Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đào ngũ

Đào ngũ là tự ý rời bỏ đơn vị nhằm trốn tránh nghĩa vụ của quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội, dân quân tự vệ phối thuộc chiến đấu với quân đội...

Hiện tượng Đào ngũ diễn ra ngay từ khi hình thành các tổ chức vũ trang, quân đội nhà nước cổ đại, tiếp diễn trong quá trình tồn tại và hoạt động của tổ chức vũ trang, quân đội nhà nước qua các thời đại đến nay. Mức độ Đào ngũ diễn ra tùy thuộc vào mục đích, quản lý chỉ huy, điều lệnh, điều lệ, quy định của tổ chức vũ trang, quân đội, pháp luật của Nhà nước; trực tiếp là nhận thức, môi trường hoạt động, khả năng thực hiện nhiệm vụ của từng quân nhân. Đào ngũ có thể từng quân nhân hoặc tập thể, đơn vị và mức độ vi phạm khác nhau. Theo luật pháp của nhiều nước, Đào ngũ là tội phạm hình sự nghiêm trọng; đối tượng Đào ngũ thường phải chịu những hình phạt rất nghiêm khắc.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp, đế quốc Mĩ huy động đội quân đông đảo (quân đội viễn chinh, quân đội một số nước đồng minh, quân đội tay sai người Việt) với các loại vũ khí trang bị hiện đại. Do tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa, chịu nhiều thất bại trên chiến trường, lại bị nhân dân thế giới (trong đó có nhân dân trong nước) lên án, phản đối... nên hiện tượng Đào ngũ trong đội quân xâm lược diễn ra khá phổ biến.

Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập từ 22.12.1944, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện, được sự thương yêu đùm bọc của nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội, lập nên những chiến công xuất sắc và có số lượng quân nhân Đào ngũ chiếm tỉ lệ rất nhỏ; mọi hành vi Đào ngũ bị dư luận lên án và xử lí thích đáng. Theo luật pháp Việt Nam các đối tượng Đào ngũ nếu là quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội; dân quân tự vệ phối thuộc chiến đấu với quân đội đều phải chịu xử lí theo quy định tùy theo mức độ khác nhau. Đối tượng Đào ngũ, mức độ vi phạm, hình thức xử lý kỷ luật... được xác định rõ và thực hiện theo quy định của luật pháp Nhà nước, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Quốc phòng, như: Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi Đào ngũ được xác định là một tội phạm hình sự (tội Đào ngũ) và bị xử lý theo Điều 402 Chương XXV; Nghị định của Chính phủ số 120/2013/NĐ-CP (9.10.2013) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, tại Điều 8, Chương 2 về hành vi vi phạm quy định thực hiện nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ; Thông tư của Bộ Quốc phòng số 16/2020/TT-BQP (21.02.2020) quy định việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với quân nhân Đào ngũ tại Điều 20 Chương II...

Để hạn chế Đào ngũ đến mức thấp nhất, cán bộ các cấp ở đơn vị Quân đội, nhất là cán bộ đơn vị cơ sở nêu cao trách nhiệm, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống... của quân nhân; quản lí chặt chẽ, nắm bắt mọi diễn biến tư tưởng quân nhân, nhất là chiến sĩ mới; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, thương yêu đồng chí, không quan liêu, hách dịch, đối xử thô bạo với cán bộ, chiến sĩ. Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, đoàn thể và toàn dân luôn quan tâm, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quân đội với địa phương; tuyên truyền giáo dục kết hợp với quản lý, chấp hành pháp luật, nghiêm khắc phê phán hành vi Đào ngũ, không dung túng, bao che những quân nhân Đào ngũ; góp phần hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng quân nhân Đào ngũ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  3. Nghị định của Chính phủ số 120/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, 2013.
  4. Bộ luật Hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2017.
  5. Thông tư của Bộ Quốc phòng số 16/2020/TT-BQP quy định việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với quân nhân đào ngũ tại Điều 20 Chương II, 2020.