Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm niêm mạc mũi được gây ra bởi phản ứng dị ứng với các dị nguyên trong không khí như bụi hoặc phấn hoa.

Dịch tễ[sửa]

Viêm mũi dị ứng (viêm mũi dị ứng) là tình trạng dị ứng phổ biến nhất và là một trong những bệnh phổ biến nhất trong số các bệnh nhẹ. Theo những thông báo về dịch tễ học thì tỉ lệ mắc các bệnh dị ứng đường hô hấp chiếm từ 10-15% dân số thế giới. Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đến khoảng 60 triệu người ở Hoa Kỳ, và tỷ lệ hiện mắc bệnh vẫn đang gia tăng. Tại Việt Nam có khoảng 10 triệu người mắc bệnh viêm mũi dị ứng, thường gặp ở lứa tuổi từ 10-30 tuổi. Theo điều tra của Khoa Dị ứng - Miễn dịch Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thì viêm mũi dị ứng chiếm 32,2% trong các bệnh về tai mũi họng.

Nguyên nhân[sửa]

Viêm mũi dị ứng là một loại phản ứng miễn dịch. Thông thường, hệ thống miễn dịch phản ứng với các vi sinh vật lạ, hoặc các phần tử như phấn hoa hoặc bụi bằng cách tạo ra các protein đặc trưng được gọi là kháng thể - có khả năng liên kết với các phân tử xác định hoặc kháng nguyên trên các phân tử lạ. Phản ứng giữa kháng thể và kháng nguyên này tạo ra một chuỗi các phản ứng để bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Đôi khi, chuỗi phản ứng tương tự này được kích hoạt bởi các chất vô hại thường ngày. Đây là tình trạng được biết như là dị ứng và chất gây kích thích được gọi là chất gây dị ứng.

Giống như tất cả các phản ứng dị ứng, viêm mũi dị ứng liên quan đến một tập hợp các tế bào đặc biệt trong hệ thống miễn dịch được gọi là tế bào mast. Các tế bào Mast có một loại kháng thể đặc biệt (IgE) ở trên bề mặt của chúng. Ở bên trong, tế bào mast dự trữ các chất hóa học phản ứng ở trong các túi nhỏ. Khi các kháng thể gặp chất gây dị ứng, chúng kích hoạt giải phóng các chất hóa học ra các tế bào lân cận, bao gồm các mạch máu và tế bào thần kinh. Một trong những chất hóa học này, histamine, liên kết với bề mặt của những tế bào khác, thông qua các protein đặc biệt được gọi là thụ thể histamine. Sự tương tác của histamine với các thụ thể trên mạch máu khiến các tế bào lân cận tiết dịch, dẫn đến tích tụ dịch, sưng tấy và đỏ chảy nước mũi và gây đỏ, kích thích mắt. Histamine cũng kích thích các thụ thể đau, gây ngứa, xước mũi, mắt và họng.

Có hai loại viêm mũi dị ứng: theo mùa và quanh năm. Viêm mũi dị ứng theo mùa: chủ yếu là do phấn hoa và bào tử. Viêm mũi dị ứng quanh năm: thường gặp do bụi nhà. Cả hai loại dị ứng có thể phát triển ở mọi lứa tuổi. Trong khi tình trạng dị ứng có thể tự cải thiện qua thời gian, chúng cũng có thể trở nên nặng hơn theo thời gian.

Triệu chứng[sửa]

Viêm mũi là triệu chứng chính của viêm mũi dị ứng. Tình trạng viêm gây ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi, đỏ và đau. Phù nề xoang có thể làm co thắt vòi Eustache gây ra cảm giác nghẹt mũi và ù tai. Chất nhầy chảy ra từ xoang xuống phía sau cổ họng, kết hợp với sự tăng nhạy cảm, cũng có thể dẫn đến kích thích cổ họng và đỏ. viêm mũi dị ứng thường cũng gây đỏ, ngứa và chảy nước mắt. Mệt mỏi và đau đầu cũng là triệu chứng phổ biến.

Chẩn đoán[sửa]

Chẩn đoán viêm mũi dị ứng theo mùa thường dễ dàng, các triệu chứng xuất hiện vào mùa xuân hoặc mùa hè và biến mất khi thời tiết lạnh. Các nguyên nhân khác của viêm mũi bao gồm nhiễm trùng, thường có thể được loại trừ bằng cách khám và làm xét nghiệm.

Test dị ứng, bao gồm test da và test kích thích, có thể giúp xác định tác nhân chính xác, nhưng có thể không được thực hiện khi nghi ngờ một nguồn duy nhất và có thể tránh được. Kiểm tra da bao gồm việc bôi một lượng nhỏ chất lỏng có chứa chất gây dị ứng cụ thể lên da, sau đó gây xước hoặc tiêm vào trong bề mặt da để quan sát xem có mẩn đỏ và sưng tấy hay không. Test kích thích bao gồm việc thử với một lượng nhỏ chất gây dị ứng có thể hít vào hoặc ăn vào để xem liệu phản ứng có được tạo ra hay không.

viêm mũi dị ứng quanh năm thường cũng có thể được chẩn đoán bằng cách hỏi kỹ về thời gian phơi nhiễm và sự khởi phát của các triệu chứng. Các chất gây dị ứng cụ thể có thể được xác định thông qua xét nghiệm dị ứng da.

Điều trị[sửa]

Tránh các chất gây dị ứng là cách điều trị tốt nhất, nhưng điều này thường là không thể. Khi không thể tránh khỏi một hoặc nhiều chất gây dị ứng, có hai cách điều trị chính là thuốc và liệu pháp miễn dịch.

Thuốc[sửa]

Thuốc kháng histamine: ngăn chặn các thụ thể histamine trên niêm mạc mũi, làm giảm hiệu quả giải phóng histamine của các tế bào mast. Chúng có thể được sử dụng sau khi các triệu chứng xuất hiện, mặc dù chúng thậm chí có thể hiệu quả hơn khi được sử dụng phòng ngừa, trước khi các triệu chứng xuất hiện. Thuốc kháng histamine mới không gây buồn ngủ được bán theo đơn bao gồm: Astemizole (Hismanal), Fexofenadine (Allegra), Cetirizine (Zyrtec), Azelastin HCl (Astelin).

Hismanal có khả năng gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng khi dùng chung với kháng sinh erythromycin, thuốc chống nấm ketoconazole và itraconazole, hoặc thuốc trị sốt rét quinine. Dùng nhiều hơn liều Hismanal được khuyến cáo cũng có thể gây ra chứng loạn nhịp tim.

Thuốc thông mũi: làm co mạch máu để chống lại tác động của histamine, làm giảm lượng máu trong niêm mạc mũi họng và xoang và giảm sưng tấy. Thuốc xịt mũi có sẵn có thể được dùng trực tiếp vào niêm mạc mũi và các chế phẩm đường uống có sẵn.

Thuốc thông mũi là chất kích thích và có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, đau đầu, mất ngủ. Sử dụng thuốc trong thời gian dài hơn vài ngày có thể gây mất tác dụng và tắc nghẽn trở lại, mũi bị sưng tấy nặng hơn so với trước điều trị.

Corticosteroid tại chỗ: Có tác dụng làm giảm viêm màng nhầy và được bán theo đơn. Dị ứng có xu hướng trở nên nặng hơn khi chuyển mùa vì hệ thống miễn dịch trở nên nhạy cảm với các kháng nguyên cụ thể và có thể tạo ra phản ứng nhanh hơn, mạnh hơn.

Corticosteroid tại chỗ đặc biệt hiệu quả trong việc giảm nhạy cảm theo mùa này vì chúng hoạt động chậm hơn và kéo dài hơn hầu hết các loại thuốc khác. Do đó, chúng được sử dụng trước khi mùa dị ứng bắt đầu. Các tác dụng phụ thường nhẹ, nhưng có thể bao gồm nhức đầu, chảy máu cam và thay đổi vị giác.

Thuốc ổn định tế bào mast. Có tác dụng ngăn chặn sự giải phóng histamine và các hóa chất khác. Nó hoạt động như một phương pháp điều trị dự phòng nếu nó được bắt đầu vài tuần trước khi bắt đầu mùa dị ứng. Nó cũng có thể được sử dụng cho viêm mũi dị ứng quanh năm.

Liệu pháp miễn dịch[sửa]

Liệu pháp miễn dịch làm thay đổi sự cân bằng của các loại kháng thể trong cơ thể, do đó làm giảm khả năng gây phản ứng dị ứng của IgE. Liệu pháp miễn dịch được thực hiện bằng xét nghiệm dị ứng để xác định chính xác các chất gây dị ứng. Tiêm một lượng rất nhỏ nhưng tăng dần chất gây dị ứng, trong vài tuần hoặc vài tháng, với thuốc tăng cường định kỳ. Hiệu quả có thể mất đến vài năm để đạt được và 1/5 bệnh nhân không đáp ứng điều trị. Các bệnh nhân được sử dụng các mũi tiêm sẽ được theo dõi chặt chẽ sau mỗi mũi tiêm vì có nguy cơ sốc phản vệ mặc dù rất nhỏ.

Điều trị thay thế[sửa]

Thường tập trung vào việc điều chỉnh phản ứng miễn dịch của cơ thể, chế độ ăn và lối sống. Thuốc Đông y có thể giúp tái cân bằng hệ thống miễn dịch của một người. Vitamin C với một lượng đáng kể có thể giúp ổn định phản ứng của màng nhầy. Để giảm triệu chứng, các thuốc tây có thể hữu ích.

Tiên lượng[sửa]

Hầu hết những bệnh nhân viêm mũi dị ứng có thể đạt được mục đích điều trị với sự kết hợp phòng ngừa và điều trị. Trong khi, dị ứng có thể cải thiện theo thời gian, chúng cũng có thể trở nên nặng hơn hoặc mở rộng thêm các chất gây dị ứng mới. Điều trị sớm giúp ngăn ngừa sự gia tăng nhạy cảm với các chất gây dị ứng khác.

Dự phòng[sửa]

Giảm tiếp xúc với phấn hoa có thể cải thiện các triệu chứng của viêm mũi dị ứng theo mùa. Các biện pháp như: Đóng cửa sổ vào buổi sáng, khi lượng phấn hoa trong không khí là cao nhất; Đóng cửa sổ ô tô khi lái xe; Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài; Tránh nơi có những nơi vào thời điểm cao điểm của mùa phấn; Giặt quần áo và gội đầu sau khi ra ngoài; Vệ sinh bộ lọc điều hòa không khí trong nhà thường xuyên.

Việc ngăn ngừa viêm mũi dị ứng quanh năm yêu cầu cần phải xác định các chất gây dị ứng.

+ Nấm mốc: Giữ nhà cửa khô ráo, sử dụng chất khử trùng để làm sạch các bề mặt như sàn và tường phòng tắm; Vứt bỏ đồ đạc bị mốc hoặc ẩm mốc.

+ Bụi: Hút bụi thường xuyên và thay túi thường xuyên.

+ Lông động vật: Tránh tiếp xúc nếu có thể, Rửa tay sau khi tiếp xúc, Giữ thú cưng ra khỏi phòng ngủ và không để đồ đạc, thảm và các bề mặt dễ bắt bụi khác.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Weber, R.W. ‘‘Allergic rhinitis caused by inhalant factors.’’ In Conn’s Current Therapy, R.E. Rakel, E.T. Bope, eds. Philadelphia: Saunders Elsevier, pp. 904-908.
  2. Tổng hội y học Việt Nam (2020). Viêm xoang, viêm mũi dị ứng, http://tonghoiyhoc.vn/viem-xoang-viem-mui-di-ung.htm, truy cập 10/2/2021.
  3. Al Sayyad J.J., Z. Fedorowicz, D. Alhashimi, and A. Jamal. ‘‘Topical Nasal Steroids for Iintermittent and Persistent Allergic Rhinitis in Children.’’ Cochrane Database Syst Rev. (January 24, 2007): CD003163.
  4. Finn, Robert. ‘‘Rhinoohototherapy Targets Allergic Rhinitis.’’ Skin & Allergy News (July 2004): 62.
  5. Wallace, D.V., M.S. Dykewicz, D.I. Bernstein et al. ‘‘The Diagnosis and Management of Rhinitis: An Updated Practice Parameter.’’ J Allergy Clin Immunol. 122, no. 2 (August 2008). ‘‘What’s New in: Asthma and Allergic Rhinitis.’’ Pulse (September 20, 2004): 50. Richard Robinson Karl Finley.
  6. Bộ y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh tai mũi họng, Hà Nội, 2015.