Đánh giá động là hình thức đánh giá được sử dụng trong các cơ sở giáo dục để đánh giá khả năng lĩnh hội của trẻ từ quá trình dạy học của giáo viên. Hình thức đánh giá này dựa trên lý thuyết giáo dục của Lev Vygotsky cho rằng trẻ em học tốt nhất khi giáo viên hướng dẫn trẻ cách thực hiện một nhiệm vụ nào đó trong vùng phát triển gần của trẻ và hỗ trợ cho trẻ việc học.
Đánh giá động và đánh giá tĩnh[sửa]
Đánh giá động[sửa]
Đánh giá động thông qua quá trình dạy học tích cực, cho thấy sự đánh giá về nhận thức, quá trình học tập, tư duy và khả năng giải quyết vấn đề của một đứa trẻ. Quá trình này nhằm làm thay đổi sự vận hành chức năng nhận thức của một cá nhân, quan sát những thay đổi tiếp sau trong học tập và các cách thức giải quyết vấn đề trong bối cảnh đánh giá. Mục tiêu của đánh giá động gồm: 1) đánh giá khả năng trẻ nắm bắt nguyên tắc căn bản của một vấn đề ban đầu và giải quyết nó; 2) đánh giá bản chất và giá trị đầu tư (dạy học) cần thiết để dạy trẻ một quy tắc hay một nguyên tắc nhất định và 3) xác định những chức năng nhận thức cụ thể bị thiết hụt và các yếu tố phi trí tuệ dẫn đến sự thất bại trong hoạt động và cách mà chúng có thể thay đổi như kết quả của dạy học.
Đánh giá tĩnh[sửa]
Đánh giá tĩnh thường cho thấy một quy trình đánh giá chuẩn hóa, trong đó người đánh giá đưa ra những câu hỏi cho người được đánh giá mà không cố gắng can thiệp để làm thay đổi, hướng dẫn hoặc cải thiện thành tích của trẻ. Một đánh giá tĩnh thường có các mức độ khó tăng dần, người đánh giá chỉ đơn thuần là ghi lại và cho điểm các câu trả lời.
Đánh giá động thường được thực hiện cho những trẻ có một số khuyết tật học tập, đạt điểm thấp trong các trắc nghiệm chuẩn hóa hoặc có một vài rối loạn về cảm xúc hay nhân cách. Kiểu đánh giá này được sử dụng nhiều hơn cho trẻ sống trong điều kiện kinh tế xã hội thấp hoặc có nền tảng văn hóa khác nhau.
Đánh giá động được thiết kế để cung cấp những thông tin xác đáng về:
- khả năng học tập hiện tại và các quá trình học tập của một cá nhân;
- các yếu tố nhận thức đặc thù (như tính xung động, hành vi lập kế hoạch) dẫn đến khả năng giải quyết vấn đề và sự thành công hay thất bại trong học tập;
- các chiến lược giảng dạy hiệu quả cho trẻ;
- các yếu tố động cơ, cảm xúc và nhân cách ảnh hưởng đến các quá trình nhận thức.
Trong một bối cảnh đánh giá động, người đánh giá sắp xếp các quy tắc và các chiến lược giải quyết những vấn đề cụ thể dựa trên cơ sở cá nhân và đánh giá mức độ nội tâm hóa (hiểu biết sâu sắc) những quy tắc và chiến lược đó cũng như giá trị chuyển giao của chúng cho các vấn đề khác ở mức độ phức tạp, mới lạ và trừu tượng hơn.
Bản chất của đánh giá động[sửa]
Đánh giá động được hiểu là sự bổ sung thêm cho quá trình đánh giá chuẩn hóa, mà không thay thế đánh giá chuẩn hóa. Nó được trình bày như một cách tiếp cận mở rộng, chứ không phải là một trắc nghiệm cụ thể. Các tiêu chí thay đổi khác nhau được sử dụng trong đánh giá động: lợi ích đạt được trước và sau giảng dạy, số lượng và loại hình giảng dạy cần thiết và mức độ chuyển giao của việc học. Việc lựa chọn sử dụng các tiêu chí thay đổi để dự báo hiệu suất nhận thức trong tương lai (cũng như dự báo kết quả đầu ra của các chương trình can thiệp) dựa trên niềm tin rằng các phép đo về sự thay đổi liên quan chặt chẽ đến quá trình dạy học (qua đó trẻ được dạy cách xử lý thông tin), hơn là các phép đo trí tuệ thông thường. Sự khác biệt chính giữa đánh giá động và các trắc nghiệm thông thường liên quan đến mục tiêu, quá trình đánh giá và phương thức giải thích các kết quả đánh giá.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tzuriel, D. & al., Dynamic Assessment of Learning Potential: Inter-Rater Reliability of Deficient Cognitive Functions, Type of Mediation, and Non-Intellective Factors, Journal of Cognitive Education and Psychology, 1, 2000, pp. 41 - 64.
- Tzuriel, D., Dynamic Assessment of Young Children, New York: Kluwer Academic/Plenum, 2001.
- Smelser, Neil J. & Baltes, Paul B., International Encyclopedia of the Social and Behavioral Sciences, Pergamon: Elsevier, 2001.
- Symons D.K., Dynamic Assessment, In: Goldstein S., Naglieri J.A. (eds.), Encyclopedia of Child Behavior and Development, Springer, Boston, MA, 2011.