"Bài Do Thái" diễn tả sự thù địch với người Do Thái vì lí do chống Do Thái giáo hoặc chống chủng tộc Do Thái (tiếng Anh: anti-Semitism). Nguồn gốc của “bài Do Thái” có từ thời Cổ đại, song việc thực hiện nó với những biện pháp tàn ác và khốc liệt nhất là dưới chế độ phát xít của Đức Quốc xã, với khoảng 6 triệu người Do Thái bị giết chết.
Thuật ngữ này, với ý nghĩa hiện đại, lần đầu tiên được sử dụng ở Đức vào cuối thế kỷ XIX với nhiều cách gọi khác nhau. Nhà trí thức Do Thái người Áo Moritz Steinschneider trong một bài báo của mình đã gọi các ý tưởng phân chia các chủng tộc của các nhà nhân chủng học đưa ra trong thời kỳ đó là “định kiến bài Do Thái”. Sau đó, thuật ngữ này với ý nghĩa “thù địch với người Do Thái/Antisemitismus” lần đầu tiên được nhà báo người Đức Wilhelm Marr sử dụng nhân dịp thành lập “Liên minh bài Do Thái” do ông sáng lập vào năm 1879 với mục đích chống người Do Thái, buộc tội họ là những người lang thang, một dân tộc không có gốc rễ và làm ảnh hưởng tới xã hội của người Đức.
“Bài Do Thái” được ra đời dựa trên sự kết hợp hai yếu tố cơ bản đó là tôn giáo và thuyết chủng tộc, phổ biến ở châu Âu thời điểm đó. Yếu tố tôn giáo bắt nguồn từ thế giới Hy Lạp-La Mã dựa trên sự khác biệt giữa Cơ đốc giáo và Do Thái và kéo dài trong suốt các thời kỳ sau. Yếu tố chủng tộc trong “bài Do Thái” xuất hiện muộn hơn, ở thế kỷ XIX khi các lý thuyết về các chủng tộc xuất hiện và trở nên thịnh hành. Trong nửa đầu thế kỷ XX, “bài Do Thái” trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô…v.v. với tính đa dạng tùy vào mục đích của giới chính trị ở từng nước.
“Bài Do Thái” mà Đức Quốc xã sử dụng trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ Hai bao gồm cả hai yếu tố tôn giáo và học thuyết chủng tộc giả khoa học. Đảng Quốc xã đã biến “bài Do Thái” trở thành trung tâm và mục đích trong chương trình hành động của họ. Trong đó, yếu tố chủng tộc được chú trọng hơn do xuất phát từ quan điểm của Hitler cho rằng người Do Thái là mối đe dọa sinh học đối với chủng tộc Đức. Do đó, “bài Do Thái” trong quan niệm của Đức Quốc xã không chỉ là bất cứ biểu hiện nào của sự thù hận, thù địch hoặc phân biệt đối xử chống lại người Do Thái, Do Thái giáo mà còn là chống lại cả những người Do Thái đã bị đồng hóa hoặc sự đồng hóa bởi người Do Thái cho dù trên những biểu hiện nhỏ nhất. Quan điểm này bị ảnh hưởng rất lớn từ giới sử gia người Phổ mà tiêu biểu là Heinrich von Treitschke với những ý tưởng được đưa vào học thuyết “bài Do Thái” của Đức Quốc xã.
Thuật ngữ “bài Do Thái mới” ra đời vào thập niên cuối của thế kỷ XX, được phổ biến rộng rãi trong các đảnh cánh tả, cánh hữu ở Mỹ và các nước châu Âu, cũng như trong các đảng Hồi giáo cực đoan. Thuật ngữ mới này được hiểu bao gồm cả việc phản đối chủ nghĩa phục quốc Do Thái và chống lại ảnh hưởng của các hiệp hội người Do Thái ở châu Âu. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn là đề tài tranh luận trong giới học thuật ngày nay.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Paul Johnson, A History of the Jews (Lịch sử Do Thái), Weidenfeld & Nicolson, London, 1987
- Moshe Zimmermann, Wilhelm Marr: The Patriarch of Anti-Semitism (Wilhelm Marr: Giáo chủ của chủ nghĩa Bài Do Thái), Oxford University, 1987
- Cavalli-Sforza, Luigi (1994), The History and Geography of Humain Genes (Lịch sử và Địa lý của gen người), Princeton University Press, 1994
- Bernard-Henri Levy, L'Esprit du judaïsme (Học thuyết Do Thái giáo), Grasset, 2016
- Michael Berenbaum, Holocaust, European History (Diệt chủng người Do Thái, Lịch sử Châu Âu), https://www.britannica.com/event/Holocaust