Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đào tạo kỹ năng giao tiếp

Đào tạo kỹ năng giao tiếp là quá trình nhà trị liệu hướng dẫn hoặc đào tạo khách hàng/thân chủ/bệnh nhân về kỹ năng giao tiếp.

Các nhà trị liệu có những quan điểm về lý thuyết khác nhau từ lâu đã nhận ra rằng nhiều khách hàng/thân chủ/bệnh nhân mắc các chứng bệnh tâm thần khác nhau đều thiếu các kỹ năng giao tiếp. Những người được chẩn đoán mắc các chứng bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn thần kinh chức năng hay chậm phát triển trí tuệ dạng nhẹ, cũng như những người nghiện rượu, những người gặp khó khăn trong hôn nhân và những bậc cha mẹ có các vấn đề trong nuôi dạy con cái, đều được xem như gặp khó khăn trong việc giao tiếp giữa các cá nhân.

Trong thời kỳ từ năm 1970 đến 1980, có ba xu hướng chính đã dẫn đến việc ngày càng chú trọng vào việc đào tạo kỹ năng giao tiếp như một công cụ quan trọng trong việc điều trị và ngăn ngừa bệnh. Xu hướng đầu tiên và có thể nói là quan trọng nhất chính là sự thức tỉnh (tỉnh ngộ) của nhiều nhà tâm lý học và những nhà trị liệu khác với mô hình can thiệp trị liệu y học. Như Goldstein đã ghi chú trong “Psychological Skills Training” (Đào tạo các kỹ năng tâm lý học) (1981), ngày càng có nhiều nhà trị liệu đã chuyển sang một loạt giả định khác nhau. Cơ sở cho sự tiếp cận mới mẻ này là giả định rằng khách hàng/thân chủ/bệnh nhân đang bị thiếu hụt một kỹ năng thể hiện nào đó và vai trò của nhà trị liệu là hướng dẫn hoặc đào tạo khách hàng/ thân chủ/bệnh nhân cách thể hiện một nhóm kỹ năng cần thiết.

Xu hướng thứ hai là việc ứng dụng ngày càng tăng các chiến lược hành vi cho việc xử lý tính đa dạng của các vấn đề hành vi. Người ta nhanh chóng nhận ra rằng trước khi những bệnh nhân tâm thần (khách hàng có vấn đề tâm thần) có thể được xuất viện hay bình thường hóa thì họ cần phải học một loạt các kỹ năng giao tiếp, như các kỹ năng hội thoại, kỹ năng tìm kiếm và duy trì nghề nghiệp. Những nhà hành vi (chuyên gia về hành vi) làm việc với những bệnh nhân bị bệnh thần kinh đã nhanh chóng hiểu được rằng rất nhiều khách hàng (bệnh nhân) của họ yêu cầu được đào tạo tính quyết đoán.

Xu hướng thứ ba bao gồm việc sử dụng các quy trình tham vấn vi mô để đào tạo các nhà tham vấn hoặc nhà trị liệu tâm lý về các kỹ năng phỏng vấn. Đối với những người sử dụng phương pháp đào tạo này và những người được đào tạo bởi phương pháp này nhanh chóng hiểu rằng những phương pháp giống nhau có thể được sử dụng để đào tạo những kỹ năng giao tiếp cho bệnh nhân/khách hàng. Do đó, kỹ thuật tham vấn vi mô đã được áp dụng để đào tạo những bệnh nhân tâm thần đang được điều trị, cha mẹ, vợ/chồng và gia đình về các kỹ năng giao tiếp.

Đào tạo kỹ năng giao tiếp thường tập trung vào hai nhóm kỹ năng lớn giữa các cá nhân: kỹ năng tương tác với một hoặc nhiều người và kỹ năng liên quan đến giải quyết vấn đề giữa các cá nhân được chia sẻ. Đào tạo kỹ năng hội thoại nhắm tới việc nâng cao năng lực cá nhân để bắt đầu và duy trì hội thoại với những người khác. Hình thức đào tạo này được áp dụng với những người đang được điều trị và đã từng được điều trị và với những cá nhân đang trải qua sự lo lắng xã hội (social anxiety). đào tạo kỹ năng giao tiếp là một thành phần trung tâm của hầu hết các quy trình đào tạo tính quyết đoán, bởi vì giao tiếp hiệu quả được xem là một tiền đề quan trọng cho hành vi quyết đoán.

Một hình thức đào tạo kỹ năng giao tiếp cụ thể khác là đào tạo phỏng vấn nghề nghiệp hướng tới những người thất nghiệp lâu năm, những sinh viên đang chuẩn bị tham gia hoặc những người sắp tham gia trở lại thị trường nghề nghiệp. Đa số những chương trình tiền hôn nhân, trong hôn nhân và những chương trình nuôi dạy con, mặc dầu được phát triển vì các mục đích để điều trị hay ngăn ngừa/giáo dục, đều bao gồm đào tạo kỹ năng giao tiếp về cả mặt kỹ năng tương tác và kỹ năng giải quyết các vấn đề được chia sẻ. Rất nhiều chương trình phát triển có tổ chức hướng tới việc nâng cao chất lượng đời sống làm việc, bao gồm đào tạo kỹ năng giao tiếp như một phần quan trọng. Các chương trình liên quan đến việc tạo điều kiện phát triển giao tiếp giữa các cá nhân hoặc giải quyết các vấn đề được chia sẻ đã được phát triển dành cho những người quản lý, người giám sát và người hợp tác. Với việc nhận thức ngày càng tăng rằng các chương trình ngăn ngừa cơ bản tốt nhất là hướng tới những thành viên trẻ tuổi trong xã hội, các chương trình đào tạo các kỹ năng xã hội đã được phát triển để áp dụng từ lớp mầm non đến trung học. Trong “Social-Skills Training” (Đào tạo kỹ năng xã hội), Kelly đã trình bày một đánh giá xuất sắc về rất nhiều trong số các chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp khác nhau này. Khi các chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp khác nhau phát triển thì ngày càng trở nên rõ ràng rằng có một nhóm kỹ năng giao tiếp phổ biến có thể thâm nhập vào nhiều hoạt động tương tác khác nhau giữa các cá nhân với nhau mà mọi người tham gia. Do đó, các kỹ năng giao tiếp giống nhau đều quan trọng trong việc tương tác giữa vợ/chồng, con cái, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của một cá nhân. Cần nhận biết những kỹ năng này một cách chính xác hơn và sau đó phát triển một chương trình mô-đun mà những yếu tố của nó có thể được sử dụng để đào tạo các cá nhân - những người thiếu hụt một hay nhiều kỹ năng. Cách tiếp cận này giả định rằng các phương pháp đánh giá tồn tại để đánh giá trình độ kỹ năng của một cá nhân trong từng lĩnh vực chuyên môn.

Với việc chuyển từ các giả định của mô hình can thiệp y tế đến những giả định của một mô hình giáo dục hay đào tạo đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các nguyên tắc tâm lý học hướng dẫn. Hầu hết các chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp đều dựa trên một mô hình đào tạo rất giống nhau bao gồm một chuỗi hướng dẫn, một chuỗi thực hành và một chuỗi tổng quát hóa. Trong cuốn Principles of Instructional Design (Các nguyên tắc thiết kế hướng dẫn), Gagne và Briggs đã tổng hợp nhiều nét đặc trưng quan trọng của việc hướng dẫn có trong nhiều chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp. Nghiên cứu ban đầu về lĩnh vực này liên quan tới việc chứng minh rằng các phương pháp đào tạo kỹ năng giao tiếp đã tạo ra sự gia tăng đáng kể ở việc thể hiện trong suốt quá trình đào tạo. Một trọng tâm nghiên cứu hiện nay liên quan tới việc chứng minh rằng những gia tăng trong việc thể hiện các kỹ năng giao tiếp dẫn tới sự thay đổi ở các hành vi khác như phạm tội suy giảm, việc lạm dụng thuốc và đồ uống có cồn giảm, mối quan hệ hôn nhân hay mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được cải thiện và thành tích học tập được nâng lên.

Một mối quan tâm tiếp theo của các nhà nghiên cứu là việc chứng minh rằng các phương pháp đào tạo kỹ năng giao tiếp dựa trên giáo dục thường vượt trội hơn/tốt hơn các phương pháp dựa trên những giả định khác như đào tạo sự nhạy cảm. Song, trọng tâm nghiên cứu khác chính là sự định rõ các kỹ năng cần phải có trong các chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp và các phương pháp tốt nhất trong đào tạo các kỹ năng hợp thành. Có thể kết luận rằng các chương trình đào tạo kỹ năng giao tiếp có hiệu quả; tuy nhiên, nghiên cứu vẫn đòi hỏi cần phát triển những chương trình tăng cường sự tổng quát hóa các kỹ năng đối với những tình huống khác nhau và theo thời gian.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đặng Thị Vân, Giáo trình Kỹ năng giao tiếp, Nxb. Đại học Nông nghiệp, 2016.
  2. Gagne, R. M., & Briggs, L., Principles of instructional design, New York: Holt Rinehart & Winston, Original work published, 1974.
  3. Goldstein, A. P., Psychological skills training, New York: Pergamon, 1981.