(11 - 19.2.1951)
Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ hai (11-19.2.1951) - Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), họp công khai lần đầu tiên tại xã Vinh Quang (nay là Kim Bình), huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.
Trải qua 20 năm, từ khi thành lập (1930) đến năm 1950, Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo cách mạng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia giành được nhiều thắng lợi quan trọng, đó là Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Việt Nam và Khởi nghĩa thắng lợi ở Viêng Chăn (Lào) trong mùa Thu năm 1945. Đặc biệt, từ tháng 9 năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia tiến hành kháng chiến chống chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ 2 của thực dân Pháp.
Đến đầu năm 1951, tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, tác động mạnh đến tình hình Đông Dương. Với những thắng lợi đã giành được trong 5 năm (1945-1950), nhất là trong Thu Đông 1950, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới - giai đoạn giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược, phát triển phản công và tiến công, làm phá sản nỗ lực chiến tranh cao nhất của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chấm dứt chủ nghĩa thực dân cũ trên bán đảo Đông Dương.
Yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra cho cách mạng Việt Nam là phải vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nhằm tạo thế, tạo lực mới, tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc”. Sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, Lào, Campuchia có quan hệ mật thiết, tác động ảnh hưởng lẫn nhau, song sự phát triển không đều ở từng nước có những đặc điểm riêng, đòi hỏi mỗi nước cần phải và có thể thành lập một chính đảng riêng theo chủ nghĩa Mác -Lênin, với đường lối chính trị và tổ chức lãnh đạo thích hợp đối với mỗi nước, để phát huy mạnh mẽ động lực dân tộc của từng nước, đưa sự nghiệp cách mạng của mỗi nước vững bước tiến lên, giành nhiều thắng lợi mới, tạo thành sức mạnh tổng hợp của 3 nước trên bán đảo Đông Dương.
Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ hai diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 2 năm 1951. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, đại diện cho hơn 76,6 vạn đảng viên thuộc các Đảng bộ Việt Nam, Lào và Campuchia. Về khách quốc tế có đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc và đại biểu Đảng Cộng sản Xiêm (Thái Lan).
Trong 10 ngày làm việc, Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận các văn kiện quan trọng gồm: Báo cáo Chính trị; Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội tức Luận cương cách mạng Việt Nam; Củng cố khối đại đoàn kết để chiến thắng; Mấy vấn đề cốt yếu của chính quyền dân chủ nhân dân; Xây dựng quân đội nhân dân, hoàn thành chiến tranh giải phóng; Báo cáo về kinh tế tài chính; Xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam; Báo cáo về Thi đua ái quốc.
Báo cáo Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày đã tổng kết, đánh giá hoạt động của Đảng trong chặng đường hơn 20 năm (1930-1950), đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, trong đó quan trọng là hai nhiệm vụ chính: Thứ nhất - đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn ; Thứ hai - tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.
Để đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, “chúng ta phải ra sức phát triển lực lượng của quân đội và của nhân dân để đánh thắng nữa, đánh thắng mãi, để tiến tới tổng phản công.[…].
- Trong công việc xây dựng và phát triển quân đội, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỹ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân.
Đồng thời phải phát triển và củng cố dân quân du kích về mặt: tổ chức, huấn luyện, chỉ đạo và sức chiến đấu. Phải làm cho lực lượng dân quân thành những tấm lưới sắt rộng rãi và chắc chắn, chăng khắp mọi nơi, địch mò đến đâu là mắc lưới đến đó.
- Phát triển tinh thần yêu nước. Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước […] phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến” . Đồng thời với đó là đẩy mạnh thi đua yêu nước, thực hiện chính sách ruộng đất, kinh tế, tài chính; xúc tiến công tác văn hoá, v.v.
“Chúng ta kháng chiến, dân tộc bạn Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và can thiệp Mỹ là kẻ thù của dân tộc ta và cũng là của dân tộc Miên, Lào. Vì vậy chúng ta phải ra sức giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào. Và tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt – Miên - Lào” .
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nói trên, “chúng ta phải có một đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước, để lãnh đạo nhân dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên Đảng Lao động Việt Nam. […]. Đảng Lao động Việt Nam phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam, để đoàn kết và lãnh đạo dân tộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, để thực hiện dân chủ mới. […].
Nhiệm vụ thứ nhất, nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng ta ngày nay là phải đưa kháng chiến đến thắng lợi. Các nhiệm vụ khác đều phải phụ thuộc vào đó” .
Báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội, tức Luận cương cách mạng Việt Nam, do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày đã bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển lý luận của Đảng về cách mạng dân tộc, dân chủ do gia cấp công nhân lãnh đạo, tiến hành trong điều kiện một nước thuộc địa nửa phong kiến, trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời, nêu rõ chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, vạch ra phương hướng đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
Về kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Báo cáo Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội nêu rõ: “Nước ta đang bị đế quốc Pháp xâm lược và đế quốc Mỹ can thiệp. Bọn đế quốc Pháp - Mỹ, một mặt dùng quân đội đánh cướp nước ta, một mặt bày trò độc lập, thống nhất giả hiệu, định lừa gạt dân ta. Nguyện vọng tha thiết của dân tộc ta lúc này là độc lập và thống nhất thật sự hoàn toàn. Độc lập và thống nhất không thể xin được, cũng không thể nhờ ai giành hộ. Phải tự mình đấu tranh giành lấy. Vì thế, dân tộc đã kháng chiến và phải kháng chiến đến cùng, kỳ cho tiêu diệt hết quân xâm lược.
Chủ trương kháng chiến của ta là toàn dân, toàn diện và trường kỳ. Kháng chiến của ta là chiến tranh tự vệ của một dân tộc sống về nông nghiệp, chống bọn đế quốc xâm lược có kỹ nghệ hiện đại.
Chỉ trong quá trình kháng chiến lâu dài của toàn thể dân tộc về mọi mặt, mới có thể khắc phục được khó khăn, sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm; mới có thể làm hao hụt lực lượng địch, tiến đến cân sức địch và mạnh hơn địch, có thể đánh bại địch. Vì vậy, cuộc kháng chiến phải qua ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự và tổng phản công giành thắng lợi cuối cùng.
Muốn cho toàn dân kháng chiến lâu dài về mọi mặt, chúng ta đoàn kết toàn dân, tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực; kháng chiến hóa bộ máy chính quyền, xây dựng quân đội nhân dân và mở rộng võ trang nhân dân, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển văn hóa kháng chiến của nhân dân.
Đối ngoại, chúng ta luôn luôn tìm cách bớt thù thêm bạn, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân thế giới và viện trợ của các nước.
Hiện nay, ta đã trải qua giai đoạn phòng ngự, đang ở giai đoạn cầm cự và chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng Việt Nam lúc này là đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng. Nhiệm vụ kháng chiến của dân tộc ta từ nay đến thắng lợi cuối cùng là hoàn thành việc chuẩn bị tổng phản công và tổng phản công thắng lợi.
Muốn làm tròn nhiệm vụ nặng nề đó, phải nắm vững phương châm chỉ đạo chiến tranh nhân dân. Mọi hoạt động, mọi ngành, đều hướng vào nhiệm vụ đẩy mạnh kháng chiến. Bởi vậy phải: Phối hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh kinh tế và chính trị của quần chúng. Phối hợp đấu tranh trước mặt địch với đấu tranh sau lưng địch, đấu tranh vùng tự do với vùng bị tạm chiếm. Phối hợp cuộc kháng chiến của ta với phong trào hòa bình thế giới và đặc biệt với cuộc vận động hòa bình và phản chiến của nhân dân Pháp. Phối hợp mọi tác động của quân, dân, chính dưới sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Đảng.
Đó là chiến lược quần chúng, chiến lược chiến tranh nhân dân của ta.Chiến lược đó nhận rằng: không nên coi thường vũ khí, song rốt cuộc điều kiện cơ bản quyết định thắng lợi vẫn là người, tức là nhân dân và quân đội. Vì thế đối với quân đội, phải coi trọng việc động viên chính trị thường xuyên, tiến hành công tác chính trị có theo dõi, có hệ thống; chú trọng việc cấp dưỡng, săn sóc thương binh, giúp đỡ gia đình tử sỹ. Đối với nhân dân, bảo vệ sinh mệnh tài sản của dân, cải thiện dân sinh; động viên có kế hoạch, có chừng mực và thực hành tiết kiệm, làm cho nhân dân kháng chiến dẻo dai, càng đánh càng khoẻ, tuyệt đối không làm kiệt sức của dân.
Địch biết rõ ưu điểm của ta là dân, là người. Vì thế, một mặt chúng ra sức tàn sát thanh niên trong các cuộc càn quét và vây ráp. Mặt khác chúng mở những trận giặc lúa, chúng phá hoại kho tàng, làng mạc, công xưởng, cản trở tiếp tế, cố làm cho dân và quân ta vì đói mà đuối sức, chán nản.
Để chống lại, chúng ta phải ra sức tăng gia sản xuất, chống càn quét, cướp lấy của địch bổ sung trang bị cho ta. Nhược điểm lớn của địch là người, vì thế, phải tiêu diệt sinh lực địch, tổ chức nhân dân vùng tạm bị chiếm, ráo riết địch vận, nguỵ vận.
Cuộc kháng chiến của ta còn gian khổ, còn kéo dài. Ta phải đề phòng đế quốc Mỹ trực tiếp can thiệp bằng quân sự; đề phòng chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra, nước ta sẽ thành một điểm xung yếu trong cuộc xung đột quốc tế.
Bởi vậy, phải chú trọng xây dựng và bồi dưỡng lực lượng quân sự, kinh tế, thiết thực xây dựng và củng cố căn cứ địa […]. Muốn kháng chiến thắng lợi, phải đánh bại quân xâm lược, nhưng đồng thời phải đánh bại những tư tưởng sai lầm trong bản thân ta, trong hàng ngũ dân tộc ta.
Muốn kháng chiến thắng lợi, phải tự lực cánh sinh, đồng thời tranh thủ ngoại viện, nhưng tự lực cánh sinh là chính, ngoại viện là phụ.
Nhớ rằng trường kỳ kháng chiến không phải là đoản kỳ kháng chiến. Ta còn phải đánh lâu mới thắng được địch. Song một dân tộc đoàn kết chiến đấu không hề biết sợ! Thực dân Pháp, đế quốc Mỹ hay bất cứ đế quốc nào xâm lược nước ta, ta cũng đánh!” .
Báo cáo Xây dựng Quân đội nhân dân hoàn thành chiến tranh giải phóng, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày, gồm 5 nội dung chính: Vũ trang đấu tranh trường kỳ là con đường độc lập và dân chủ. Nắm vững phương châm chiến lược. Xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh. Tích cực giúp đỡ kháng chiến của Lào và Campuchia. Kiện toàn sự chỉ đạo chiến tranh của Đảng.
Sau khi nghe, nghiên cứu và thảo luận, Đại hội ra các nghị quyết về Báo cáo chính trị; về quân sự; về công tác mặt trận và dân vận; về báo Nhân dân và thông qua Chính cương, Điều lệ, Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam.
Về Báo cáo Chính trị, Đại hội quyết nghị: Đường lối chính trị của Trung ương là Đoàn kết toàn dân kháng chiến trường kỳ, giành độc lập, dân chủ là hoàn toàn đúng đắn. Trải sáu năm qua (1945-1951), Đảng lãnh đạo kháng chiến đã thu được nhiều thắng lợi. Từ nay, Đảng cần kiện toàn thêm sự lãnh đạo kháng chiến, cần tập trung lực lượng lớn hơn nữa, để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Vì điều kiện mới của Đông Dương và thế giới nên ở Việt Nam sẽ xây dựng Đảng Lao động Việt Nam có Chính cương, Điều lệ thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam, còn ở Cao Miên và Ai Lao sẽ thành lập những tổ chức cách mạng thích hợp với hoàn cảnh hai nước đó. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các đồng chí và những tổ chức cách mạng Miên, Lào để họ lãnh đạo cuộc kháng chiến của hai dân tộc ấy giành thắng lợi cuối cùng. Ngoài ra, Đảng Lao động Việt Nam có nhiệm vụ ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á và góp sức vào công bảo vệ hòa bình dân chủ thế giới .
Nghị quyết về quân sự nêu rõ:
“1.Từ thế giới đại chiến lần thứ hai, trên 10 năm qua, Đảng ta đã nắm vững phương châm võ trang đấu tranh, đã xây dựng được một quân đội ngày càng lớn mạnh, từ du kích lẻ tẻ lúc đầu đến cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện ngày nay. Trong cuộc đấu tranh võ trang đó, đặc biệt trong sáu năm kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, người sáng lập và giáo dục Quân đội nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và của Chính phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thu được nhiều thắng lợi vẻ vang.
Đại hội hoan nghênh tinh thần hy sinh phấn đấu của quân đội và tỏ lòng biết ơn quân đội đã anh dũng xung phong trước tiền tuyến, giết giặc, cứu nước, bảo vệ dân tộc, bảo vệ chính quyền nhân dân. Đại hội nhận định cuộc kháng chiến này là một cuộc chiến tranh nhân dân, trường kỳ, gian khổ, nhưng cuối cùng nhất định thắng lợi.
2. Cuộc kháng chiến trường kỳ của Việt Nam chia làm ba giai đoạn: giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự và giai đoạn tổng phản công. Hiện nay chúng ta ở vào giai đoạn cầm cự và đang tích cực chuẩn bị để chuyển mạnh sang tổng phản công.
Phương châm chiến lược lúc này là lấy du kích chiến làm chính, vận động chiến làm phụ, nhưng phải đẩy mạnh vận động chiến tiến lên để sang giai đoạn thứ ba thì vận động chiến trở nên chủ yếu.
Nhưng do đặc điểm của chiến trường Việt Nam, chiến tranh phát triển không đều, vì vậy sự chỉ đạo chiến tranh phải dựa trên điều kiện cụ thể của mỗi chiến trường mà vận dụng phương châm thích hợp. Trong khi thực hiện phương châm trên, phải nắm vững nguyên tắc tiêu diệt chiến để bồi dưỡng lực lượng mình.
3. Để giành lấy thắng lợi hoàn toàn, để bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, Đảng ta và Chính phủ ta phải xây dựng một quân đội nhân dân mạnh mẽ, chân chính, với ba đặc điểm: dân tộc, nhân dân và dân chủ.
Đảng và Chính phủ phải tích cực xây dựng bộ đội chính quy, củng cố bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích, xây dựng Đảng và công tác chính trị trong quân đội, tích cực cải thiện sinh hoạt, đào tạo cán bộ, đặc biệt nâng đỡ cán bộ công nông, giáo dục tư tưởng, rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật, đề cao việc học tập lý luận quân sự, kết hợp với kinh nghiệm thực tế của chiến trường Việt Nam.
4. Vì Đông Dương là một chiến trường và cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp với cách mạng Miên, Lào, nên lúc này phải tích cực giúp đỡ cuộc kháng chiến Miên, Lào phát triển du kích chiến tranh, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa.
5. Để đưa kháng chiến đến toàn thắng, lúc này Đảng ta phải kiện toàn sự lãnh đạo chiến tranh, tập trung lực lượng điều động cán bộ nhiều hơn vào việc phụng sự kháng chiến, đề cao việc học tập quân sự trong toàn Đảng” .
Về công tác mặt trận và dân vận, Đại hội ra quyết nghị:
“1. Về tư tưởng cần nhận rõ chính sách mặt trận là chính sách liên minh các tầng lớp nhân dân trên nguyên tắc nhân nhượng và giúpđỡ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc và xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường .
Phải quan niệm cho đúng mục đích dân vận là làm cho Đảng đi sát quần chúng nhân dân, chính sách của Đảng và Chính phủ ăn sâu vào quần chúng nhân dân, là phát huy khả năng của nhân dân, động viên nhân nhân thi hành chính sách đó, đặng mưu lợi ích cho nhân dân.
2. Về tổ chức Mặt trận , phải hoàn thành việc thống nhất Việt Minh và Liên Việt trong toàn quốc, thực hiện một mặt trận dân tộc thống nhất duy nhất , với tính chất chặt chẽ và rộng rãi trên cơ sở liên minh công nông và lao động trí thức, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, lấy tên là “Mặt trận Liên- Việt”. Mặt trận này có Chương trình và Điều lệ mới theo tinh thần Cương lĩnh của Đảng […].
3. Muốn củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất, phải củng cố các đoàn thế nhân dân, giúp đỡ cho các Đảng bạn trong Mặt trận về giáo dục chính trị dân chủ nhân dân và phương tiện hoạt động” .
“ Để tuyên truyền chủ nghĩa và động viên đảng viên và quần chúng nhân dân thực hành chính sách của Đảng, Đại hội quyết định Đảng Lao động Việt Nam xuất bản một tờ báo, lấy tên là Nhân dân cơ quan Trung ương của Đảng”
Chính cương Đảng Lao động Việt Nam được Đại hội thông qua, xác định trong kháng chiến và ngay sau kháng chiến, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương thi hành 15 chính sách lớn để đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi và đặt cơ sở kiến thiết đất nước. Đó là các chính sách về kháng chiến, chính quyền nhân dân, Mặt trận dân tộc thống nhất, quân đội, kinh tế tài chính, cải cách ruộng đất, văn hóa giáo dục, tôn giáo, chính sách dân tộc, đối với vùng tạm chiếm, ngoại giao, đối với Miên, Lào, đối với ngoại kiều, đấu tranh cho hòa bình và dân chủ thế giới, thi đua ái quốc.
Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam được Đại hội thông qua nêu rõ: “nhiệm vụ chính của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam hiện nay là đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng, xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường, hoàn toàn thực hiện dân chủ nhân dân để đần dần tiến tới chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam cần phải có một đội tiền phong, một bộ tham mưu, một chính đảng mạnh mẽ, sáng suốt, kiên quyết, trong sạch và cách mạng triệt để” .
“Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và trí thức lao động yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng. Nó sẽ gồm những người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động; những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác- Lênin. Nguyên tắc tổ chức của Đảng là dân chủ tập trung. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật nghiêm ngặt và tự giác. Chính sách của Đảng là chính sách ích quốc lợi dân. Luật phát triển của Đảng là phê bình và tự phê bình. Nhiệm vụ chính của Đảng Lao động Việt Nam hiện nay là: Đoàn kết, lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc để tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh đổ bọn can thiệp Mỹ, đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, làm cho nước nhà độc lập và thống nhất thực sự” .
Đại hội bầu đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 uỷ viên chính thức là Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ), Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Chu Văn Tấn, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương, Trần Đăng Ninh, Hoàng Văn Hoan, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Thiện Hùng, Ung Văn Khiêm và 10 uỷ viên dự khuyết là Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Trân, Hà Huy Giáp, Hồ Sĩ Khảng, Văn Tiến Dũng, Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Chánh, Hoàng Anh .
Trung tuần tháng 3 năm 1951, Hội nghị ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất, họp quyết định Bộ Chính trị gồm 7 uỷ viên chính thức là Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh và một uỷ viên dự khuyết là Lê Văn Lương. Trường Chinh tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội lần thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình lãnh đạo, trưởng thành của Đảng. Đường lối do Đại hội vạch ra đã đáp ứng yêu cầu trước mắt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và yêu cầu lâu dài của cách mạng, đóng góp vào kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam. Đây là Đại hội đầu tiên được tổ chức trong nước, tại “Thủ đô kháng chiến” Việt Bắc, trong điều kiện chiến tranh ác liệt. “Đại hội đã quyết định những vấn đề quan hệ đến tư tưởng, hành động của hơn 73 vạn đảng viên và vận mệnh của 25 triệu nhân dân 3 nước Việt, Miên, Lào” .
Đại hội lần thứ hai của Đảng Cộng sản Đông Dương đã tiếp thêm sức mạnh trí tuệ, tinh thần, vật chất cho toàn Đảng, toàn quân và toàn thể nhân dân Việt Nam, có tác dụng quyết định đến đưa sự nhiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đến thắng lợi; Kiến quốc đến thành công mới.
Tài liệu tham khảo chính:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, 1951, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001
2. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh- trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học kinh nghiệm, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996.
3. Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Năm mươi năm hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979.
4. Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Sơ thảo lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984.
5. Ban tuyên giáo Trung ương- Tỉnh ủy Tuyên Quang, Đại hội 2 của Đảng tại Tuyên Quang, Thủ đô kháng chiến, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
6. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Tập 5, Phát triển thế tiến công chiến lược, Nxb QĐND, Hà Nội, 2014
7. Viện khoa học xã hội Việt Nam- Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam, Tập XI, Nxb Khoa học xã hội, 2017