Đánh giá tâm lý là quá trình thu thập và tích hợp các dữ liệu để đánh giá hành vi, năng lực và các đặc trưng khác của một cá nhân, đặc biệt cho mục đích đưa ra chẩn đoán hoặc đề xuất trị liệu. Các nhà tâm lý học đánh giá các vấn đề tâm thần đa dạng (ví dụ: lo âu, lạm dụng chất) và những mối bận tâm không phải tâm thần (ví dụ: trí thông minh, hứng thú nghề nghiệp) trong các cơ sở y tế, giáo dục, các tổ chức, cơ sở pháp lý và những tổ chức khác. Dữ liệu đánh giá có thể được thu thập thông qua phỏng vấn, quan sát, trắc nghiệm chuẩn hóa, các thang đo tự báo cáo, các thiết bị đo lường sinh lý và tâm sinh lý, hoặc các quy trình và thiết bị chuyên dụng khác.
Một quan điểm cho rằng đánh giá tâm lý là quá trình kiểm định sử dụng kết hợp các kỹ thuật để giúp đưa ra một số giả thuyết về một cá nhân và hành vi, nhân cách và năng lực của cá nhân đó. Đánh giá tâm lý cũng được gọi là trắc đạc tâm lý, hoặc thực hiện một bảng kê tâm lý trên một cá nhân cụ thể. Trắc đạc tâm lý gần như luôn được thực hiện bởi nhà tâm lý được cấp phép, hoặc một thực tập sinh tâm lý. Nhà tâm lý học là nghề duy nhất được đào tạo chuyên nghiệp để thực hiện và giải thích các trắc nghiệm tâm lý. Đánh giá tâm lý không bao giờ được thực hiện trong một môi trường tách biệt người khác. Một phần của việc đánh giá kỹ lưỡng một cá nhân là cá nhân đó cũng phải trải qua cuộc thăm khám y tế đầy đủ, để loại trừ khả năng mắc bệnh với các căn nguyên thực thể, bệnh tật, y học gây ra các triệu chứng của cá nhân. Thông thường sẽ hữu ích khi việc thăm khám y khoa được tiến hành trước tiên, sau đó mới đến các trắc đạc tâm lý.
Mục tiêu[sửa]
Mục tiêu sau cùng của đánh giá tâm lý là giúp giải quyết vấn đề bằng việc cung cấp các thông tin và đề xuất phù hợp để đưa ra những quyết định thuận lợi nhất liên quan đến thân chủ. Các thông tin cần thu thập sẽ bao gồm những chi tiết về vấn đề của thân chủ, nguồn gốc thân chủ, các đặc trưng nhân cách của thân chủ và điều kiện môi trường.
Một đánh giá tâm lý có thể bao gồm nhiều cấu phần như các trắc nghiệm quy chuẩn, các trắc nghiệm và khảo sát không chính thức, các thông tin phỏng vấn, các bản ghi chép học đường hoặc y tế, đánh giá y tế và các dữ liệu quan sát. Một nhà tâm lý học sẽ xác định thông tin nào được dùng dựa trên những câu hỏi đặc thù được hỏi.
Bốn cấu phần của đánh giá tâm lý[sửa]
Các trắc nghiệm quy chuẩn[sửa]
Một trắc nghiệm tâm lý chuẩn hóa là một bài tập hay một nhóm bài tập được đưa ra dưới các điều kiện tiêu chuẩn. Nó được thiết kế để đánh giá một vài khía cạnh nào đó về kiến thức, kỹ năng và nhân cách của một cá nhân. Một trắc nghiệm tâm lý cung cấp một thang đo lường nhằm tìm kiếm sự khác biệt nhất quán của từng cá nhân có liên quan đến một vài khái niệm tâm lý và phục vụ cho việc sắp xếp các cá nhân theo khái niệm đó. Các trắc nghiệm có thể được coi là thước đo tiêu chuẩn, nhưng chúng ít hiệu lực và ít độ tin cậy hơn so với thước đo thực tế. Một trắc nghiệm mang lại một hoặc nhiều điểm số định lượng thu được một cách khách quan hơn, để mỗi cá nhân được đánh giá theo cùng một cách càng nhiều càng tốt. Mục đích là cung cấp sự so sánh công bằng và bình đẳng giữa những người được đánh giá.
Các trắc nghiệm tâm lý quy chuẩn được chuẩn hóa trên một nhóm xác định rõ ràng, được gọi là nhóm chuẩn và được chia tỷ lệ để mỗi điểm số cá nhân phản ánh một thứ hạng trong nhóm chuẩn. Các trắc nghiệm quy chuẩn được phát triển nhằm đánh giá nhiều lĩnh vực, bao gồm: trí thông minh, khả năng đọc, số học và chính tả, kỹ năng vận động - thị giác, kỹ năng vận động thô và tinh, hành vi thích ứng. Các nhà tâm lý học có sự lựa chọn giữa nhiều trắc nghiệm được chuẩn hóa tốt và phù hợp để đánh giá một cá nhân.
Các trắc nghiệm quy chuẩn có một số lợi ích vượt trội so với các trắc nghiệm không quy chuẩn. Chúng cung cấp các thông tin có giá trị về mức độ hoạt động chức năng của cá nhân trong những lĩnh vực mà trắc nghiệm có liên quan. Chúng tương đối ít thời gian để quản lý, cho phép lấy mẫu hành vi trong vòng một vài giờ. Mỗi lần đánh giá có thể cung cấp nhiều thông tin không sẵn có thậm chí cho cả người quan sát lành nghề nhất mà không sử dụng trắc nghiệm. Cuối cùng, các trắc nghiệm quy chuẩn cũng cung cấp một chỉ số để đánh giá sự thay đổi ở nhiều khía cạnh khác nhau về thế giới vật chất và xã hội của trẻ.
Các trắc nghiệm quy chuẩn phải có: 1/ Tính hiệu lực, tức là phải đo lường một cách hiệu quả cái mà chúng muốn đo. Nhìn chung, tính hiệu lực này ban đầu phải được thực hiện đối với từng tiêu chuẩn bên ngoài; 2/ Tính nhạy cảm: chúng phải cho phép phân biệt một số lượng vừa đủ các mức độ triệu chứng học và 3/ Độ tin cậy: chúng phải đưa ra cùng một kết quả khi đánh giá một cá nhân theo chiều dọc (độ tin cậy về thời gian) hoặc bởi những người khác nhau.
Hỏi chuyện[sửa]
Một kỹ thuật đánh giá phổ biến là hỏi chuyện lâm sàng. Nói cách khác, các thông tin có giá trị được thu thập thông qua hỏi chuyện. Các cuộc hỏi chuyện đều cởi mở hơn và ít mang tính cấu trúc hơn so với cuộc trắc nghiệm chính thức và tạo cơ hội để những người được phỏng vấn truyền tải thông tin theo cách của cá nhân. Một cuộc hỏi chuyện lâm sàng chính thức thường được thực hiện với cá nhân trước khi bắt đầu bất kỳ đánh giá trắc nghiệm tâm lý nào. Cuộc hỏi chuyện này có thể kéo dài từ 30 đến 60 phút và bao gồm các câu hỏi về lịch sử cá nhân và thời thơ ấu, trải nghiệm cuộc sống gần đây, lịch sử công việc và nhà trường, cũng như nền tảng gia đình của cá nhân đó.
Khi một nhà tâm lý nói với cá nhân về các mối quan tâm và lịch sử cuộc đời của thân chủ, nhà tâm lý có thể quan sát xem cá nhân đó suy nghĩ như thế nào, những lập luận và tương tác với người khác như thế nào. Các đánh giá cũng có thể bao gồm việc hỏi chuyện những người thân thiết với cá nhân, như giáo viên, đồng nghiệp hoặc các thành viên gia đình (tuy nhiên, những cuộc hỏi chuyện như vậy sẽ chỉ có thể được thực hiện khi có sự đồng thuận bằng văn bản của cá nhân).
Quan sát[sửa]
Những quan sát con người được đề xuất trong môi trường tự nhiên của họ, đặc biệt nếu đó là một đứa trẻ, có thể cung cấp thêm thông tin đánh giá có giá trị. Trong trường hợp là một đứa trẻ, câu hỏi đặt ra là chúng phải cư xử như thế nào khi ở trường, ở nhà và với hàng xóm? Liệu thầy/cô giáo có đối xử với đứa trẻ này khác những đứa trẻ khác? Làm thế nào để bạn bè chúng phản ứng với chúng? Câu trả lời cho những câu hỏi này và những câu hỏi tương tự có thể đem lại một bức tranh tổng thể hơn về trẻ và về môi trường sống của trẻ. Điều này cũng có thể giúp chuyên gia tiến hành đánh giá đưa ra các khuyến nghị can thiêp - trị liệu tốt hơn.
Đánh giá không chính thức[sửa]
Các trắc nghiệm quy chuẩn được chuẩn hóa đôi khi có thể cần được bổ sung với các quy trình đánh giá không hình thức hơn, chẳng hạn như trắc nghiệm phóng chiếu hoặc thậm chí cả trắc nghiệm nghề nghiệp hoặc trắc nghiệm do giáo viên thực hiện. Chẳng hạn trong một trường hợp trẻ, có thể hữu ích khi lấy mẫu ngôn ngữ từ trẻ, đánh giá khả năng trẻ thu lợi từ các tín hiệu có hệ thống và đánh giá các kỹ năng đọc của trẻ trong nhiều điều kiện khác nhau. Lĩnh vực đánh giá không chính thức rất rộng lớn, nhưng các trắc nghiệm không chính thức phải được sử dụng cẩn trọng hơn vì tính hiệu lực khoa học của thang đánh giá còn ít được biết đến.
Các nhà tâm lý học tìm cách lấy thông tin từ các đánh giá tâm lý L và dệt nó thành một bức tranh toàn diện và đầy đủ về cá nhân được đánh giá. Các đề xuất dựa trên mọi kết quả đánh giá và từ cuộc thảo luận với bạn bè, gia đình, những người khác có thể làm sáng tỏ hành vi của cá nhân trong các môi trường khác nhau. Ví dụ, ở trẻ em, đối với đánh giá tâm lý, thông tin phải được thu thập từ cha mẹ và giáo viên để được xem xét một cách đầy đủ và phù hợp với trẻ. Những khác biệt chính trong các phát hiện phải được giải quyết trước khi đưa ra bất kỳ quyết định chẩn đoán nào hoặc khuyến nghị điều trị. Đánh giá tâm lý không bao giờ tập trung vào một điểm số hoặc một số trắc nghiệm đơn lẻ. Mỗi người đều có một loạt các năng lực có thể được đánh giá thông qua một số phương pháp. Nhà tâm lý ở đó để đánh giá năng lực cũng như những hạn chế của cá nhân và báo cáo về chúng một cách thức khách quan nhưng hữu ích. Một báo cáo đánh giá tâm lý sẽ không chỉ ghi nhận những điểm yếu được tìm thấy trong quá trình trắc nghiệm, mà còn cả những điểm mạnh của cá nhân.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bloch, H., Chemama, R., Gallo, A., Laconte, P., Le-Ny, J.F., Postel, J., Moscovici, S., Reuchlin, M. & Vurpillot, E., Grand Dictionnaire de la Psychologie. Paris: Larousse, France, 1991, pp. 578 - 579.
- American Psychological Association, Dictionary of Psychology, 2007.
- Gary Groth-Marnat, Handbook of Psychological Assessment, 5th edition, New Jersey: Hoboken, John Wiley & Sons, Inc, 2009.