Mục từ này cần được bình duyệt
Đại biểu nhân dân

Đại biểu nhân dân báo hằng ngày cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; kế tục các tổ chức tiền thân, mở đầu là tờ Nhật báo Quốc hội bắt đầu xuất bản từ năm 1945. Nhật báo Quốc hội(NBQH) là tờ báo duy nhất chỉ phục vụ cho mục đích phản ánh, tuyên truyền Tổng tuyển cử. Báo do Ban phụ trách Tổng tuyển cử ở Bắc Bộ xuất bản. Ông Trần Hữu Tri làm chủ nhiệm và có trụ sở tại 71 Hàng Trống, Hà Nội (là trụ sở của báo Nhân dân ngày nay).Báo được xuất bản số đầu tiên ra vào thứ hai, ngày 17 tháng 12 năm 1945. Mỗi số báo chỉ có hai trang. Số đặc biệt (số cuối cùng) ra vào ngày 06 tháng 01 năm 1946, có bốn trang.

               Măng sét báo Đại biểu nhân dân (Ảnh ĐCN)

NBQH chỉ ra trong kỳ Tổng tuyển cử, với mục đích: 1) Định rõ giá trị cuộc Tổng tuyển cử đối với nước ngoài và trong nước; 2) Giải thích thể lệ Tổng tuyển cử cho công dân Việt Nam hiểu quyền và bổn phận của mình khi chọn và cử người đại biểu vào Quốc hội; 3) Giúp Ứng cử viên có một cơ quan vận động chung để giới thiệu khả năng và chương trình hoạt động của mình.

NBQH đã đăng: Thư gửi Cụ Hồ (số 6); Bức thư của Hồ Chủ Tịch gửi đồng bào Việt Nam ở Lào và Xiêm (số 14); Số đặc biệt đăng lời hiệu triệu toàn dân đi bầu cử của Cụ Hồ Chí Minh. Cũng ở số đặc biệt này Báo đăng trả lời phỏng vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ngày Tổng tuyển cử.

Đến ngày 06.01.1946, kết thúc Tổng tuyển cử, NBQH ra được 15 số, và đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.Hiện nay, Bảo tàng Báo chí Việt Nam có đủ 15 số báo NBQH.

Tạp chí Người đại biểu nhân dân (NĐBND)là ấn phẩm báo chí đầu tiên của khối Báo chí Quốc hội ngày nay. Tiền thân của tạp chí NĐBNDlà tờ Thông tin Quốc hội chủ yếu đăng các văn kiện, tài liệu của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Đối tượng chính phục vụ là các đại biểu Quốc hội. Theo yêu cầu của nhiều đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng Nhà nước khóa VIII đã quyết định đổi tên tờ Thông tin Quốc hội thành Tập san Người đại biểu nhân dân, cơ quan ngôn luận của các cơ quan dân cử trong cả nước và phát hành rộng rãi phục vụ đông đảo bạn đọc. Lúc đầu báo dự kiến lấy tên làTiếng dân hoặc Dân nguyện,nhưng Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã chốt phương án trình Hội đồng Nhà nước lấy tên là tạp chí Người đại biểu nhân dân (NĐBND).

Tạp chí NĐBND xuất bản số đầu tiên vào tháng 10 năm 1988, số cuối cùng vào tháng 12 năm 2001, lúc đầu định kỳ một quý hai số, sau tăng dần lên một tháng ba số. NĐBND có chức năng nghiên cứu, thống nhất hướng dẫn những vấn đề cơ bản của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; tuyên truyền phổ biến các Nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; thông tin và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; phản ánh những ý kiến, những thắc mắc, nguyện vọng và đóng góp xây dựng của cử tri; giới thiệu các tư liệu trong nước và thế giới về tổ chức hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử. Tạp chí NĐBNDđã phản ánh sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.Hiện tại 162 số Tạp chí NĐBND với 5.094 trang đã được hiến tặng cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Ngày 20 tháng 12 năm 2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã ra Nghị quyết số 277/NQ/UBTVQH10 chuyển tạp chí Người đại biểu nhân dân thành báo Người đại biểu nhân dân (NĐBND).BáoNĐBND ra số đầu tiên vào ngày 01 tháng 01 năm 2002, định kỳ hằng tuần. Từ tháng 6 năm 2002 báo ra ba kỳ/tuần; từ tháng 01 năm 2004 xuất bản sáu kỳ/tuần và từ 01 tháng 01 năm 2006,báo ra hằng ngày.Tháng 6 năm 2006, trang Thông tin điện tử của báo NĐBND đi vào hoạt động và ngày 06 tháng 01 năm 2009, Báo điện tử NĐBND ra mắt công chúng.

Báo NĐBND là tiếng nói của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Sự ra đời của NĐBND đánh dấu bước phát triển của công tác báo chí ở Quốc hội. Từ đây, khối báo chí Quốc hội đã hình thành, với các loại hình: báo in, báo điện tử và tờ tạp chí Nghiên cứu Lập pháp.

Tại phiên họp thứ 17, ngày 25.2.2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XII) đã xem xét, thông qua chủ trương chuyển báo NĐBND thành báo Đại biểu nhân dân (ĐBND). Ngày 27.8.2009, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 về việc nâng cấp và đổi tên báo NĐBND. Nghị quyết nêu rõ: "Điều 1. Nâng cấp và đổi tên Báo Người đại biểu nhân dân: 1. Nâng cấp Báo Người đại biểu nhân dân từ báo loại II lên báo loại I. 2. Đổi tên Báo Người đại biểu nhân dân thành Báo Đại biểu nhân dân" Ngày 16.10.2009, Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã ký duyệt măng sét báo ĐBND, phía trên, bên phải cạnh măng sét báo là dòng chữ: “Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri”. Ngày 20.10.2009, báo ĐBND xuất bản số1.

Sau hơn mười năm nâng cấp và đổi tên, báo ĐBND đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những tờ báo chính trị lớn của đất nước, thu hút sự quan tâm của độc giả. Báo giữ vững bản sắc là tờ báo duy nhất của cơ quan dân cử, phản ánh tiếng nói của đại biểu và cử tri cả nước.

Hiện ngoài ấn phẩm ĐBND ra hằng ngày, báo còn có Báo điện tử ĐBND cập nhật thông tin thường xuyên. Từ năm 2016, ấn phẩm ĐBND Dân tộc thiểu số và miền núi phát hành hằng tuần theo đặt hàng của Chính phủ. Báo còn tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động xã hội - từ thiện, thu hút sự quan tâm của cử tri và bạn đọc trong cả nước. Hằng năm, báo ĐBND tổ chức Hội nghị cộng tác viên toàn quốc với nòng cốt là thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong cả nước, xây dựng nhịp cầu nối với các cơ quan dân cử địa phương, thể hiện bản sắc của tờ báo gắn bó mật thiết với đại biểu và các cơ quan dân cử.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. 60 năm Quốc hội Việt Nam, Nhà xuất bản Thông tấn, tháng 12.2005.
  2. Hồ sơ lưu trữ về phiên họp của Hội đồng Nhà nước, xem xét cho ý kiến thành lập Tạp chí Người đại biểu nhân dân - Phòng Lưu trữ, Vụ Hành chính, Văn phòng Quốc hội.
  3. Quyết định số 96/HĐNN 8 ngày 05.10.1988 về thành lập Tạp chí Người đại biểu nhân dân - Phòng Lưu trữ, Vụ Hành chính. Văn phòng Quốc hội.
  4. Hồ sơ lưu trữ phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa X) - Phòng Lưu trữ, Vụ Hành chính Văn phòng Quốc hội.
  5. Nghị quyết 277/NQ/UBTVQH10 ngày 20.12.2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa X) về việc chuyển Tạp chí Người đại biểu nhân dân thành báo Người đại biểu nhân dân. Phòng Lưu trữ, Vụ Hành chính Văn phòng Quốc hội.
  6. Nghị quyết số 816/2009/UBTVQH12 ngày 27.8.2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nâng cấp và đổi tên Báo Người đại biểu nhân dân - Phòng Lưu trữ, Vụ Hành chính Văn phòng Quốc hội.
  7. 50 năm Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam xuất bản tháng 2.2000.