Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đình làng
Tòa đại đình của Đình La Xuyên, Ý Yên, Nam Định
Khuôn viên đình làng Vĩ Dạ, Huế
Cổng tam quan vào Đình Thổ Hà, Bắc Giang
Đình Đình Bảng - Từ Sơn - Bắc Ninh

Chất tạo ngọt là công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân. Ngay từ khi ra đời đình làng đã gắn bó với làng quê và dần dần trở thành biểu tượng của làng quê, thể hiện nét đặc sắc của văn hoá làng Việt Nam.

Lịch sử[sửa]

Đình làng chính thức xuất hiện trong không gian làng từ bao giờ và dựa trên cơ sở nào cho đến nay vẫn là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Một số kết quả nghiên cứu từ các thư tịch cổ (chẳng hạn Đại Việt sử ký toàn thư) cho biết, từ thời Trần Việt Nam đã xuất hiện đình trạm mà nhiều người cho rằng là tiền thân của đình làng sau này. Theo một số văn bia còn lưu lại (ví như bia ở đình Thanh Hà nay thuộc phố ngõ Gạch, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đề năm 1433) thì đình làng đã có từ thời Lê Sơ (đầu thế kỉ XV). Về nguồn gốc đình làng, có ý kiến cho rằng, đình vốn là hành cung của vua, được xây dựng dành cho vua khi đi tuần thú, sau mới thành đình làng; có ý kiến chỉ ra việc vào thời Lý ở Thăng Long, phương đình được xây dựng để có không gian công cộng dán các thông báo của chính quyền, hoặc là nơi người ta tuyên đọc các văn bản chính sách của nhà vua. Sau này, dạng phương đình như vậy xuất hiện nhiều ở các làng với chức năng như trụ sở hành chính của làng; có ý kiến lại đoán định đình làng có thể bắt nguồn từ các kiến trúc thờ thần đất và thần nước đã sẵn có ở các làng quê.

Mặc dù có nhiều ý kiến như vậy song qua tư liệu cổ, nhất là văn bia, có thể biết được rằng đến thời Mạc (thế kỷ XVI), một số ngôi đình đã trở thành kiến trúc công cộng của làng xã, ví như: đình Thụy Phiêu, Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), đình Lỗ Hạnh, Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang). Thời kỳ này Nho giáo phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, xã hội được tổ chức lại, các làng quê gắn bó với triều đình hơn về chính trị, kinh tế và văn hoá, tất cả những điều đó tạo điều kiện cho tín ngưỡng thờ Thành hoàng của Trung Hoa du nhập vào các làng xã và gắn kết với ngôi đình làng khiến cho ngôi đình làng đảm nhiệm thêm chức năng nghi lễ, nơi diễn ra các thực hành thờ cúng Thành hoàng làng. Theo các ghi chép của các giáo sĩ phương Tây khi đến truyền đạo ở Việt Nam (như Alexandre de Rodes trong cuốn Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài ) và các tài liệu nghiên cứu của nhiều học giả Việt Nam đầu thế kỷ XX (như Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp,…) thì sang đến thế kỷ XVII, đình làng và việc thờ Thành hoàng làng tại đình đã rất phổ biến ở khắp các làng quê của Việt Nam. Nửa cuối thế kỷ XVII được xem là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các ngôi đình làng với rất nhiều ngôi đình được xây dựng. Sang đến thế kỷ XVIII việc xây đình ít hẳn và việc dựng đình làng sôi nổi trở lại vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) với rất nhiều ngôi đình lớn được dựng (ví như đình An Đông, Quảng Ninh với các cột cái có đường kính 105cm, đình Tam Tảo, Bắc Ninh,…) và các ngôi đình làng được dựng trên khắp cả nước, từ miền xuôi đến miền núi mà không còn chỉ tập trung ở một số vùng. Sự phổ biến của ngôi đình làng đã khẳng định vị thế của ngôi đình trong không gian làng quê và ngôi đình trở thành một thực thể văn hoá của cộng đồng. Sang thế kỷ XX, đình làng có nhiều biến động do đất nước có chiến tranh, nhiều ngôi đình phải dỡ bỏ để tiêu thổ kháng chiến hoặc trở thành những địa điểm phục vụ kháng chiến, sau đó xã hội trải qua một giai đoạn có những nhìn nhận chưa đúng về vai trò và ý nghĩa của ngôi đình làng nên nhiều ngôi đình bị phá hoặc chuyển chức năng thành lớp học, nhà kho, nhà ở,…Cho đến tận cuối những năm 70, 80 các ngôi đình mới được phục hưng mạnh mẽ và dần dần trở lại với đúng vai trò và ý nghĩa của nó trong đời sống của cộng đồng làng.

Kiến trúc[sửa]

Thông thường mỗi làng có một ngôi đình. Đình thường được dựng trên thế đất khang trang, rộng rãi, phía trước mặt không có vật cản, phía sau và hai bên có thế tựa, thế tỳ. Đình thường ở bìa làng, gần đường cái, thuận tiện cho đi lại. Trước đình thường có hồ/ao nước, có cây cổ thụ (cây đa, cây bàng, cây gạo,..) tạo vẻ tự nhiên và thâm trầm cho ngôi đình. Đình thường quay hướng nam, một số ít đình quay hướng Tây, sân đình rộng rãi phục vụ cho các sinh hoạt cộng đồng và sinh hoạt tâm linh của dân làng. đình làng là công trình kiến trúc bề thế trong không gian làng quê.

Kiến trúc đình làng mang đậm dấu ấn văn hóa, độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc điêu khắc gỗ Việt Nam truyền thống. Các ngôi đình cổ thường có kiến trúc theo hình chữ Nhất ba gian hai chái, đa số các đình đều có sàn đình. Đình thường được dựng theo dạng bốn hoặc sáu hàng chân, với hai hàng cột cái, hai hàng cột quân hoặc thêm hai hàng cột hiên bao quanh. Kiến trúc ngôi đình truyền thống như vậy có sự thay đổi theo thời gian, qua các lần trùng tu, tôn tạo, đình có thêm một số bộ phận kiến trúc là hậu cung, tiền tế, tả vu hữu vu, nghi môn, tường bao. Nhiều ngôi đình được có thêm hậu cung (dạng chuôi vồ) khiến cho kiến trúc đình chuyển từ dạng chữ Nhất sang chữ Đinh hoặc chữ Công (trong trường hợp có ống muống kết nối). Tiền tế, Tả vu hữu vu, nghi môn, tường bao ở đình xuất hiện khá muộn, chủ yếu từ đầu thế kỷ XIX.

Phần quan trọng nhất trong toàn bộ kiến trúc chính của đình là tòa Đại Đình. Đây chính là nơi hành lễ, nơi sinh hoạt công cộng và giải quyết các việc hành chính nên cần diện tích và không gian lớn, trang trọng và bề thế. Đại đình thường có 5,7 gian, mái có 2 dạng: Dạng 4 mái và dạng 2 mái, mái đình có tỉ lệ đồ sộ, chiếm 2/3 chiều cao ngôi đình, bốn góc xòe rộng uốn lượn nhẹ nhàng đặt trên hệ cột to khỏe, vững chắc, bờ nóc hơi võng, 2 đầu nhô cao vút ra ngoài như hình con thuyền lớn. Đình có kết cấu gỗ khớp nối bằng mộng, các cột, xà, kẻ, bảy, bộ vì kèo chồng giường hay giá chiêng, hoặc giá chiêng kết hợp chồng giường cực kỳ linh hoạt, có thể tháo dỡ lắp ở vị trí mới. Các cột đình thường để mộc, bào nhẵn, cũng có những đình làng cột cái được sơn son thiếp vàng, trang trí rồng mây.

Chạm khắc đình làng mang đậm tính chất dân gian được thể hiện ở phần mái, ở các vì kèo và nhiều cấu kiện khác trong toàn bộ ngôi đình. Hầu như không có cấu kiện nào là thừa ở ngôi đình mà mỗi cấu kiện đều đảm nhận công năng kỹ thuật và chuyển tải các đề tài chạm khắc mang nguồn gốc dân dã và mang đậm tính chất chất biểu trưng (ví như chiếc đấu được chạm thành hình đài sen, hổ phù, chiếc cánh gà được chạm lộng hay chạm kênh bong hình rồng, rường, kẻ được uốn mềm thành hình lưng thú, hình cổ ngỗng,…). Phần mái đình được trang trí kỹ lưỡng: mái đình cong về 4 phía và tạo thành các đầu đao mềm mại, khiến phần kiến trúc trở nên nhẹ đi, mái đình thường được đắp hình đôi rồng chầu, hình phượng, các bờ dải có đắp hình trang trí con xỏ, con kìm,....với những nét mềm mại, uyển chuyển. Các bức chạm khắc ở đình làng xuất hiện trên nhiều cấu kiện kiến trúc ở đình ghi nhận cảm quan nghệ thuật cũng như những bước chuyển của lịch sử, nghệ thuật qua từng thời kỳ, nếu như hình ảnh thiếu nữ cưỡi rồng, nàng tiên cá, đàn ông đóng khố cưỡi trên mình rồng phổ biến trong các bức chạm khắc ở đình thời Mạc thì hình ảnh những con người bình thường và những cảnh sinh hoạt đời thường ở làng quê như đấu vật, chèo thuyền, uống rượu, nam nữ tình tự lại xuất hiện phổ biến trong chạm khắc ở đình thế kỷ XVII, XVIII,…

Hội làng[sửa]

Lễ hội đình được coi là “việc làng” thường tổ chức vào ngày mất (gọi là ngày Thần kỵ) của vị thần Thành hoàng là dịp quan trọng nhất trong đời sống tín ngưỡng của làng quê. Dân làng tổ chức lễ rước Thành hoàng, lễ tế Thành hoàng, diễn trò nhắc lại công trạng của Thành hoàng, tổ chức các trò chơi và các hoạt động ẩm thực, hát múa gắn chặt với việc thờ cúng Thành hoàng. Lễ hội là dịp dân làng thể hiện lòng tôn kính và sự biết ơn sâu sắc đối với vị thần bảo trợ cho làng và cầu mong thần tiếp tục bảo trợ cho cuộc sống ấm no của dân làng. Ngoài dịp hội đình, việc thờ cúng diễn ra thường xuyên ở đình thông qua việc dân làng cắt cử ông từ trông coi đình và thắp đèn, hương hằng ngày. Bên cạnh đó, vào các ngày Sóc, Vọng (mùng một, ngày rằm) hằng tháng, những ngày tiết nạp bốn mùa, lễ giao thừa, Tết Nguyên đán, hay những ngày trong làng có ma chay, cưới hỏi, người đỗ đạt, xây dựng công trình chung… dân làng vẫn ra đình cúng lễ để báo cáo, tạ ơn và cầu thàn thánh phù hộ, chở che cho cuộc sống của cá nhân, gia đình và cả làng được bình yên và phồn thịnh.

Đình làng có nhiều chức năng, trong đó có 3 chức năng chính: Là trụ sở hành chính của làng để giải quyết các công việc có tính chất nghĩa vụ của làng như: thu nộp thuế, Hội đồng kì mục họp để bổ bán binh dịch, phân chia công điền công thổ, đặt khoán ước và giải quyết các vụ tranh chấp, kiện cáo, phạt vạ, ăn khao,…; Là nhà cộng đồng của làng: nơi nghỉ cho khách lỡ độ đường, nơi vui chơi, nơi sinh hoạt ca hát, có đình làng còn là lớp học, nhà kho; Là trung tâm thực hành tín ngưỡng của dân làng: đình là nơi thờ Thành hoàng làng và những người có công với làng, việc thờ cúng này được thể hiện bằng các nghi lễ, lễ hội diễn ra quanh năm và hàng năm. Các chức năng này không phải khi nào cũng đầy đủ và đúng như vậy mà qua thời gian và sự chi phối của bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội mà khi thì chức năng này nổi trội lên, chức năng khác mờ đi và ngược lại.

Sự khác biệt giữa các vùng miền[sửa]

Đình làng cũng có những sự khác nhau giữa các vùng miền, tộc người tuỳ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội khác nhau của từng làng, từng khu vực. Đình Bắc bộ thường bề thế và cổ kính, đình Trung bộ và Nam bộ thường nhỏ hơn và mới hơn. Đình Trung bộ và Nam bộ ít bị chi phối bởi phong thuỷ và theo phong thuỷ chặt chẽ như đình Bắc bộ. Đình Bắc bộ phong phú và dàyđiêu khắc, chạm trổ, trang trí trên gỗ, trong khi đó đình Trung bộ ít hơn song lại phổ biến hình thức trang trí bằng cách đắp nổi vôi vữa và gắn các mảnh sành sứ lên nóc mái và các đường gờ mái. Đình Nam bộ thường trang trí cột hình rồng, nên gọi là "long trụ" và thường có các bao lam trước điện thờ, như cửa võng trong các đình miền Bắc, được chạm trổ rất tinh vi, đề tài thường là tứ linh, cá hóa long, rồng, hổ... Nếu như đình làng Bắc bộ gắn với lễ hội thờ Thành hoàng làng thì đình Nam bộ gắn với lễ kỳ yên, đình làng Bắc bộ gắn với sự phân chia ngôi thứ chặt chẽ, gắn với vị Thành hoàng làng được xác định rõ thì đình Nam bộ không chặt chẽ ngôi thứ và thờ tập hợp thần linh,…Mặc dù đa dạng như vậy song trong bức tranh tổng thể về các ngôi đình Việt Nam thì các ngôi đình cổ, đình lớn và được xem là tiêu biểu của đình Việt Nam thuộc về các ngôi đình ở khu vực châu thổ Bắc Bộ.

Ý nghĩa của đình làng trong đời sống[sửa]

Tồn tại lâu bền trong không gian làng quê đã hơn 5 thế kỷ, đình làng trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống làng quê và trở thành biểu tượng của làng, chuyển tải nhiều ý nghĩa của văn hoá làng. đình làng là biểu tượng của tính cộng đồng, tự trị dân chủ của làng xã, biểu tượng cho sự cố kết cộng đồng trong sự cộng cư, cộng cảm, cộng mệnh của dân làng, biểu tượng cho sức mạnh của làng, từ sức mạnh vật chất đến sức mạnh tinh thần, tâm linh, biểu tượng cho cảnh quan làng và đời sống văn hoá nghệ thuật của làng. Mái đình, sân đình, cột đình,…đều trở thành những biểu tượng được nhắc đến thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của người dân và đi vào thi ca nhạc hoạ từ truyền thống đến hiện đại.

Đình làng với nét đặc trưng của cảnh quan, kiến trúc, điêu khắc, lễ nghi, lễ hội và các hoạt động cộng đồng đã thể hiện sống động và tập trung đời sống văn hoá làng. Hiện nay cho dù cảnh quan làng, cơ cấu tổ chức làng, đời sống ở làng đã có nhiều thay đổi, nhiều làng đã nhập vào phố, trở thành phố, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp đã xuất hiện ngay ở làng, trong làng cũng đã xuất hiện thiết chế văn hoá mới,…song đình làng vẫn luôn là thiết chế văn hoá truyền thống được người dân lưu giữ, duy trì và ngày càng phát huy vai trò trong xã hội đương đại. đình làng vẫn đảm nhiệm chức năng nghi lễ, chức năng tụ họp cộng đồng và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống người dân, nơi neo đậu tâm thức của mỗi người khi hướng về nguồn cội, tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn đối với những người có công bảo trợ cho làng xóm, lưu giữ những lề lối, phong tục truyền thống, củng cố ý thức đoàn kết cộng đồng và cũng là nơi khơi nguồn những bài học đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “con người có tổ có tông”,…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Hữu Thông, Mỹ thuật Huế nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb. Thuận Hoá, Huế, 2001.
  2. Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2003.
  3. Nguyễn Văn Cương, Mỹ thuật đình làng đồng bằng Bắc bộ, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2006.
  4. Trần Lâm Biền chủ biên, Đình làng Việt (châu thổ Bắc bộ), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2014.
  5. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb. Văn hoá - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2018.
  6. Viện Bảo tồn di tích, Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích, Nxb. Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2018.