Mục từ này cần được bình duyệt
Ác mộng

Những giấc mơ đầy lo âu, sợ hãi. Chủ đề của giấc mơ thường liên quan đến những vấn đề của chủ thể. Ví dụ: có sự đe dọa đến tính mạng, sự an toàn của cá nhân chủ thể hoặc người thân trong gia đình.

Trong ác mộng có thể có các rối loạn thần kinh tự chủ. Do tính chất đe dọa, căng thẳng của nội dung ác mộng, chủ thể có thể giật mình, tỉnh giấc nhưng không la hét. Sau khi tỉnh dậy, chủ thể nhớ lại rất rõ, đến từng các chi tiết của giấc mơ. Khác với những giấc mơ thông thường, chủ đề trong ác mộng có thể lặp lại khiến cho chủ thể càng thêm lo lắng.

Ác mộng có thể xuất hiện độc lập hoặc là một triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).

Ác mộng được xếp vào nhóm rối loạn giấc ngủ.Trong ICD-10 (Bảng phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10), ác mộng có mã số là F51.5. Còn trong DSM-5 (Hướng dẫn chẩn đoán và thông kê các rối loạn tâm thần, phiên bản 5 của Hội Tâm thần học Hoa Kì, 2013), ác mộng có mã số là 307.47.

Những đặc điểm chính của ác mộng

Ác mộng thường kéo dài, giống như một câu chuyện gồm một chuỗi các hình ảnh sống động, có vẻ như thật và gây lo lắng, sợ hãi.

Nội dung ác mộng thường tập trung vào những nỗ lực để tránh hoặc đối phó với nguy hiểm sắp xảy ra nhưng có thể liên quan đến các chủ đề gợi lên những cảm xúc tiêu cực khác. Trong một số trường hợp, ác mộng như là một sự lặp lại tình huống đau khổ mà cá nhân đã trải qua trong cuộc sống và tình huống mang tính đe dọa càng làm cho cá nhân lo lắng, sợ hãi, tiếp nhận nó như một điềm báo về tai họa sẽ xảy ra.

Ác mộng xuất hiện chủ yếu trong pha ngủ có vận động mắt nhanh (REM- Rapid Eye Movement) và thường là nửa sau của pha ngủ chính. Tuy nhiên cũng có một số yếu tố thúc đẩy ác mộng xuất hiện sớm hơn, thậm chí ngay đầu giấc ngủ như: ngủ chập chờn, lệch múi giờ, các thuốc nhạy cảm với pha ngủ REM.

Cơn ác mộng thường kết thúc bằng sự tỉnh giấc và cá nhân nhanh chóng tỉnh táo. Tuy nhiên những cảm xúc tiêu cực đồng thời xuất hiện khiến cho cá nhân khó trở lại giấc ngủ và sự đau khổ kéo dài sang cả ban ngày. Cũng có một số cơn ác mộng không gây ra tỉnh giấc. Nếu ác mộng xuất hiện đầu pha ngủ REM thì nó có thể gây ra cảm giác đã thức giấc nhưng đồng thời mất khả năng vận động (tê liệt tạm thời trong giấc ngủ).

Trong ác mộng thường kèm theo các phản ứng thần kinh tự chủ như: đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, thở nhanh.

Ở trẻ em, ác mộng thường không kèm theo các rối loạn tâm lí bởi lẽ nó thường liên quan đến một pha đặc biệt của phát triển cảm xúc. Trong khi đó ở người trưởng thành, ác mộng thường kèm theo rối loạn tâm lí, thường gặp nhất là những biến đổi về nhân cách.

Phân biệt ác mộng với cơn hoảng sợ ban đêm

Trong đời sống, cơn hoảng sợ ban đêm (sleep terrors/night terrors) thường bị nhầm là một dạng của ác mộng, vì chúng có điểm chung là chủ thể đều có phản ứng lo lắng, sợ hãi khi tỉnh giấc.

Cơn hoảng sợ trong đêm là một tình trạng chủ thể bất thình lình la hét, thoát ra khỏi giấc ngủ. Trong ác mộng thì không.

Cơn hoảng sợ ban đêm thường xuất hiện trong phần ba đầu giấc ngủ, pha có sóng chậm. Ác mộng thường xảy ra trong nửa sau giấc ngủ, pha ngủ REM.

Người tỉnh giấc sau cơn ác mộng thường định hướng được ngay, trong khi đó người vừa có cơn hoảng sợ ban đêm thường bối rối và mất phương hướng trong vài phút sau đó.

Theo Hội Tâm thần học Hoa Kỳ (2013), tỷ lệ ác mộng gia tăng từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên. Ở độ tuổi mẫu giáo, có từ 1,3% đến 3,9% cha mẹ báo cáo rằng con của họ "thường xuyên" hoặc "luôn luôn" gặp ác mộng. Tỉ lệ này tiếp tục gia tăng ở độ tuổi 10 đến 13 đối với cả nam và nữ. Nhưng lên đến độ tuổi 20-29, tỉ lệ gặp ác mộng vẫn tiếp tục tăng đến đối với nữ (trong khi giảm đối với nam), thậm chí có thể cao gấp đôi so với nam. Sau đó tỉ lệ này giảm dần theo tuổi nhưng sự khác biệt về giới. Trong số những người trưởng thành, tỷ lệ gặp ác mộng thường xuyên là l% -2%, còn số người gặp hằng tháng lên đến 6%.

Ác mộng thường bắt đầu ở độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi nhưng đạt đến mức phổ biến cao nhất và sự ổn định ở tuổi vị thành niên hoặc tuổi trưởng thành sớm. Mặc dù nội dung ác mộng cụ thể có thể phản ánh tuổi của từng cá nhân, các tính năng cơ bản của rối loạn là giống nhau giữa các nhóm tuổi.

Nguyên nhân và các yếu tố liên quan

Cho đến nay, người ta vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của ác mộng. Có khoảng một nửa số người có ác mộng là có các rối loạn tâm thần và những rối loạn này được xem là nguyên nhân gây ra ác mộng. Một số vấn đề tâm lí khác, ví dụ như rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) hoặc stress đóng vai trò thúc đẩy sự xuất hiện ác mộng

Với cá nhân có những bất ổn về nhân cách hoặc một rối loạn tâm thần nào đó, khi gặp những biến cố bất lợi trong cuộc sống (chưa phải là chấn thương), nguy cơ xuất hiện ác mộng cũng cao hơn.

Ác mộng rất có thể xuất hiện ở trẻ em gặp phải các yếu tố stress tâm lí-xã hội cấp tính hoặc kéo dài/mạn tính. Trong một số trường hợp, những cơn ác mộng thường xuyên kéo dài đến tuổi trưởng thành, làm đảo lộn cuộc sống của cá nhân.

Những người ngủ kém hoặc ngủ chập chờn, hay bị thay đổi về chu kì thức-ngủ, nguy cơ gặp ác mộng cũng nhiều hơn.

Người thường xuyên gặp ác mộng có nguy tự tử cơ cao hơn đáng kể so với bình thường.

Các nghiên cứu tâm lý học cho thấy yếu tố di truyền và giới có liên quan đến các mộng.

Di truyền: Các nghiên cứu sinh đôi cũng cho thấy có yếu tố di truyền trong những trường hợp có ác mộng. Trong những trường hợp này, ác mộng thường xuất hiện cũng với một số rối loạn cận giấc ngủ. Ví dụ như: chứng đi lại trong đêm/miên hành, cơn hoảng sợ trong đêm.

Giới: có sự khác biệt nhất định về giới. Phụ nữ ở tuổi trường thành gặp ác mộng nhiều hơn so với nam giới. Về nội dung: ở phụ nữ, các chủ đề ác mộng thường liên quan đến tình dục, trong khi đó đối với nam giới, chủ đề thường liên quan đến bạo lực.

Tài liệu tham khảo

Tổ chức Y tế Thế giới. Phân loại bệnh Quốc tế lần thứ 10 (PLBQT-10F) về các rối loạn tâm thần và hành vi. Geneva. (Bản dịch của Trần Di Ái và CS), 1992.

American Psychiatric Association. Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th Ed., Washington, DC. 2013.

Kazdin A.E., Editor-in-Chief (2000), Encyclopedia of Psychology: 8 Volume, Set,American Psychological Association Publication 2000.