(A. National railways, vt. ĐSQG)
Đường sắt phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế.
ĐSQG có lịch sử phát triển từ thế kỷ 16 khi đường ray gỗ được sử dụng ở Anh. Năm 1760, đường ray gỗ được bọc gang. Khoảng năm 1800, ray có gối đỡ tự do, được đỡ ở hai đầu bằng các tấm gang đặt trên tà vẹt gỗ được sử dụng. Bánh xe sắt có gờ làm nhiệm vụ dẫn hướng được áp dụng cho đến ngày nay. Năm 1804, kỹ sư người Anh Richard Trevithick chế tạo ra đầu máy hơi nước. Năm 1814, George Stephenson chế tạo ra đầu máy hơi nước có nồi hơi dạng ống đầu tiên. Năm 1825, George Stephenson chủ trì xây dựng tuyến đường sắt chở khách đầu tiên trên thế giới dài 21 km từ Darlington đến Stockton ở Anh. Ngày nay mạng lưới ĐSQG đã phát triển đa dạng trên toàn thế giới, nhanh chóng được điện khí hóa. Ở Việt Nam, tuyến ĐSQG đầu tiên là tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho được xây dựng năm 1881 dài 71km. Tuyến đường sắt xuyên Việt bắt đầu được khai thác năm 1936. Đến nay, mạng ĐSQG Việt Nam gồm 7 tuyến chính nối liền 35 tỉnh thành do Nhà nước làm chủ sở hữu, tổ chức khai thác vận hành.
Hình 1: ĐSQG Việt Nam
ĐSQG bao gồm đường sắt chạy tàu hàng, tàu khách hoặc chạy hỗn hợp cả tàu hàng và tàu khách. Khổ đường áp dụng gồm có khổ tiêu chuẩn (khổ 1435mm), khổ hẹp (khổ 1000mm) và khổ rộng (lớn hơn 1435mm). Ngoài ra còn có đường sắt lồng khổ 1435mm với khổ 1000mm. Tuyến đường sắt có thể là đường đơn hoặc đường đôi. Với xu hướng hội nhập phát triển, khổ đường tiêu chuẩn dần thay thế các khổ đường khác, đường đôi dần thay thế đường đơn.
Dựa vào các tiêu chí kỹ thuật, trong đó quan trọng nhất là vận tốc thiết kế, ĐSQG Việt Nam được phân chia thành các cấp kỹ thuật khác nhau:
- Khổ 1435mm: ĐSQG gồm năm cấp: tốc độ cao có tốc độ thiết kế 350km/h, cận tốc độ cao có tốc độ thiết kế 200km/h, cấp 1 có tốc độ thiết kế 150km/h, cấp 2 có tốc độ thiết kế 120km/h và cấp 3 có tốc độ thiết kế 70km/h.
- Khổ 1000mm: ĐSQG gồm ba cấp: cấp 1 có tốc độ thiết kế 120km/h, cấp 2 có tốc độ thiết kế 100km/h và cấp 3 có tốc độ thiết kế 60km/h.
- Lồng khổ 1435mm với khổ 1000mm (gọi tắt là đường lồng): ĐSQG gồm ba cấp: cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Tiêu chuẩn kỹ thuật các cấp giống như tiêu chuẩn kỹ thuật của khổ đường 1435mm cấp tương ứng. Khổ đường 1000mm trên đường lồng không phân chia cấp. Tốc độ giới hạn chạy tàu được xác định theo thông số kỹ thuật thực tế của khổ đường 1000mm.
ĐSQG dùng hai loại kết cấu cơ bản là kết cấu có lớp đá ba lát và kết cấu không có lớp đá ba lát. Kết cấu không có ba lát chạy tàu ổn định hơn nhất là khi tốc độ chạy tàu cao, vì vậy được áp dụng phổ biến cho đường sắt tốc độ cao.
Hạ tầng kỹ thuật ĐSQG gồm các bộ phận chính như: kết cấu tuyến đường sắt (ray, ghi, tà vẹt, phụ kiện nối giữ ray, lớp đá ba lát, nền đường và các công trình dọc tuyến như cầu, cống, hầm, tường chắn, rãnh thoát nước), công trình và thiết bị thông tin tín hiệu dọc tuyến, ga, đề-pô. Phương tiện chạy trên ĐSQG là đoàn tàu gồm đầu máy, toa xe kèm các thiết bị phụ trợ trên tàu.
Tài liệu tham khảo
[1]. Luật đường sắt số 06/2017/QH14, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, 2017;
[2]. Cục Đường sắt Việt Nam, Tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam TCVN 8893:2011 Cấp kỹ thuật đường sắt, Bộ Khoa học và Công nghệ, 2011.
[3]. Phạm Văn Ký, Lê Hải Hà, Nguyễn Hữu Thiện, Mai Tiến Chinh, Phạm Duy Hòa, Thiết kế tuyến đường sắt đô thị, Nxb. Xây Dựng, 2017.
[4]. Coenraad Esveld, Modern Railway Track, TUDelft, 2001.
[5]. Technical Regulatory Standards on Japanese Railways (Civil Engineering), Ministry of Land, Infrastructure, Transport, and Tourism, Tokyo, 2002.