Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đàn bầu

Đàn bầu loại đàn dây gảy chỉ có một dây, dùng âm bồi, còn có tên là “đàn xẩm” vì thời xưa chỉ có người khiếm thị dùng để hát kiếm sống.

Nguồn gốc[sửa]

Không chắc chắn được thời điểm ra đời của đàn bầu. Có ý kiến cho rằng đàn bầu có từ trước thế kỷ X, thậm chí xa hơn nữa, từ trước công nguyên, cùng với khèn (thời trống đồng Đông Sơn); truyền thuyết về tổ nghề hát xẩm thì cho thấy đàn bầu ra đời thời nhà Trần (khoảng thế kỷ XIII); một tác giả người Pháp đầu thế kỷ XX xác định đàn bầu có nguồn gốc từ Bắc Kỳ, là một nhạc cụ cổ truyền đã có từ lâu đời ở Việt Nam, được những người hát xẩm Bắc Kỳ đưa vào Huế từ năm 1982.

Nữ nhạc công đang chơi đàn bầu
Nghệ sĩ Trung Quốc diễn tấu độc huyền cầm ở phố người Hoa Luân Đôn

Cấu tạo[sửa]

Cấu tạo đàn bầu khá đơn giản, vì đàn không có cần nên cũng không phím bấm, chỉ có thân đàn dài khoảng xấp xỉ 1m, bằng đoạn bương hay vầu chẻ đôi hoặc đóng bằng miếng gỗ; một đầu dây đàn mắc vào cuối thân đàn, đầu còn lại mắc vào một thanh tre hoặc sừng cắm đứng ở đầu đàn, gọi là “vòi đàn” dùng để thay đổi cao độ và tạo cảm xúc bằng cách làm căng hay chùng dây theo ý muốn của người chơi. Tại điểm mắc dây đầu đàn được giấu kín trong phần đầu vỏ quả bầu khô gắn trên vòi đàn, cách thân đàn khoảng 10cm, miệng vỏ bầu hướng vào dây đàn. Các điểm nối giữa dây đàn thân đàn và vòi đàn tạo thành một hình tam giác, với thân đàn là một cạnh, dây đàn là cạnh huyền và thanh vòi đàn là cạnh còn lại. Phần đầu quả bầu khô vừa để tạo dáng vừa có tác dụng cộng hưởng cùng với thân đàn để tiếng đàn vang to hơn.

Kỹ thuật sử dụng[sửa]

Kỹ thuật cơ bản nhất để chơi đàn bầu là dùng que gảy tạo âm bồi trên một dây. Que gảy thường được vót bằng tre, phần đầu que dùng tiếp xúc với dây được làm sao cho vừa đủ độ cứng và tiết diện vừa đủ để tay gảy tạo âm bồi thuận tiện nhất. Muốn tạo âm bồi, người chơi cần vừa gảy vừa chặn - nhả dây khéo léo sao cho không bị tịt tiếng hoặc không ra âm bồi, chỉ có âm thực. Nhờ kỹ thuật âm bồi, trên một dây có thể tạo 4 cao độ khi người chơi dùng cườm tay chặn chính xác 4 vị trí khác nhau trên dây. Từ 4 cao độ ở 4 vị trí cơ bản này, người chơi có thể biến đổi thành rất nhiều cao độ khác nhau nhờ cách dùng tay phải tác động vào vòi đàn để biểu diễn bất cứ giai điệu nào, theo cảm xúc và ý muốn. Âm bồi ở đàn bầu tạo nên âm sắc mịn màng, dịu dàng và gần với giọng người, rất truyền cảm. Do dùng âm bồi, nhược điểm lớn nhất của đàn bầu là âm lượng nhỏ, người nghe muốn thưởng thức phải ở chỗ gần sát người chơi đàn. Từ những năm 60 của thế kỷ XX, các nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu đã liên tục tìm cách cải tiến nhằm khắc phục điểm yếu âm lượng của đàn bầu. Họ đã thành công khi sử dụng mô bin điện gắn vào thân đàn, truyền âm qua loa nén, có thể khiến tiếng đàn vang to theo ý muốn mà không làm mất âm sắc đặc trưng của đàn bầu.

Với tiếng âm bồi độc đáo, có một không hai, loại âm sắc đặc biệt phù hợp với dân ca nói riêng và âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung, đàn bầu trở thành một trong những biểu tượng văn hóa dân tộc Việt Nam được thế giới biết đến nhiều nhất. Từ giữa thế kỷ XX đến nay, đàn bầu đã được các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn khắp nơi trên thế giới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Glep Anfilop, Vật lý và âm nhạc, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 1978.
  2. Nguyễn Thụy Loan, Lược sử Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội – Nxb. Âm nhạc, Hà Nội, 1993.
  3. Huard và Maurice Durand, Hiểu biết về Việt Nam (1954), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr 349-354.
  4. Phạm Phúc Minh, Cây đàn bầu những âm thanh kỳ diệu, Nxb Âm nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội, 1999.
  5. Nguyễn Thụy Loan, Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006.
  6. Võ Hà, Đàn bầu: từ chợ quê đến hội nhập quốc tế, Luận văn thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014.
  7. Đặng Hoành Loan, “Chuyện đàn bầu Việt Nam”, Nghiên cứu âm nhạc (số 49), Viện Âm nhạc, Hà Nội, 9-12/2016, tr.41-49.
  8. Kiều Trung Sơn, “Đàn bầu và vấn đề chủ quyền”, Nghiên cứu âm nhạc (số 49), Viện Âm nhạc, Hà Nội, 9-12/2016, tr.53-59.
  9. Sun Jin, Nghệ thuật đàn bầu trong giai đoạn mới tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội, 2016.