Áo tứ thân là loại áo dài phụ nữ Kinh (Việt) vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sử dụng phổ biến từ thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XV) đến hết thời Nguyễn (năm 1945). áo tứ thân dùng mặc choàng ngoài áo cánh ngắn thân và yếm bên trong, bên dưới là váy.
Các nhà nghiên cứu trang phục Việt truyền thống cho biết, áo tứ thân có hình dáng tương đồng với chiếc bối tử của phụ nữ thời Tống, Trung Hoa (thế kỷ X- XIII), từ đó tìm đến sự xuất hiện của áo tứ thân ở Đại Việt. Cả hai đều là loại áo dài quá gối, xẻ tà hai bên sườn, cổ áo được khâu viền chạy dọc xuống dưới theo hai vạt trước, ống tay rộng. Áo được hoàng hậu và phi tần trong cung, các tỳ thiếp nhà quan, các ca kỹ thường dùng trong các dịp thết đãi yến tiệc, tiếp khách,... Sự khác nhau dễ nhận thấy giữa hai loại áo là hai vạt trước áo tứ thân thường vắt quàng lên nhau khi mặc, nhưng bối tử thì vạt để buông.
Thời Hậu Lê (thế kỷ XV- XVIII), phụ nữ Kinh không chỉ dùng áo tứ thân mà còn dùng áo giao lĩnh (còn gọi áo tràng vạt) giống đàn ông. Đây là kiểu áo dài có cổ áo và hai vạt trước vắt chéo chồng lên nhau, buộc dây bên sườn. Gần cuối thời Minh Mạng (1791-1841), theo luật, người dân buộc phải thay đổi trang phục, áo tứ thân, váy đụp, khăn vuông, khố đều bị cấm dùng, nam nữ đều phải mặc áo dài ngũ thân cài cúc chéo một bên ngực. Tuy nhiên, thời kì này, áo tứ thân vẫn thấy xuất hiện nơi thôn dã.
Áo tứ thân dài quá gối, được may bằng bốn khổ vải, là loại vải truyền thống rộng khoảng 40cm. Có lẽ, khổ vải hẹp đã chi phối cách làm áo tứ thân và tên gọi của áo cũng từ đó mà ra. Thân sau áo tứ thân được ghép bằng hai mảnh vải có đường may dọc sống lưng,hân trước cũng làm từ hai khổ vải nhưng thành hai vạt tách rời, không có cúc cài. Áo không có đường khoét nách, chỉ có đường nối vai với tay áo (kiểu vai liền). Áo xẻ tà hai bên sườn, hai tà trước sau song song buông dài, cổ tay áo hẹp có xẻ rãnh vài phân phía gấu để dễ xỏ tay. Đường nét chạm khắc mỹ thuật thời Trần cho biết, những vũ nữ và nữ nhạc công dùng áo tứ thân ôm người nhưng tay áo rộng, thắt lưng được buộc múi hình số tám ép phía ngoài hai vạt trước để buông.
Phụ nữ Kinh dùng áo tứ thân khi đi ra ngoài hoặc tiếp khách, mặc khoác ngoài áo cánh ngắn không cài cúc, hở cổ chiếc yếm mặc sát người ở bên trong, hai vạt trước áo tứ thân vắt quàng lên nhau. Phụ nữ bình dân dùng áo tứ thân bằng the màu nâu đen hay thâm, dưới là chiếc váy quây dài bằng vải màu đen, phụ nữ nhà giàu dùng áo tứ thân bằng the với váy lụa. Màu sắc của bộ nữ phục gồm áo tứ thân, áo cánh, yếm, váy, thắt lưng chỉ có hai hoặc ba màu như trắng (hoặc trắng ngà), đen (hoặc thâm), nâu. Nhưng vào dịp lễ tết, hội hè hay cưới hỏi, những phụ nữ trẻ sẽ làm đẹp trang phục của mình bằng cách điểm xuyết những màu sắc rực rỡ như dùng yếm màu hồng đào, hoàng yến hay vàng chanh,… phần cổ yếm và dây yếm thắt sau gáy đều để lộ bên ngoài. Phía dưới là chiếc bao tượng (đựng tiền) màu ngà, chiếc thắt lưng màu xanh hoa lý thắt múi số tám buông trước bụng. Phụ nữ nhà giàu còn đeo vòng vàng hoặc chuỗi ngọc quấn quanh cổ, buông trước ngực, bộ xà tích bằng bạc (đựng vôi ăn trầu) được đeo vào thắt lưng bên eo. Sự kết hợp các lớp áo ngắn dài, cách vắt quàng hai vạt trước với nhau và thắt lưng được buộc kiểu cách, màu sắc của các phụ kiện đi kèm áo tứ thân đã giúp tôn lên dáng vẻ người phụ nữ.
Sau này, áo tứ thân của những thiếu nữ hay thiếu phụ trẻ thường thích may kiểu “đổi vạt” về màu sắc để làm áo nổi bật hơn. Họ ghép hai phần vải khác chất, khác màu cho các thân áo trước, sau. Chẳng hạn, phần trên của thân trước dùng the màu thâm, phần dưới là vải nhỏ sợi được nhuộm màu hạt cau và họ phải dùng cách sang sợi bằng chỉ rất công phu để ráp nối hai phần thân trên dưới. Hai mảnh thân sau lại dùng cách ghép màu so le giữa hai phần trên dưới của hai mảnh, nhưng đường ghép màu hai mảnh thân sau phải đảm bảo tạo thành một đường thẳng cắt ngang lưng áo. Vào mùa lạnh, khi đi hội hay trong dịp lễ trọng, phụ nữ không dùng áo bông khoác ngoài mà mặc vài áo tứ thân cùng nhau, gọi là kiểu mặc áo mớ. Cuối thế kỷ XVIII, khi xuất hiện áo dài ngũ thân, áo tứ thân vẫn được dùng khoác ngoài trong cách mặc áo dài “mớ ba” khác màu nhau (thường ngoài màu nâu hay thâm, trong là màu cánh sen, màu vàng hay hoa hiên,...).
Năm 1934, tại Hà Nội, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường đưa ra mẫu áo dài tân thời “Lemur”, được thiết kế trên cơ sở áo dài ngũ thân, sau tiếp tục được cách tân thành chiếc áo dài ngày nay. Chiếc áo dài tân thời có thân trước và thân sau không dùng đường can dọc hai mảnh, bên trong thân trước có thân nhỏ (lót) một bên ngực và sườn dùng để đính cúc cài. Ở các thành thị thịnh hành áo dài tân thời, áo tứ thân bị “cạnh tranh” mạnh hơn và bị đẩy lùi về vùng thôn quê, hiện diện trong các thực hành nghi lễ cho tới khoảng những năm 1945 - 1954. Sau năm 1975, áo tứ thân thường được phụ nữ lớn tuổi ở Bắc Bộ sử dụng khi đến hội đình, hội chùa hay đi lễ chùa vào các ngày sóc, vọng. Đến đầu thế kỷ XXI, áo tứ thân bằng lụa màu nâu vẫn được một số phụ nữ lớn tuổi người Kinh ở Bắc Bộ sử dụng khi đi lễ chùa. Đặc biệt, trong ngày hội Quan họ ở Bắc Ninh, những nghệ nhân lớn tuổi (sinh trong giai đoạn 1930 - 1940) vẫn dùng áo tứ thân như lễ phục khi tham gia hội hát của làng hay liên làng.
Hình ảnh áo tứ thân đã được thấy trong nhiều chạm khắc trang trí ở một số đình, đền với vũ nữ nhảy múa, hay tượng nữ ở chùa,... được bảo tồn đến nay. Trong di sản văn học cổ Việt Nam, áo tứ thân đã đi vào ca dao với nhiều hàm nghĩa, hoặc biểu trưng về cuộc sống lứa đôi, cũng có khi thể hiện sự lưu luyến không quên, hay muốn nói tới sự đổi thay dễ dàng: “Áo tứ thân em treo trên mắc/Đêm anh nằm anh đắp lấy hơi/Nhớ em, em vẫn ở đời/Quên em, em mới ra người kiếp xưa”... Trải qua hàng ngàn năm tồn tại với nhiều thăng trầm, áo tứ thân đã gắn liền với hình ảnh những phụ nữ Kinh vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ xưa, nay trở thành một phần của di sản về nữ phục truyền thống cùng với khăn mỏ quạ, nón thúng quai thao. Hiện nay, áo tứ thân được bảo lưu trong trang phục trình diễn trên sân khấu chèo truyền thống.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đoàn Thị Tình, Trang phục Việt Nam (dân tộc Việt), Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 2006.
- Đoàn Thị Tình, Trang phục Thăng Long- Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2010.
- Trần Quang Đức (tái bản), Ngàn năm áo mũ (Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945), Nxb. Thế giới&Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam, Hà Nội, 2019.