Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đào tạo cách nuôi dạy con

Đào tạo cách nuôi dạy con là hoạt động mà nhà trị liệu đóng vai trò như một người cố vấn/tham vấn làm việc trực tiếp với bố mẹ (hoặc người nuôi dưỡng trẻ) để làm giảm bớt hành vi có vấn đề của con cái

Hình thức đào tạo[sửa]

Hình thức đào tạo cách nuôi dạy con cơ bản bao gồm hướng dẫn của nhà trị liệu/bác sĩ tâm lý trong các kỹ năng nuôi dạy con, lập mô hình có cấu trúc, đóng vai, các buổi luyện tập và giao bài tập về nhà cho phụ huynh để rèn luyện các kỹ năng với con cái. Hình thức này dựa vào giả định rằng sự thiếu hụt các kỹ năng làm bố mẹ chí ít cũng phải chịu trách nhiệm một phần đối với sự phát triển và/hoặc sự duy trì các hành vi có vấn đề của trẻ, và như vậy, cung cấp cho các bậc cha mẹ một danh mục gồm những kỹ năng để quản lý, cuối cùng là cải thiện hành vi của trẻ nhỏ cũng như cải thiện mô hình tương tác rộng hơn giữa cha mẹ và con cái.

Đào tạo cách nuôi dạy con được sử dụng như một sự can thiệp trị liệu chủ yếu cho những hành vi gây rối hoặc những hành vi cư xử không đúng đắn của trẻ nhỏ (ví dụ: gây hấn/gây gổ, không tuân thủ, phá hoại,…). Loại hành vi này là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất khi điều trị sức khỏe tâm thần ở trẻ nhỏ. Hành vi phá hoại, gây gổ, hay phạm tội của trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên là một vấn đề quan trọng đối với xã hội, không chỉ bởi hậu quả trực tiếp của những khó khăn gây ra bởi chính những hành vi đó, mà còn vì những mô hình hành vi này thường tồn tại dai dẳng, hoặc trở nên tồi tệ hơn khi trẻ trưởng thành, khi ấy những hậu quả của chúng lớn hơn nhiều. Vì những phí tổn về cảm xúc và tài chính có liên quan tới các hành vi phá hoại có thể rất quan trọng đối với gia đình và xã hội. Do vậy các nhà nghiên cứu lâm sàng đã dành nhiều tâm huyết và công sức để có thể hiểu được những nguyên nhân gây ra các hành vi này và xác định cách thức điều trị và phòng ngừa những hành vi này ở giới trẻ.

Vai trò của gia đình[sửa]

Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng gia đình là một trong những nơi vững chãi nhất cho cuộc sống của một đứa trẻ, góp phần quan trọng vào việc phát triển và điều trị hành vi gây rối ở trẻ. Thực hành nuôi dạy con tích cực thể hiện qua mối quan hệ hỗ trợ giữa cha mẹ và con cái, các phương pháp kỷ luật có căn cứ và sự giám sát chặt chẽ là những nhân tố bảo vệ chính trong việc ngăn ngừa sự phát triển hành vi gây rối. Ngược lại, thực hành nuôi dạy con tiêu cực hay cưỡng ép, như xử phạt gay gắt, kiểm soát tâm lý và những tương tác tiêu cực giữa cha mẹ và con cái có thể góp phần vào sự phát triển hành vi có vấn đề của trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Như vậy, đào tạo cách nuôi dạy con - nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực nuôi dạy con cái này - đã trở thành sự can thiệp lựa chọn cho việc điều trị và ngăn chặn các vấn đề về hành vi gây rối của trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Các nghiên cứu dựa theo kinh nghiệm, phân tích tổng hợp, những phê bình và những kết luận thúc đẩy nhiệm vụ đều cung cấp sự hỗ trợ đáng kể cho đào tạo cách nuôi dạy con như một trong những sự can thiệp trị liệu hiệu quả nhất cho hành vi gây rối hay hành vi cư xử không đúng mực của trẻ em.

Quá trình phát triển[sửa]

Sự phát triển của đào tạo cách nuôi dạy con như một thực tiễn đã được kiểm chứng theo kinh nghiệm diễn ra trong 3 giai đoạn khác nhau: sự hình thành, sự tổng quát và sự nâng cao.

Giai đoạn hình thành[sửa]

Giai đoạn đầu tiên (từ năm 1960 đến 1975) liên quan đến sự hình thành mô hình đào tạo cha mẹ và các thử nghiệm hiệu quả của nó như một cách điều trị cho những hành vi có vấn đề ở trẻ em. Những nghiên cứu ban đầu, gồm một số lượng lớn các nghiên cứu mô tả và các thiết kế trường hợp đơn lẻ, đã nhận thấy sự hỗ trợ cho hiệu quả ngắn hạn của mô hình đào tạo cha mẹ trong việc giảm thiểu các hành vi gây rối của trẻ và cải thiện thực hành nuôi dạy con.

Giai đoạn tổng quát[sửa]

Giai đoạn nghiên cứu thứ hai được tiến hành giữa năm 1975 và 1985 và tập trung vào hiệu quả lâu dài và sự tổng quát của đào tạo cách nuôi dạy con. Sự tổng quát này chỉ được diễn ra trong ít nhất 4 phạm vi: thiết lập (ví dụ: sự biến đổi hành vi thay đổi từ phòng khám tới nhà hoặc trường học), thời gian (ví dụ: sự duy trì thay đổi hành vi qua thời gian), anh chị em ruột (ví dụ: sự áp dụng những kỹ năng nuôi dạy con cái mới với những đứa trẻ không nhắm mục tiêu) và hành vi (ví dụ: những tiến bộ đồng phát trong những hành vi không có mục tiêu). Luận chứng dựa theo kinh nghiệm của việc tổng quát hóa các hiệu quả điều trị đã giúp nâng cao giá trị xã hội đã được nhận thức của việc đào tạo cha mẹ (nghĩa là liệu hiệu quả điều trị có được xem là quan trọng về phương diện lâm sàng hay phương diện xã hội đối với khách hàng, cũng như sự hài lòng của khách hàng đối với việc trị liệu hay không).

Giai đoạn phát triển[sửa]

Giai đoạn thứ ba của nghiên cứu đào tạo cách nuôi dạy con bắt đầu từ năm 1986 và còn tiếp tục đến ngày nay, khảo sát những phương thức để mở rộng và nâng cao chương trình giảng dạy đào tạo cách nuôi dạy con. Phương pháp nghiên cứu này đã xem xét một số lượng lớn các nhân tố có thể tác động tới sự thực hiện và kết quả của việc đào tạo cha mẹ. Ví dụ, vai trò của các biến đổi phát triển (như độ tuổi của trẻ) đã được nhấn mạnh trong việc phát triển và đáp ứng nhu cầu của việc can thiệp đào tạo cách nuôi dạy con. Khi độ tuổi của trẻ tăng lên, năng lực nhận thức và nguồn củng cố cơ bản/nền tảng của chúng (ví dụ như cha mẹ, bạn bè đồng trang lứa) thay đổi, dẫn tới việc thay đổi trong các kế hoạch can thiệp.

Đối tượng[sửa]

Đào tạo cách nuôi dạy con có hiệu quả với những đứa trẻ ít tuổi hơn là với những đứa trẻ đã lớn. Với những đứa trẻ đã lớn, đặc biệt là trẻ vị thành niên, can thiệp đào tạo cách nuôi dạy con có thể không chỉ ít hiệu quả hơn, mà còn khó thực hiện hơn. Một ví dụ khác của những phát hiện trong giai đoạn nghiên cứu đào tạo cách nuôi dạy con này là nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng những yếu tố thuộc bối cảnh có thể ảnh hưởng đến đào tạo cách nuôi dạy con, từ đó mở rộng quan điểm cho việc điều trị các hành vi gây rối của trẻ. Ví dụ, bên cạnh việc dạy những kỹ năng nuôi dạy con cái theo lối truyền thống thì mô hình đào tạo cách nuôi dạy con có thể được điều chỉnh để bao gồm nhiều phạm vi thực hiện chức năng gia đình như những mục tiêu cho sự can thiệp này (ví dụ: những triệu chứng trầm cảm ở cha mẹ hoặc sự điều chỉnh trong hôn nhân (ly hôn, ly thân…). Gần đây các can thiệp đã được thiết kế để liên kết và phối hợp nhiều cấp độ trong môi trường của trẻ, bao gồm gia đình, trường học, phòng khám và cộng đồng.

Nội dung[sửa]

Tất cả các chương trình đào tạo cách nuôi dạy con đều có một vài điểm chung hoặc yếu tố cốt lõi, bao gồm:

  1. Tập trung nhiều vào cha mẹ hơn là con cái;
  2. Dạy cha mẹ cách nhận biết, xác định đặc điểm và ghi lại hành vi của trẻ;
  3. Hướng dẫn cha mẹ các nguyên tắc học tập xã hội (ví dụ: củng cố hành vi ủng hộ xã hội, bỏ qua sự chú ý đối với các hành vi không đúng mực qua việc lờ đi hoặc không tính thời gian);
  4. Dạy các kỹ năng nuôi dạy con cái mới thông qua việc hướng dẫn giáo dục, làm gương, đổi vai và luyện tập cùng trẻ tại phòng khám hoặc tại nhà;
  5. Thảo luận các phương pháp để tối đa hóa sự tổng quát những kỹ năng từ phòng khám về đến nhà và khi cần thiết;
  6. Giải quyết các vấn đề thuộc bối cảnh tác động đến cha mẹ (ví dụ: những triệu chứng trầm cảm), gia đình (ví dụ: mâu thuẫn trong hôn nhân) và cộng đồng (ví dụ: bạo lực với hàng xóm)-những điều có thể gây trở ngại cho việc tiếp nhận hoặc duy trì những kỹ năng nuôi dạy con cái mới và thúc đẩy hành vi thích nghi của trẻ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đặng Thị Vân, Giáo trình Kỹ năng giao tiếp, Nxb. Đại học Nông nghiệp, 2016.
  2. Gagne, R. M., & Briggs, L., Principles of instructional design, New York: Holt Rinehart & Winston, Original work published, 1974.
  3. Goldstein, A. P., Psychological skills training, New York: Pergamon, 1981.