Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Áo yếm

Áo yếm còn gọi là yếm, là loại áo mặc sát người được phụ nữ Kinh (Việt) dùng phổ biến từ thời Trần (thế kỷ XII- XIV) đến hết thời Nguyễn (năm 1945). Xuất xứ là một mảnh vải vuông che ngực có dây buộc ở gáy và lưng, được cả đàn ông và phụ nữ sử dụng, về sau nó trở thành áo yếm (hay yếm) dành riêng cho phụ nữ.

Có hai loại áo yếm, một loại dùng mặc lót bên trong áo cánh ngắn thân (không cúc cài), loại áo yếm thứ hai có thể dùng mặc không cần áo cánh, hai tay để trần. Ngày thường, phụ nữ chỉ mặc áo cánh bên ngoài áo yếm, khi tiếp khách hay khi có việc trọng đại, ngày lễ tết, phụ nữ khoác thêm chiếc áo tứ thân.. Kiểu dáng hai loại áo yếm giống nhau nhưng chỉ khác ở dây buộc sau lưng hay trước bụng và việc sử dụng chúng.

Yếm_đào

Yếm là tên gọi dân dã của chiếc vân kiêu (một loại yếm dài) dùng khoác ngoài áo dài lễ phục cung đình. Vân kiêu là tấm vải quây tròn quanh cổ, che ngực, vai và một phần lưng người mặc, được trang trí cầu kỳ với các họa tiết thêu chỉ màu, có những dải tua bằng vải hoặc được kết bằng tơ chạy theo đường viền gấu buông xuống dưới.

Từ một mảnh vải vuông (khoảng 40cmx40cm), khi làm áo yếm người ta sẽ xoay chiều thành hình thoi. Góc chéo trên cùng được dùng làm cổ áo yếm, người ta có thể khoét tròn, gọi là áo yếm cổ tròn hoặc cổ xây, hay khoét hình chữ V, gọi là áo yếm cổ xẻ hay cổ con nhạn. Hai đầu cổ áo yếm có dây vải (hoặc dây lụa) nhỏ dùng để buộc ở gáy và hai dây nhỏ bên sườn dùng buộc sau lưng, góc chéo còn lại buông rủ xuống phía váy bên dưới. Đây là loại áo yếm dùng mặc lót làm nội y bên trong áo cánh ngắn. Loại thứ hai có khác biệt ở dải vải hai bên sườn hình tam giác dài, dùng vắt chéo sau lưng rồi vòng về phía trước buộc ở bụng. Loại áo yếm này vừa giữ được ngực vừa che kín cả bụng, tay để trần và người phụ nữ có thể mặc mà không cần mặc áo cánh ngắn bên ngoài. Từ thời Lê (thế kỷ XV- XVIII) cho đến sau này, phụ nữ hay mặc loại áo yếm thứ hai này, loại cổ tròn (yếm cổ xây) cùng với chiếc váy có thắt lưng vải buộc thành múi thả phía trước.

Yếm

Áo yếm được làm từ vải thô hoặc lụa với nhiều màu khác nhau như trắng, hồng điều, hoa hiên, vàng mỡ gà (vàng tơ tằm) hay nâu non. Ngày thường, phụ nữ dùng áo yếm vải trắng, vào ngày lễ hay ngày hội mới dùng loại bằng lụa hay cấp, nhiễu. Những áo yếm màu sắc chỉ phụ nữ trẻ dùng và ngoài loại cổ tròn, họ thích dùng áo yếm cổ xẻ (cổ con nhạn) có thêm ba đường chỉ màu khâu nổi như hình chân chim ở đáy chữ V. Chúng vừa giữ được độ bền chắc cho hình dáng và làm đẹp cổ áo yếm, vừa làm đẹp cổ của người mặc. Với nhiều lớp áo, cổ áo yếm lộ ra ngoài đã trở thành vật trang trí cho trang phục váy áo của phụ nữ (cùng với thắt lưng màu sắc rực rỡ). Cuối thế kỷ XVIII, Giáo sĩ Jerome Richard khi đi khảo sát ở Đàng Ngoài đã cho rằng, phụ nữ Việt mặc áo yếm có dây buộc quanh bụng, tay để trần,không áo cánh khoác ngoài để làm đẹp, nhưng là cách “ăn mặc khá khiếm nhã”. Trên thực tế, với những phụ nữ Kinh, việc sử dụng loại áo yếm mặc ngoài, trước hết là để phù hợp với thời tiết nóng nực và giúp thuận tiện trong lao động.

Đã hơn một thế kỷ du nhập Âu phục, đồ nội y của phụ nữ cũng qua nhiều lần thay đổi, nhưng áo yếm vẫn có một vị trí đặc biệt trong lịch sử nữ phục Việt Nam. Chỉ khác nhau về dây buộc, áo yếm vừa có thể là nội y, vừa là áo mặc ngoài. Tuy hiện nay áo yếm không còn được dùng phổ biến nhưng sự gợi cảm nữ tính của nó đã để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức người Việt, là nguồn cảm hứng cho thi ca, hội họa. Hình ảnh áo yếm đi vào ca dao như một biểu trưng cho tình yêu nam nữ, với ước muốn táo bạo mà chân thực: “Hỡi cô yếm trắng loa lòa/Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm/Ước gì anh được ở gần/Để anh nhuộm hộ thấm nhuần công anh”; “Ước gì sông rộng một gang/Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”. Áo yếm được bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương (1772-1822) lấy làm hình ảnh chủ đạo cho vẻ ngây thơ, quyến rũ của “Thiếu nữ ngủ ngày”. Dải yếm đào được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) điểm xuyết khi tả trang phục của cô gái trẻ đi lễ Phật đầu xuân trong bài “Chùa Hương”, làm nổi bật vẻ đẹp rực rỡ, trong sáng của thiếu nữ. áo yếm cũng đã được khắc họa trong nhiều bức tranh về vẻ đẹp thôn nữ như tranh gốm hay sơn mài: “Thiếu nữ gội đầu”, “Thiếu nữ tắm đêm”, “Thiếu nữ tắm trăng”,v.v..

Đàn bà và đứa trẻ mặc yếm, Hà Nội 1900 - 1915.

Áo yếm trở thành nguồn cảm hứng cho những thiết kế thời trang hiện đại. Vào những năm đầu thế kỷ XXI, một số nhà thiết kế đã cách tân áo yếm và thành một phần của bộ áo - váy xuất hiện trên sàn diễn thời trang. Một số mẫu áo yếm hiện đại ra đời với nhiều kiểu dây buộc to, nhỏ khác nhau, đa dạng về chất liệu vải, màu sắc, trong sự thay đổi một vài chi tiết và kiểu dáng, Như mẫu áo yếm có phần cổ và ngực giống truyền thống nhưng vạt phía dưới là thân áo sơ mi, hay vạt áo yếm được thêu hình phượng, hoa mẫu đơn,... được nhiều nữ nghệ sĩ sử dụng và thu hút nhiều cô gái trẻ đưa vào bộ sưu tập trang phục đi chơi hay đi nghỉ mát mùa hè.

Áo yếm là một phần của di sản nữ phục truyền thống, trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Hiện nay, áo yếm cổ được sử dụng trong trình diễn trên sân khấu chèo truyền thống và trình diễn Quan họ trong ngày hội lễ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Đoàn Thị Tình, Trang phục Việt Nam (dân tộc Việt), Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2006.
  2. Đoàn Thị Tình, Trang phục Thăng Long- Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2010.
  3. Trần Quang Đức (tái bản), Ngàn năm áo mũ (lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945), Nxb. Thế giới& Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2019.