Mục từ này cần được bình duyệt
Xã hội thông tin
Phiên bản vào lúc 16:55, ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Minhpc (Thảo luận | đóng góp) (Tạo trang mới với nội dung “{{mới}} đặc trưng của một giai đoạn mới của sự phát triển xã hội loài người, trong đó thông tin và tri thức là nguồn…”)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

đặc trưng của một giai đoạn mới của sự phát triển xã hội loài người, trong đó thông tin và tri thức là nguồn tài nguyên chủ yếu tạo nên sự giàu có của đời sống vật chất và tinh thần; các hoạt động kinh tế, văn hóa của xã hội được tiến hành trên cơ sở một kết cấu hạ tầng thông tin chung phong phú của toàn xã hội, XHTT được xem là giai đoạn phát triển tiếp theo của xã hội công nghiệp.

Các cuộc cách mạng thông tin là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự biến đổi của xã hội loài người. Xã hội loài người trải qua năm cuộc cách mạng thông tin. Cách mạng thông tin lần thứ nhất gắn với sự sáng tạo ra tiếng nói, phát hiện và biết sử dụng lửa, chế tạo ra những công cụ sản xuất thô sơ, đưa xã hội loài người tách khỏi xã hội loài vật, nhưng còn ở trình độ thấp - giai đoạn mông muội, dã man. Cách mạng thông tin lần thứ hai gắn với việc con người phát minh ra chữ viết, đưa xã hội loài người bước vào xã hội nông nghiệp. Cách mạng thông tin lần thứ ba bắt đầu từ giữa thế kỷ XVI, khi phát minh ra máy hơi nước và kỹ thuật in ấn, đưa loài người bước vào xã hội công nghiệp. Cách mạng thông tin lần thứ tư vào cuối thế kỷ XIX, gắn với việc khám phá và ứng dụng điện lực và các công nghệ truyền đạt thông tin mới như điện báo, điện thoại, vô tuyến điện… đưa loài người chuyển sang xã hội công nghiệp. Cách mạng thông tin lần thứ năm vào giữa những năm 1950, đặc biệt từ những năm 1970, gắn với sự phát minh ra công nghệ vi xử lý và sự xuất hiện của máy tính cá nhân, các mạng máy tính, truyền thông, mạng internet, tạo thành hệ thống siêu xa lộ thông tin toàn cầu, đưa con người bước sang XHTT.

XHTT có bốn đặc điểm sau: 1) Chủ thể của kinh tế xã hội chuyển từ công nghiệp chế tạo sang cách mạng công nghiệp lần thứ ba mà hạt nhân là khoa học kỹ thuật cao mới, tức công nghiệp thông tin và tri thức chiếm địa vị chủ đạo; 2) Chủ thể của sức lao động không còn là người điều khiển máy móc mà là người sản xuất và truyền bá thông tin; 3) Kế toán giao dịch không còn chủ yếu dựa vào tiền mặt mà chủ yếu dựa vào tín dụng; 4) Giao dịch chủ yếu không còn hạn chế ở phạm vi quốc gia mà giao dịch được mở rộng xuyên quốc gia và trên phạm vi toàn cầu.

XHTT có những đặc trưng: 1) Cường độ thông tin cao trong đời sống hàng ngày của hầu hết mọi công dân, trong hầu hết các tổ chức và nơi làm việc bằng cách sử dụng công nghệ phổ biến cho phạm vi rộng lớn các hoạt động cá nhân, xã hội, giáo dục, kinh doanh,… và bằng khả năng truyền, nhận và trao đổi dữ liệu kỹ thuật số nhanh chóng giữa các địa điểm, không phân biệt khoảng cách; 2) Thông tin, tri thức có giá trị và chiếm tỷ trọng cao trong mức gia tăng GDP; Thu nhập từ hoạt động thông tin chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập và dân cư cả nước; 3) Thông tin, tri thức, công nghệ thông tin có vai trò then chốt trong các quá trình kinh tế và xã hội; mở ra những triển vọng mới cho sản xuất và tiêu dùng; cơ cấu nghề nghiệp, cơ cấu kinh tế - xã hội có biến chuyển đáng kể: các ngành nghề lao động trí óc, các ngành có hàm lượng khoa học, thông tin cao, các ngành đổi mới từ chỗ hiếm, ít đang trở thành đại trà; 4) Mối quan hệ qua lại hết sức mật thiết giữa khoa học và các quá trình sản xuất thực tế; 5) Tự động hóa các quá trình sản xuất, tin học hóa các quá trình sản xuất và tin học hóa hoạt động của con người; 6) Thông tin, tri thức và kỹ năng của chủ thể trở thành yếu tố chủ yếu quyết định quyền lực và quản lý; Nâng cao vai trò của giới elit, giới trí thức, giai cấp công nhân kỹ thuật, các học giả.

XHTT còn được gọi là xã hội tri thức, nhưng hai khái niệm này có những nét không giống nhau. Trong xã hội tri thức, thì tri thức, sáng tạo cái mới trở thành hạt nhân của xã hội; còn XHTT thì lại được xây dựng trên cơ sở những tiến bộ của khoa học kỹ thuật thông tin. Khái niệm xã hội tri thức bao gồm những nội dung xã hội, luân lý và chính trị rộng lớn hơn, trong khi XHTT chỉ là những thủ pháp để thực hiện xã hội tri thức. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin mang đến những thay đổi về hình thái xã hội, từ đó sáng tạo thời đại mới hướng tới xã hội tri thức. Trong xã hội tri thức, mọi người đều phải tự học tập, rèn luyện trong biển cả thông tin; bồi dưỡng tri thức, năng lược nhận thức và tinh thần phê phán của mình để phân biệt rõ những thông tin hữu ích và thông tin vô dụng, từ đó bồi bổ tri thức mới; xã hội tri thức cũng làm cho sự sáng tạo cái mới không còn thuộc quyền phát minh sáng chế của thiểu số giỏi khoa học kỹ thuật, mà nó còn làm cho quảng đại quần chúng đều được tham gia thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa, sáng tạo cái mới; xã hội tri thức, với tư cách là xã hội mạng, tất yếu sẽ quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề toàn cầu như: biến đổi khí hậu, môi trường, nguy cơ mặt trái của phát triển khoa học kỹ thuật, khủng hoảng kinh tế, nạn đói nghèo, v.v.. Những vấn đề này sẽ được giải quyết tốt trong xã hội tri thức thông qua sự hợp tác quốc tế và hợp tác về khoa học kỹ thuật. Nền tảng của xã hội tri thức là mọi người cùng hưởng thụ tri thức; sự sáng tạo, mà đặc điểm của nó là mọi người cùng sáng tạo, giải phóng sự sáng tạo, chính là thực chất của xã hội tri thức. Xã hội tri thức là ngọn nguồn của sự phát triển bền vững của xã hội loài người.

Trong XHTT, số hóa là trung tâm, công nghệ thông tin là phương tiện quan trọng. Động lực chính của XHTT là công nghệ thông tin và truyền thông kỹ thuật số, dẫn đến sự bùng nổ thông tin, làm thay đổi sâu sắc mọi khía cạnh của tổ chức và đời sống xã hội. Cùng với ba yếu tố: đất đai, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác và vốn, thông tin, tri thức là nguồn lực tiềm tàng không bao giờ vơi cạn, có tính chất quan trọng, quyết định. Khi thông tin, tri thức đã được đưa vào các quá trình thực tiễn thì chính nó là nguồn gốc của giá trị, là nguồn gốc chủ đạo tạo nên sức mạnh kinh tế, phồn vinh của xã hội. Công nghệ thông tin mang lại sự đa dạng trong các dịch vụ tiêu dùng, ảnh hưởng đến cơ cấu các quan hệ xã hội, đến hoạt động của nhà nước và đời sống xã hội, làm thay đổi căn bản và dân chủ hóa các thể chế quyền lực. Sự liên kết các cơ cấu viễn thông, công nghệ và thông tin dẫn đến xuất hiện hình thức làm việc mới, hình thức văn hóa chính trị mới với việc thực hiện đầy đủ hơn nguyên tắc tự do ngôn luận thông qua phương tiện thông tin đại chúng điện tử; xuất hiện các ngành kinh tế mới, sản phẩm và dịch vụ mới, thỏa mãn các nhu cầu mới, đẩy nhanh sự phát triển của xã hội. Toàn cầu hóa thông tin và viễn thông dẫn đến việc tạo ra và phát triển cơ cấu hạ tầng thông tin toàn cầu, tạo ra không gian thông tin thống nhất, không biên giới, có thể liên kết các nguồn thông tin và tri thức của loài người, tạo ra cơ sở tri thức toàn cầu, tạo ra sự liên kết thế giới chung của hành tinh như lực lượng sản xuất của xã hội. XHTT không chỉ ảnh hưởng đến cách mọi người tương tác mà còn đòi hỏi các cấu trúc truyền thống phải linh hoạt hơn, có nhiều người tham gia hơn và phi tập trung hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb. Từ điển Bách khoa, H., 2005.

2. Masuda Y., Information Society as Postindustrial Society, Wash, World Future Soc., 1983, p.29.

3. Рейман Л., Информационное обшество и рол телеломмуникаций в его становлении, Вопросы философии, 2001, N. 3, C. 3-9.

4. Мовсесян А. Современные тенденции становления информационного общества в мировой экономике и России, Общество и Экономика, 2001, N6, С. 32-46.

5. Славин Б. Информационное общество и рыночные отношения, 2007, Nо.7, С. 55-63.