Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội trực thuộc Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thủ đô.
Ngày 14.10.1954 được lấy làm ngày truyền thống: Ngày thành lập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội (ĐPT-THHN). Tuy nhiên, từ ngày 10.10.1954, cùng các đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô, người Hà Nội đã thấy những chiếc ô tô gắn loa phóng thanh vừa chạy trên đường phố vừa công bố 8 chính sách của Chính phủ đối với vùng mới giải phóng cùng những thông báo của Uỷ ban Quân chính Thành phố. Đó là những hoạt động phát thanh đầu tiên của thành phố Hà Nội.
Bốn ngày sau, tức 14.10, hai trạm phát thanh cố định được đặt tại nhà hàng Thủy Tạ và nhà thông tin Tràng Tiền. Sự kiện này đặt mốc đầu tiên cho sự ra đời của Đài Phát thanh Hà Nội và nay là ĐPT-THHN.
Cán bộ, nhân viên phát thanh sinh hoạt trong phòng Sở Tuyên truyền do Minh Việt, Uỷ viên Đảng ủy tiếp quản phụ trách. Bởi vậy, các buổi phát thanh đều xưng danh là "Buổi phát thanh của Sở Tuyên truyền Hà Nội". Thời kỳ đầu chưa có định kỳ giờ phát.
Dấu ấn không thể phai mờ trong nội dung tuyên truyền những ngày đầu ra đời là phóng sự phản ánh cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với hơn 100 đại biểu các tầng lớp nhân dân Thủ đô ngày 16 tháng 10 năm 1954 tại Bắc Bộ Phủ.
Đến 01 tháng 01 năm 1955, Đài hoàn thành nhiệm vụ tường thuật cuộc mít - tinh lớn tại vườn hoa Ba Đình đón mừng Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về thủ đô. Sau sự kiện này, tháng 02 năm 1955, Đài chuyển về 47 Hàng Dầu, bắt đầu xưng danh: "Đây là Đài Truyền thanh Hà Nội" (ĐTTHN) và hình thành 3 chương trình phát sóng trong ngày: Sáng: 6h30' - 6h45'; trưa: 12h15' - 12h30'; tối: 19h00 - 19h30'
Những năm sau đó, được chính phủ Liên - Xô giúp đỡ, ĐTTHN đã có cơ sở vật chất kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, nhưng vẫn là một bộ phận thuộc Sở Văn hoá Hà Nội. Đi đôi với mạng lưới loa, đường dây ngày càng mở rộng, công tác biên tập truyền thanh đã được nâng cao qua thực tế và sự giúp đỡ của Đài Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói của Đài ngày càng gắn bó với nhân dân.
Cuối năm 1959, Thành ủy Hà Nội chủ trương tách ĐTTHN khỏi Sở Văn hoá, thành lập một cơ quan riêng dưới sự lãnh đạo của thành ủy, trực tiếp là Ban Tuyên huấn, ĐTTHN chính thức được thành lập theo quyết định của Uỷ ban Hành chính Thành phố. Ông Trần Đình Hoè được cử làm Trưởng đài và ông Dương Hoài An được cử làm Phó trưởng đài.
Năm 1960, ĐTTHN đã có 285,5 km đường dây với 3.075 loa. Chương trình phát thanh đã ổn định hằng ngày với năm buổi phát với tổng số hai nghìn sáu trăm chín mươi tám giờ, trong đó các buổi phát do Đài biên tập chiếm sáu trăm linh sáu giờ, còn lại là tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam.
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là tuyên truyền vấn đề kinh tế, phục vụ sản xuất, phục vụ phát triển văn hoá trong khi vẫn tiếp tục công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Để cổ vũ phong trào hợp tác hoá thủ công nghiệp, ĐTTHN mở buổi phát thanh chuyên đề "Lao động thủ công trên đường hợp tác" phát vào thứ tư hằng tuần. Ngoài ra còn có các chương trình "Ngoại thành đổi mới" phát vào 17h30 - 17h45 hằng ngày, "Nhà máy - Công trường thủ đô" mỗi tuần hai buổi vào thứ hai và thứ sáu.
Cùng với phong trào kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn (08.10.1960), ĐTTHN mở chuyên mục "Vì thống nhất Tổ quốc" vào thứ hai hằng tuần. Buổi phát thanh được mở đầu bằng trích đoạn nhạc bài Hà Nội - Huế - Sài Gòn của Hoàng Vân thu hút sự chú ý bạn nghe đài.
Trước tình hình Miền Bắc phải đối phó với chiến tranh phá hoại bằng không quân ngày càng ác liệt của Đế quốc Mỹ, Thành ủy Hà Nội đã có chỉ thị số 51/CT - ĐBHN ra ngày 27 tháng 11 namw 1965, đặt ra cho cán bộ và nhân viên thủ đô phải vừa đẩy mạnh sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. ĐTTHN được giao thêm nhiệm vụ mới: phục vụ công tác phòng không nhân dân của Thành phố, xây dựng một hệ thống dành riêng cho công tác phòng không ở nội thành. Rất nhiều loa lớn được treo dọc các tuyến phố chính và các nơi công cộng tập trung đông người như chợ, nhà ga, bến xe, nơi vui chơi giải trí.
Ngày 26 tháng 5 năm 1965, lần đầu tiên tiếng còi báo động phòng không phát ra trên hệ thống loa truyền thanh cùng câu nói mở đầu tin phòng không: "Đồng báo chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội ... cây số".
Ngày 29 tháng 6 năm 1966, máy bay Mỹ mở cuộc tấn công lớn, ném bom bắn phá kho xăng dầu Đức Giang, phóng viên và công nhân truyền thanh đãvào trận, đưa tin chiến đấu, vạch trần tội ác của giặc Mỹ giết hại đồng bào.
Phản ánh ý chí quyết tâm của Đảng bộ và quân dân Hà Nội hưởng ứng lời Bác Hồ kêu gọi "Không có gì quý hơn độc lập tự do", ĐTTHN huy động phóng viên ghi âm, viết bài, tin phát thanh tiếng nói của đông đảo quần chúng khắp nội, ngoại thành hừng hực khí thế chiến đấu.
Cũng thời gian này ĐTTHN nhận ra vấn đề quan trọng cấp thiết cần giải quyết. Đó là tin tức chiến thắng Đài thường đưa chậm vì phải qua nhiều tầng nấc: Thông tấn xã phát, Đài Tiếng nói Việt Nam, các báo,...rồi Đài mới có thể đọc chính thức, như vậy là có lỗi với nhân dân Thủ đô. Ban lãnh đạo Đài đã báo cáo Chủ tịch thành phố và.đề xuất hướng giải quyết. Được sự ủng hộ của Chủ tịch Thành phố và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đó, ĐTTHN có ngay tin tức chiến thắng sau mỗi trận chiến đấu do Phòng Thông tin quân đội cung cấp. Nhân dân thành phố phấn chấn, vui mừng đón nghe tiếng loa phát thanh: "Mời đồng bào và chiến sĩ Thủ đô đón nghe tin chiến thắng chúng tôi vừa nhận được". Có lần giữa trận chiến đấu, trong tiếng đạn pháo và tiếng máy bay gầm rú, tiếng loa loan tin chiến thắng làm cho mọi người dân thành phố hân hoan phấn khởi.
Nữ nhà báo đồng thời là nghệ sĩ điện ảnh Ba Lan E - len Man - ka đã trực tiếp đến ĐTTHN đề nghị được quay phim, thu tiếng nói của nữ phát thanh viên Nguyễn Thị Thìn. Theo bà, "tiếng nói đĩnh đạc, rõ ràng vượt lên trên tiếng súng phòng không và tiếng gầm rít của máy bay Mỹ, không những làm mọi người yên tâm mà còn phấn khởi hẳn lên khi được nghe tin chiến thắng bắn rơi máy bay Mỹ". Phát huy thế mạnh thông tin kịp thời, ĐTTHN mở mục "Tin mới nhận được" được nhân dân rất mến mộ và mở mục "Điểm tin chiến thắng" trên các báo Hà Nội mới, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, phát bài của báo chí nước ngoài nói về chiến thắng của quân dân ta ở cả hai miền.
Trước thái độ ngang ngược của chính quyền Ních Xơn, Đảng ta dự kiến Mỹ sẽ đánh phá ác liệt vào Hà Nội. ĐTTHN được giao nhiệm vụ chuẩn bị mệnh lệnh chỉ huy khi địch dùng B52 đánh vào Hà Nội. Ngay đêm 18 tháng 12 năm 1972, phóng viên của Đài đã tới các trận địa để sáng 19.12 có tin, bài cùng băng thu thanh phát trên hệ thống truyền thanh trên thành phố. Trong suốt mười hai ngày đêm Đế quốc Mỹ rải thảm hòng "đưa Việt Nam trở lại thời đồ đá", tiếng nói Hà Nội được giữ vững liên tục, thông suốt, cổ vũ động viên quân dân Thủ đô chiến đấu.
Khi đất nước thống nhất,ĐTTHN được trang bị kỹ thuật truyền dẫn phát thanh để truyền tín hiệu từ 47 Hàng Dầu đến Đài Phát sóng Mễ Trì. Tháng 10 năm 1977, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 23 ngày Giải phóng Thủ đô và ngày thành lập Đài, chương trình phát thanh của ĐTTHN được phát trên sóng AM (qua Đài Phát sóng Quốc gia Mễ Trì). Từ đây, tiếng nói của ĐTTHN không chỉ có ở Hà Nội, mà đã được phủ sóng tới các tỉnh miền Bắc và một phần miền Trung. Ngày 10 tháng 10 năm 1989, Đài đã chính thức phát sóng FM máy phát công suất 100W đặt tại 47 Hàng Dầu.
14 giờ ngày 01 tháng 01 năm 1979, trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, chương trình truyền hình Hà Nội đầu tiên đã ra mắt khán giả Thủ đô, với một hình hiệu mới và nhạc hiệu “Người Hà Nội" quen thuộc.
Mười năm sau đó của Truyền hình Hà Nội (1979-1989) là thời kỳ vừa đào tạo đội ngũ, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, vừa thử nghiệm biên tập và sản xuất chương trình phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
Ngày 25 tháng 8 năm1989, UBND Thành phố ra quyết định đổi tên Đài Phát thanh Hà Nội thành Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội(ĐPT-THHN), chính thức ghi nhận Đài là tờ báo nói và báo hình của Thành phố.
Năm 1991, công trình xây dựng trụ sở ĐPT-THHN được khởi công. Ngày19/5/1994, Trung tâm Kỹ thuật được chuyển từ 47 Hàng Dầu xuống trụ sở mới, ở số 3-5 phố Huỳnh Thúc Kháng để sản xuất chương trình tại đây.
Ngày 10 tháng 10 năm 1994, kỷ niệm lần thứ 40 ngày Giải phóng Thủ đô, Đài đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất Nhà nước trao tặng, cũng là ngày Trung tâm Kỹ thuật Sản xuất và Truyền dẫn Phát sóng Chương trình Phát thanh-Truyền hình của Đài chính thức khánh thành.
Giai đoạn 2000 - 2008 là thời kỳ ĐPT-THHN tập trung nâng cao chất lượng sản xuất chương trình, chất lượng nội dung và hình thức chương trình theo chuẩn mực chuyên nghiệp với các mốc:
Tháng 7 năm 2001, ĐPT-THHN triển khai thực hiện dự án truyền hình cáp (CATV) ở Hà Nội.
Tháng 10 năm 2002, ĐPT-THHN cho ra đời Trang thông tin điện tử và Truyền hình internet với địa chỉ www.hanoitv.vn. Báo điện tử và Truyền hình internet Hà Nội là báo đa phương tiện, gồm cả phát thanh (audio), truyền hình, ảnh lên mạng toàn cầu bằng các video clip.
Tháng 6 năm 2004, ĐPT-THHN xuất bản số đầu tiên ấn phẩm Truyền hình Hà Nội, đa dạng hóa các phương tiện thông tin.
Ngày 01 tháng 8 năm 2008, Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính bằng việc hợp nhất Hà Nội với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Theo đó, ĐPT-THHN(thành lập từ năm 1978) sáp nhập với ĐPT-THHN lấy tên là ĐPT-THHN.
Sau hợp nhất, ĐPT-THHN đã có sự phát triển vượt bậc về trang bị cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, mở rộng phạm vi phủ sóng, nâng cao chất lượng và đổi mới nội dung chương trình; mở rộng các loại hình báo chí, khẳng định vị thế của Đài Thủ đô trong sự nghiệp phát triển báo chí Cách mạng Việt Nam và hệ thống phát thanh truyền hình quốc gia.
Ngày 10 tháng 11 năm 2013, ĐPT-THHN khánh thành và đưa vào sử dụng Trung tâm kỹ thuật, truyền dẫn, phát sóng mới hiện đại tại Mễ Trì, phục vụ cả Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và những cơ quan thông tin truyền thông khác có nhu cầu. Thời gian này cùng với việc sử dụng camera kỹ thuật số, các trường quay của Đài cũng chuyển sang công nghệ số.
Từ 21 tháng 6 năm 2016 ĐPT-THHN đã chính thức phát sóng HD trên kênh 1, với hình ảnh độ nét cao. Kênh 1 truyền hình Hà Nội đã có mặt trên hệ thống truyền hình quảng bá số mặt đất, phủ sóng trên 16 tỉnh đồng bằng sông Hồng. Ngày 02 tháng 9 năm 2016 Kênh 2 của Đài cũng chính thức phát sóng chuẩn HD và từ 2017, cả hai kênh H1 và H2 đều phát sóng 24/24h.
Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình,ĐPT-THHN đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều huân chương, huy chương cao quý, trong đó có hai lần được tặng Huân chương Độc lập Hạng nhất vào năm 2009 và 2014.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Hội nhà báo Thành phố Hà Nội, Sơ thảo lịch sử Báo chí Hà Nội (1905-2000), NXB Chính trị Quốc gia, 2004.
- Đài PT-TH Hà Nội, 65 năm giữ trọn niềm tin (14.10.1954 – 14.10.2019), Kỷ yếu do Đài PT-TH Hà Nội tự xuất bản, chịu trách nhiệm nội dung: Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Tô Quang Phán.
- HanoiTV, Những dấu ấn mới của Truyền hình Hà Nội (14.10.2016; 14:17)
- HanoiTV, Đài PT-TH Hà Nội kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập (15.10.2014; 08:28)