Áp lực nghề nghiệp là sức ép của các yêu cầu nghề nghiệp tác động lên cá nhân làm cho cá nhân phải tuân thủ các yêu cầu đó. Áp lực nghề nghiệp luôn tác động đến cá nhân người lao động. Nó có thể là động lực cho người lao động vươn lên hoặc cũng có thể tạo nên sự căng thẳng nghề nghiệp cho cá nhân.
Áp lực của nghề nghiệp có thể có tác động tích cực đến con người. Các yêu cầu của chính nghề nghiệp, yêu cầu của xã hội đối với nghề làm cho con người phải biến đổi bản thân cho phù hợp với yêu cầu của nghề nghiệp. Bản thân người lao động tự đặt ra yêu cầu với việc hành nghề của mình cũng tạo động lực cho con người vươn lên để khẳng định mình trong mối quan hệ với đồng nghiệp và với xã hội.
Tác động[sửa]
Áp lực của nghề nghiệp có thể tác động tiêu cực đến con người, tạo sự căng thẳng nghề nghiệp. Có thể hiểu căng thẳng nghề nghiệp là các phản ứng có hại cho con người xảy ra khi yêu cầu của công việc không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của con người, con người không đáp ứng được các yêu cầu của công việc. Căng thẳng nghề nghiệp khác với thách thức của nghề nghiệp. Thách thức của nghề nghiệp có thể tiếp thêm động lực cho con người, nó thúc đẩy con người có thêm nghị lực vươn lên để vượt qua thách thức, hoàn thành công việc được giao. Khi vượt qua được các thách thức, con người sẽ thỏa mãn, tự tin hơn trong nghề nghiệp. Căng thẳng nghề nghiệp sẽ tạo nên các phản ứng tiêu cực ở con người. Có những nghề quá nặng nhọc, điều kiện lao động khó khăn, nhiều rủi ro, xã hội yêu cầu cao sẽ gây áp lực rất lớn đối với người lao động. Người nào vượt qua được, đáp ứng được các yêu cầu đó thì có thể tiếp tục hành nghề. Người nào không vượt qua được sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi; đam mê, nhiệt huyết với nghề giảm sút thậm chí bỏ nghề, căng thẳng quá mà không vượt qua được có thể bị trầm cảm.
Nguyên nhân[sửa]
- Áp lực của nghề nghiệp được tạo nên do chính bản thân nghề nghiệp. Đó là các đặc điểm của nghề nghiệp như nội dung và tính chất hoạt động nghề nghiêp. Những nghề nặng nhọc như khai thác hầm lò, tiếp xúc với các chất độc hại như sản xuất hóa chất, thuốc trừ sâu, nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh dịch… là một yếu tố tạo nên áp lực của nghề nghiệp. Điều kiện lao động cũng là một yếu tố gây áp lực của nghề nghiệp. Như các kỹ sư địa chất làm nhiệm vụ thăm dò khoáng sản ở những nơi hẻo lánh, thợ lò làm việc dưới lòng đất không có ánh sáng mặt trời, luôn bị đe dọa sập hầm, thiếu không khí… và nhiều nghề có những rủi ro liên quan đến tính mạng và sức khỏe con người khác.
- Thứ hai, áp lực của nghề nghiệp có thể đến từ bên ngoài như các yêu cầu của xã hội đối với một nghề nghiệp, cách thức, cơ chế quản lý của từng lĩnh vực, cơ quan cụ thể. Ví dụ, xã hội yêu cầu cao đối với nghề dạy học cả về tri thức chuyên môn, cũng như cách ứng xử. Xã hội cũng yêu cầu rất cao với các nghề dịch vụ: vừa phải nhanh chóng, thuận tiện, vừa phải có thái độ phục vụ ân cần chu đáo trong mọi điều kiện.
- Ngoài những yêu cầu này, những đặc điểm cụ thể trong quản lý, chế độ đãi ngộ của nghề cũng là một yếu tố tạo áp lực của nghề nghiệp. Như: những người quản lý muốn được đánh giá cao nên thúc ép cấp dưới về số lượng, chất lượng sản phẩm và thời hạn hoàn thành công việc cũng sẽ tạo áp lực của nghề nghiệp. Hoặc áp lực có thể đến từ chế độ sử dụng nhân sự. Có những vị trí việc làm luôn bị sức ép thay thế làm cho người làm việc ở vị trí liên tục phải gồng mình lên để đáp ứng yêu cầu công việc, tránh bị sa thải. Hoặc có thể do sự cạnh tranh không lành mạnh giữa đồng nghiệp với nhau cũng luôn tạo ra những căng thẳng đối với người lao động.
- Áp lực của nghề nghiệp có thể do chính bản thân người lao động tạo nên. Có thể yêu cầu nghề nghiệp và sức ép từ bên ngoài không đến mức buộc người lao động phải làm việc với cường độ cao, nhưng người lao động tự đặt ra mức phấn đấu để có số lượng, chất lượng sản phẩm và thời hạn hoàn thành vượt trội. Cũng có thể, người lao động muốn làm tròn trách nhiệm của mình, muốn chứng tỏ mình nên đã đặt cho mình mục tiêu phấn đấu cao hơn khả năng thực tế. Tình huống này là người lao đông tự tạo áp lực cho mình. Vì thế, cùng một nghề nghiệp, có người bị áp lực, có người không.
- Cũng có thể áp lực của nghề nghiệp đến từ tất cả các nguồn nêu trên: bản thân nghề nghiệp, yêu cầu của xã hội và người lao động tự tạo áp lực cho mình.
Người lao động cần có áp lực của nghề nghiệp ở mức độ phù hợp để có động lực vươn lên. Đồng thời cần biết giải tỏa áp lực của nghề nghiệp tác động tiêu cực đến bản thân bằng nhiều cách. Giải tỏa được áp lực của nghề nghiệp, người lao động sẽ thêm yêu nghề, nâng cao ý thức trách nhiệm với nghề, tạo được niềm vui trong lao động, phát huy được sự sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động.
Khuyến nghị[sửa]
Những người có dự định lao động trong một lĩnh vực nghề nghiệp nào thì cần hiểu rõ về nghề nghiệp đó. Đồng thời cũng cần hiểu rõ đặc điểm của bản thân mình trước khi chọn nghề, để chọn được nghề nghiệp phù hợp. Khi đã chọn nghề rồi thì cần nhìn nhận một cách khách quan những yêu cầu của nghề nghiệp và biết chấp nhận các yêu cầu đó để thích ứng với nội dung và tính chất công việc mình được giao.
Cần dành nhiều tâm huyết cho nghề, tìm thấy cái hay của nghề và tự hào về những thành quả của nghề nghiệp mang lại cho bản thân và xã hội. Khi xã hội yêu cầu cao đối với nghề của mình thì hãy biến những yêu cầu ấy thành niềm tự hào nghề nghiệp để phấn đấu hoàn thành tốt công việc của mình. Cá nhân không nên đặt thêm những yêu cầu quá cao đối với bản thân về nghề nghiệp. Chỉ nên đặt ra những yêu cầu phù hợp với khả năng của bản thân, đặt các mục tiêu phù hợp đủ tạo động lực cho mình phấn đấu.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển thuật ngữ Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012.
- Ngôn ngữ Việt Nam, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2014.
- Trần Quốc Thành, Nguyễn Đức Sơn, Tâm lý học xã hội, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2015.