Đào Duy Anh là nhà báo, học giả, giáo sư, sinh ngày 25 tháng 4 năm 1904 tại Thanh Hóa, mất ngày 1 tháng 4 năm 1988 tại Hà Nội. Ba người em của ông: Đào Duy Kỳ, Đào Duy Dzếnh (tức Đào Phan), Đào Thị Đính đều là những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng. Vợ ông, bà Trần Thị Như Mân không chỉ là người bạn đời mà còn là người thư ký khoa học, hỗ trợ ông rất nhiều trong việc hoàn thành các công trình nghiên cứu, đúng như ông đã tâm sự trong hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm: "Nói chung, trong tất cả các tác phẩm của tôi một phần lớn là nhờ có sự giúp đỡ hay cộng tác của vợ tôi...".
Năm 1923, Đào Duy Anh (ĐDA) tốt nghiệp Thành chung tại Trường Quốc học Huế và chọn nghề dạy học tại Trường Tiểu học Đồng Hới (Quảng Bình). Cuối năm 1925, ĐDA tham dự sự kiện đón tiếp Phan Bội Châu tại Đồng Hới khi ông trên đường từ Hà Nội vào Huế. Sau cuộc gặp Phan Bội Châu, ĐDA nung nấu ý định “thoát chốn ao tù” tìm đến nơi “trời cao biển rộng” để mở mang tri thức, giúp ích cho dân, cho nước. Năm 1926, ông từ chức giáo học ở Trường Tiểu học Đồng Hới và có dự định vào Sài Gòn, một trung tâm văn hóa, chính trị rất sôi nổi lúc đó để dấn thân vào các hoạt động chính trị - xã hội. Do bạn bè giới thiệu, trên đường vào Sài Gòn, ĐDA đã dừng chân ở Đà Nẵng, gặp Huỳnh Thúc Kháng và nhận lời ở lại cộng tác với nhà chí sỹ họ Huỳnh ra báo Tiếng dân.
Cuối năm 1926, ĐDA tham gia Việt Nam Cách mạng Đảng, sau đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng và ông trở thành Tổng Bí thư của đảng. Cũng trong năm 1928, theo chủ trương của Tổng bộ Tân Việt Cách mạng Đảng và sự cộng tác của một số trí thức tiến bộ như Võ Liêm Sơn, Phan Đăng Lưu, Trần Đình Nam..., ông thành lập Nhà xuất bản Quan hải tùng thư, để truyền bá tư tưởng yêu nước, cách mạng. Tháng 7 năm 1929, ĐDA bị chính quyền thực dân Pháp bắt và giam giữ cho đến đầu năm 1930 mới được thả tự do. Sau khi ra tù, "lượng sức mình không có đủ tài năng và dũng cảm để gánh vác công việc cách mạng", ĐDA quyết định rẽ ngang, "chọn con đường hoạt động văn hóa mà góp phần phục hồi cái sinh khí của dân tộc đang bị lu mờ dưới chế độ thống trị thực dân". Từ đó, ông tập trung vào nghiên cứu lịch sử, văn hóa, viết sách, làm từ điển.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ĐDA tham gia giảng dạy đại học, hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các tổ chức cách mạng. Sau khi hòa bình lập lại trên miến Bắc, năm 1956, ông được cử làm Chủ nhiệm Bộ môn Cổ sử Việt Nam thuộc Khoa Lịch sử của Trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Đầu năm 1958, vì có liên quan vào vụ Nhân văn giai phẩm, ông thôi giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp, chuyển về Bộ Giáo dục và tập trung vào việc nghiên cứu sử học, dịch và hiệu đính tài liệu cổ. Năm 1960 ông chuyển công tác về Viện Sử học. Năm 1965, ĐDA nghỉ hưu nhưng vẫn không ngừng nghỉ công việc nghiên cứu của một học giả cho đến khi qua đời.
Hoạt động báo chí của ĐDA không dài, chủ yếu tập trung vào thời kỳ từ cuối năm 1926, khi ông bắt đầu cộng tác với Huỳnh Thúc Kháng để lập "Công ty Huỳnh Thúc Kháng", xúc tiến ra báo Tiếng dân, đến tháng 7 năm 1929, khi ông bị nhà cầm quyền bắt giam. Trong thời gian này, ông đã từng cùng Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội, thông qua sự giúp đỡ của một số nhân sỹ có thiện cảm để mua máy đưa về Huế xây dựng xưởng in. Khi tờ báo bắt đầu xuất bản, ông được cụ Huỳnh giao cho làm Thư ký tòa soạn, chuyên trách chuẩn bị tin tức và biên tập bài vở của tờ báo. ĐDA và Huỳnh Thúc Kháng tuy có sự khác nhau về tuổi tác và phương pháp đấu tranh nhưng lại gặp nhau ở lòng yêu nước, thương dân, mong muốn giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp. Đó là một điều kiện để ông trở thành một trợ lý đắc lực và được Huỳnh Thúc Kháng rất tin cậy giao cho chuẩn bị tin tức, bài vở cho báo Tiếng dân. Mặt khác, sự đồng điệu quan điểm đó cũng là một cơ sở giúp cho Tiếng dân ngay từ những số đầu tiên đã đứng về phía nhân dân, tố cáo chế độ cai trị quan liêu, hà khắc, vạch mặt những hành vi áp bức, bóc lột người dân, bảo vệ nền văn hóa và những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc theo tinh thần "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". ĐDA vừa làm biên tập, vừa viết bài cho báo, chủ yếu là các bài giới thiệu về tư tưởng tiến bộ, các thành tựu văn hóa nước ngoài. Sau khi ra tù, ĐDA không làm việc tại tòa soạn Tiếng dân nữa, nhưng còn cộng tác viết bài cho báo trong một vài năm.
ĐDA để lại một di sản đồ sộ với nhiều chục cuốn sách, công trình nghiên cứu và hàng trăm bài báo về văn hóa, từ điển, ngôn ngữ, văn học, lịch sử, dân tộc học, khảo cổ học. Năm 2000, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về hai công trình Lịch sử cổ đại Việt Nam và Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX. Tên tuổi của ông được đưa vào bộ từ điển Larousse (Pháp) với tư cách là nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Phan Huy Lê: Giáo sư Đào Duy Anh, nhà sử học và văn hóa lớn, (100 Years-Vietnam National University, Hanoi)
- Nguyễn Q. Thắng: Huỳnh Thúc Kháng con người & thơ văn (1876-1947), Nxb Văn học, HN, 2001 (tái bản).
- Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (chủ biên): Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, HN, 2006.
- Lê Xuân Kiêu: Học giả Đào Duy Anh với nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin & Viện Văn hóa, HN 2015.
- Lê Xuân Kiêu, Kiều Mai Sơn (biên soạn): Học giả Đào Duy Anh, Nxb Tri thức, HN, 2020.