môn thể thao thường được chơi nhiều ở châu Á, trong đó người chơi tìm cách điều khiển một quả cầu ở trên không sao cho không bị rơi xuống đất bằng các bộ phận của cơ thể, trừ tay.
Bắt nguồn là một trò chơi dân gian ở Trung Quốc,ĐC được chơi trên sân với lưới chia đôi hai phần sân. Ngoài ra ĐC còn được chơi với hình thức một nhóm người chơi tâng cầu, hoặc đá với nhau thành vòng tròn, thường được chơi ở những nơi công cộng, rộng rãi và đặc biệt là ở trường học. Lúc này sân chơi không giới hạn và không có lưới. Trong những năm gần đây, môn thể thao này đã có xu hướng du nhập vào châu Âu, Mỹ và một số vùng khác trên thế giới.
Lịch sử:
Những tư liệu đầu tiên về ĐC là vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên tại Trung Quốc. Môn thể thao này đã được chơi lần lượt tại các nước châu Á. Tại Việt Nam, ĐC được hình thành và phát triển từ các trò chơi dân gian như tâng cầu, chuyền cầu….
Đá cầu đã phát triển từ một hoạt động luyện tập quân sự thời cổ xưa. Rất nhiều vị tướng Trung Hoa cổ đã dùng môn này nhằm mục đích tập luyện và thư giãn cho quân đội. ĐC bắt đầu phát triển vào thời nhà Hán và Tống (207 – 906). Từ thời nhà Tống (960 – 1278) môn thể thao này được đổi tên là Chien Tsu, từ này theo tiếng Trung Quốc nghĩa là “mũi tên” nó khá giống với từ ĐC trong tiếng Anh “shuttlecock”
Giải đấu mang tính quốc gia đầu tiên của ĐC được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 1933. ĐC tới châu Âu trước thế chiến thứ hai, khi mà các vận động viên điền kinh Trung Quốc đến từ tỉnh Giang Tô thực hiện một màn trình diễn ở thế vận hội Olympic Beclin 1936. Người Đức và các quốc gia khác đã vô cùng ấn tượng, và họ đã bắt đầu học và chơi môn thể thảo mang tính biểu diễn đó. Giải vô địch ĐC thế giới là một sự kiện thường niên kể từ khi Liên đoàn đá cầu thế giới (ISF – International Shuttlecock Federation) được thành lập vào năm 1999.
Tương truyền rằng năm Nhâm Tuất (722), Mai Hắc Đế lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đường, ông là người đã khuyến khích và tổ chức cho nghĩa quân thường xuyên tập luyện, giải trí bằng trò chơi ĐC, nhằm rèn luyện sức khoẻ cho binh sĩ. Từ đó nhân dân quanh vùng Vạn An (nay là Nam Đàn - Nghệ An) dần dần cũng tập luyện ĐC, phong trào ngày càng phát triển. Trò chơi này thường được tổ chức trong những ngày lễ lớn mừng chiến thắng của dân tộc.
Từ thế kỷ thứ VIII, ở vùng Vạn An, ngày xuân có tục lễ thi đấu ĐC rất sôi nổi và hào hứng. Nó không những hấp dẫn đối với người chơi trong sân mà còn thu hút đông đảo nhiều người xem và cổ vũ bên ngoài.
Trải qua nhiều thế kỷ trò chơi ĐC vẫn được tồn tại, duy trì và phát triển rộng trên cả đất nước và nó cũng mang đăc thù của giai đoạn lịch sử nhất định, cũng như theo từng phong tục, truyền thống của từng địa phương (miền Bắc - miền Trung - miền Nam), thời kỳ pháp thuộc, nhân dân ta sống trong cảnh cơ cực lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, những trò chơi dân gian không có điều kiện phát triển, nhưng do sự ham thích của các tầng lớp nhân dân nên trò chơi đá cầu vẫn tồn tại và lưu truyền trong dân gian.
Thời kỳ sau khi hoà bình được lập lại (Tháng 10-1954 đến trước 04-1975). Tuy được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện, song thực tế dân tộc Việt Nam lại phải đối mặt với cuộc chiến tranh huỷ diệt của đế quốc Mỹ. Chính vì vậy mà hoạt động thể thao nói chung và đá cầu nói riêng vẫn chưa có điều kiện để phát triển, ở thời kỳ này trò chơi đá cầu tồn tại mang tính tự phát trong các trường học là chủ yếu.
Tuy nhiên trong những năm 1970- 1974, một số giải ĐC của học sinh các trường cấp II và cấp III khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận vẫn được tổ chức. Mặc dù nội dung và hình thức thi đấu còn đơn giản, song cũng thu hút được khá đông học sinh các cấp tham gia tập luyện. Đồng thời cũng để lại hình ảnh đẹp đẽ về môn ĐC trong mỗi người tham dự.
Thời kỳ sau tháng 4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới. Lúc này phong trào TDTT được Đảng và nhà nước ta đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để phát triển và hội nhập cùng khu vực cũng như trên thế giới. Trong xu thế đó, trò chơi ĐC được khôi phục và phát triển. Dần dần, nó đã có vị trí xứng đáng trong hàng ngũ các môn thể thao dân tộc của Việt Nam.
Phân loại:
Môn thể thao này được chia ra làm hai loại: ĐC nghệ thuật và ĐC thi đấu.
ĐC nghệ thuật thì hoàn toàn khác. Giống như cái tên của nó, nó được thực hiện với những kỹ năng của thể dục dụng cụ và múa ba lê. Người chiến thắng là người thực hiện nhiều động tác khó nhất và điều khiển quả cầu khéo léo nhất. ĐC nghệ thuật có thể chơi từng người một, đôi hay đồng đội. Theo tìm hiểu, ĐC nghệ thuật đã được du nhập từ Campuchia vào Việt Nam những năm 1975. Nghề chơi ĐC nghệ thuật cũng lắm công phu chứ không đơn giản như hình ảnh chúng ta thường thấy ở các công viên. Thường thì mỗi freestyler phải tập luyện kiên trì từ 6 tháng đến 1 năm, mới có thể thành thục 10 bước cơ bản gồm đá mũi, đá bàn chân, đá gót chân, đá cánh gà, đá lòn chéo chân, đánh vai, đánh chỏ, đánh đầu, bắt lưng và chiêu thứ 10 khó nhất là Apsara. Ngoài ra, yếu tố năng khiếu cũng là một trong những tố chất quan trọng nếu người chơi cầu muốn thi đấu chuyên nghiệp.
ĐC thi đấu sẽ thi đấu theo luật.
Cả hai loại hình này có chung một điểm là không để trái cầu rơi xuống đất. Quả cầu được đá bởi chân, đầu gối, đùi, thân mình, nhưng không bao giờ được dùng tay.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Quốc Vượng, Tìm hiểu tinh thần thượng võ của dân tộc, NXB Y học và Thể dục thể thao, Hà Nội, 1996.
2. Đại việt sử ký toàn thư, Tập 1, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000.
3. Mai Văn Muôn, Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiển của sự hình thành, phát triểm một số môn thể thao dân tộc ở Việt Nam (Luận án Tiến sĩ, 1995).
4. Tổng cục Thể dục thể thao, Luật Đá Cầu, Hà Nội, 2010.