Điều trị vô sinh là biện pháp can thiệp vào tình trạng vô sinh khi đôi nam nữ không thể có con thông qua quan hệ tình dục. Có nhiều lý do có thể gây ra, có thể ở người nam, nữ hoặc cả hai. Các phương pháp điều trị đa dạng, cho phép phụ nữ mang thai; phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể của vô sinh.
Mục đích[sửa]
Điều trị vô sinh nhằm mục đích tạo điều kiện cho phụ nữ mang thai bằng cách điều trị cho nam giới, phụ nữ hoặc cả hai. Trong quá trình thụ thai bình thường, tinh trùng đi đến ống dẫn trứng của người nữ, sẽ gặp trứng đã được phóng thích từ buồng trứng, nếu điều kiện thích hợp. Tinh trùng thụ tinh với trứng sẽ đi vào tử cung để làm tổ và bắt đầu phân chia, tạo thành phôi thai. Điều trị vô sinh sẽ sửa chữa hoặc bổ sung các bất thường trong quá trình thụ tinh của trứng hoặc sự phát triển của phôi.
Các biện pháp phòng ngừa[sửa]
Điều quan trọng đối với một cặp vợ chồng đang dự tính điều trị vô sinh là chuẩn bị tâm lý tốt cho quá trình này. Các cặp vợ chồng nên trao đổi với chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý trước khi tiến hành liệu pháp điều trị vô sinh. Bằng cách này, các cặp đôi có thể thoải mái bày tỏ mối quan tâm của mình và tìm hiểu thêm về những gì họ sắp trải qua và xác định các khó khăn có thể gặp trong quá trình điều trị này.
Mô tả[sửa]
Khoảng 85% phụ nữ dự định mang thai và không sử dụng biện pháp tránh thai sẽ có thai trong vòng một năm, và một nửa trong số 15% còn lại có thai trong vòng ba năm nữa. Nếu sau một năm quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai mà vẫn chưa thụ thai thì nên nhờ sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Các xét nghiệm có thể được thực hiện để tìm các nguyên nhân vô sinh có thể xảy ra. Điều trị nhiễm trùng hoặc bệnh tiềm ẩn là bước đầu tiên trong điều trị vô sinh. Bác sĩ cũng có thể đề nghị cải thiện sức khỏe nói chung, thay đổi chế độ ăn uống, giảm căng thẳng...
Điều trị[sửa]
Phương pháp điều trị số lượng tinh trùng thấp[sửa]
Nguyên nhân phổ biến nhất của vô sinh nam là do không sản xuất đủ tinh trùng khỏe mạnh. Để có thể thụ tinh, số lượng tinh trùng trong tinh dịch của người đàn ông phải đủ và các tế bào tinh trùng phải có hình dạng và hoạt động phù hợp.
Khiếm khuyết tinh trùng có thể do nhiễm trùng do bệnh lây truyền qua đường tình dục, tắc nghẽn do giãn tĩnh mạch thừng tinh, mất cân bằng nội tiết hoặc các vấn đề với các cơ quan sinh sản nam khác (như tinh hoàn, tuyến tiền liệt, hoặc túi tinh).
Khám sức khỏe bộ phận sinh dục của nam giới thường là bước đầu tiên để xác định số lượng tinh trùng thấp. Bệnh sử cũng được khai thác, đặc biệt lưu ý chấn thương, bệnh lý mạn tính và một số bệnh truyền nhiễm. Tinh dịch, tinh trùng cũng được kiểm tra bằng xét nghiệm. Nếu số lượng tinh trùng thấp là nguyên nhân, có thể khôi phục khả năng sinh sản bằng cách:
- Điều trị các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn.
- Xác định thời điểm quan hệ tình dục trùng với thời gian người phụ nữ rụng trứng.
- Giảm số lần quan hệ tình dục để tăng số lượng tinh trùng trong tinh dịch.
- Điều trị mất cân bằng nội tiết bằng thuốc.
- Thực hiện thủ tục phẫu thuật để loại bỏ giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Thuốc hỗ trợ sinh sản[sửa]
Nếu vô sinh là do phụ nữ không giải phóng được trứng từ buồng trứng (rụng trứng), thì thuốc hỗ trợ sinh sản có thể giúp đưa lượng hormone về mức cân bằng, kích thích buồng trứng và kích hoạt sản xuất trứng.
Phẫu thuật[sửa]
Ở một số phụ nữ, vô sinh là do tắc ống dẫn trứng. Trứng được giải phóng từ buồng trứng, nhưng tinh trùng bị ngăn cản không thể tiếp cận do tắc ống dẫn trứng. Phẫu thuật có thể giúp sửa chữa các tổn thương gây tắc ống dẫn trứng. Vi phẫu thuật đôi khi có thể sửa chữa những tổn thương ở ống dẫn trứng có sẹo nếu nó không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải tất cả các tổn thương của ống dẫn trứng đều có thể sửa chữa được và hầu hết các vấn đề về ống dẫn trứng đều được điều trị thành công bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Các khối u xơ trong tử cung cũng có thể gây vô sinh và có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Lạc nội mạc tử cung (là tình trạng màng trong tử cung xuất hiện ở nhiều nơi trong ổ bụng, có thể khiến các cơ quan bị dính vào nhau) cũng có thể gây vô sinh. Có thể cần phải phẫu thuật để cải thiện khả năng sinh sản.
Thụ tinh nhân tạo[sửa]
Có thể thử thụ tinh nhân tạo nếu số lượng tinh trùng thấp, đàn ông bị liệt dương hoặc môi trường âm đạo của phụ nữ không phù hợp với tinh trùng. Trong quy trình này, tinh dịch được thu thập và bơm vào cổ tử cung của người phụ nữ tại thời điểm rụng trứng. Từ cổ tử cung, tinh trùng có thể đi đến ống dẫn trứng, nơi diễn ra quá trình thụ tinh. Nếu số lượng tinh trùng của đối tác thấp, nó có thể được trộn với tinh trùng của người hiến tặng trước khi được chuyển vào tử cung. Nếu tinh trùng không có trong tinh dịch của bạn tình nam thì có thể thực hiện thụ tinh nhân tạo bằng cách sử dụng tinh trùng của người hiến tặng lấy từ ngân hàng tinh trùng.
Công nghệ hỗ trợ sinh sản[sửa]
Một số phương pháp điều trị lấy trứng và/ hoặc tinh trùng rồi tiến hành những kỹ thuật trong phòng thí nghiệm để hỗ trợ thụ tinh. Những công nghệ này được gọi là công nghệ hỗ trợ sinh sản.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Khi không thể điều trị vô sinh bằng các biện pháp khác hoặc không xác định được nguyên nhân, vẫn có thể mang thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đây là thủ thuật phức tạp, tốn kém nhưng có hiệu quả. IVF thường được áp dụng khi cả hai ống dẫn trứng bị tắc, hoặc khi gặp các vấn đề khác (lạc nội mạc tử cung, suy yếu cổ tử cung và rối loạn rụng trứng).
Trong quy trình này, bác sỹ sử dụng một loại dụng cụ đặc biệt như cây kim, hút trứng ra khỏi buồng trứng. Sau đó để trứng thụ tinh với tinh trùng trong đĩa vô trùng tại phòng thí nghiệm. Sau đó, trứng đã thụ tinh (phôi thai) sẽ được đưa trở lại tử cung của người phụ nữ để nó có thể phát triển bình thường từ thời điểm đó.
Tùy theo kinh nghiệm của từng bác sĩ, từng đơn vị và tình trạng phôi thu được, một hoặc nhiều phôi được đưa trở lại tử cung. Thường là một hoặc hai trong số phôi tồn tại và phát triển thành bào thai, nhưng đôi khi kết quả là ba hoặc nhiều thai nhi.
Trẻ em được sinh ra theo phương pháp này thường được gọi là “đứa trẻ trong ống nghiệm”, nhưng trên thực tế đứa trẻ thực sự phát triển bên trong người mẹ. Chỉ có quá trình thụ tinh của trứng diễn ra trong phòng thí nghiệm. Sự ra đời của em bé trong ống nghiệm đầu tiên xảy ra vào năm 1978 tại Vương quốc Anh. Tính đến năm 2019, hơn 8 triệu trẻ sơ sinh trên khắp thế giới đã được sinh ra với sự hỗ trợ của thụ tinh trong ống nghiệm, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia có số trẻ sinh ra có hỗ trợ IVF lớn nhất.
Tiêm tinh trùng vào tế bào tương noãn (ICSI). Một thay đổi của IVF được gọi là tiêm tinh trùng vào tế bào tương noãn (ICSI), các tế bào tinh trùng đơn lẻ được tiêm trực tiếp vào mỗi trứng bằng cách sử dụng kỹ thuật vi mô. Quy trình này, được phát triển vào năm 1991 ở Bỉ, có thể hữu ích cho những người đàn ông bị vô sinh nặng (số lượng tinh trùng rất thấp) và cả khi trứng không thể dễ dàng xâm nhập bởi tinh trùng.
Chuyển giao tử vào vòi trứng (GIFT). Trong kỹ thuật này, trứng được lấy ra từ buồng trứng của một người phụ nữ và trộn với tinh trùng, sau đó đặt vào một trong hai ống dẫn trứng của cô ấy để tạo quá trình thụ tinh diễn ra tự nhiên. Phải có ít nhất một ống dẫn trứng bình thường để thủ thuật diễn ra thành công. Thủ thuật này, do nhà nội tiết học người Argentina Ricardo Asch (1947—) phát triển, được thực hiện bằng phương pháp nội soi.
Chuyển hợp tử vào vòi trứng (ZIFT). Nếu vô sinh xảy ra là do số lượng tinh trùng thấp, có thể thử chuyển hợp tử vào ống dẫn trứng (ZIFT). Kỹ thuật này kết hợp GIFT và IVF. Thủ tục này còn được gọi là “chuyển phôi qua ống dẫn trứng”.
Trong kỹ thuật này, trước tiên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Hai ngày sau, thay vì đặt phôi vào tử cung, bác sĩ tiến hành nội soi để đặt phôi vào ống dẫn trứng, giống như thủ thuật GIFT. Sự thành công của kỹ thuật này thường được đánh giá sau khoảng năm tuần. Một phụ nữ phải có ít nhất một ống dẫn trứng đang hoạt động để thực hiện ZIFT.
Sự chuẩn bị[sửa]
Các cặp vợ chồng đang gặp vấn đề về sinh sản có thể cần phải hạn chế hoặc tránh:
- Thuốc lá
- Rượu
- Caffeine
- Stress
- Quần lót chật (nam giới)
- Bồn tắm nước nóng, phòng xông hơi khô và phòng xông hơi ướt (nhiệt độ cao có thể giết chết tinh trùng)
Rủi ro[sửa]
Phụ nữ dùng thuốc hỗ trợ sinh sản có khả năng mang nhiều thai. Những trường hợp mang thai như vậy có thể khiến sinh ra trẻ nhẹ cân. Có những tác dụng phụ hiếm gặp nhưng khá nghiêm trọng khi dùng thuốc hỗ trợ sinh sản. Dị tật bẩm sinh có thể xảy ra khi sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản. Ví dụ, hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) có thể xảy ra với tỷ lệ cao hơn ở phụ nữ sử dụng các liệu pháp điều trị vô sinh so với những phụ nữ khác. OHSS là một biến chứng - trực tiếp gây ra bởi việc sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản - trong đó buồng trứng trở nên to ra, sưng bụng, huyết áp giảm và các triệu chứng khác xảy ra. Các thủ thuật xâm lấn được sử dụng với các loại liệu pháp điều trị vô sinh khác nhau, đều có nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu và các biến chứng khác giống như các loại phẫu thuật.
Các kết quả[sửa]
Thông thường, ít nhất một nửa trong số các cặp vợ chồng hiếm muộn sẽ đáp ứng điều trị với việc mang thai thành công. Đối với những người không thể mang thai bằng phương pháp điều trị hoặc thụ tinh, nhận con nuôi có thể là lựa chọn phù hợp.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Infertilit y. Rockville, MD: Food and Drug Administration (FDA) Office on Women’s Health, 2007.
- Mayo Clinic. “Infertility.” (April 8, 2010), http://www.may oclinic.com/health/infertility/DS003I0. (accessed September 5, 2010).
- Medline Plus, U.S. National Library of Medi- cine and National Institutes of Health. “Infertility.” (July 2, 2010), http://www.nlm. nih.gov/medlineplus/inferti1ity.html (accessed September 5, 2010).
- Mayo Clinic. “Infertility and Reproduction Overview.” http://www.webmd.com/infertility-and-reproductions default.htm (accessed September 5, 2010).
- Nguyễn Viết Tiến và cs. Các quy trình chẩn đoán và điều trị vô sinh, Nhà xuất bản y học, 2018.