Đại Minh là triều đại cai trị ở Trung Quốc do Chu Nguyên Chương sáng lập, trải qua 16 đời vua, tồn tại trong 276 năm (từ năm 1368 đến năm 1644).
Nguồn gốc tên gọi[sửa]
Về tên gọi: nguồn gốc tên gọi có nhiều giả thuyết khác nhau, dù cơ bản đều nhìn nhận chữ “Minh” có liên quan đến yếu tố tôn giáo. Có giả thuyết cho rằng, quốc hiệu ĐM bắt nguồn từ Minh giáo, song cũng có quan điểm cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ Bạch liên giáo mà gốc ban đầu chính là Phật giáo. Giả thuyết này cho rằng Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương có một bộ phận thủ hạ là người của Minh giáo nên dùng chữ “Minh” làm quốc hiệu để biểu thị sự nhất thống địa vị, đồng thời cũng dùng thuật ngữ “Minh vương xuất thế” sấm truyền để tập hợp lực lượng. Ý kiến khác còn cho rằng quốc hiệu ĐM xuất phát từ “Chu dịch, quẻ càn, tượng” với cụm từ “Đại Minh chung thủy”, cùng với quốc hiệu của nhà Nguyên xuất phát từ một điển, tượng trưng cho việc thay thế một cách chính thống của vương triều Minh với triều Nguyên.
Lãnh thổ[sửa]
Dưới triều Minh, lãnh thổ quốc gia đã bao quát khu vực phía nam Vạn Lý Trường Thành và tỉnh Liêu Ninh hiện nay. Trong những năm đầu, quyền tông chủ của nhà Minh mở rộng đến biển Nhật Bản, Ngoại Hưng An Lĩnh (tức dãy núi Stanovoy thuộc lưu ở phía Đông Nam thuộc vũng viễn đông của Nga) và lưu vực Hắc Long Giang, sau đó bị thu hẹp còn ở khu vực sông Liêu ở miền Nam Mãn Châu. Triều Minh từng đặt cơ cấu kimi tại Đông Bắc Trung Quốc ngày nay, phía Đông Tân Cương và có thể cả khu vực Tây Tạng.
Kinh đô và đơn vị hành chính[sửa]
Năm 1368, Chu Nguyên Chương sau khi tiêu diệt các thế lực quần hùng, tại phủ Ứng Thiên đăng cơ, sáng lập ra vương triều ĐM. Do hoàng thất họ Chu, nên nhà Minh còn được gọi là Chu Minh. Giai đoạn đầu của vương triều, vua Minh Thái Tổ chọn định đô tại phủ Ứng Thiên (nay là Nam Kinh). Đến năm Vĩnh Lạc thứ 19 (1421), vua Minh Thành Tổ Chu Đệ dời đô đến Bắc Kinh, kinh sư cũ đổi thành Nam Kinh. Kinh đô mới được thi công trong 14 năm (từ năm 1407 đến năm 1420), với sự tham gia hàng triệu nhân công và được xây dựng từ những vật liệu cao cấp như gạch Tô Châu, ngói men ngọc An Huy, đá quý Phòng Sơn, gỗ quý Phương Nam...Trung tâm của Bắc Kinh là khu vực Tử Cấm Thành với một tổ hợp gồm 980 tòa nhà dùng làm nơi sinh sống và thiết triều của vua và hoàng tộc.
Để thực hiện quản lí hành chính, nhà Minh đã bãi bỏ chế độ hành tỉnh thời Nguyên và thi hành chế độ Thừa tuyên bố chính sứ ty. Cả nước được chia làm Lưỡng kinh (Bắc Kinh và Nam Kinh) cùng với 13 Thừa tuyên bố chính sứ ty. Ở mỗi bố chính ty lại thiết lập chế độ Tam ty gồm Đô chỉ huy sứ ty, Thừa tuyên bố chính sứ ty và Đề hình án sát sứ ty cùng phân chia quyền lực để quản lí công việc. Bên cạnh đó, triều Minh đã lập chế độ lí giáp. Theo quy định, cứ 10 nhà họp thành một giáp, 11 giáp (110 nhà) họp thành một lí. Mỗi lí cử ra một giáp trưởng luận phiên nhau quản lí, sau mười năm hết một vòng sẽ trở lại như cũ.
Chính trị[sửa]
Vương triều đã đánh dấu sự phát triển cao độ của bộ máy chuyên chế trung ương tập quyền. Sau khi bình định thiên hạ, Minh Thái Tổ đã ban thưởng chức tước và bổng lộc hậu hĩnh cho các đại công thần. Tuy nhiên, do tính cách đa nghi và cũng để gây dựng nền tảng vững chắc cho hoàng tộc họ Chu, Minh Thái Tổ đã lần lượt thảm sát các công thần từng vào sinh ra tử với mình từ thủa cơ hàn. Minh Thái Tổ lấy tội danh chuyên quyền của Tể tướng Hồ Duy Dung để thanh trừng quyền thần, khiến số người liên lụy lên đến hơn ba vạn người. Đại tướng quân Lam Ngọc cũng bị kết tội danh ngông cuồng hống hách kéo theo một vạn năm nghìn người đã bị xử tru di. Cùng với “Không ấn án” và “Quách Hoàn án” sau đó, “Hồ Duy Dung án” và “Lam Ngọc án” đã tạo thành tứ đại hình án dưới thời Minh. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy tính tập quyền chuyên chế của hoàng đế thực sự lớn. Bên cạnh đó, Minh Thái Tổ phế bỏ chế độ Tể tướng, thiết lập một loạt các cơ quan thanh tra, giám sát quan lại và cơ quan đặc vụ làm nhiệm vụ như “tai mắt” của hoàng đế (như Đô sát viện, Lục khoa, Cẩm y vệ...) để xử tội quan lại phạm pháp.
Với chủ trương đề cao tư tưởng về tam cường, ngũ thường trong Nho giáo và thực hành “trọng điển trị lại”, Minh Thái Tổ đã cho soạn thảo Đại Minh luật và ban hành Đại cáo để làm công cụ trừng phạt hành vi phạm tội của những kẻ chống đối. Ông cũng là một trong những vị vua thực hiện chính sách phòng chống tham quan ô lại khốc liệt nhất trong lịch sử Trung Quốc. Những việc làm từ thời Minh Thái Tổ đã xác lập quyền lực tập trung cao độ chưa từng có của hoàng đế. Bộ máy chính quyền và điển chế thời Minh Thái Tổ được xem như mẫu mực của triều đại trong nhiều đời vua sau.
Dưới thời Minh, tổ chức và quy chế hoạt động của Lục bộ và các cơ quan hành chính ở tự, sảnh, viện đều được hoàn thiện. Từ thời Minh Thành Tổ, hoàng đế đã cho thành lập một cơ quan mới là Nội các để giúp hoàng đế quản lý Lục bộ và các sự kiện quan trọng của triều đình. Về sau, quyền lực của Nội ngày càng lớn, có quyền bổ nhiệm quan viên, kiểm soát ngân khố và thậm chí là điều động quân đội. Người đứng đầu Nội các đều là các trọng thần có quyền hành rất lớn như Nghiêm Tung, Trương Cư Chính...
Quân đội thời Minh nằm dưới quyền quản lí và điều khiển của Binh bộ và Đô đôc phủ. Các võ quan đa số là cha truyền con nối, được triều đình cấp phát đồn điền để hưởng lợi. Quân lính cũng được cấp ruộng để trồng trọt, mỗi năm phải luyện tập một thời gian, khi có việc thì sẽ được huy động chiến đấu. Nhìn chung, quân đội dưới thời Minh không mạnh, sức chiến đấu không cao.
Kinh tế[sửa]
Dưới thời Minh, ngạch thuế thứ gồm thuế điền và thuế đinh. Minh Thái Tổ đã cho đo lại ruộng đất, lập sổ điền, kiểm tra lại dân số, lập số đinh để quản lí nhận khẩu, ruộng đất và thu thuế. Mỗi năm nhà nước thu thuế làm hai kỳ, trong đó thuế điền nộp bằng tiền hay lụa, thay lúa; thuế đinh dành cho con trai từ 16 tuổi trở lên được cho làm tạp dịch (làm xâu) hoặc đóng thuế thay thế. Cuối thời Minh, do ngân khố thiếu thống, triều đình đã gia tăng mức thuế, khiến cho đời sống nhân dân càng thêm khổ cực.
Trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nhà Minh đã có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất. Triều đình kêu gọi nhân dân khai khẩn đất hoang, cho họ có quyền sở hữu đất đai vĩnh viễn và không đánh thuế; kêu gọi dân lưu tán hồi hương, cấp cho ruộng hoang, ban phát bò cày, nông cụ, thóc giống, lương thực để họ vượt qua những khó khăn ban đầu. Nhà nước còn chú ý tới vấn đề thủy lợi, giảm nhẹ thuế khóa, cứu tế cho nhân dân những nơi bị mất mùa.
Trong lĩnh vực thủ công nghiệp, nhiều nghề sản xuất truyền thống, đặc biệt là rèn sét, đóng thuyền dưới thời Minh đã có sự phát triển mạnh. Đến thế kỷ XVI, các công xưởng thủ công sản xuất theo phương thức tư bản chủ nghĩa đã xuất hiện trong các nghề dệt, làm giấy, làm đồ sứ, luyện sắt.
Trong lĩnh vực thương nghiệp, nhà Minh thực thi chính sách “hải cấm”. Dưới thời kỳ này, chỉ những quốc gia gửi thuyền triều cống mới được phép buôn bán với Trung Quốc. Chính quyền nhà Minh mở ba cảng biển truyền thống (Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang, Tuyền Châu ở tỉnh Phúc Kiến và Quảng Châu ở tỉnh Quảng Đông) với mục đích kiểm soát hoàn toàn hoạt động thương mại triều cống. Chính sách này được duy trì đến tận cuối triều đại mới bị bãi bỏ.
Văn hoá[sửa]
Các học thuyết và tôn giáo truyền thống như Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo vẫn đóng vai trò chủ đạo trong đời sống tôn giáo dưới thời nhà Minh. Đặc biệt, sự hình thành học thuyết Tân Nho giáo với thuyết “tâm học” Vương Dương Minh đã đưa tư tưởng Nho giáo phát triển sang một giai đoạn mới. Trong khi đó, các tôn giáo khác như Hồi giáo, Cơ đốc giáo cũng có ảnh hưởng nhất định trong xã hội dù không được triều đình ủng hộ, thậm chí còn có sự cấm đoán.
Trong văn học, các tác phẩm nổi tiếng nằm trong “Tứ đại danh tác” của Trung Quốc như Thủy hử và Tây du ký đã được biên tập, in ấn thành quyển trong thời kỳ này.
Thời Minh cũng để lại dấu ấn nổi bật trong nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc. Bên cạnh Tử Cấm Thành, Minh Hiếu lăng và Thập Tam lăng là những công trình thể hiện sự tài hoa của những người thợ xây dựng thời Minh gắn với quy mô đồ sộ, nguy nga, tráng lệ trong kiến trúc tổng thể và sự tỉ mỉ về kỹ xảo trong các họa tiết điêu khắc.
Trong lĩnh vực biên soạn bách khoa và sử tập, bộ Vĩnh Lạc đại điển gồm 22.877 cuộn, được chia thành 11.095 tập với tổng số 50 triệu chữ được coi là một trong những bộ bách khoa toàn thư đầu tiên, có quy mô đồ sộ nhất trên thế giới.
Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực khoa học khác cũng đạt được một số thành tựu nổi bật với các công trình như Thụ thời lịch về nông lịch của Quách Thủ Kính; Nông chỉnh toàn thư về nông học của Từ Quang Khải; Thiên công khai vật về cơ khí học của Tống Ứng Tinh; Hỏa long kinh về thuốc súng của Tiêu Ngọc và Lưu Bá Ôn; Bản thảo cương mục về y học của Lý Thời Trân...
Những bước ngoặt thịnh, suy trong quá trình phát triển[sửa]
Vương triều Minh được coi là “thời đại của những mâu thuẫn” với sự phát triển thăng trầm trong suốt gần 300 năm. Đầu thời Minh, các chính sách ổn định triều cương, cải cách hành chính, quân sự và phục hồi kinh tế của Minh Thái Tổ đã từng bước giúp vương triều khôi phục nhanh chóng, tạo ra thời kỳ “Hồng Vũ chi trị”. Sau khi Thái Tổ qua đời, nội bộ vương triều đã xảy ra sự kiện “Tĩnh Nan chi biến” gắn liền với cuộc tranh đoạt quyền lực của Minh Huệ Tông Chu Doãn Văn và Yên Vương Chu Đệ (sau là Minh Thành Tổ). Dưới thời Minh Thành Tổ nắm quyền, vị thế quốc gia của triều Minh đã phát triển mạnh mẽ. Triều đình nhà Minh còn phái khiển Trịnh Hòa bảy lần hạ Tây Dương, tạo ra giai đoạn “Vĩnh Lạc thịnh thế”. Sau đó, thời kỳ Nhân Tông và Tuyên Tông cũng là thời hưng thịnh, được gọi là “Nhân Tuyên chi trị”.
Tuy nhiên, đến thời kỳ Anh Tông và Cảnh Thái Đế, trải qua “Thổ Mộc chi biến”, thế nước lại suy yếu. Sự thất bại nặng nề của quân đội nhà Minh trước đội quân của bộ tộc Oirat (Ngõa Lạt) Mông Cổ trong sự biến Thổ Mộc bảo đã đánh dấu sự thay đổi cán cân quyền lực ở biên giới phía bắc Trung Quốc giữa nhà Minh và các bộ tộc gốc Mông Cổ. Ở giai đoạn sau khi hoàng đế Thế Tông đăng cơ, cuộc tranh đoạt quyền lực giữa bộ phận hoạn quan và quyền thần lại diễn ra. Thời Gia Tĩnh, hoàng đế tổng quản triều cương, thực hành cải cách, song về sau lại không quan tâm đến triều chính. Sau khi Minh Thế Tông từ trần, trải qua Long Khánh tân chính và Vạn Lịch trung hưng, thế nước lại được khôi phục. Trung kỳ thời Thần Tông, hoàng đế dần xa rời triều chính, được sử sách gọi là giai đoạn “Vạn Lịch đãi chính”, khiến cho chính trị thời Minh mạt rời vào hỗn loạn. Thời Hy Tông (tức hoàng đế Sùng Trinh), hoạn quan nhiễu loạn triều chính, triều cương đổ nát. Trước sự bùng phát của nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, trong đó có khởi nghĩa của Lý Tự Thành, hoàng đế Sùng Trinh buộc phải thắt cổ tự vẫn, để triều đình nhà Minh sụp đổ vào năm 1644. Sau khi kết thúc sự cai trị với tư cách là một triều đại độc lập, thế lực của con cháu nhà Minh vẫn còn tồn tại, tiếp tục lập ra chính quyền Nam Minh rồi chính quyền họ Trịnh với mục đích “phản Thanh phục Minh”. Tuy nhiên, khi vương triều Thanh chiếm được Đài Loan, những tàn dư của chính quyền Nam Minh đã hoàn toàn kết thúc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Trung Quốc, Nxb. Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006.
- Frederick W. Mote, Denis Twitchett, The Cambridge History of China, Vol. 7, The Ming Dynasty, 1368-1644, Part I, Cambridge University Press, 2008 (Frederick W. Mote, Denis Twitchett, Lịch sử Trung Quốc (sách của Đại học Cambridge), tập 7, Vương triều Minh, 1368-1644, phần 1, Nxb. Đại học Cambridge, 2008).
- 高阳,《明朝的皇帝》,广西师范大学出版社,广西,2006年版 (Cao Dương, Hoàng đế triều Minh, Nxb. Đại học Sư phạm Quảng Tây, Quảng Tây, 2006).
纪江红主编,《中国通史》, 北京电子音像出版社,北京,2012年版 (Kỷ Giang Hồng chủ biên, Thông sử Trung Quốc, Nxb. Âm tượng điện tử Bắc Kinh, Bắc Kinh, 2012).
- 景锋,李金玉,《正说明朝三百年》,中国国际广播出版社,北京,2005版 (Tôn Cảnh Phong, Lý Kim Ngọc, Chính thuyết Minh triều 300 năm, Nxb. Phát thanh Truyền hình Quốc tế Trung Quốc, Bắc Kinh, 2005).
- 吴晗,《朱元璋传》,百花文艺出版社,天津,2000年版 (Ngô Hàm, Chu Nguyên Chương, Nxb. Văn nghệ Bách Hoa, Thiên Tân, 2000).