Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Âm dương ngũ hành

Âm dương ngũ hành là tên một học thuyết về bản chất và mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong vũ trụ của triết học duy vật cổ đại Trung Quốc, gồm hai phần bàn về âm dương và ngũ hành.

Âm dương[sửa]

Biểu tượng âm dương nói lên bản chất và mối quan hệ giữa âm và dương.

Âm dương là một cặp phạm trù trọng yếu của triết học cổ đại, chỉ thuộc tính của mọi hiện tượng, sự vật trong toàn vũ trụ.

Từ thực tế cuộc sống, người Trung Quốc cổ đại đã nhận thấy trong mỗi sự vật luôn tồn tại mâu thuẫn nhưng lại thống nhất với nhau trong quá trình vận động, phát triển của nó. Để biểu thị cho sự đối lập, vừa trái ngược nhau nhưng lại bổ trợ cho nhau như vậy, người ta đặt ra thuyết âm dương. Dương có các tính chất như: giống đực, ánh sáng, nóng, chủ động, rắn chắc...Âm thì có các tính chất ngược lại: giống cái, bóng tối, lạnh, thụ động, mềm mỏng...

Quan niệm về âm dương xuất hiện lần đầu tiên trong sách “Quốc ngữ”. Tài liệu này mô tả âm dương là hai dạng vật chất tồn tại phổ biến trong vũ trụ, một dạng có dương tính và một dạng có âm tính. Hai yếu tố âm và dương tác động lẫn nhau tạo nên vũ trụ. Lão Tử những chỉ tìm hiểu quy luật biến hoá của âm dương trong trời đất mà còn khẳng định trong mỗi sự vật đều chứa đựng thuộc tính mâu thuẫn, đó là âm dương.

Sự biến hoá theo quy luật không ngừng của sự vật được lí giải rõ hơn trong “Kinh Dịch”. Theo đó, bản nguyên của vũ trụ là thái cực, thái cực là nguyên nhân/trạng thái đầu tiên, từ thái cực sinh ra lưỡng nghi (âm và dương), lưỡng nghi sinh tứ tượng (thái âm, thái dương, thiếu âm và thiếu dương, tương ứng với các yếu tố nước, lửa, đất, khí), tứ tượng sinh bát quái (càn, khôn, chấn, tốn, khảm, ly, cấn, đoài). Như vậy, theo “Kinh Dịch” thì vạn vật đều có bản thể động, mọi sự biển thể sinh diệt, sống chết đều do sự vận động của hai khí âm và dương.

Đến thời Hán, trong tác phẩm “Hoàng đế Nội kinh” cũng bàn về vấn đề âm dương trong trời đất trong mối liên hệ với sự sống của con người.

Vậy, âm và dương cần được nhận biết như thế nào? Để xác định một sự vật đâu là âm, đâu là dương cần phải xem xét trong một thể thống nhất, đối lập và liên hệ với nhau. Trên thực tế, không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm luôn có dương, trong dương luôn có âm. Muốn xác định được tính chất âm hay dương của một đối tượng thì phải xác định được đối tượng và cơ sở so sánh. Ví dụ, nước so với đất về độ cứng thì nước là âm, đất là dương; nhưng về độ linh động thì nước là dương, đất là âm; màu trắng so với màu đỏ là âm, nhưng so với màu đen lại là dương.

Trong học thuyết âm dương có bốn quy luật cơ bản:

- Âm dương đối lập với nhau: đây là quy luật về sự mâu thuẫn, chế ước và đấu tranh giữa hai mặt âm dương.

- Âm dương hỗ căn (tức nương tựa lẫn nhau): quy luật này cho thấy tuy âm, dương đối lập với nhau nhưng phải nương tựa lẫn nhau mới tồn tại được và có ý nghĩa.

- Âm dương tiêu trưởng (tức mất đi, phát triển theo quy luật tuần hoàn): quy luật này nói nên sự vận động không ngừng dẫn đến chuyển hoá lẫn nhau giữa âm và dương theo xu hướng “dương cực sinh âm, âm cực sinh dương”.

- Âm dương bình hành: quy luật này cho thấy hai mặt âm dương tuỵ đối lập, vận động không ngừng, nhưng luôn lặp lại được thế cân bằng giữa hai mặt. Sự mất cân bằng giữa hai mặt âm dương nói lên sự mâu thuẫn thống nhất, vận động và nương tựa lẫn nhau của vật chất.

Ngũ hành[sửa]

Ngũ Hành

Nếu như sự vận động không ngừng của vũ trụ đã đặt cơ sở hình thành nên thuyết âm dương, thì nhu cầu tìm hiểu về bản thể của thế giới và các hiện tượng trong vũ trụ đã thúc đẩy con người hình thành nên học thuyết ngũ hành.

Đây là học thuyết diễn giải về mối quan hệ có khả năng biến đổi, tương tác chế hóa của sự vật hiện tượng dựa trên sự vận động của 5 yếu tố kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ trong vũ trụ.

Ngũ hành có hai quy luật cơ bản:

- Quy luật tương sinh: chỉ mối quan hệ sinh ra nhau một cách thứ tự, thúc đẩy nhau phát triển của các yếu tố kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Thứ tự tương sinh là: mộc sinh hỏa, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc. Sự tương sinh này cư lặp lại không ngừng.

- Quy luật tương khắc: chỉ mối quan hệ lần lượt ức chế lẫn nhau của các yếu tố kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Thứ tự của tương khắc là: mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc. Quá trình tương khắc này cũng tuần hoàn không ngừng.

Những quan niệm về ngũ hành và quy luật tương sinh tương khắc của ngũ hành được ghi chép trong nhiều tác phẩm của Trung Quốc từ thời cổ đại. Thiên “Hồng phạm” trong sách “Kinh thư” cho biết đặc tính của 5 yếu tố: thủy thì ướt chảy xuống, hỏa thì nóng bốc lên, mộc thì cong thẳng, kim thì thuận theo thay đổi; thổ thì để trồng trọt. Đến thời Chu, Sử Bá cho rằng: hòa hợp thì sinh ra vật chất, đồng nhất thì không có tiếp nối nên tiên vương nhà Chu đã thổ phối hợp với kim, mộc, thủy, hỏa để tạo thành muôn vật. Trâu Diễn - một nhà tư tưởng thuộc phái âm dương gia cũng dùng trật tự của ngũ hành để gán ghép cho trật tự của các triều đại vua. Đến thời Hán, Đổng Trọng Thư đã lợi dụng quan điểm về âm dương ngũ hành để để giải thích quy luật biến hóa của thế giới là do sự chi phối của mệnh trời.

Diễn trình lịch sử Trung Quốc ở các thời kỳ sau cho thấy học thuyết âm dương ngũ hành dần được lí giải theo hướng gắn với sự vận động xã hội và có mục đích chính trị rõ ràng. Tuy vậy, cách lí giải về hình thành, biến đổi, liên hệ của sự vật trong thế giới trong học thuyết này cũng được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau sau này, đặc biệt là trong khám chữa bệnh theo y học cổ truyền.

Học thuyết âm dương ngũ hành gắn liền với sự hình thành và phát triển của trường phái Âm Dương gia thời Đông Chu Chiến quốc. Đây là một trong những trường phái chủ lưu tại Trung Quốc vào thời thời kỳ “Bách gia chư tử”. Học phái này lấy học thuyết Âm dương - Ngũ hành làm tôn chỉ, nên còn gọi là Âm Dương gia, Ngũ Hành gia, hay Âm Dương Ngũ Hành gia.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Lương Ninh (chủ biên), Lịch sử văn hóa thế giới cổ trung đại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999 (tái bản lần thứ nhất).
  2. Dorothy Perkins, Encyclopedia of China: History and Culture, Routledge, 2013, pp. 160-161, 604 (Dorothy Perkins, Bách khoa thư Trung Quốc: Lịch sử và văn hóa, Nxb. Routledge, 2013, tr.160-161, 604).
  3. 彭华,《阴阳五行研究(先秦篇)》,吉林人民出版社,吉林, 2011年版 (Bành Hoa, Nghiên cứu về âm dương ngũ hành (phần Tiên Tần), Nxb. Nhân dân Cát Lâm, Cát Lâm, 2011).
  4. 徐寒主编《中国历史百科全书》,第4卷 《农业与科技卷》,吉林大学出版社,吉林,2004年版 (Từ Hàn chủ biên, Bách khoa toàn thư Lịch sử Trung Quốc, quyển thứ 4 “Nông nghiệp và Khoa học kỹ thuật”, Nxb. Đại học Cát Lâm, Cát Lâm, 2004).
  5. 王继训,《先秦秦汉阴阳五行思想之探析》,《管子学刊》,2003年第1期,第47-51页 (Vương Tiếp Huấn, Phân tích tư tưởng âm dương ngũ hành thời Tiên Tần, Tần, Hán, Tạp chí Quản tử học san, số 1 năm 2003, tr.47-51).