Âm nhạc dân gian là tổng thể những hình thức nghệ thuật biểu diễn được kết cấu từ chất liệu âm thanh vận hành theo khuôn mẫu thời gian. Các hình thức âm nhạc dân gian được biểu diễn bằng bằng giọng người và nhạc cụ với nhiều phương thức khác nhau. âm nhạc dân gian hình thành, tồn tại và phát triển từ thực tiễn đời sống, để đáp ứng những nhu cầu thiết thực trong đời sống dân gian. Chủ thể sáng tạo âm nhạc dân gian cũng đồng thời là người thực hành, thụ hưởng, là cộng đồng người, cộng đồng dân tộc tại từng địa phương nhât định, không xác định được cá nhân tác giả sáng tạo hình thức âm nhạc.
Sự nảy sinh đầu tiên, tiền đề cho hình thành một hình thức âm nhạc dân gian có thể từ ý tưởng sáng tạo của một người hoặc một nhóm người. Cảm xúc trước một hiện tượng nào đó trong thực tiễn đời sống làm nảy sinh ý tưởng sáng tạo của con người. Trong dân gian, ý tưởng đó của một cá nhân (hoặc một nhóm người) được chia sẻ, tiếp tục được cộng hưởng sáng tạo từ cộng đồng và dần định hình thành hình thức âm nhạc. Sau khi được đón nhận, sử dụng trong đời sống, hình thức âm nhạc dân gian liên tục được tái sáng tạo và lưu truyền qua nhiều thế hệ của cộng đồng dân tộc/ địa phương. Do vậy, âm nhạc dân gian có liên hệ cội nguồn từ văn hóa dân gian, gắn chặt với truyền thống văn hóa và không gian, bối cảnh văn hóa của một cộng đồng người nhất định. âm nhạc dân gian luôn mang tính dân tộc, tính địa phương vùng miền.
Âm nhạc dân gian được biểu hiện nhờ vào hai phương tiện cơ bản là giọng hát và nhạc cụ. Dựa vào đó có thể phân định âm nhạc dân gian thành hai dạng: nhạc hát (còn gọi là dân ca) và nhạc đàn (dân nhạc).
Nhạc hát là hình thức âm nhạc dân gian được thể hiện qua giọng hát và lời bài hát. Ở Việt Nam, đây là hình thức âm nhạc chủ yếu và phổ biến nhất. Nhạc hát được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực, hay khía cạnh đời sống cộng đồng (tâm sự cá nhân, giao tiếp cộng đồng, giao duyên nam nữ, nghi lễ tín ngưỡng, trợ giúp lao động sản xuất ....). Từ đó mà hình thành nhiều thể dân ca khác nhau, rất đa dạng (hát ru, hát giao duyên, giao tiếp, hò lao động v.v...). Dân tộc nào cũng có nhạc hát của riêng mình. Vì nhạc hát gắn với ngôn ngữ nên nó có ý nghĩa nhất định đối với bảo tồn, phát triển, hoàn thiện ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ địa phương. Nhạc hát còn là nguồn chất liệu khá phổ biến cho nhạc đàn. Ngoài ra có những hình thức nhạc hát và nhạc đàn gắn với nhau, thể hiện ngay ở tên gọi, như “đờn ca tài tử”.
Nhạc đàn là hình thức âm nhạc dân gian được thể hiện qua các nhạc cụ (kể cả các nhạc cụ không dùng dây, không gọi là “đàn”, như sáo, phách, trống). Trong dân gian, có những nhạc cụ có gốc gác từ công cụ lao động (như chày máng giã lúa, ống tuốt cỏ gianh...), hoặc từ các dụng cụ làm hiệu lệnh nghi lễ như chiêng, thanh la, mõ, trống, phách. Do vậy, quá trình sáng tạo nên nhạc đàn, bên cạnh nguồn chất liệu từ nhạc hát, còn có chất liệu từ hoạt động lao động, hoạt động nghi lễ dân gian. Từ đó, nhạc đàn trong dân gian cũng đa dạng thể loại không kém nhạc hát. Nhạc đàn làm nền, đỡ cho nhạc hát; Nhạc đàn là cảm hứng và là phần không thể thiếu trong nhảy múa dân gian; Nhạc đàn là linh hồn của nghi lễ tín ngưỡng, mà dân gian truyền rằng “phi nhạc bất thành lễ”.
Không thể có hình thức nhạc đàn nếu không có âm sắc các nhạc cụ thể hiện. Hệ thống nhạc cụ dân gian Việt Nam có tất cả các họ theo cách phân loại phổ biến trên thế giới (họ dây, họ hơi, họ thân vang, họ màng rung); mỗi họ nhạc cụ lại vô cùng đa dạng bởi cấu trúc, nguyên liệu, kiểu dáng, cách diễn tấu; đa dạng bởi mỗi dân tộc, mỗi vùng có cách chế tạo, cách gọi tên và cả sự phân biệt chức năng sử dụng (nhạc cụ thường, nhạc cụ thiêng...) khác nhau.
Hiện nay, ý nghĩa giá trị của âm nhạc dân gian đối với sự phát triển văn hoá dân tộc ngày càng được nhận thức rõ ràng hơn. Tuy nhiên, do âm nhạc dân gian quá phong phú đa dạng và phức tạp, sự hiểu biết về nó trong giới hoạt động âm nhạc, từ nghiên cứu, đào tạo, biểu diễn là chưa tương xứng; còn nhiều lúng túng trong cách tiếp cận, thiếu thống nhất, thậm chí có những đánh giá chưa chuẩn về âm nhạc dân gian. Có quá ít những công trình nghiên cứu sâu về âm nhạc dân gian các dân tộc Việt Nam, nhưng lại có nhiều công trình ở các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau đề cập đến âm nhạc dân gian qua những khía cạnh liên quan. Chẳng hạn, âm nhạc dân gian được mô tả trong các công trình dân tộc học, giới thiệu văn hóa các dân tộc thiểu số, công trình văn học dân gian, tín ngưỡng dân gian. Việc đã làm được đáng kể nhất là kết quả của các dự án sưu tầm âm nhạc dân gian để văn bản hóa và lưu trữ; là kết quả các dự án thành công trong việc đề nghị Nhà nước hoặc quốc tế (UNESCO) công nhận một hiện tượng âm nhạc dân gian như di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia hoặc của thế giới.
Âm nhạc dân gian Việt Nam tạo nên một thế giới âm nhạc đa dạng với 54 sắc thái phong cách khác nhau, bởi mỗi dân tộc đều dùng âm nhạc để đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của họ. Sự giàu có về âm nhạc dân gian là một lợi thế lớn để phát triển một nền âm nhạc Việt Nam mới đậm chất dân tộc và hiện đại.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Thụy Loan, Lược sử Âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội – Nxb. Âm nhạc, Hà Nội, 1993.
- Pierre Huard và Maurice Durand, Hiểu biết về Việt Nam (1954), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
- Tô Vũ, Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc xuất bản, Hà Nội, 2002.
- Nguyễn Thụy Loan, Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2006.
- Jeanne Cuisinier, Người Mường – Địa lý nhân văn và xã hội học (1948), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2007.
- Nguyễn Thái Sơn, Phường bát âm trong tang lễ của người Việt ở Hải Phòng, Luận văn Thạc sĩ văn hóa học, Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2013.