Áo bà ba là loại trang phục phổ biến của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long từ trong lịch sử đến ngày nay. áo bà ba là một trong những nét đẹp văn hóa trang phục đặc trưng của người Việt ở Nam Bộ. Cho đến nay, chưa có tư liệu nào xác định chính xác nguồn gốc chiếc áo bà ba, chỉ biết rằng, vào đầu thế kỷ XX loại áo này đã được mặc khá phổ biến ở Nam Bộ. Theo nhà văn Sơn Nam, Bà-Ba là người Mã lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba vạt ngắn, không bâu của người miền Nam yêu thích chính là kiểu áo của người Bà-Ba. Hay một giả thuyết khác về nguồn gốc áo bà ba cho rằng áo bà ba chính là cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa thuộc tầng lớp lao động, kiểu áo cứng, xé giữa, cài nút thắt… áo bà ba được người Việt ở Nam Bộ biến tấu cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu vùng đất này. áo bà ba xẻ giữa làm khuy, cài nút nhựa thay cho xẻ giữa, nút thắt do ảnh hưởng phương Tây.
Áo bà ba trước thế kỷ XX không có túi nên người phụ nữ mặc thêm loại áo túi bên trong áo bà ba. Áo túi giống áo bà ba nhưng ngắn tay dùng làm áo lót, thân áo ngắn hơn và không xẻ tà như áo bà ba. Áo túi may hai túi to ở hai bên để cất món đồ vặt, áo túi thường được mặc ở nhà. Sang đầu thế kỷ XX, áo bà ba bắt đầu may túi ở hai vạt trước khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ tà hai bên hông khiến cho người mặc thoải mái. Chính nhờ tính tiện dụng và thoải mái, phù hợp với hoàn cảnh điều kiện tự nhiên và khí hậu, áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở Đồng bằng sông Cửu Long chọn làm trang phục trong các hoạt động sinh hoạt đời thường như: đi làm, đi chợ, đi chơi… Chiếc áo bà ba được may theo chất liệu vải, màu sắc khác nhau tùy theo điều kiện kinh tế và nhu cầu sử dụng trang phục. Người nông dân Nam Bộ xưa thường mặc bộ bà ba đen đi làm đồng, bởi nó phù hợp với việc đồng áng và dễ giặt. Vải may là loại vải một, vải ú, vải sơn đầm… rất mau khô khi giặt. Riêng lúc đi chơi, áo bà ba được chọn vải may với màu sắc nhẹ nhàng, nam giới thường chọn màu trắng, màu xám tro… Các cô, các bà thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt, hồng… với chất liệu vải đắt tiền hơn như the, lụa, sa-tanh (satin). áo bà ba thường được mặc chung với quần may bằng vải lụa hay sa-tanh, màu trắng hay đen bóng. Người lớn tuổi thì đội hay quàng khăn choàng, khăn rằn, người trẻ thì rẽ tóc kẹp ngang, chân mang guốc.
Từ những năm 1960-1970, áo bà ba truyền thống được cải tiến, hiện đại hơn. Với áo bà ba nữ không rộng và suôn thẳng như xưa, áo được may vừa vặn theo từng vóc dáng, thân áo nhấn ở phần ngực và eo cho ôm gọn theo dáng người tạo sự mềm mại và gợi cảm. Ngoài ra, người thợ may áo bà ba còn sáng tạo các kiểu ráp tay áo, từ kiểu may áo cánh xưa, liền thân với tay, chuyển sang cách ráp tay áo rời. Từ những năm 1970, áo bà ba phổ biến kiểu tay raglan tạo nét đẹp hiện đại cho chiếc áo bà ba truyền thống.
Hình ảnh chiếc áo bà ba được khắc họa khá nhiều trong nhiều tác phẩm văn học, kịch hát, sân khấu Nam Bộ. Vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước bài hát Áo bà ba của nhạc sĩ Trần Kiết Tường viết cho người vợ của mình được phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, thủ đô Hà Nội. Năm 1978, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác bài Chiếc áo bà ba nhằm tôn vịnh vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Nam Bộ. Bài hát này cho đến nay vẫn còn phổ biến và đông đảo công chúng yêu thích. Hay hình ảnh những anh hùng cách mạng trong kháng chiến với trang phục áo bà ba vẫn còn lưu giữ tại các bảo tàng, di tích lịch sử. Ngày nay, tại di tích Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm) vẫn còn lưu giữ và trưng bày hình ảnh, hiện vật gốc chiếc áo bà ba của vị nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Nói đến áo tứ thân, người ta sẽ nghĩ ngay đến những cô gái của vùng đất quan họ Kinh Bắc với vẻ thướt tha, sắc sảo. Nói đến áo dài, người ta hình dung đến vẻ đẹp thùy mị của những cô gái Huế bên bờ sông Hương thơ mộng. Khi nhắc đến chiếc áo bà ba, chúng ta lại nghĩ ngay đến vẻ đẹp dung dị, chất phác, hiền hòa của người phụ nữ vùng Tây Nam Bộ. áo bà ba trở thành biểu tượng văn hóa, nét đẹp trang phục của cư dân vùng Nam Bộ. Từ truyền thống đến hiện đại, áo bà ba là sản phẩm văn hóa trang phục phản ánh quá trình giao lưu của các dân tộc cộng cư, tiếp nhận và sáng tạo văn hóa ở vùng Tây Nam Bộ. Áo bà ba vốn trải qua nhiều lần cách tân để phù hợp với thẩm mỹ thời đại, nhưng không làm vơi đi vẻ đẹp, mà còn tạo sự yêu thích và chọn lựa của mọi người trong đời sống. Ngày nay chiếc áo bà ba không chỉ của người Nam Bộ mà còn là trang phục của không ít người dân khắp các vùng miền trong nước.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Thạch Phương, Hồ Lê. Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh, Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992.
- Ngô Đức Thịnh, Trang phục cổ truyền của dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1994.
- Sơn Nam, Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam, Nxb Trẻ, Tp. hát cướiM, 1997, tr.24.
- Trần Phỏng Diều, Nét đặc trưng trong trang phục nông dân Nam Bộ, Tuổi trẻ online, ngày 5/4/2008.
- Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia, Tp. hát cướiM, 2009.