Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Viêm bàng quang

Viêm bàng quang là tình trạng viêm do vi khuẩn diễn ra ở bàng quang, viêm niệu đạo là khi tình trạng viêm diễn ra ở ống niệu đạo, là đường ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Đôi khi viêm bàng quang và niệu đạo được gọi chung là viêm đường tiết niệu dưới, trường hợp viêm đường tiết niệu trên, bao gồm cả viêm thận nhiễm khuẩn được gọi là viêm thận bể thận.

Hệ tiết niệu

Biểu hiện[sửa]

Tần suất viêm bàng quang thay đổi đáng kể theo tuổi và giới tính. Tỷ lệ viêm đường tiết niệu dưới của nam/nữ ở trẻ em dưới 12 tháng là 4: 1 vì tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu của trẻ sơ sinh nam là cao hơn so với trẻ sơ sinh nữ. Ở giai đoạn trưởng thành, tỷ lệ viêm đường tiết niệu dưới của nam/nữ là 1:50. Tuy nhiên, sau 50 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới tăng lên do bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.

Viêm bàng quang ở nữ giới[sửa]

Viêm bàng quang ở phụ nữ rất thường gặp. Ước tính khoảng 50% phụ nữ trưởng thành trải qua ít nhất một lần tiểu buốt (đau khi đi tiểu); một nửa những bệnh nhân này bị viêm đường tiết niệu dưới do vi khuẩn. Có tới 2-5% phụ nữ đến đi khám bệnh với các triệu chứng nhiễm khuẩn tiết niệu, và khoảng 90 % các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu ở phụ nữ không gây ra biến chứng, nhưng hay tái phát.

Viêm bàng quang ở nam giới[sửa]

Nhiễm khuẩn niệu không phổ biến ở nam giới trẻ tuổi và trung niên, nhưng khi xảy ra có thể gặp các biến chứng của viêm nhiễm ở thận hoặc viêm tuyến tiền liệt.

Viêm bàng quang ở trẻ em[sửa]

Ở trẻ em, viêm bàng quang thường do các dị tật bẩm sinh của đường tiết niệu. Ví dụ như trào ngược bàng quang niệu quản là tình trạng dị tật bẩm sinh ở lỗ niệu quản khiến cho nước tiểu trào ngược từ bàng quang lên niệu quản ở thì bài xuất, dẫn đến nước tiểu tồn dư trong bàng quang và niệu quản, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn mọc gây viêm bàng quang hoặc viêm bể thận-thận ngược dòng.

Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]

Nguyên nhân của viêm bàng quang có sự khác nhau theo giới tính do sự khác biệt trong cấu trúc giải phẫu của đường tiết niệu.

Illu bladder de.png

Viêm bàng quang ở phụ nữ[sửa]

Hầu hết viêm bàng quang ở phụ nữ được gọi là nhiễm khuẩn ngược dòng, có nghĩa là chúng được gây ra do vi khuẩn gây bệnh di chuyển từ ngoài (dưới) qua niệu đạo lên đến bàng quang. Niệu đạo nữ tương đối ngắn (khoảng 3-5 cm) giúp vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang và phát triển ở đó.

Các vi khuẩn phổ biến nhất liên quan đến nhiễm khuẩn niệu ở phụ nữ bao gồm Escherichia coli (80% trường hợp), ngoài ra có Staphylococcus saprophyticus, Klebsiella, Enterobacter và Proteus. Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn niệu ở phụ nữ bao gồm:

- Quan hệ tình dục. Nguy cơ nhiễm khuẩn tăng lên nếu người phụ nữ có nhiều bạn tình.

- Sử dụng màng ngăn ngừa thai.

- Niệu đạo ngắn bất thường.

- Bệnh đái tháo đường hoặc mất nước mãn tính.

- Sự thiếu hụt của một loại enzyme đặc biệt là trong dịch tiết âm đạo. Việc thiếu enzym này khiến cho các loại vi khuẩn có thể trú ngụ trong âm đạo từ đó gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

- Vệ sinh cá nhân không tốt. Vi khuẩn từ phân hoặc dịch tiết âm đạo có thể xâm nhập vào niệu đạo của phụ nữ vì lỗ ngoài của niệu đạo ở nữ rất gần với âm đạo và hậu môn.

- Tiền sử nhiễm khuẩn niệu trước đây. Khoảng 80% phụ nữ bị viêm bàng quang sẽ có tái phát trong vòng hai năm.

Các triệu chứng sớm của viêm bàng quang ở phụ nữ là tiểu buốt, hoặc đau khi đi tiểu; cảm giác mót tiểu liên tục và tăng số lần đi tiểu. Khoảng 50% bệnh nhân nữ bị sốt, đau ở lưng dưới hoặc hai bên sườn, buồn nôn và nôn, hoặc ớn lạnh sốt rét run. Đây là các triệu chứng của viêm thận-bể thận, hoặc nhiễm khuẩn ngược dòng lên tới đường tiết niệu trên.

Viêm bàng quang ở nam giới[sửa]

Hầu hết nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới ở nam giới trưởng thành là hậu quả của viêm nhiễm thận hoặc tuyến tiền liệt. Thường xảy ra khi có khối u hoặc sỏi làm tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu và thường là viêm nhiễm dai dẳng do vi khuẩn kháng thuốc. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới ở nam giới thường gây ra bởi vi khuẩn E. coli hoặc do các vi khuẩn Gram âm khác. S. saprophyticus là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn tiết niệu đứng hàng thứ 2 ở nữ giới nhưng lại hiếm khi gây bệnh ở nam giới. Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới ở nam giới bao gồm:

- Hẹp bao quy đầu. Bao quy đầu có thể chứa vi khuẩn gây nhiễm khuẩn niệu.

- Đặt ống thông tiểu. Khoảng thời gian đặt ống thông tiểu càng dài thì nguy cơ nhiễm khuẩn niệu càng cao.

Các triệu chứng của viêm bàng quang, viêm thận bể thận ở nam giới và nữ giới là giống nhau.

Viêm bàng quang xuất huyết[sửa]

Viêm bàng quang xuất huyết được đặc trưng bởi tình trạng đi tiểu ra máu thường do nhiễm khuẩn bàng quang cấp tính. Trong một số trường hợp, viêm bàng quang xuất huyết là tác dụng phụ của xạ trị hoặc điều trị bằng cyclophosphamide. Viêm bàng quang xuất huyết ở trẻ em thường có liên quan đến adenovirus typ 11.

Chẩn đoán[sửa]

Khi nghi ngờ viêm bàng quang, cần kiểm tra bụng và lưng dưới của bệnh nhân, để đánh giá sự sưng vồng của hố thận hoặc bàng quang. Ở trẻ nhỏ cần kiểm tra các triệu chứng sốt, các khối bất thường ở vùng bụng và dấu hiệu sưng nề vùng bàng quang. Tiếp theo cần lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm, thủ thuật này có một số điểm khác biệt ở phụ nữ so với nam giới.

Hiện nay, xét nghiệm nước tiểu có thể được thực hiện bằng que thăm dựa theo nguyên lý phản ứng miễn dịch đối với tác nhân nhiễm khuẩn hoặc bằng phân tích mẫu bằng kính hiển vi. Nước tiểu bình thường của người là vô khuẩn. Sự hiện diện của vi khuẩn hoặc mủ trong nước tiểu thường chỉ ra tình trạng nhiễm khuẩn. Sự hiện diện của máu trong nước tiểu, có thể cho thấy nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp tính, bệnh lý thận, sỏi thận, viêm tuyến tiền liệt (ở nam), lạc nội mạc tử cung (ở nữ), hoặc ung thư đường tiết niệu. Trong một số trường hợp, sự xuất hiện của máu trong nước tiểu có thể là kết quả cuả luyện tập thể dục cường độ cao, đặc biệt là ở vận động viên chạy bộ.

Bệnh nhân nữ[sửa]

Để chẩn đoán nhiễm khuẩn bàng quang, các bệnh nhân nữ thường được yêu cầu khám vùng chậu và lấy mẫu nước tiểu giữa dòng với lượng khoảng 200 ml làm xét nghiệm kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn.

Khi có trên 104 khuẩn lạc/ml nước tiểu giữa dòng cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Khuẩn lạc là một số lượng lớn vi khuẩn được phát triển từ một tế bào đơn lẻ trong môi trường nuôi cấy. Có thể tính số lượng vi khuẩn trong mẫu nước tiểu bằng cách tính số lượng khuẩn lạc sau khi nuôi cấy.

Bệnh nhân nam[sửa]

Ở bệnh nhân nam, trước khi lấy mẫu nước tiểu, bệnh nhân sẽ được sát khuẩn lỗ niệu đạo. 10 mL nước tiểu đầu tiên sẽ được thu riêng. Sau đó, lấy một mẫu nước tiểu giữa dòng 200 ml. Sau mẫu thứ hai, bác sĩ sẽ ấn vào tuyến tiền liệt của bệnh nhân để thu lấy vài giọt dịch tiền liệt tuyến. Bệnh nhân sau đó lấy mẫu nước tiểu thứ ba để nuôi cấy dịch tuyến tiền liệt.

Số lượng vi khuẩn cao trong mẫu nước tiểu đầu tiên hoặc các mẫu xét nghiệm ở tuyến tiền liệt chỉ ra viêm niệu đạo hoặc viêm tuyến tiền liệt. Số lượng vi khuẩn lớn hơn hơn 100.000 vi khuẩn/ml trong mẫu giữa dòng gợi ý nhiễm khuẩn ở bàng quang hoặc thận.

Ngoài ra có thể lấy mẫu nước tiểu bằng chọc hút bàng quang trên xương mu, lấy qua ống thông niệu đạo - ống thông thận…, tuy nhiên cách đánh giá kết quả có nhiều khác biệt.

Các xét nghiệm khác[sửa]

Phụ nữ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới tái phát cần được siêu âm thận và bàng quang và chụp XQ bàng quang- niệu đạo khi đi tiểu để đánh giá các bất thường về cấu trúc giải phẫu đường tiết niệu. Phương pháp này cũng được dùng để đánh giá trong các trường hợp trẻ bị viêm đường tiết niệu dưới.

Trong một số trường hợp có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính cũng được sử dụng để chẩn đoán các khối ung thư ở đường tiết niệu.

Điều trị[sửa]

Điều trị bằng thuốc[sửa]

Viêm bàng quang chưa có biến chứng có thể được điều trị bằng các thuốc kháng sinh bao gồm penicillin, ampicillin và amoxicillin; sulfisoxazole hoặc sulfamethoxazole; trimethoprim; nitrofurantoin; cephalosporin; hoặc fluoroquinolones (Flouroquinolones không sử dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi). Một nghiên cứu năm 2003 cho thấy fluoroquinolone được ưa thích hơn amoxicillin đối với viêm bàng quang chưa có biến chứng ở phụ nữ trẻ. Bởi vì thời gian điều trị viêm bàng quang cho phụ nữ thường ngắn; hầu hết bệnh nhân có đáp ứng trong vòng ba ngày. Ở nam giới thường không có đáp ứng nhanh như ở nữ giới do đó cần điều trị trong thời gian từ 7 đến 10 ngày.

Bệnh nhân ở cả hai giới có thể được cho dùng phenazopyridine hoặc flavoxate để giảm tiểu buốt.

Trimethoprim và nitrofurantoin được ưu dùng để điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới tái phát ở phụ nữ.

Hơn 50% đàn ông lớn tuổi bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới có kèm theo viêm tuyến tiền liệt. Một số loại thuốc kháng sinh như amoxicillin và cephalosporin, không có hiệu quả với tuyến tiền liệt. Kháng sinh fluoroquinolon hoặc trimethoprim là những loại thuốc được lựa chọn cho những bệnh nhân này.

Bệnh nhân bị viêm thận-bể thận có thể được điều trị bằng kháng sinh uống hoặc tiêm bắp liều cephalosporin. Thuốc dùng trong 10-14 ngày, và có khi cần kéo dài hơn. Nếu bệnh nhân cần phải nhập viện vì sốt cao và mất nước do nôn, có thể dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.

Điều trị bằng phẫu thuật[sửa]

Một số ít phụ nữ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới có biến chứng có thể cần điều trị phẫu thuật để dự phòng nhiễm khuẩn tái phát. Phẫu thuật cũng được sử dụng để điều trị các vấn đề về trào ngược nước tiểu, hoặc giải quyết các bất thường về cấu trúc giải phẫu của đường niệu ở trẻ em cũng như những bất thường giải phẫu về tiết niệu ở nam giới trưởng thành.

Điều trị phối hợp[sửa]

Điều trị phối hợp đối với bệnh viêm bàng quang nhấn mạnh vào việc loại bỏ các loại đường khỏi chế độ ăn uống và uống nhiều nước. Uống nước ép nam việt quất không đường không chỉ bổ sung nước cho cơ thể mà còn được cho là giúp ngăn ngừa viêm bàng quang nhờ làm cho vi khuẩn khó bám vào thành bàng quang. Một loạt các liệu pháp thảo dược cũng được được đề nghị. Nói chung, các loại thảo mộc được khuyên dùng là chất kháng khuẩn, chẳng hạn như tỏi, goldenseal và bearberry, và/hoặc chất làm dịu và bao phủ đường tiết niệu, ví dụ: râu ngô và cây cẩm quỳ.

Vi lượng đồng căn liệu pháp[sửa]

Cũng có thể có hiệu quả trong điều trị viêm bàng quang. Chọn phương thuốc chính xác dựa trên các triệu chứng của cá nhân luôn là chìa khóa cho thành công của loại điều trị này. Châm cứu và thuốc thảo dược cổ truyền Trung Quốc cũng có thể hữu ích trong việc điều trị các trường hợp viêm bàng quang cấp tính và mãn tính.

Tiên lượng[sửa]

Viêm bàng quang ở phụ nữ[sửa]

Có tỷ lệ hồi phục không biến chứng là rất cao.

Viêm bàng quang ở nam giới[sửa]

Tiên lượng hồi phục đối với các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới chưa có biến chứng ở nam giới là rất tốt; tuy nhiên, các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới có biến chứng ở nam giới thường khó điều trị vì chúng thường gây bởi các vi khuẩn kháng thuốc đối với các loại thuốc kháng sinh thường dùng.

Phòng ngừa[sửa]

Phòng ngừa viêm bàng quang ở phụ nữ[sửa]

Phụ nữ bị nhiễm khuẩn đường niệu dưới từ hai lần trở lên trong vòng sáu tháng đôi khi cần được điều trị dự phòng, thông thường dùng nitrofurantoin hoặc trimethoprime trong ba tháng đến sáu tháng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân được khuyên nên uống một viên thuốc kháng sinh sau khi quan hệ tình dục.

Các biện pháp dự phòng khác cho phụ nữ bao gồm:

- Uống nhiều nước.

- Tiểu tiện đều đặn thường xuyên, đặc biệt là sau khi giao hợp.

- Vệ sinh sạch sẽ khu vực xung quanh niệu đạo.

Trong các thử nghiệm lâm sàng gần đây ở người, một loại vắc-xin khả thi cho bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát đã được thử nghiệm. Vắc xin được đưa qua đường âm đạo ở dạng thuốc đạn.

Phòng ngừa viêm bàng quang ở nam giới[sửa]

Biện pháp phòng ngừa chính cho nam giới là điều trị kịp thời các bệnh viêm tuyến tiền liệt. Viêm tuyến tiền liệt mạn tính có thể không có triệu chứng và có thể bị bỏ qua, nhưng nó có thể kích hoạt nhiễm khuẩn đường niệu dưới tái phát. Ngoài ra, những nam giới cần đặt ống thông tạm thời sau phẫu thuật cần được dùng kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn niệu.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Gale Encyclopedia of Medicine, 5th Edition, p: 1426-1428.
  2. Harrar, Sari. “Bladder Infection Protection.” Prevention November 2003: 174.
  3. Jancin, Bruce. “Presumed Cystitis Well Managed Via Telephone: Large Kaiser Experience.” Family Practice News November 1, 2003: 41.
  4. Prescott, Lawrence M. “Presumed Quinolone Gets the Nod for Uncomplicated Cystitis.” Urology Times November 2003: 11.
  5. Mary K. Wang & Hillary L. Copp. “Bacterial Infections of the Geniturinary Tract”. Smith and Tanagho’s General Urology 19th edition, 2020: p 201-228.
  6. Nguyễn Bửu Triều. Bệnh học tiết niệu, Nhà xuất bản y học, 2007.