Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ác cảm qua học tập

Ác cảm qua học tập là cảm giác âm tính từ ngại học, chán học đến chán ghét và sợ học nảy sinh qua học tập của người học. Sự nảy sinh này có thể vô thức hoặc có ý thức và nó ngược lại với thiện cảm. Ác cảm là cơ sở cho những xung khắc mâu thuẫn của người học với hoạt động học và với những người có trách nhiệm với hoạt động học của học sinh. Đó là cha mẹ, thầy cô giáo. Ác cảm qua học tập có ảnh hưởng rất tiêu cực đến người học. Người học không chỉ có kết quả học tập kém mà có thể còn dẫn đến các rối nhiễu tâm lý. Thậm chí những trường hợp rối nhiễu nặng có thể tạo nên “ám sợ” ở học sinh với một số biểu hiện bệnh lý giống như những tổn thương thực thể.

Ác cảm qua học tập có thể đối với nội dung học tập, có thể với phương pháp giảng dạy của người dạy, có thể do chính bản thân người dạy, có thể do kỳ vọng của người thân tạo áp lực cho người học. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến Ác cảm qua học tập ở người học. Có những nguyên nhân chung, nhưng cũng có những nguyên nhân khác nhau ở mức độ ác cảm và độ tuổi người học, cấp học mà người đó đang học. Ngại học và chán học có nguyên nhân khác với ghét học và sợ học. Nguyên nhân ghét học và sợ học ở học sinh tiểu học khác với nguyên nhân ghét học và sợ học ở học sinh trung học, sinh viên đại học.

Người học ác cảm với nội dung học tập khi những nội dung học vừa khó, vừa khô khan, phải học thuộc lòng hoặc không thấy những vận dụng trong thực tiễn. Ác cảm với nội dung học tập có thể ở tất cả các môn học, ở mọi cấp học và mọi lứa tuổi.

Nhưng nguyên nhân gây ác cảm đa số là do phương pháp giảng dạy của người dạy như: Ngoài thông tin trong tài liệu có sẵn, người dạy không bổ sung, mở rộng thêm gì, không có liên hệ gì với thực tiễn; phương pháp giảng dạy đơn điệu, một chiều, không cho người học làm việc theo nhóm và không sử dụng các phương pháp dạy học tích cực mà chỉ thuyết trình đều đều thiếu cảm xúc. Khi kiểm tra đánh giá chủ yếu yêu cầu người học học thuộc để kiểm tra trí nhớ, không chấp nhận sự sáng tạo của người học.

Ác cảm qua học tập có thể do thái độ của người dạy. Người dạy không gần gũi, không hiểu học sinh nên yêu cầu quá sức của người học, bắt người học học quá nhiều hoặc có phản ứng thái quá khi người học lười học, tỏ ra chán học nội dung mình dạy. Người dạy đổ lỗi cho người học, không nhận ra có thể người học chán học là do mình.

Ác cảm qua học tập của người học có thể nảy sinh do kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô giáo với học sinh, tạo áp lực cho học sinh. Khi áp lực quá lớn, học sinh không vượt qua được có thể họ sẽ rất ghét học hoặc rất sợ học. Thông thường những học sinh cuối cấp học sẽ bị áp lực nhiều hơn học sinh giữa cấp.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, có thể môi trường học tập không an toàn, không thân thiện làm cho người học sợ đến trường dẫn đến ác cảm với học tập. Đối với học sinh tiểu học, nguyên nhân dẫn đến việc trẻ sợ đi học có thể còn do chính đứa trẻ. Những đứa trẻ chưa được chuẩn bị chu đáo về tâm lý đến trường sẽ lo lắng, không thích ứng được với môi trường mới ở lớp 1, lại không được hỗ trợ kịp thời nên có thể dẫn đến rối nhiễu lo âu, ám ảnh sợ đi học.

Như vậy, mức độ cao của ác cảm qua học tập thường xuất hiện ở học sinh đầu cấp tiểu học. Những học sinh này dễ có ác cảm ở mức ghét, sợ học. Vì các em còn nhỏ, mới chuyển đổi môi trường từ chơi sang học, chưa đủ tự tin khi một mình phải ứng phó với các tác động của môi trường nhà trường. Một số em có thể gặp vấn đề như bị bắt nạt, bị trêu chọc hoặc sợ thầy cô. Cũng có thể có em có những khó khăn tâm lý mà không vượt qua được dẫn đến một số rối nhiễu tâm lý như lo âu, “ám sợ xã hội”…

Mức độ ác cảm qua học tập giảm dần ở các cấp học cao hơn. Tuy vẫn có những học sinh trung học ghét học, sợ học, nhưng không nhiều, mà chủ yếu học sinh chán học do nội dung học, do phương pháp giảng dạy và áp lực của kỳ vọng quá lớn. Đến sinh viên đại học hay học viên của chương trình giáo dục thường xuyên thì chủ yếu là chán học, ít người sợ học. Ở bậc học này, sinh viên và học viên đã hiểu rõ trách nhiệm của bản thân với việc học tập. Họ cũng trải qua nhiều cấp học nên có sự thích ứng với yêu cầu học tập và môi trường học tập.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Khắc Viện (Chủ biên), Từ điển tâm lý, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
  2. Tạ Thúy Lan, Sinh lý học thần kinh tập 2, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2007.
  3. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển thuật ngữ Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012.
  4. Trần Quốc Thành, Nguyễn Đức Sơn, Tâm lý học xã hội, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2015.
  5. Nguyễn Đức Sơn, Lê Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Huệ, Đỗ Thị Hạnh Phúc, Trần Quốc Thành, Trần Thị Lệ Thu, Giáo trình Tâm lý học Giáo dục, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2019.