Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Áp lực bạn bè

Áp lực bạn bè là sức ép từ số đông những người ngang hàng với nhau về lứa tuổi hoặc vị thế xã hội đến cá nhân, làm cho cá nhân phải tuân theo các yêu cầu của số đông. Sức ép của bạn bè có tác động rất mạnh đến mỗi thành viên trong nhóm, làm cho cá nhân từ bỏ ý kiến của mình để theo ý kiến của số đông. Sức ép này có thể diễn ra công khai hoặc ngấm ngầm. Sức ép có thể ở mức độ nhẹ là sự ảnh hưởng của bạn bè đến cá nhân nhưng cũng có thể rất mạnh, trở thành sự áp đặt các giá trị, niềm tin đối với cá nhân, làm cho cá nhân tham gia vào các hoạt động giống như những thành viên khác của nhóm.

Trong hoạt động nghề nghiệp, áp lực có thể do yêu cầu của hoạt động nghề nghiệp tạo nên, không hẳn chỉ do con người. Áp lực từ cộng đồng xã hội có thể do nhiều người với các vị thế xã hội khác nhau hoặc yêu cầu của sự tồn tại và phát triển khách quan của cộng đồng. Còn áp lực bạn bè hoàn toàn do mong muốn của số đông những người ngang hàng với nhau tác động lên số ít các thành viên còn lại.

Áp lực của bạn bè là để cá nhân có cùng một cách nghĩ, cách hành động giống như mọi người xung quanh, để cá nhân có cách ứng xử như là một thành viên của nhóm. Áp lực của bạn bè bắt đầu có từ tuổi học sinh nhỏ. Lứa tuổi thanh thiếu niên chịu áp lực bạn bè mạnh nhất. Khi con người trưởng thành vẫn có thể chịu tác động của áp lực của bạn bè, nhưng áp lực của bạn bè giảm đi rất nhiều. Vì khi trưởng thành, con người đã có sự độc lập về kinh tế, không còn phụ thuộc vào cha mẹ, phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, con người cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng xử trong xã hội nên họ có sự tự tin, tính độc lập nhất định nên ít bị áp lực của bạn bè hơn khi còn là học sinh.

Nguyên nhân[sửa]

Có rất nhiều lý do khác nhau khiến con người bị tác động của áp lực của bạn bè:

  1. Con người chịu sự tác động của các cơ chế tâm lý xã hội. Trong đó, có cơ chế đồng nhất hóa. Cơ chế này làm cho con người có xu hướng hòa vào với mọi người, không muốn mình khác với mọi người để được mọi người tán thành và chấp nhận.
  2. Con người có thể có sự bắt chước lẫn nhau, nhất là bắt chước theo những người mà mình ngưỡng mộ. Hoặc cũng có thể con người muốn khẳng định bản thân trước mọi người nên làm giống như mọi người để chứng tỏ mình không thua kém người khác. Đôi khi con người còn có tư tưởng a dua, ngại suy nghĩ nên theo ý kiến số đông cho xong. Nhưng cũng có thể con người cho rằng: số đông là đúng nên theo cho an toàn. Khi cá nhân bị áp lực nhóm chi phối sẽ xảy ra hai tình huống: Sự bắt buộc thực hiện hành vi của cá nhân theo áp lực nhóm có thể do áp lực bên trong và bên ngoài. Ở trường hợp do áp lực từ bên ngoài, cá nhân nhận thấy sự mâu thuẫn giữa ý kiến của mình với áp lực nhóm, nhưng lúc ở trong nhóm, họ buộc phải tuân theo áp lực nhóm. Khi rời khỏi không gian của nhóm, họ lại giữ ý kiến của mình, áp lực nhóm mất hiệu lực. Nếu do áp lực bên trong, nghĩa là cá nhân tin tưởng vào sự đúng đắn của áp lực nhóm thì cá nhân vẫn bảo vệ ý kiến của nhóm khi nhóm thôi không gây áp lực nữa.

Tác động[sửa]

Xét theo góc độ tác động của áp lực bạn bè đến sự phát triển của mỗi cá nhân thì áp lực bạn bè có thể tích cực và cũng có thể tiêu cực tùy thuộc vào điều nhóm mong muốn cá nhân phải tuân theo. Nếu là nhóm của những học sinh giỏi thì học giỏi là một giá trị để nhóm theo đuổi, giá trị đó tạo thành áp lực buộc các thành viên phải cố gắng học tập, muốn hay không, cá nhân vẫn phải cố gắng học giỏi. Như vậy, cá nhân không được tự do hành động theo ý mình. Điều đó có vẻ có lợi cho sự phát triển cá nhân nhưng không hẳn là tác động tích cực. Vì với cá nhân, áp lực làm cho họ bắt buộc phải hành động theo yêu cầu hoặc mong đợi của nhóm bạn bè. Vì vậy, ngay trong áp lực bạn bè tích cực thì với cá nhân, vẫn có khía cạnh tiêu cực. Đó là phải làm điều mà mình chưa chắc đã thích làm. Nếu nhóm là những người sử dụng chất kích thích, hoặc nhóm gồm những người gian lận, trộm cắp thì áp lực bạn bè sẽ là tiêu cực đối với mỗi cá nhân trong nhóm.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Khắc Viện (Chủ biên), Từ điển tâm lý, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
  2. Nguyễn Văn Lũy - Lê Quang Sơn (đồng chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2009.
  3. Trần Quốc Thành, Nguyễn Đức Sơn, Tâm lý học xã hội, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2015.
  4. Nguyễn Đức Sơn, Lê Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Huệ, Đỗ Thị Hạnh Phúc, Trần Quốc Thành, Trần Thị Lệ Thu, Giáo trình Tâm lý học Giáo dục, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2019.