Văn học trung đại là một chủ đề bao quát, chủ yếu gồm các hoạt động sáng tác và phê bình những tác phẩm truyền lại bằng văn bản hoặc trí nhớ, tập trung ở giai đoạn trọng yếu nhất trong lịch sử nhân loại. Căn bản thời kì văn học này tính từ hậu Công Nguyên đến trước thềm cách mạng công nghiệp[1].
Lịch sử
Văn học thời kì này được coi là dài nhất và cũng nhiều thành tựu nhất trong tiến trình lịch sử văn học. Đó là sự trưởng thành của các tác phẩm từ tông giáo đến thế tục, từ thiêng liêng cao cả đến dâm đãng chất phác. Tuy nhiên, điều đáng kể là nó đóng góp lớn cho sự phát triển của chất liệu sáng tác và phê bình (chủ yếu là giấy), sự phong phú phức tạp của ngôn ngữ và thể loại mà ngay cả hậu kì hiện đại cũng không phát huy được bằng[2].
Thuật ngữ
Ngày nay, trong học giới có hai luồng định vị thế nào là văn học trung đại :
- Trong không gian Âu châu cùng một phần Trung Đông và Bắc Phi, văn học trung đại (tiếng Anh : Medieval literature) được xác định từ sự kiện Đế quốc La Mã cáo chung, tương ứng thế kỷ V sau Công Nguyên, tới thời điểm xuất hiện trào lưu văn nghệ phục hưng - thế kỷ XIV[3][4]. Riêng tại Đông Âu kéo dài thêm chút là sau thời kì Mông Cổ xâm lăng Âu châu, hoặc tại Nga là khi triều Romanov thành lập.
- Tại Đông phần Á châu, văn học trung đại (tiếng Hán : 中世紀文學) lại chia thành hai luận điểm : Từ đầu thế kỷ XX, khi bổ chú lại hệ thống tác phẩm cổ điển, giới phê bình Á Đông tạm coi văn học trung đại tiên khởi từ sự kiện Tào Ngụy Minh đế soán ngôi triều Hán, tương ứng thế kỷ III sau Công Nguyên, và bản thân Minh đế cũng là thi nhân và phê bình gia trứ danh ; thời điểm kết thúc văn học trung đại nhìn chung được chấp nhận là sự kiện Cách mạng Tân Hợi, hoặc khi Nhật Bản thôn tính Triều Tiên ; một quan điểm cực đoan hơn thì coi là sự kiện Nhật-Nga chiến tranh. Kể từ thập niên 1990, trong giới phê bình Á Đông và học giả Tây phương chuyên nghiên cứu văn học Á châu thì coi thời kì văn học Tùy-Đường mới bắt đầu văn học trung đại.
- Tại tiểu vùng Ấn Độ, văn học trung đại (tiếng Bengal : মধ্যযুগীয় সাহিত্য) được nhận định từ thời kì Gupta (thế kỷ IV sau Công Nguyên) đến khi Đế quốc Sikh cáo chung (thế kỷ XIX).
- Tại Trung Đông và Phi châu, văn học trung đại (tiếng Arab : أدب القرون الوسطى) gắn liền với thời hoàng kim của đạo Islam, khi văn nghệ Arab gây ảnh hưởng sang mọi nền văn minh khác. Thời kì văn học này xuất phát từ năm 610 sau Công Nguyên (năm 1 lịch Hồi giáo) cho đến thời điểm Đế quốc Ottoman nhượng vị cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, tức năm 1923.
- Tại Việt Nam, quan niệm học giới trước cải cách tạm gọi văn học trung đại (Hán văn : 中代文學) là thời kì văn học phong kiến quân chủ[5] để đối lập với thời kì dân chủ tự do của Tự Lực văn đoàn và các phong trào văn nghệ do Việt Minh phát động. Kể từ thập niên 1990, trong các giáo trình và luận văn khoa học, văn học trung đại bắt đầu từ sự kiện Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán hoặc khi Đinh Tiên hoàng xưng đế, tương ứng thế kỷ X, đến thời điểm triều Nguyễn kí Hòa ước Patenôtre - cuối thế kỷ XIX. Cũng có quan điểm hẹp hơn coi mốc kết thúc là năm 1900, khi Đế quốc Thực dân Pháp ban hành chính sách khai thác thuộc địa.
Xem thêm
Tham khảo
- ↑ The Medieval and Classical Literature Library
- ↑ Buringh, Eltjo ; van Zanden, Jan Luiten : "Charting the 'Rise of the West' : Manuscripts and Printed Books in Europe, A Long-Term Perspective from the Sixth through Eighteenth Centuries", The Journal of Economic History, Vol. 69, No. 2 (2009), pp. 409–445 (416, table 1)
- ↑ Green, D.H."Women Readers of the Middle Ages". Cambridge University Press, England. ISBN 978-0-52187-9422
- ↑ McDonald, Nicola. " Women Readers in the Middle Ages (review)"
- ↑ Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX
Nội ngữ
- Văn học trung đại Việt Nam - vài nét đặc thù
- Phân tích đóng góp văn học trung đại Việt Nam
- So sánh văn học hiện đại và trung đại
- Sự thể hiện con người trong văn học trung đại Việt Nam
- Hình ảnh con người trong văn học trung đại Việt Nam
- Việt nho qua một số tác phẩm văn học trung đại
- Đặc trưng thi pháp văn học trung đại Việt Nam
- Không gian nghệ thuật trong thơ trung đại Việt Nam
Ngoại ngữ
- The Labyrinth: Resources for Medieval Studies
- The Internet Medieval Sourcebook Project
- Medieval and Renaissance manuscripts, Vulgates, Books of Hours, Medicinal Texts and more, 12 - 17th century, Center for Digital Initiatives, University of Vermont Libraries
- Luminarium: Anthology of Middle English Literature
- Medieval Nordic Literature at the Icelandic Saga Database