Đào tạo, bồi dưỡng báo chí ở Việt Nam Xuất phát từ nhận thức báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước,công tác đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo được Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng ngay từ trong cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức Trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng. Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường chỉ tổ chức duy nhất được một khóa học ngắn hạn. Lớp dạy viết báo đầu tiên này gồm bốn mươi hai học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước, dưới sự giảng dạy của hai mươi chín giảng viên là hạt nhân của báo chí cách mạng, giàu kinh nghiệm chính trị, có lý luận, thực tiễn phong phú.
Từ mái trường làm bằng tranh tre nứa lá tại Việt Bắc, Trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng là mốc son đầu tiên của công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí. Cho đến nay, cả nước đã có hàng chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả bốn loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng đến tiến sĩ. Bên cạnh đó còn có các trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho những người đang hành nghề làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, và một số các cơ quan báo chí lớn trong cả nước. Hệ thống đào tạo đại học Báo chí: Học viện Báo chí và Tuyên truyền (tên Tiếng Anh - Academy of Journalism and Communication - AJC), trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, là cơ sở đào tạo báo chí lâu đời và lớn nhất trong cả nước. Học viện Báo chí và Tuyên truyền (HVBC&TT) được thành lập ngày 16 tháng 01 năm 1962, trên cơ sở hợp nhất 3 trường: Trường Nguyễn Ái Quốc II, Trường Tuyên huấn và Trường Đại học Nhân dân. Kể từ ngày thành lập cho đến nay, Học viện mang nhiểu tên gọi khác nhau cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng. Ngày 16 tháng 01 hằng năm là ngày kỷ niệm thành lập Học viện. Từ năm 1990 đến nay, Học viện vừa là trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, vừa là bộ phận hữu cơ cấu thành của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. HVBC&TTcó các chuyên ngành đào tạo báo chí được phân bổ ở hai đơn vị: Viện Báo chí và Khoa Phát thanh - Truyền hình.
Khoa Báo chí (được thành lập tháng 01 năm 1962), là đơn vị đào tạo báo chí có tuổi đời, tuổi nghề lâu nhất ở Việt Nam. Từ ngày 01 tháng 11 năm 2018, Khoa báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí Truyền thông hợp nhất và trở thành Viện báo chí. Viện Báo chí đào tạo bậc đại học 4 năm, có 4 chuyên ngành bao gồm báo in, báo ảnh, Truyền thông đại chúng và Truyền thông đa phương tiện; bậc thạc sĩ 2 năm với chuyên ngành báo chí và quản lý báo chí-truyền thông; bậc tiến sĩ báo chí 3 năm tập trung.
Khoa Phát thanh - Truyền hình được thành lập ngày tháng 3 năm 1979, đến năm 1983, khoa sáp nhập với Khoa báo chí. Ngày 01 tháng 10 năm 2003, Khoa được tái thành lập. Từ hai chuyên ngành phát thanh và truyền hình, hiện tại, Khoa đã có sáu chuyên ngành thuộc bậc đại học, bao gồm: phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử, quay phim truyền hình, truyền hình chất lượng cao, báo mạng điện tử chất lượng cao. Cũng tương tự như Viện Báo chí, Khoa Phát thanh và Truyền hình còn đào tạo các bậc thạc sĩ và tiến sĩ.
HVBC&TT hằng năm cung cấp cho các cơ quan báo chí trên cả nước hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp báo chí ở các bậc đào tạo, được trang bị hệ thống lý luận, kỹ năng thực hành và bản lĩnh chính trị vững vàng của các nhà báo cách mạng. Học viện là cơ sở đào tạo đầu tiên tại Việt Nam liên kết đào tạo và nghiên cứu báo chí với nhiều đại học danh tiếng thế giới: Đại học Công nghệ Sydney (UTS), Đại học Monash, Đại học La Trobe của Australia; Đại học tổng hợp Viên của Áo, và hiện đang có hợp tác trong chương trình đào tạo cử nhân quốc tế ngành truyền thông với Trường Đại học Middlesex, Vương Quốc Anh.
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHKHXH&NV), Đại Học Quốc gia Hà Nội: Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV được thành lập ngày 29 tháng 6 năm 1990, với tên gọi đầu tiên là Khoa Báo chí (trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Năm 2008, Khoa Báo chí đổi tên thành Khoa Báo chí và Truyền thông, và năm 2018 đổi thành Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Tháng 10.1992, khóa học đầu tiên của ngành Báo chí với một trăm sáu mươi sinh viên đã được khai giảng. Năm 1997, Trường bắt đầu đào tạo thạc sĩ ngành Báo chí, và năm 2005, đào tạo tiến sỹ ngành Báo chí. Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí, truyền thông lớn ở Việt Nam, đào tạo 3 bậc học - cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ ngành Báo chí. Viện có bốn tổ bộ môn là: Nghiên cứu truyền thông, Phát thanh - Truyền hình, Báo in - Báo điện tử, và PR - Quảng cáo.
Khoa Báo chí và Truyền thông,Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, tiền thân là Bộ môn Báo chí thuộc Khoa Ngữ văn và Báo chí, Trường Đại học tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập vào năm 1992. Bộ môn Báo chí ra đời đảm nhận nhiệm vụ quản lý và đào tạo chuyên ngành báo chí. Từ tháng 4.2007, Bộ môn Báo chí tách khỏi Khoa Ngữ văn và Báo chí, trở thành bộ môn trực thuộc Trường, và sau hơn một năm, tháng 8.2007, đã trở thành Khoa Báo chí và Truyền thông. Đây là cơ sở đào tạo ngành Báo chí và Truyền thông công lập duy nhất tại phía Nam. Kể từ năm học 2018 -2019, ngoài việc đào tạo cử nhân ngành báo chí, Khoa Báo chí và Truyền thông đã mở thêm đào tạo cử nhân ngành Truyền thông đa phương tiện. Bên cạnh ba cơ sở đào tạo báo chí của các trường đại học công kể trên, bước sang thế kỷ XXI, trước sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số đã tạo ra một không gian mới cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân mong muốn cung cấp thông tin cho công chúng qua các trang thông tin của họ. Chính vì vậy mà một số trường đại học công và trường đại học tư đã mở các ngành đào tạo kỹ năng báo chí và truyền thông nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Một số cơ sở đào tạo chương trình cử nhân báo chí và truyền thông có thể kể đến đó là Khoa Viết văn- Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội;Ngành Truyền thông đa phương tiện,Học Viện Công Nghệ Bưu Chính Viễn Thông; Ngành Báo chí, Trường Đại học Huế; Khoa Truyền thông Quốc tế, Học Viện Ngoại Giao, v.v..
Hệ thống đào tạo cao đẳng báo chí: Trường Cao đẳng Truyền hình (tên giao dịch tiếng Anh là College of Television - CTV) có địa chỉ tại thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, trực thuộc cơ quan chủ quản là Đài Truyền hình Việt Nam. Trường Cao đẳng Truyền hình, tiền thân là trường Công nhân kỹ thuật Phát thanh được thành lập ngày 10 tháng 3 năm 1956, trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường đã nhiều lần được đổi tên gọi và cơ quan chủ quản. Từ khi trở thành Trường Cao đẳng Truyền hình năm 2005, Trường đã mở rộng các ngành đào tạo trong đó có các ngành chủ đạo như Báo chí, Truyền thông đa phương tiện, Quay phim, Công nghệ Điện ảnh - Truyền hình, và Đồ họa đa phương tiện.
Trường cao đẳng Phát thanh-Truyền hình I được thành lập năm 1957, tiền thân là Trường Kỹ thuật và Nghiệp vụ Phát thanh, có trụ sở tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, trực thuộc cơ quan chủ quản Đài tiếng nói Việt Nam. Từ một lớp đào tạo Kỹ thuật truyền thanh đầu tiên được tổ chức tại Từ Liêm, Hà Nội với năm mươi học sinh từ các tỉnh phía Bắc và khu vực miền Trung, trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường đã có nhiều tên gọi và cơ quan chủ quản khác nhau. Từ năm 2003, Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình I đã đào tạo trình độ Cao đẳng hệ chính qui với 5 ngành: Báo chí, Công nghệ kỹ thuật điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện, Công nghệ điện lạnh và ngành Tin học.
Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình II đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, trực thuộc Đài Tiếng Nói Việt Nam được thành lập năm 1977, tiền thân là Trường Thông tin và Truyền thanh II, trực thuộc Tổng cục Thông tin. Sau nhiều lần thay đổi tên gọi, cơ quan chủ quản và được nâng cấp, Trường đã trở thành trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình II năm 2006. Trường được được xem là cơ sở đạo tạo các chuyên ngành báo chí đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành phát thanh và truyền hình, phục vụ các tỉnh phía Nam.
Các cơ sở đào tạo bậc cao đẳng phát thanh và truyền hình cung cấp nguồn nhân lực cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước và cho toàn xã hội với các nghề ngày càng đa dạng. Các loại hình đào tạo của các trường cao đẳng bao gồm cả đào tạo chính quy, liên thông, vừa làm vừa học.
Hệ thống Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí: Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, (tên Tiếng Anh là Vietnam Journalists Training Center- VJTC) được thành lập vào tháng 8 năm 1999, tại Hà Nội. Trung tâm có chức năng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam hoạt động trong tất cả các loại hình báo chí trên cả nước. Hình thức tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí của Trung tâm là các khóa học cấp chứng chỉ, ngắn hạn từ hai đến năm ngày, miễn phí, với sự tham gia của đội ngũ giảng viên là các nhà báo dày kinh nghiệm đang công tác tại các cơ quan báo chí có uy tín. Hàng chục nghìn lượt phóng viên, biên tập, các chức danh công việc, các cấp quản lý của các cơ quan báo chí trên khắp cả nước là đối tượng tham dự các khóa bồi dưỡng của Trung tâm.
Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn, trực thuộc Thông Tấn xã Việt Nam (TTBDNVTT), được thành lập vào tháng 10 năm 1998. TTBDNVTT có chức năng nghiên cứu khoa học về lý luận nghiệp vụ thông tấn; tham mưu cho Tổng Giám đốc TTXVN về công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, viên chức, đồng thời thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hàng nghìn cán bộ, phóng viên, biên tập viên công tác trong ngành.
Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ Truyền hình, trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (Vietnam Television Traning Centre - VTTC) được thành lập vào tháng 02.1991. VTTC đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình ngắn hạn cho cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Đài THVN và hệ thống truyền hình cả nước. Trung tâm có trụ sở chính tại thủ đô Hà Nội, các cơ sở tại Nghệ An, Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.
Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng Nghiệp vụ Truyền thông, trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Vietnam Training Center, VOVTC) được thành lập vào tháng 9 năm 2003. VOVTC có chức năng tham mưu giúp Tổng giám đốc trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho công chức, viên chức ở các loại hình báo chí tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Mục tiêu chính của VOVTC là đào tạo các nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam, tuy nhiên, VOVTC cũng đáp ứng các yêu cầu đào tạo của các đài Phát thanh - Truyền hình địa phương khi có nhu cầu. Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông trực thuộc Bộ Thông Tin - Truyền Thông, được thành lập tháng 10.2008. Trường có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tham gia quản lý, hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, cũng như bồi dưỡng các hạng, ngạch phóng viên, biên tập viên cho đội ngũ người làm báo. Hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của Trường là các khóa học ngắn hạn, cấp chứng chỉ.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bảo tàng Báo chí Việt Nam (2020), Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn
- Đài Tiếng nói Việt Nam, Trường Cao Đẳng Phát thanh-Truyền hình I (2012), 55 năm-Những chặng đường lịch sử. Kỷ yếu “55 năm xây dựng, phát triển và hội nhập trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình, 1957-2012”, Hà Nam, tháng 12.2012
- Đài Truyền hình Việt Nam (2014), Đào tạo nhân lực. Xem tại [[1]] (Truy cập ngày 17.2.2021)
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền (2021), Viện Báo chí. Xem tại [[2]].(Truy cập ngày 17.2,2021)
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền (2021), Khoa Phát thanh-Truyền hình. Xem tại [[3]]. (Truy cập ngày 17.2.2021)
- Nhà báo và Công luận (2019), “Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong môi trường số và qui hoạch báo chí”, đăng 29/11/2019. [[4]] (Truy cập ngày 01.3.2021)
- Nguyễn Minh (2019), “Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí-20 năm góp phần phát triển báo chí quốc gia”. Báo Nhân Dân Điện Tử, đăng ngày 9/8/2019. [[5]]. (Truy cập ngày 01.3.2021
- Thông Tấn xã Việt Nam (2015), Thông Tấn xã Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Kỷ yếu “70 năm Thông Tấn Xã Việt Nam, 1945-2015”, Nhà Xuất Bản Thông Tấn.
- Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam (2021). Giới thiệu. Xem tại [[6]] (Truy cập ngày 15.2.2021)
- Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Quản lý Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông. Xem tại [[7]](Truy cập ngày 01.3.2021)
- Trường Cao đẳng Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam. (2020), Lịch sử hình thành và phát triển của Trường Cao đẳng Truyền hình. Xem tại [[8]]
- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hà Nội (2021). Xem tại [[9]].(Truycập ngày 01.3.2021)
- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (2015), Lịch sử hình thành phát triển _Khoa Báo chí và Truyền thông, Xem tại [[10]](Truy cập ngày 15.2.2021)