Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ảo ảnh

Ảo ảnh là hình ảnh không đúng về sự vật hiện tượng, là kết quả phản ánh sai lầm của quá trình cảm giác, tri giác. Ảo ảnh thực chất là hình ảnh giống như thật nhưng không có thật trong hiện thực khách quan. Ảo ảnh có thể xảy ra với bất kỳ giác quan nào của con người, nhưng ảo ảnh thị giác là được biết đến và hiểu rõ nhất. Người ta nhấn mạnh đến ảo ảnh thị giác vì thị giác thường chi phối các giác quan khác. Người ta tập trung nghiên cứu và hiểu sâu về ảo ảnh thị giác nhiều hơn các ảo ảnh khác.

Ảo ảnh là hiện tượng có ở tất cả mọi người. Vì ảo ảnh được tạo bởi sự phản ánh sai của các giác quan của con người. Bất cứ người nào trong một hoàn cảnh nhất định cũng đều phản ánh sai sự vật hiện tượng như vậy. Sự phản ánh sai này do sự tiếp nhận và phân tích sai của các giác quan nên người nào cũng như nhau. Vì vậy, người ta nói: Ảo ảnh được sử dụng để minh họa cho sự không đáng tin cậy của các giác quan.

Có một thuật ngữ liên quan đến ảo ảnh đó là ảnh ảo trong quang học. Khi đứng trước tấm gương, ta có hình ảnh của bản thân mình trong gương, đó là ảnh ảo. Người ta dùng thuật ngữ ảnh ảo để phân biệt với ảnh thật. Ảnh thật là hình ảnh về sự vật mà con người có thể ghi lại bằng dụng cụ chuyên dùng, có thể can thiệp làm thay đổi hình ảnh đó, còn ảnh ảo thì không làm được như thế.

Trong cuộc sống, kể cả thế giới tự nhiên, ảo ảnh được ứng dụng rất rộng rãi. Ngay cả các loài động vật cũng “lợi dụng” các nguyên lý ảo ảnh để ngụy trang, ẩn náu. Một số loài có cách ẩn mình trong bóng tối bằng cách che bóng làm cho kẻ thù hoặc con mồi khó xác định được chúng. Hoặc có loài tạo các vệt tối ngụy trang một con mắt, làm cho con vật khác khó phát hiện con mắt thật của nó (ví dụ: gấu trúc, chó 4 mắt). Có loài tạo ra sự pha trộn giữa màu của bản thân với nền thực sự tạo ra một nhận thức sai lầm của con vật khác. Con người cũng có nhiều ứng dụng ảo ảnh trong hội họa, trang trí sân khấu, ngụy trang trong hoạt động quân sự. Con người có thể gặp một hiện tượng gần với ảo ảnh nhưng không phải là ảo ảnh. Đó là ảo giác. Ảo giác khác với ảo ảnh. Ảo ảnh có ở tất cả mọi người bình thường. Ảo giác chỉ xảy ra với người bệnh. Khi các giác quan bị rối loạn, người bệnh bị ảo giác, họ tưởng như mình nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy những việc mà thực tế không có thật.

Có thể hiểu ảo giác là tri giác như có thật về một sự vật, một hiện tượng không hề có thật trong hiện thực khách quan. Ảo giác xuất hiện và mất đi không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người bệnh. Thực chất, ảo giác là hiện tượng tri giác khi không có đối tượng. Với người bình thường, khi nghe tiếng động hay âm thanh phát ra, con người biết được âm thanh đó là âm thanh gì và phát ra ở đâu. Nhưng với người bị ảo giác âm thanh thì hoàn toàn khác. Thực chất không hề có âm thanh nào phát ra, nhưng bệnh nhân vẫn nghe thấy âm thanh ấy rất rõ, rất cụ thể giống như âm thanh ấy phát ra từ một vật thể cụ thể nào đó. Ví dụ: người bệnh nghe thấy tiếng hát nhưng thực chất không có ai hát cả.

Có rất nhiều loại ảo giác từ ảo thanh (ảo giác thính giác), ảo thị (ảo giác thị giác), ảo giác xúc giác, ảo giác khứu giác và ảo giác vị giác, ảo giác cơ thể (nội tạng và sơ đồ cơ thể) và ảo giác đặc biệt. Ảo giác có thể xảy ra lúc người bệnh thức hoặc có thể xảy ra lúc nửa thức, nửa ngủ. Ảo giác gần với ảo ảnh nhất là ảo giác thị giác. Ảo giác thị giác rất đa dạng. Người bệnh có thể như thấy nhiều loại hình ảnh về: người, động vật, đồ vật hoặc bất kỳ một sự vật hay hiện tượng nào đó.

Ảo giác thị giác có thể xuất hiện độc lập và có thể cùng xuất hiện với ảo giác âm thanh. Ảo giác thị giác thường xuất hiện khi quá trình tri giác bị trở ngại như rối loạn ý thức, khi quá mệt mỏi hoặc trạng thái hoảng hốt, hay khi điều kiện ánh sáng thiếu. Thái độ của người bệnh trước ảo giác thị giác cũng có thể khác nhau. Có người thích thú, nhưng cũng có người sợ hãi và có thể có người bị kích động.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Nguyễn Quang Uẩn, Trần Hữu Luyến, Trần Quốc Thành, Tâm lý học đại cương, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997.
  2. Nguyễn Văn Lũy, Lê Quang Sơn (đồng chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2009.
  3. Nguyễn Khắc Viện (Chủ biên), Từ điển tâm lý, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
  4. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển thuật ngữ Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012.