Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ác cảm mùi vị tập nhiễm

Ác cảm mùi vị tập nhiễm là cảm giác âm tính (từ khó chịu đến ghét bỏ) đối với một số mùi vị do con người đã trải nghiệm với mùi vị đó. Khi tiếp xúc lần đầu với một mùi, vị nào đó, con người thấy khó chịu. Lần tiếp xúc sau con người vẫn tiếp tục khó chịu, sự khó chịu cứ nhiễm dần vào con người làm cho con người ác cảm với mùi vị đó. Sự ác cảm đối với một loại mùi vị cụ thể do đã trải nghiệm với mùi vị đó được gọi là chán ghét mùi vị có điều kiện. Do đã được trải nghiệm nên sự ác cảm đó trở thành một phản xạ có điều kiện và định hình ở con người. Bất kỳ khi nào gặp lại mùi vị như vậy, con người sẽ có phản ứng khó chịu, ghét hoặc “sợ”. Như nhiều người phương Tây khó chịu với mùi nước mắm của Việt Nam, nhiều người nước ngoài và cả người Việt Nam không muốn ngửi thấy mùi quả sầu riêng.

Hoàn toàn tự nhiên, con người đã tập cho mình cách tránh các mùi vị mà mình ác cảm mặc dù có thể mùi vị đó vô hại. Đây được coi là phương pháp điều hòa dùng thử một lần vì con người chỉ mất một lần điều hòa để tránh các mùi vị mình ác cảm. “Học chán ghét vị giác” góp phần giúp con người có thể hạn chế ăn vào những thực phẩm độc hại. Việc “học” này có thể được coi là sợi dây liên kết khứu giác, vị giác với đường tiêu hóa và não bộ của con người. Não bộ tích hợp các tín hiệu liên quan đến mùi vị và các hiệu ứng sinh lý được tạo ra khi con người ăn phải thực phẩm độc hại hoặc không phù hợp. Các tín hiệu này trở thành một động hình giúp con người xác định được thực phẩm nào là an toàn, phù hợp có thể ăn hoặc không ăn. Nếu không, con người có thể ăn phải những thực phẩm độc hại hoặc không phù hợp, gây nên những hiệu ứng sinh lý bất lợi cho con người.

Sự ác cảm với một mùi vị nào đó thì ở ai cũng có. Khi mới tiếp xúc với một mùi vị lạ, người ta có thể khó chịu, nhưng nếu khắc phục được thì lần sau bớt dần sự khó chịu. Đến một lúc nào đó, con người sẽ thích ứng và không thấy khó chịu nữa. Nhưng nếu sự khó chịu đó cứ thấm dần, thấm dần vào con người thì đến một lúc nào đó, sự khó chịu sẽ định hình và sẽ hình thành ở con người cách phản ứng với mùi vị đó. Thông thường con người sẽ lảng tránh mùi vị đó. Nếu buộc phải tiếp xúc con người có thể bị nôn, ói hoặc có thể bị dị ứng với mùi vị đó.

Sự ác cảm mùi vị tập nhiễm có thể ở mức độ khác nhau. Mức độ thấp, khi tiếp xúc với một mùi vị nào đó, con người có thể chỉ không thích nhưng vẫn chấp nhận vì một lý do khách quan nào đó. Mức cao hơn, con người không thích và tìm cách lảng tránh, không tiếp xúc. Mức cao hơn nữa, con người ghét bỏ và tìm cách lảng tránh trước để không phải tiếp xúc.

Thông thường, ác cảm mùi vị tập nhiễm xảy ra sau khi con người ăn một loại thực phẩm hoặc ngửi một mùi nào đó, sau đó xảy ra phản ứng bất thường của cơ thể. Như bị đau đầu khi ngửi một mùi nào đó (Ví dụ mùi nước hoa quá đậm). Hoặc bị đau bụng, nôn, ói khi ăn một loại thực phẩm không quen thuộc, cơ thể chưa chấp nhận (gọi chung là hiệu ứng sinh lý). Các hiện tượng này lặp đi, lặp lại làm cho con người càng thêm ác cảm và không muốn tiếp xúc với mùi vị đó nữa. Thậm chí không muốn nhắc đến khi có dịp trao đổi về mùi vị đó. Hoặc nếu phải nhắc đến thì người ta có xu hướng nhớ và nhắc lại một tình huống mình có ấn tượng rất xấu về một mùi vị nào đó đã gặp phải.

Sự ác cảm mùi vị có thể phụ thuộc vào trạng thái của cơ thể. Những phụ nữ đang mang thai hoặc bệnh nhân ung thư được truyền hóa chất… có thể ác cảm với mộ số mùi vị. Qua giai đoạn này, sự ác cảm mùi vị sẽ mất dần. Sự ác cảm mùi vị phần lớn là do yếu tố tâm lý. Khi ác cảm với mùi vị nào đó, con người thường liên tưởng mùi vị đó với những phản ứng tiêu cực của cơ thể. Có thể khắc phục sự ác cảm mùi vị bằng cách sau:

Tạo các liên tưởng mới: Thay các liên tưởng mùi vị mình ác cảm với phản ứng tiêu cực của cơ thể bằng liên tưởng với những phản ứng tích cực, thoải mái. Cũng vẫn là những thực phẩm đó, có thể chế biến theo một cách mới để tránh các mùi vị mình ác cảm. Chia nhỏ các bước tiếp xúc với mùi vị mình ác cảm để tạo sự thích ứng dần dần.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Khắc Viện (Chủ biên), Từ điển tâm lý, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
  2. Đỗ Công Huỳnh, Giáo trình sinh lý hoạt động thần kinh cấp cao, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.
  3. Tạ Thúy Lan, Sinh lý học thần kinh tập 2, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, 2007.
  4. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển thuật ngữ Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách Khoa, Hà Nội, 2012.