Đồng thuận có hiểu biết là sự đồng thuận của cá nhân tham gia vào việc nào đó trên cơ sở cá nhân có hiểu biết, tự nguyện và có năng lực đưa ra quyết định một cách đồng thuận.
Quy tắc về đồng thuận có hiểu biết đòi hỏi các nhà trị liệu và các nhà nghiên cứu phải có được sự đồng thuận của những cá nhân đang tìm kiếm sự trị liệu, đánh giá hay tham gia nghiên cứu từ trước khi họ được ấn định tham gia những việc đó.
Quy tắc về đồng thuận có hiểu biết dựa trên nguyên tắc tôn trọng con người, rằng mỗi cá nhân đều có quyền lựa chọn hay không lựa chọn tham gia vào các hoạt động khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu bản thân và tình huống được đưa ra. Những yêu cầu cụ thể để có được sự đồng thuận có hiểu biết được điều chỉnh bởi luật của mỗi quốc gia, các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp và/hoặc bởi hội đồng cơ sở (chẳng hạn, các trường đại học hay ủy ban kiểm duyệt thuộc bệnh viện…).
Quy tắc về đồng thuận có hiểu biết dựa trên nguyên tắc đạo đức về tôn trọng quyền tự chủ/tự quyết định của con người (rằng mọi người có quyền tự quyết định cuộc sống của mình thông qua các lựa chọn cá nhân và tự quyết định hành động). Trong lĩnh vực tâm lý học, y học, giáo dục học hay quan hệ con người, sự tôn trọng quyền tự quyết định của mỗi cá nhân được thể hiện bằng việc đảm bảo rằng cá nhân có quyền được tiếp nhận các thông tin liên quan đến việc quyết định lựa chọn tham gia vào cuộc trị liệu, đánh giá, nghiên cứu hay không, bằng việc anh ta được phép tự do quyết định và có đủ năng lực thực hiện lựa chọn của mình. Quy tắc đồng thuận có hiểu biết bao gồm cả việc cá nhân có thể kiểm soát được các thông tin/kết quả đạt được trong quá trình tương tác chính thức với chuyên gia hành nghề hay người nghiên cứu.
Những yêu cầu đối với đồng thuận có hiểu biết[sửa]
Để có giá trị pháp lý, người đồng thuận phải có hiểu biết, tự nguyện và có năng lực đưa ra quyết định đồng thuận. Các nhà khoa học hay trị liệu cần phải cung cấp cho những người sẽ tham gia trị liệu, đánh giá hay nghiên cứu những thông tin mà họ cần biết. Mặc dù có những khác biệt trong các hướng dẫn pháp lý và đạo đức cũng như theo quan điểm của các nhà chuyên môn về những thông tin có thể được tiết lộ cho người tham gia trong những trường hợp cụ thể, song có sự nhất chí chung rằng những thông tin sau đây cần được thông báo cho người sẽ tham gia biết: Một mô tả về quy trình được đề xuất và mục đích của quy trình; Thảo luận về những rủi ro hay những khó chịu có thể xảy ra, những lợi ích mà quy trình được đề xuất đem lại; Mô tả về những lựa chọn thay thế và những khóa học hành động (ví dụ, một loại trị liệu khác hoặc là không trị liệu), những rủi ro và những lợi ích của chúng;
- Sự tự nguyện của cá nhân: Cá nhân phải được tự do đưa ra quyết định đồng thuận, không có sự ép buộc hay sự tác động không thỏa đáng nào được sử dụng để buộc cá nhân tham gia. Như vậy, người thực hành và người nghiên cứu cũng phải lưu tâm đến những yếu tố có thể làm giảm năng lực lựa chọn một cách tự do của cá nhân (ví dụ, tuổi, trạng thái tinh thần hay tình huống có thể làm giảm năng lực lựa chọn độc lập của cá nhân).
- Năng lực của cá nhân: Cá nhân đưa ra quyết định trong các bối cảnh nêu trên phải có đủ năng lực về mặt pháp lý. Mặc dù hiện chưa có những tiêu chuẩn đánh giá năng lực của cá nhân, song về mặt pháp lý và học thuật, người ta thường tập trung vào khả năng hiểu và đánh giá của cá nhân về những thông tin được cung cấp cho họ; khả năng đánh giá tình trạng của bản thân; lập luận của cá nhân về các thông tin đó; tính hợp lý của quyết định lựa chọn. Tùy thuộc vào những bối cảnh cụ thể, tiêu chuẩn và mức độ năng lực đó có thể thay đổi.
- Đối tượng đặc biệt và trường hợp đặc biệt: Với một số đối tượng hoặc trong những trường hợp đặc biệt, cần có những thủ tục và những yêu cầu phù hợp nhằm bảo vệ cho người đồng thuận. Chẳng hạn, cha mẹ của trẻ nhỏ có quyền hạn pháp lý đưa ra quyết định điều trị cho con của họ. Cũng có những yêu cầu đặc biệt về quy trình nhằm bảo vệ đối với trẻ vị thành niên hay những người có hạn chế về tâm lý hay có vấn đề về sức khỏe sinh lý, hoặc những tù nhân…
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Dana Castro (Chủ biên), Tâm lý học lâm sàng, Nxb. Trí thức, Hà Nội, 2015, tr. 151 - 162; 229 - 250; 309 - 312.
- Faden. R. R. & Beauchamp T. L., A history and theory of informed consent, Oxford University Press, New York, 1986.
- Alan E. Kazdin (Editor-in-chief), Encyclopedia of psychology, American psychological Association, Oxford university press, New York, Volum 3, 2000, pp. 297 - 298.
- W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 474 - 475.