Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đánh giá nguy hại môi trường

Đánh giá nguy hại môi trường là việc xác định cường độ, phạm vi không gian, tần suất và thời gian của các vấn đề môi trường hoặc mối đe dọa của các vấn đề môi trường làm cho các điều kiện sinh thái không đáp ứng được mục đích sử dụng như đã xác định. Mục đích của việc đánh giá nguy hại là để xác định các rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn trong khu vực, cũng như xác định các biện pháp an toàn thích hợp được sử dụng để giảm thiểu các mối nguy hại đã xác định đến môi trường.

Các mối nguy hại được phân thành hai loại khác nhau:

  • Các mối nguy hại hiện hữu có thể dễ dàng quan sát được bằng mắt thường tại thời điểm nhận diện
  • Các mối nguy hại vô hình là các hành vi mất an toàn hoặc môi trường mất an toàn.

Môi trường mất an toàn được tạo nên bởi các hành vi mất an toàn tác động nên các vật thể, thiết bị xung quanh môi trường sống và làm việc của con người. Các mối nguy hại thường gặp bao gồm:

  • Mối nguy hại vật lý - bao gồm các tác nhân vật lý như bụi, tiếng ồn, độ rung bức xạ, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp,…
  • Mối nguy hại hóa học - các loại hóa chất ở dạng khí, bụi, khói, hơi và chất lỏng, bao gồm các chất gây bỏng kích thích da như axit đặc, kiềm, nhóm chất kích thích đường hô hấp như clo, amoniac, nhóm chất gây ngạt như CO2, CO,…, nhóm chất gây độc cơ thể như benzen, phenol, chì, asen,…
  • Mối nguy hại sinh học bao gồm vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm mốc, vi rút, động vật gây hại, côn trùng,… có thể gây ra nhiều bệnh về da, đường ruột và hô hấp
  • Mối nguy hại thể chất xảy ra do liên quan đến tổ chức làm việc, thiết kế công việc, bố trí lao động không hợp lý dẫn đến tình trạng người lao động bị căng thẳng thần kinh,…

Các mối nguy hại thường liên quan đến các hoạt động nghiên cứu. Hóa chất có thể độc hại, dễ phản ứng, dễ cháy hoặc ăn mòn. Tia laser có thể gây tổn thương mô và gây cháy. Hệ thống điện có thể gây ra nguy cơ sốc hoặc điện giật và hệ thống cơ khí có thể gây ra các nguy cơ vật lý có thể dẫn đến bỏng, mất tứ chi hoặc thậm chí tử vong. Với ngành sản xuất may công nghiệp, các mối nguy hại có thể gồm nguy hại vật lý - tiếp xúc với bụi vải, bụi bông, tiếng ồn, hơi và nhiệt nóng, nguy hại hóa học có thể do các loại hóa chất như thuốc nhuộm, hóa chất in, hóa chất tẩy, hóa chất bảo quản, hóa chất làm mềm vải,... Các mối nguy hại này có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hệ thần kinh như suy giảm trí nhớ, mất tập trung, các bệnh về da như nổi mẩn ngứa, bệnh về hô hấp như gây ngạt, khó thở,…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. ISO: 45001, Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, 2018.
  2. Robinan Gentry, Allison,Franzen, Tracy Greene. Chapter 39 - Principles of risk assessment. An Introduction to Interdisciplinary Toxicology: From Molecules to Man, 545-558, 2020.
  3. United States Environmental Protection Agency (US. EPA). Proposed Guidelines for Carcinogen Risk Assessment Federal Register, 61(79): 17960-18011, 1996.