Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đạo Jaina
Đạo kỳ của Kì-na giáo
Biểu tượng của Kì-na giáo.
Mahavir người sáng lập đạo Kì-na
Chân dung Mahāvīra

Đạo Jaina tôn giáo của Ấn Độ, còn gọi là Kỳ Na giáo, do Mahavira sáng lập, ra đời và phát triển gần như song song với Phật giáo.

Theo truyền thuyết, Mahavira tên thật là Vardhamana (557 – 485 TCN), sinh ra trong một gia đình thuộc đẳng cấp Kshatriya, cha ông là Siddhartha còn mẹ ông là Trisala. Vardhamana được coi là bậc “toàn tri kiến”, tức một đại sứ đồ, một bậc thánh nhân, nổi tiếng với các danh hiệu tôn quý như Mahavira (Đại hùng) và Jina (Thắng giả).

Tên gọi Đạo Jaina bắt nguồn từ tên hiệu Jina. Sau 30 năm hành đạo và tạo nên sự nghiệp, Mahavira từ trần tại Pava (nay là Pavapuri) gần Patna vào năm 485 TCN.

Tư tưởng của Đạo Jaina là một hệ thống triết học mang tính nhị nguyên, có chiều hướng ngả về chủ nghĩa duy tâm: chỉ thừa nhận hai bản nguyên cấu tạo nên thế giới vạn vật, đó là jiva (linh hồn, tinh thần) và adjiva (gồm tất cả những gì không phải là linh hồn, tinh thần). Adjiva được chia làm 5 yếu tố: không gian (Akasa), điều kiện của vận động (dharma), điều kiện của đứng im (adharma), thời gian (kala) và vật chất (pudgala). Đạo Jaina đặc biệt cho rằng nguyên tử là viên gạch cuối cùng tạo nên các sự vật, nguyên tử của các yếu tố đất, nước, lửa, khí là giống nhau, kết hợp với nhau theo nhiều cách khác nhau, tạo ra các sự vật phong phú, đa dạng.

Từ tư tưởng bao trùm đó, giáo lý căn bản của Đạo Jaina tập trung vào các quan niệm sau:

Quan niệm về thần linh: không thừa nhận có một Thượng đế ngự trị và chi phối vũ trụ. Ngay cả các thiên thần sống trên cõi trời cũng chỉ là những sinh vật cao cấp, họ cũng chịu nghiệp báo, luân hồi.

Quan niệm về thể xác, linh hồn, luân hồi: cá nhân nào cũng có linh hồn được sinh ra trong thể xác vật chất, đây là tính chất nhị nguyên của mọi vật. Tín đồ Đạo Jaina tin rằng qua mọi hành động nhận thức, ta nhận ra được linh hồn mà không cần phải chứng minh. Như vậy, suy nghĩ, cảm xúc và mọi nhận biết của hữu thể đang sống đều là những gì có liên quan tới linh hồn. Việc cứu rỗi cốt ở hành động giải thoát linh hồn khỏi những kiềm tỏa vật chất. Mục đích của Đạo Jaina là trở thành một Siddha – người hoàn hảo. Siddha là người đạt tới sự tuyệt đối về tri thức, nhãn quan, quyền năng và hạnh phúc. Trong trạng thái hoàn hảo ấy, atman (bản ngã) là thực tại tối hậu. Tới thời điểm đó, linh hồn sẽ tách biệt với thể xác.

Quan niệm về đạo đức: tư tưởng đạo đức của Jaina giáo là bất bạo động, bất sở hữu, và bất hại. Trong đó, bất hại khuyên mọi người không làm gì có hại cho bản thân mình và người khác. Để thực hiện điều này, cần thực hiện 5 giới luật: Không sát sinh – bất tổn sinh (ahimsa); không nói dối; không trộm cắp; giữ thanh khiết; từ khước mọi thú vui của xã hội bên ngoài.

Quan niệm về giải thoát: chủ trương giải thoát bằng con đường ép xác, khổ hạnh có tính cực đoan theo giới luật ahimsa, lý tưởng phải đạt được thản nhiên với vui, khổ, hoàn toàn không bị ngoại vật chi phối.

Từ những quan niệm đó, đạo Jaina đưa ra học thuyết “Không tuyệt đối” (anekànta - vàda). Thuyết này muốn dung hòa những tư tưởng mà Đạo Jaina coi là cực đoan như Upanisad cho rằng tồn tại đầu tiên là bất biến vô thủy vô chung và Phật giáo cho rằng biến chuyển là không ngừng, mọi vật đều vô thường. Theo học thuyết không tuyệt đối, tồn tại vừa bất biến vừa biến chuyển. Cái vĩnh hằng là bản thể, còn cái không vĩnh hằng, luôn luôn biến đổi, là các dạng của bản thể, cũng giống như đất sét thì không đổi nhưng cái bình bằng đất sét thì thay đổi. Họ cho rằng tồn tại bao giờ cũng "có thể" ở dạng nào đó. Thuyết "có thể” (Sỳad - vadã) được coi là bổ sung cho thuyết không tuyệt đối.

Jaina giáo phản đối tính chất một chiều, tri thức và lễ nghi của kinh Vê đa và giáo lý đạo Bà la môn, cũng không chấp nhận sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ. Đạo Jaina có 2 phái: phái Digambara (Lõa hình) và Svetambara (Bạch y). Phái Svetambara cho phép samôn được mặc đồ trắng với ý nghĩa trong trắng, thanh khiết. còn phái Digambara trung thành với đường lối không y khổ tu ép xác của Mahavira, lấy trời làm nhà, đất làm giường chiếu, mưa nắng làm quần áo, của cải không có gì hơn là một mảnh bát mẻ đi khất thực. Phái này khỏa thân bốn mùa, khắc kỷ khổ tu, tuyệt thực theo từng giai đoạn, từng thời kỳ, càng tuyệt thực bao nhiêu càng đức hạnh bấy nhiêu. Đó là phương pháp “chỉ diệt pháp” (nirjara) của Jaina giáo. Con người trở nên an nhiên, tự tại, không còn phân biệt thời gian, mặc dù thân xác còn ở thế gian, đó chính là cõi Niết Bàn (Nirvana).

Dưới thời kỳ vương triều Mauryan (321 – 185 TCN), Đạo Jaina được hoàng đế Chandragupta tôn sùng và ông đã có nhiều chính sách giúp tôn giáo này phát triển. Nhưng trong nội bộ đạo đã xuất hiện sự phân hóa. Sự phân phái bắt đầu từ thế kỷ III TCN. Phái Bạch y với bộ kinh điển được tu sửa, bổ khuyết là kinh Anga, có khoảng 12 bộ kinh. Còn phái Không y dựa vào những kinh điển gốc còn sót lại, do kinh sách gốc của Đạo Jaina đã bị thất lạc. Trên cơ sở hai tông phái này, Jaina giáo đã thâm nhập sâu rộng trong quần chúng. Trước thế kỷ II TCN, phần lớn tín đồ từ Trung Ấn đến Đông Nam Ấn đều theo Đạo Jaina. Họ đã xây nhiều tháp xá lợi, tôn thờ cúng Mahavira là ông tổ của trường phái này, cũng như thờ các nhà hiền triết khác.

Trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Anh, từ M.Gandhi tới J.Nehru và nhiều nhà cách mạng khác với tư tưởng “bất bạo lực” và sử dụng phương pháp đấu tranh tuyệt thực, ít nhiều đã chịu ảnh hưởng của triết lý tôn giáo Jaina. Hiện nay, Đạo Jaina chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong dân số Ấn Độ (khoảng 0,5%) nhưng có nhiều ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của người Ấn Độ, đồng thời cũng góp phần tạo nên bức tranh tôn giáo đa màu sắc ở Ấn Độ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Albert Schweitzer, Tư tưởng Ấn Độ theo dòng lịch sử, Kiến Văn – Tuyết Minh dịch, Nxb.Văn hóa Thông tin, 2007.
  2. Doãn Chính, Tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ, Nxb.Chính trị Quốc gia, 2008.
  3. Doãn chính, Lịch sử tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại, Nxb.Chính trị Quốc gia, 2010.
  4. Jeffery D.Long, Jainism: An Introduction (Giới thiệu về đạo Jaina), I.B.Tauris, 2009.
  5. https://thuvienhoasen.org/a9716/triet-hoc-ky-na-giao-nguyen-uoc