là một trong các tôn giáo ra đời muộn nhất trên thế giới.

Trong tiếng Punjab, "Sikh" có nghĩa là "học trò", hoặc "môn đệ", còn những tín đồ Đạo Sikh được coi là "học trò của các Guru". Giáo lý của Đạo Sikh dựa trên những tín điều mà Khải tổ Guru Nanak và 9 vị Guru Thế tổ khác truyền lại. Nội dung chủ yếu gồm:

Thứ nhất, chỉ thờ duy nhất một vị thần là Chúa Trời. Vì thế, Đạo Sikh được coi là một tôn giáo nhất thần, cho rằng Chúa Trời tạo ra vũ trụ và tồn tại vĩnh cửu. Chúa Trời không có hình thù, không có giới tính và đến với nhân loại thông qua lời dạy của các Guru.

Thứ hai, đề cao sự bình đẳng về xã hội và giới tính. Tôn giáo này cũng nhấn mạnh tới việc làm điều thiện hơn là thực hành các nghi lễ. Các tín đồ Đạo Sikh tin rằng, muốn đạt tới cuộc sống tốt đẹp thì cần phải luôn luôn giữ đức tin, làm việc chăm chỉ và trung thực, đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, có lòng hảo tâm trước những người kém may mắn hơn. Đạo Sikh hướng tới việc xây dựng một xã hội công bằng và tín đồ phải tham gia xây dựng xã hội đó.

Thứ ba, giữ trạng thái tôn giáo tại tâm của các cá nhân. Tín đồ Đạo Sikh không hành hương, không thờ tượng, ít xây các điện thờ và cũng không thực hành các nghi lễ một cách mù quáng. Họ cho rằng, cần tu thân ngay trong hiện tại và vượt qua những khó khăn của cuộc sống hàng ngày. Đạo Sikh không chấp nhận phương thức sống thụ động, thoát tục, trở thành tu sĩ hoặc chọn lối sống ẩn dật để trốn tránh cuộc sống thực tại.

Nơi thờ tự của Đạo Sikh gọi là Gurdwara, theo tiếng Punjab có nghĩa là "cổng vào guru". Gurdwara còn là nơi người theo đạo học tập và cũng là nơi tập trung Cộng đồng thụ giáo Sikh. Mọi người không phân biệt màu da, tín ngưỡng đều có thể trú ngụ và được cung cấp thức ăn miễn phí.

Mặc dù không có các giáo chức hay hệ thống tăng lữ như các tôn giáo khác, nhưng trong các Gurdwara thường có những người đọc được Sách kinh (gọi là Granthi) đứng ra trông coi việc đạo. Tuy nhiên, họ không phải là các chức sắc tôn giáo. Vì vậy, bất kỳ ai trong cộng đồng (nam hay nữ) đều có thể phụ trách nghi lễ, mỗi người tự cảm nhận "Đấng toàn năng" theo một cách riêng.

Đạo Sikh đã được truyền bá thông qua các nhà tiên tri phụ trách việc truyền đạo, thường được gọi là 10 thầy Sikh. Người đầu tiên là thầy cả Guru Nanak, ông sinh vào năm 1469 và là người truyền đi thông điệp về sự tôn kính với Chúa Trời, sự công bằng xã hội, tự do tín ngưỡng và thờ cúng. Guru Nanak có 9 người học trò và chính những người này đã truyền bá đức tin cũng như lời dạy của ông, đồng thời gây dựng nên Đạo Sikh trở thành một cộng đồng lớn mạnh như ngày nay. Đến thầy Sikh thứ 10 là Guru Gobind Singh (1666 – 1708), thay vì nhận một người làm học trò, ông đã trao quyền lại cho Guru Khalsa Panth (Cộng đồng thụ giáo Sikh) và Guru Granth Sahib (Kinh Sikh).

Guru Granth Sahib được coi là kinh sách của Đạo Sikh (thường được gọi là Adi Granth), là một sách khải huyền chỉ dẫn cách tu tập để có thể đến gần với Chúa Trời. Trong bộ kinh là tuyển tập văn thơ của các thầy Sikh, đồng thời có cả những vị không phải là thầy Sikh. Vị thầy Sikh thứ năm là người đã chỉ đạo việc biên soạn bộ kinh này vào năm 1604.

Guru Khalsa Panth (Cộng đồng thụ giáo Sikh) được thành lập vào năm 1699, là tập hợp những tín đồ tâm nguyện với đạo, chuyên cần lao động và giữ gìn đức tin nghiêm ngặt. Thành viên trong cộng đồng này được gọi là Khalsa, họ có nghĩa vụ phục vụ xã hội, bảo vệ công lý, và hướng đạo cho những cộng đồng lớn hơn. Thành viên của cộng đồng này được công nhận qua những giáo vật.

Giáo vật (Kakaar) được coi là cam kết của các tín độ mộ đạo theo những nguyên tắc như trọng đạo, công lý và tình yêu thương nhân loại. Các giáo vật là 5 dấu hiệu đặc trưng (5K) mà các Khalsa luôn mang bên mình, bao gồm: Kes (hay Kesh) – Không cắt tóc; Kanga – Một lược nhỏ cài trên tóc; Kachera (hay Kaccha) –Đồ lót bằng bông đươc mặc ở bên trong; Kirpan –Một thanh kiếm đeo với khăn quấn trên vai; Kara – Một vòng đeo tay. Chiếc khăn trùm đầu không phải là một trong 5K, nhưng các tín đồ nam thường đội để che bộ tóc dài của họ. Ngoài giáo lý, các Khalsa còn phải tuân theo giới luật riêng, như cấm kỵ hút thuốc, ăn thịt các con vật hiến tế, ngoại tình. Họ cũng phải đọc kinh và cầu nguyện vào 2 buổi sáng và tối.

Dưới thời trị vì của hoàng đế Akbar (1556-1605) - vương triều Mogol, Đạo Sikh có sự phát triển mạnh mẽ vì chính sách dung hòa và đoàn kết tôn giáo của nhà vua. Nhiều công trình kiến trúc, nghệ thuật văn hoá Sikh giáo đã được xây dựng trong thời kỳ này. Tiêu biểu là hồ nước hình vuông “Amristar” (Hồ rượu tiên hay là hồ mật hoa) do Guru Ram Das (1534 – 1581) xây dựng trên phần đất rộng lớn mà hoàng đế Akbar ban tặng. Chính giữa mặt hồ nổi bật lên một ngôi đền được làm bằng vàng được Guru Arjan (1563 – 1606, con trai của Guru Ram Das) xây dựng. Cũng trong thời kỳ này, thánh địa của Đạo Sikh là Punjab đã được hình thành.

Đạo Sikh sử dụng lịch riêng gọi là Lịch Nanakshahi, dựa trên Dương lịch. Năm sinh của Guru Khai tổ Nanak (1469) được lấy làm mốc năm đầu tiên của Lịch này.

Hiện nay, Đạo Sikh có khoảng 25 triệu tín đồ, đa số sống ở bang Punjab, Ấn Độ. Tại nước Anh có khoảng 500.000 tín đồ, Canada có 225.000 tín đồ và Mỹ có khoảng 100.000 tín đồ. Đạo Sikh không chú trọng đến việc tiếp nhận thêm tín đồ, nhưng nếu ai muốn cải Đạo Sikh cũng sẽ được chào đón.

Mặc dù số tín đồ Đạo Sikh không lớn bằng số tín đồ Hinđu giáo nhưng họ là một cộng đồng gắn bó chặt chẽ với sự liên kết văn hoá, tôn giáo mạnh mẽ và mang một bản sắc tôn giáo riêng biệt.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hoàng Tâm Xuyên, 10 tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999
  2. Patwant Singh, The Sikhs (Đạo Sikhs), published by Doubleday, Random House, New York, 2001
  3. Khushwant Singh, A history of the Sikhs (Lịch sử đạo Sikhs), Second edition, Oxford University Press, 2005
  4. https://www.sikhcoalition.org/