Áo trấn thủ là áo bông chần ngắn đến thắt lưng, cổ khoét tròn, thường không có tay.
Thời kì đầu của cuộc Kháng chiến chống Pháp, công tác bảo đảm quân nhu nói chung, bảo đảm quân trang nói riêng của quân đội ta còn nhiều khó khăn, trang phục của bộ đội không thống nhất, mỗi người một kiểu. Để giúp giữ ấm cho chiến sĩ trong mùa đông, tháng 10.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào may áo rét cho bộ đội. Ngày 25.10.1946, Ủy ban vận động “Mùa đông binh sĩ” ở Trung ương và các địa phương được thành lập. Trong buổi lễ đầu tiên phát động phong trào “Mùa đông binh sĩ” do Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức chiều ngày 17.11.1946 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và đã góp vào quỹ chiếc áo sợi duy nhất của mình và một bộ quần áo. Cũng chính trong phong trào “Mùa đông binh sĩ”, Quân nhu cục cùng với các nhà may ở phố Hàng Trống (Hà Nội) đã nghiên cứu, sản xuất ra Áo trấn thủ. Mẫu đầu tiên may chần bằng chỉ thành các hình thoi, có cúc (dây) cài (buộc) một bên vai và một bên sườn.
Áo trấn thủ ra đời đã nhanh chóng được cán bộ, chiến sĩ Vệ quốc đoàn và nhân dân ưa chuộng sử dụng. Trong Kháng chiến chống Pháp, phong trào toàn dân may Áo trấn thủ ủng hộ bộ đội diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ và đã trở thành một cuộc vận động quần chúng rộng lớn trên cả nước.
Áo trấn thủ mặc ôm sát người, vừa ấm, vừa tiện cho chiến sĩ trong sinh hoạt và chiến đấu trong mùa đông. Trong quá trình sử dụng, mẫu Áo trấn thủ ban đầu nhiều lần được cải tiến, hoàn chỉnh. Đến cuối năm 1952 có thêm loại Áo trấn thủ dài tay; về sau còn có thêm loại cài cúc ở phía trước ngực, tuy nhiên loại không có tay vẫn thông dụng, rất thuận tiện cho sử dụng.
Chiếc Áo trấn thủ đã trở thành hình ảnh đẹp về Anh Bộ đội Cụ Hồ, để lại dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân Việt Nam về một thời oanh liệt chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời cũng để lại nhiều câu chuyện đẹp trong mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trong tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bộ đội và nhân dân.
Hiện nay, Áo trấn thủ vẫn được sử dụng trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. (408 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu Cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1995.
- Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Quân nhu Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005 .
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007.
- Tổng cục Hậu cần, Từ điển Hậu cần quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009.
- Tổng cục Hậu cần, Tạp chí hậu cần quân đội, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010.