Áo dài là một loại trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, gồm một chiếc áo dài cổ cao, bó sát thân, xẻ dọc hai bên lên tới eo, mặc bên ngoài một chiếc quần rộng.
Chưa có nghiên cứu xác định chính xác thời điểm xuất hiện của áo dài, song nhiều ý kiến nhận định rằng kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam là áo giao lĩnh, còn gọi là giao lãnh (năm 1744). Áo ngũ thân (năm thân) được biến tấu với nhiều dáng cổ khác nhau như cổ áo cài chéo được gọi là giao lĩnh, cổ tròn gọi là đoàn lĩnh hay viên lĩnh, cổ đứng cài khuy gọi là thụ lĩnh. Loại trang phục này phổ biến trong dân gian và cung đình của cả nam và nữ thời phong kiến; từ năm 1954, nam giới không còn mặc áo dài phổ biến như trước.
Áo ngũ thân được may hai lớp, gồm lớp bên ngoài và lớp lót bên trong, thoải mái, tiện lợi, gọn gàng, kín đáo khi mặc. Áo có hình dáng xuông thẳng được may ghép từ 5 khổ vải, trong đó thân trước bên phải có 2 thân áo may chồng lên nhau. Thân dưới có vai trò đỡ thân áo ngoài và được đính khuyết dây. Áo có kết cấu xẻ tà hai bên sườn. Áo ngũ thân có năm cúc làm bằng kim loại, ngọc, gỗ… tượng trưng cho ngũ thường (nhân–nghĩ–lễ–trí–tín), ngũ luân (quân thần: vua–tôi, phụ tử: cha–con, phu phụ: chồng–vợ, huynh đệ: anh–em, bằng hữu: bạn bè). Năm thân áo tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và vạt người con nằm dưới vạt trước là thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo. Tà áo không bó sát người, rộng, càng xuống dưới càng xoè ra. Tay áo rộng hẹp tuỳ ý. Áo thường được mặc kèm một chiếc áo lót mầu trắng làm nền cho áo ngoài, thể hiện sự sạch sẽ bên trong theo quan niệm truyền thống về cái đẹp ẩn giấu bên trong của người Việt. Áo luôn đi kèm với khăn vấn. Áo nam và nữ may khá giống nhau, chỉ khác vài đặc điểm như: áo nam có cổ cao, thẳng và vuông tượng trưng cho sự chính trực của người quân tử; cổ áo nữ thấp hơn nam, ống tay áo nữ hẹp hơn, vạt áo nam dài hơn áo nữ. Áo có kiểu dáng, kết cấu có công năng sử dụng cao, tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong; với áo nữ có thể tôn dáng, che khuyết điểm cơ thể. Tuy nhiên theo thời gian, áo nam dần mất, vì thế khi nhắc đến áo dài, người ta thường nghĩ đến áo dài nữ. Vào thế kỷ thứ XVII, áo giao lĩnh trước kia khi mặc thường để hai thân trước giao nhau chứ không buộc lại. Để thuận tiện cho công việc đồng áng, buôn bán… áo giao lĩnh đã giản tiện thành áo tứ thân; người mặc có thể buộc hai tà trước để trông gọn gàng hơn. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát hạ lệnh thay đổi toàn bộ trang phục dân gian Đàng Trong, kiểu áo mới được cải biến từ kiểu áo ngũ thân cổ giao lĩnh. Áo có cổ đứng, bản nhỏ và cài khuy. Tay áo từ thụng rộng chuyển sang hẹp, vạt áo cũng thay đổi chiều dài và hẹp hơn. Tuy nhiên quy định này mới thực hiện ở Đàng Trong, còn Đàng Ngoài trong dân gian vẫn mặc theo lối truyền thống là yếm, váy, áo tứ thân. Kiểu áo chít ngũ thân, cổ nhỏ, cài khuyết, tay hẹp đã trở thành quốc phục triều Nguyễn và là tiền thân của áo dài tân thời.
Áo dài Lemur ra đời vào những năm 30 của thế kỷ XX do một hoạ sĩ tên Lemur Nguyễn Cát Tường thực hiện. Đây là một cải cách quan trọng để biến áo ngũ thân chỉ còn hai vạt trước và sau. Với tư duy trang phục phải tôn được hình dáng cơ thể, chỗ nở chỗ thắt, tạo nên được nét mềm mại uyển chuyển của phụ nữ nên vạt trước được thiết kế nối dài chấm đất, thân trên được may ôm sát theo đường cong cơ thể người mặc tạo vẻ yêu kiều và gợi cảm; hàng nút phía trước được dịch chuyển sang vai chạy dọc xuống thân ở một bên sườn, điểm chia hai tà áo trước – sau cũng trễ dưới eo khoảng 8cm nhằm giữ dáng áo mềm mại và duyên dáng kín đáo. Kiểu dáng cách tân này mặc kết hợp với kiểu quần ống rộng nhằm làm cho phụ nữ uyển chuyển tha thướt hơn. Áo khi mặc hơi sát bụng nên trông như ngực nở ra. Đó là nét mỹ thuật Âu Tây đầu tiên được đưa vào y phục phụ nữ Việt, điều này từng gây phản ứng mạnh một thời trong dư luận. áo dài Lemur có những biến cải mà nhiều người thời đó cho là “lai căng” thái quá như áo may ráp vai, ráp tay phồng, cổ bồng hoặc cổ hở; để mặc cho đúng mốt phải mặc với quần xa tanh trắng, đi giày cao, một tay cắp ô và quàng vai thêm bóp đầm. Lối tân thời này tuy được nhiều người yêu thích nhưng cũng bị một số dư luận thời đó tẩy chay. Áo dài kiểu Lemur phát triển ở Sài Gòn đến năm 1955, còn ở Hà Nội đến năm 1946 thì không còn tồn tại do cuộc vận động phong trào tiết kiệm, “diệt giặc đói giặc dốt” của chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà; áo dài không còn là trang phục thông dụng của phụ nữ Việt Nam trong một thời gian dài ở miền Bắc từ vĩ tuyến 17 với lý do khiến cho việc đi đứng làm việc bất tiện, lượt thượt, tốn vải, không tiết kiệm, không phù hợp với hoàn cảnh thời chiến (chiến tranh Việt – Pháp năm 1947-1954).
Năm 1958 ở Sài Gòn, áo dài do bà Trần Lệ Xuân mặc, dân gian gọi là áo dài Trần Lệ Xuân hay áo dài bà Nhu, đã có nhiều cách tân hơn nữa, phần cổ áo được thiết kế không có chân, cắt rộng tạo thành dáng hình thuyền, cổ hở, cổ khoét và được phá cách với hoạ tiết trang trí trên áo. Đặc biệt phần tay áo thiết kế theo đường chéo từ cổ xuống điểm hạ nách, kiểu thiết kế này có ưu điểm là giảm các nếp nhăn giữa các giao điểm gập nách. Thiết kế tay chéo còn được gọi là tay raglan, giúp người phụ nữ mặc áo tay tròn hơn, làn vải được bó khít theo thân hình người mặc từ dưới nách đến lườn eo, tôn đường cong của thân hình người phụ nữ. Kiểu này bị những người theo cổ học lúc đó lên án cho là không hợp thuần phong mỹ tục. Loại áo dài không cổ này vẫn phổ biến đến ngày nay với phần cổ được khoét sâu chứ không ngắn như bản gốc. Thời kỳ này tính trang trí trên áo dài chỉ phổ biến qua các hoa văn dệt trên lụa và đeo trang sức như chuỗi ngọc trai hay kiềng vàng, bạc. Ngoài ra còn thấy những mẫu áo dài sử dụng kĩ thuật thêu tay tạo trang trí nổi bật như những mẫu áo của nhà may Dung Dakao ở Sài Gòn.
Áo dài những năm 80-90 bắt đầu được bạn bè quốc tế biết đến như là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam. Hai nét nổi bật trong trang phục truyền thống phụ nữ Việt Nam là áo dài và nón lá. Những năm 1980, 1990 áo dài được tạo hình tương đồng về hình dáng và kết cấu với áo dài những năm 1940-1950, song được thiết kế với nghệ thuật trang trí sinh động, tạo nên diện mạo mới của áo dài. Từ năm 2000 đến nay, áo dài có những sáng tạo mới về hình dáng, kết cấu, mầu sắc, trang trí, hình thành nên những xu hướng, phong cách áo dài khác nhau, được thiết kế theo hai dòng chính: áo dài đời thường và áo dài trình diễn. áo dài đời thường gồm áo dài truyền thống và áo dài cách tân; áo dài trình diễn gồm áo dài trình diễn ấn tượng và áo dài mặc trong lễ cưới. Áo dài đời thường quan tâm đến xu hướng mốt thời trang và quy chuẩn (xã hội, môi trường, tính cộng đồng, đạo đức, tính khoa học…), dựa trên nhu cầu thực tế, phong cách, vóc dáng người mặc và nhu cầu mục đích sử dụng: phong cách trẻ trung năng động đề cao yếu tố cách tân thể hiện ở tỷ lệ chiều dài tà áo ngắn, hình dáng và kết cấu được thiết kế linh hoạt, không theo khuôn mẫu cụ thể, tông mầu sắc đa dạng, chất liệu vải có thể là lưới, voan, ren…, trong khi áo dài truyền thống được sáng tạo thể hiện tính chuẩn mực trong tạo hình về dáng, kết cấu, tỷ lệ, mầu sắc trang trí, tuỳ theo độ tuổi. Từ những năm 2000 trở lại đây, mầu sắc cũng không còn là tiêu chí lựa chọn theo lứa tuổi, những cô gái trẻ vẫn thấy mặc những mẫu áo dài mầu đen hay các mầu sắc trầm phối hợp với kiểu dáng áo phù hợp như tà áo lửng mặc cùng quần ống nhỏ, tạo nên những hiệu ứng thẩm mỹ mới. Áo dài trình diễn có nhiều khác biệt so với áo dài đời thường, tạo hình thiết kế mang thiên hướng nghệ thuật thể hiện sự sáng tạo, mang tính chất dự báo, đón đầu xu thế thời trang áo dài. Đặc biệt áo dài trình diễn được đặt trong không gian sân khấu, sàn diễn có nhiều ánh sáng, không khí lễ hội, do đó yếu tố tạo hình hình dáng, mầu sắc, chất liệu, trang trí thiết kế tạo sự thu hút thị giác. Áo dài trình diễn sử dụng trong các sự kiện như: dự tiệc khai trương, trao giải thưởng và đặc biệt là các cuộc thi sắc đẹp hay các trang phục cưới cô dâu. Về hình dáng, kết cấu áo dài trình diễn được thiết kế dựa trên hình dáng kết cấu của áo dài thường nhưng tỷ lệ các chi tiết như tà áo, tay áo, mầu sắc, trang trí được biến tấu và mang tính cách điệu cao. Ngoài ra áo dài trình diễn còn được phối cùng khăn đóng đội đầu, khăn choàng, trang sức, giày… những phụ trang được thiết kế tương hợp với tạo hình áo dài, góp phần mang đến giá trị nghệ thuật trong thiết kế áo dài trình diễn. áo dài trình diễn được các nhà thiết kế giới thiệu, truyền tải thông điệp, ý tưởng mới, quan điểm thẩm mỹ, nhằm tạo dấu ấn cá nhân và đề cao tính nghệ thuật trình diễn. Những năm cuối 1990 và đầu thế kỷ XX, đại diện cho những nhà thiết kế tiên phong đưa ra những thiết kế áo dài mới đó là nhà thiết kế Minh Hạnh và Sĩ Hoàng. Nhà thiết kế Minh Hạnh khai thác những yếu tố văn hoá trang phục (hoa văn thổ cẩm) của tộc người thiểu số, tạo tính trang trí trên áo dài. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đưa những yếu tố từ hội hoạ như những vệt mầu sắc, hình dáng, đường nét, bố cục trang trí… trên tà áo dài, biến áo dài trở thành những tác phẩm hội hoạ. Những thập niên gần đây, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, các cuộc thi liên quan đến áo dài được tổ chức thường xuyên như: Duyên dáng áo dài, Hoa khôi áo dài Việt Nam, Tà áo dài tôi yêu, Ảnh đẹp áo dài… Ngoài ra trong các cuộc thi sắc đẹp đều có phần thi bắt buộc thí sinh mặc áo dài truyền thống như: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam…
Trải qua nhiều thời kỳ, áo dài Việt Nam tuy có nhiều sự biến đổi nhưng vẫn mang ý nghĩa thể hiện bản sắc, tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt, gắn với nhân sinh quan và tinh thần người Việt. Nét đặc trưng của áo dài thể hiện ở tính phổ biến trong đời sống xã hội được sử dụng cả với tư cách lễ phục và thường phục. Những năm gần đây, áo dài được lựa chọn trở thành trang phục đại diện cho một tổ chức hay là đồng phục của giáo viên, nữ học sinh, sinh viên; áo dài cũng được nhiều phụ nữ Việt Nam mặc trong các dịp lễ tết, đi chùa hay dự các sự kiện quan trọng... Không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, áo dài là biểu tượng của sự trang nhã, thanh lịch, ẩn chứa ý nghĩa về đạo làm người, tính triết lý và quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, trở thành "quốc phục", chứa đựng bề dầy lịch sử, truyền thống văn hoá, ý thức tinh thần dân tộc và là hình ảnh tượng trưng của phụ nữ Việt Nam. Biểu tượng áo dài trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho các bài văn thơ, ca khúc trữ tình lãng mạn như: bài hát "Một thoáng quê hương" của nhạc sĩ Từ Huy, Thanh Tùng, "Áo dài ơi" của nhạc sĩ Sĩ Luân...; áo dài cũng ghi dấu ấn đặc sắc trong các tác phẩm hội hoạ tiêu biểu như "Thiếu nữ bên hoa huệ", "Hai thiếu nữ và em bé" của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, "Thiếu nữ bên hoa phù dung" "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí...; và cũng là đề tài khai thác điển hình trong các tác phẩm điện ảnh như "Cô Ba Sài Gòn", "Lý áo dài"...
Áo dài là sản phẩm giá trị văn hoá mặc và là nét đẹp trong văn hoá của người Việt. Cùng với sự biến đổi của xã hội, dù nhu cầu và phong cách thời trang thay đổi theo xu hướng chung của thời đại, nhưng áo dài vẫn luôn là trang phục không thể thay thế thể hiện tính linh hoạt, năng động, hội nhập của đời sống đương đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Đoàn Thị Tình, Áo dài phụ nữ Việt Nam, Trong Di sản Văn hoá Việt Nam Thăng Long- Hà Nội. Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2002, tr 135-142
- Nguyễn Thị Loan, Sự tiếp biến trong nghệ thuật thiết kế áo dài của phụ nữ Việt từ những năm 1930 đến năm 2017, Luận án Tiến sĩ Nghệ thuật, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, 2020