Mục từ này cần được bình duyệt
Đào Tùng

Đào Tùng (1925-1990) nhà báo, người đứng đầu Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trong 1/4 thế kỷ. Đào Tùng (ĐT) tên thật là Đỗ Trung Thành, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1925 tại Phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang. Với sáu mươi lăm tuổi đời ông đã có bốn mươi lăm năm hoạt động cách mạng, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Sớm giác ngộ cách mạng, ông đã tham gia thanh niên Cứu quốc ở Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang) từ tháng 8 năm 1945. Tháng 5 năm 1947 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chân dung Đào Tùng (Ảnh tư liệu) Từ tháng 01 năm 1947 đến năm 1948, ông là phóng viên báo Chi Lăng Khu 12, sau là cán bộ sở Thông tin Khu 12 (Cao - Bắc – Lạng). Từ năm 1950 ông là trưởng ty Thông tin tỉnh Bắc Ninh, sau đó là quyền Giám đốc Sở Thông tin Liên khu I. Từ 1952 đến 1954 là Trưởng phòng tuyên truyền, rồi Chánh văn phòng Nha Thông tin Việt Nam. Năm 1955 ông được cử làm Phó Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã và học chính trị cao cấp ở trường Đảng Nguyễn Ái quốc. Năm 1961 ông được giao Phụ trách Tổ Triết học của Ủy ban Khoa học Nhà nước và tháng 9 năm 1961 ông sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh triết học. Năm 1964 ông trở về nước và công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng. Tháng 10 năm 1966, ông được cử làm Tổng biên tập Việt Nam Thông tấn xã; từ tháng 8 năm 1977, ông được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và đảm nhiệm chức vụ này cho đến khi qua đời.

Với cương vị là người đứng đầu lâu năm nhất của TTXVN, ĐTlà người có công xây dựng, phát triển TTXVN cả về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ kỹ thuật. Trong những năm chiến tranh ác liệt, ông đã cùng Ban lãnh đạo khắc phục mọi khó khăn, tăng cường lực lượng và phương tiện kỹ thuật cho Thông tấn xã Giải phóng, đồng thời đảm bảo dự phòng 300% cơ sở vật chất và lực lượng của TTXVN để trong bất kỳ trường hợp nào dòng thông tin cũng không bị đứt đoạn. Tháng 4.1975, ông dẫn đầu một đoàn phóng viên vào miền Nam để tăng cường và phối hợp cùng Thông tấn xã Giải phóng đưa tin về chiến dịch Hồ Chí Minh. Đầu những năm 80, ông cùng Ban lãnh đạo TTXVN mạnh dạn quyết định đa dạng hóa nội dung và loại hình thông tin, mở rộng đối tượng cung cấp thông tin, đưa nhiều thông tin trực tiếp đến công chúng; đồng thời tranh thủ mở rộng các mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước để đưa công nghệ mới vào công tác biên tập và truyền phát thông tin.

Ngoài trách nhiệm là người lãnh đạo cơ quan thông tấn nhà nước ông còn đảm đương nhiều cương vị khác: Ủy viên BCH, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam thống nhất (1976-1983); Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam khóa IV; Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) (1984-1989); tháng 7.1988 ông được bầu vào Hội đồng Chấp hành Tổ chức Thông tấn châu Á-Thái bình dương (OANA); đại biểu Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa VIII, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trên bất kỳ cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Với cương vị là Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc Hội ông đã tham gia tích cực các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là hoạt động của đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội thế giới. Trong 6 năm trên các cương vị lãnh đạo của HNBVN, Tổ chức OIJ và Hội đồng Chấp hành OANA ông đã có những đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng tổ chức Hội từ trung ương đến cơ sở và mở rộng các hoạt động quốc tế của HNBVN với các tổ chức báo chí trong và ngoài tổ chức OIJ và OANA. Với những đóng góp to lớn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam và sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng II (truy tặng năm 2008), Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Hội Nhà báo Việt Nam tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đào Tùng, Một phần tư thế kỷ đứng đầu hãng thông tấn anh hùng, Nxb. Thông tấn, tháng 9.2005.
  2. 55 năm Thông tấn xã Việt Nam 1945- 2000, do Thông tấn xã Việt Nam xuất bản tháng 9.2000.
  3. Báo điện tử Thể thao & Văn hóa, 16.10.2013, truy cập ngày 22.11.2020.