Đường quân sự là đường bộ dùng vào mục đích quân sự như cơ động, triển khai lực lượng; vận chuyển thương binh, bệnh binh ra khỏi khu vực tác chiến; vận chuyển hàng quân sự phục vụ và bảo đảm chiến đấu...
Đường quân sự có thể là đường sẵn có (trong mạng lưới giao thông quốc gia) hoặc được làm mới theo yêu cầu tác chiến. Theo hướng, có: đường dọc, đường ngang. Theo cấp sử dụng, có: đường chiến lược, đường chiến dịch, đường chiến thuật hay đường quân đoàn, sư đoàn, trung đoàn... Theo tác dụng, có: đường chính (đường trục), đường phụ. Theo tính chất cơ động, có: đường cho xe bánh lốp, đường cho xe xích, đường hỗn hợp chung cho cả 2 loại xe. Theo chất lượng kỹ thuật, có: Đường quân sự tiêu chuẩn, Đường quân sự dã chiến.
Đường quân sự do bộ đội công binh đảm nhiệm xây dựng và bảo dưỡng, khi cần có thể huy động thêm các lực lượng khác tham gia (bộ binh, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong hoặc ngành giao thông dân sự...). Trong thời chiến, Đường quân sự làm gấp thường được tổ chức thi công nhanh và sử dụng trong thời gian ngắn để phục vụ cho các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ chiến đấu. Để đảm bảo thời gian và số lượng cần thiết, có thể tận dụng các đường sẵn có ở khu vục đó (đường lâm nghiệp, đường địa phương...) và sửa chữa, cải tạo thêm theo yêu cầu và tính chất cơ động của các loại phương tiện quân sự hoạt động tại đó. Trong Kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã xây dựng hệ thống Đường quân sự nổi tiếng là đường Trường Sơn, cg “Đường mòn Hồ Chí Minh” với tổng chiều dài 16.790 km dọc theo dãy Trường Sơn, gồm 5 trục dọc và 21 trục ngang ở cả sườn phía đông và phía tây; đường giao liên bộ dài hơn 3.000 km, đường ống dẫn xăng dầu dài 1.400 km, đường thông tin liên lạc hữu tuyến dài 14.000 km... Trong 16 năm (1959-75), đường Trường Sơn đã bảo đảm vận chuyển hơn 1,4 triệu tấn vũ khí và vật chất, hơn 2 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân qua lại… góp phần quan trọng cho chiến thắng của quân và dân ta trong Kháng chiến chống Mỹ. Để bảo đảm hoạt động cho tuyến đường này, ta đã huy động lực lượng công binh và thanh niên xung phong xây dựng và sửa chữa các cung đường, lực lượng vận tải (ô tô, xe thồ, gùi bộ, đường sông) và lực lượng phòng không đánh trả không quân Mỹ bảo vệ giao thông, lực lượng bộ binh truy quét biệt kích, thám báo, rà phá các loại khí tài trinh sát điện tử của địch ném xuống... Lúc đầu lực lượng chỉ có một tiểu đoàn (440 người), tới 1970 đã phát triển thành binh đoàn (Đoàn 559) với 5 Bộ Tư lệnh khu vực và gần 30 binh trạm, hàng chục tiểu đoàn binh chủng và chuyên môn, quân số lên tới 90.000 người (1975).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ tư lệnh, Công binh, Lịch sử Công binh Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1991
- Tổng cục kỹ thuật, Đặc trưng công nghệ vũ khí trang bị kỹ thuật các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua các thời kì cách mạng, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1994
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.