Điều trị bằng thuốc là sử dụng thuốc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Tác động tích cực[sửa]
Năm 1952 được xem như là thời điểm đánh dấu cuộc cách mạng lần thứ hai trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần khi mà lần đầu tiên, bệnh tâm thần được ĐTBT. Nhờ có thuốc điều trị tâm thần, nhiều thay đổi lớn xuất hiện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần:
- Do được dùng thuốc phù hợp, bệnh nhân sớm ổn định dẫn đến số ngày nằm điều trị nội trú giảm đồng thời số bệnh nhân trong các cơ sở điều trị nội trú cũng giảm.
- Quy mô của các cơ sở điều trị tâm thần cũng thu nhỏ lại, bệnh nhân được đưa về chăm sóc ở cộng đồng nhiều hơn.
- Góp phần xuất hiện thêm các dạng chăm sóc bệnh nhân tâm thần khác ngoài bệnh viện (xem thêm: Điều trị lưu trú).
Một số bất cập[sửa]
Bệnh nhân quá lệ thuộc vào thuốc: với suy luận rằng đã có bệnh thì phải dùng thuốc, cho nên có thể có nguy cơ thầy thuốc lạm dụng việc chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc mà xem nhẹ những liệu pháp không dùng thuốc khác. Mặt khác có nhiều thuốc điều trị tâm thần có tác dụng không mong muốn như: chóng mặt, buồn nôn, làm tăng cân… làm cho bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, tự ý bỏ thuốc rồi lại dùng lại khiến cho quá trình điều trị kéo dài.
Cơ chế tác dụng của thuốc chống tâm thần[sửa]
Việc hoạt hoá các hệ thống não phụ thuộc vào hoạt năng của từng nơron. Đến lượt mình, hoạt năng của từng nơron lại phụ thuộc vào chất dẫn truyền thần kinh mà thụ thể sau xinap tiếp nhận. Nếu quá nhiều, hệ thống hoạt động quá mức, còn nếu quá ít thì ngược lại, hệ thống hoạt động dưới mức cần thiết. Mục đích của trị liệu bằng thuốc là duy trì các chất dẫn truyền thần kinh ở mức độ tương thích. Tác động của chúng diễn ra theo một trong hai cách:
- Tăng khả năng của chất dẫn truyền thần kinh bằng cách ngăn ngừa tái hấp thu tại xinap, ngăn ngừa phân hủy trong khe xinap hoặc thay thế một chất dẫn truyền thần kinh có nồng độ thấp bằng một dược chất tương ứng.
- Giảm khả năng của chất dẫn truyền thần kinh bằng cách làm giảm nồng độ của chất dẫn truyền thần kinh hoặc thay thế chất dẫn truyền thần kinh hoạt động mạnh bằng dược chất hoạt động yếu.
Thuốc thường được dùng theo đường uống hoặc tiêm bắp và qua đó vào máu. Thuốc thâm nhập vào não thông qua các mao mạch.
Một số thuốc thông dụng[sửa]
Thuốc chống trầm cảm: một số nhà nghiên cứu cho rằng trầm cảm là do những bất thường về một số chất dẫn truyền thần kinh như: serotonin, norepinephrin hoặc dopamin ở xinap. Một số tác giả khác thì lại cho rằng vấn đề nằm ở mức độ nhạy cảm của các thụ thể sau xinap.
Thuốc điều chỉnh khí sắc: đối với cảm xúc lưỡng cực hoặc trầm cảm lại có pha loạn khí sắc, các thầy thuốc thường cho dùng thuốc điều chỉnh khí sắc. Trước đây muối lithium được ưa dùng vì có tác dụng tốt. Tuy nhiên liều tác dụng của nó rất gần với liều gây độc cho bệnh nhân.
Thuốc kích thích tâm thần: với tăng động giảm chú ý (cả ở người lớn và trẻ em), các thầy thuốc thường cho dùng thuốc nhóm kích thích hệ thần kinh trung ương/kích thích tâm thần. Những thuốc kích thích tâm thần thường được dùng là: Methylphenidate (thương phẩm với các tên khác nhau như: Ritalin, Metadate, Concerta, Daytrana, Methylin) và Pemolin. Cũng có trường hợp được bác sĩ cho dùng nhóm Amphetamin.
Thuốc giải lo âu: do có tác dụng giải lo âu và điều trị mất ngủ, các thuốc nhóm Benzodiazepin được dùng khá phổ biến trong điều trị rối loạn lo âu như: rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh - cưỡng bức, ám ảnh sợ và rối loạn phân li.
Thuốc chống loạn thần: nguyên nhân của loạn thần (hoang tưởng, ảo giác) vẫn chưa được làm rõ song các nhà nghiên cứu đều nhận thấy những rối loạn này có liên quan đến dopamin. Do vậy hầu hết các thuốc chống loạn thần/an thần đều có tác dụng phong tỏa thụ thể dopamin ở não.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Ngô Ngọc Tản, Nguyễn Văn Ngân, Nguyễn Sinh Phúc, Tâm thần học và Tâm lý Y học, Nxb. Quân đội nhân dân, 2007, tr. 243 - 277.
- Nguyễn Kim Việt, Nguyễn Văn Tuấn (Chủ biên), Giáo trình bệnh học tâm thần, Nxb. Y học, 2016, tr. 130 - 137.
- Cao Tiến Đức (Chủ biên), Ngô Ngọc Tản, Bùi Quang Huy, Nguyễn Văn Ngân, Nguyễn Sinh Phúc, Trần Văn Cường, Giáo trình Tâm thần học đại cương và điều trị các rối loạn tâm thần, Nxb. Quân đội nhân dân, 2017, tr. 133 - 207.
- Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
- Bhatia M.S., Dictionary of Psychology and Allied Sciences, New Age International Publisher, 2009, pp. 332.
- Piotrowski N.A., Salem Health Psychology & Mental Health, Vol. II, 2010, pp. 631 - 636.
- VandenBos G.R., (Editor in chief), APA Dictionary of Clinical Psychology, American Psychological Association, Washington DC, 2013, pp. 473.