Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư của cơ quan sinh dục nữ, nằm giữa thân tử cung và âm đạo. Bệnh xuất phát từ sự phát triển bất thường, không kiểm soát của các tế bào lót lòng cổ tử cung. Bệnh phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ chữa khỏi cao, ngược lại nếu không được điều trị có thể gây tử vong.

Dịch tễ học[sửa]

Theo thống kê của Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế, năm 2020, ung thư cổ tử cung đứng thứ 8 về tỷ lệ mắc ở cả 2 giới, thứ 4 ở giới nữ với 604.127 ca và thứ 9 về tỷ lệ tử vong với 341.831 ca. Tại Việt Nam, bệnh lý này đứng thứ 12 về cả tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong với 4.132 ca mắc mới và 2.223 ca tử vong.

Mô tả[sửa]

Ung thư cổ tử cung bao gồm ung thư biểu mô vảy (80-90%), ung thư biểu mô tuyến (10-20%) và ung thư biểu mô tuyến – vảy cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung thường phát triển chậm. Những bất thường ban đầu xảy ra ở một số tế bào dưới dạng loạn sản. Rối loạn trung bình đến nặng có thể chuyển thành ung thư.

Tầm soát ung thư cổ tử chung chủ yếu bằng xét nghiệm phiến đồ tử cung- âm đạo (test Pap). Ở Mỹ, tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung giảm rõ rệt nhờ việc ứng dụng xét nghiệm này trong tầm soát bệnh. Ung thư cổ tử cung thường phát triển chậm nên việc phát hiện sớm sẽ giúp tỷ lệ điều trị khỏi cao.

Yếu tố nguy cơ[sửa]

Các yếu tố nguy cơ trong ung thư cổ tử cung bao gồm: quan hệ tình dục trước 16 tuổi, có nhiều bạn tình, bạn tình có nhiều bạn tình khác, sinh đẻ nhiều lần (≥ 7 lần), hút thuốc lá, suy giảm hệ thống miễn dịch, sử dụng thuốc chống sảy thai Diethylstilbestrol (DES)…

Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]

Khoảng 90% bệnh ung thư cổ tử cung có liên quan tới nhiễm vi rút gây u nhú ở người (Human papilloma virus- HPV). Có hơn 80 loại của HPV và khoảng 15 loại HPV lây truyền qua đường tình dục có liên quan tới ung thư cổ tử cung, có vai trò quan trọng trong bệnh lý này bao gồm HPV 16, 18, 31, 33, 35…

Đa số các bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung đều không xuất hiện các triệu chứng, nếu có thể thì có các biểu hiện sau: rối loạn kinh nguyệt (rong kinh hoặc cường kinh), chảy máu âm đạo, ra máu bất thường âm đạo ở phụ nữ mãn kinh, đau khi quan hệ tình dục, đau vùng chậu…

Chẩn đoán[sửa]

Phiến đồ âm đạo – cổ tử cung[sửa]

Đây là phương pháp có giá trị trong phát hiện tổn thương tiền ung thư, ung thư ở giai đoạn sớm và được dùng trong sàng lọc, phát hiện sớm ung thư trong cộng đồng. Quệt tế bào bong tại cổ trong và cổ ngoài tử cung, nhuộm soi phát hiện tế bào bất thường.

Sinh thiết[sửa]

Khi phiến đồ có bất thường, cần sinh thiết để chẩn đoán xác định. Soi cổ tử cung giúp bác sĩ quan sát tổn thương cổ tử cung ở giai đoạn sớm và vị trí sinh thiết chính xác. Để quan sát rõ có thể làm nghiệm pháp Schiller (nghiệm pháp Lugol): iod sẽ làm cho các tế bào bình thường (có chứa glycogen) trở nên sẫm màu, những tế bào bất thường sẽ không đổi màu và tiến hành sinh thiết vùng không đổi màu. Khoét chóp cổ tử cung vừa là phương pháp chẩn đoán, vừa là phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.

Chẩn đoán giai đoạn[sửa]

Bệnh nhân được chẩn đoán xác định ung thư cổ tử cung sẽ tiếp tục làm thêm các xét nghiệm khác để đánh giá giai đoạn bệnh (tức xác định mức độ lan rộng của khối u).

Các xét nghiệm đánh giá xâm lấn, di căn[sửa]

Nội soi bàng quang, chụp thận thuốc tĩnh mạch, nội soi đại trực tràng, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, xạ hình xương, PET/CT…

Chẩn đoán mô bệnh học[sửa]

Phân loại ung thư có giá trị thực tiễn rất lớn, giúp chúng ta đánh giá được sự tiến triển của ung thư và các biện pháp ứng dụng để điều trị có hiệu quả. Hiện sử dụng bảng phân loại mới nhất của WHO (2014) gồm các týp chủ yếu như: ung thư biểu mô vảy (chiếm trên 90%), ung thư biểu mô tuyến, tuyến vảy, u lympho, sarcoma…

Chẩn đoán giai đoạn[sửa]

Cần đánh giá các yếu tố như sự xâm nhập mạch, xâm nhập thần kinh, xâm nhập lympho u, số lượng và vị trí hạch di căn, kích thước hạch di căn, mô u phá vỡ vỏ hạch và tình trạng di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể để có được chẩn đoán giai đoạn chính xác, giúp cho việc đưa ra quyết định điều trị và tiên lượng bệnh được chính xác hơn. Hai hệ thống phân loại thường dùng cho ung thư cổ tử cung là TNM theo AJCC phiên bản 8 (2017) và FIGO (2018). Trong đó:

Giai đoạn 0: Ung thư tại chỗ.

Giai đoạn I: Ung thư còn khu trú tại cổ tử cung.

Giai đoạn II: Ung thư xâm lấn quá cổ tử cung, đến parametre nhưng chưa lan đến vách chậu hay chưa tới 1/3 dưới âm đạo.

Giai đoạn III: Ung thư xâm lấn vách chậu và/hoặc xâm lấn 1/3 dưới âm đạo và/hoặc gây ra ứ nước thận hoặc mất thận chức năng.

Giai đoạn IV: Ung thư xâm lấn niêm mạc bàng quang, trực tràng hoặc lan ra ngoài khung chậu, xuất hiện tổn thương di căn ở các cơ quan khác.

Điều trị[sửa]

Việc xác định đúng vị trí khối u tại cổ tử cung cũng như thể giải phẫu bệnh cũng là yếu tố quan trọng để đưa ra chiến lược điều trị.

Các phương pháp điều trị đối với ung thư cổ tử cung là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc kết hợp giữa hóa chất và xạ trị giúp giảm tỷ lệ tử vong 30-50%.

Điều trị các trường hợp tiền ung thư và ung thư biểu mô tại chỗ[sửa]

Hầu hết các tổn thương tế bào nội biểu mô vẩy độ thấp được phát hiện bằng phiến đồ âm đạo - cổ tử cung sẽ trở lại bình thường mà không cần điều trị. Ngược lại các tổn thương tế bào nội biểu mô vảy độ cao cần phải điều trị. Phương pháp điều trị các tổn thương tiền ung thư bao gồm: sinh thiết nón bằng dao lạnh, khoét chóp cổ tử cung bằng dao vòng điện hoặc bằng laser, áp lạnh…

Phẫu thuật[sửa]

- Khoét chóp cổ tử cung bằng dao vòng điện hoặc bằng laser

- Áp lạnh

- Cắt bỏ toàn bổ tử cung và cổ tử cung qua âm đạo

- Cắt bỏ tử cung và cổ tử cung qua thành bụng

- Cắt bỏ buồng trứng 2 bên

- Cắt triệt để: Cắt toàn bổ tử cung, một phần âm đạo, buồng trứng, ống dẫn trứng 2 bên và nạo vét hạch bạch huyết.

- Cắt toàn bộ mở rộng: Cắt toàn bổ tử cung, một phần âm đạo, buồng trứng, ống dẫn trứng 2 bên, trực tràng, đại tràng thấp, bàng quang và nạo vét hạch bạch huyết, làm hậu môn dân tạo, dẫn lưu nước tiểu ra ngoài, tạo hình âm đạo.

Xạ trị[sửa]

Xạ trị chiếu ngoài sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Hay xạ trị áp sát, đưa nguồn phóng xạ qua đường âm đạo đặt vào cổ tử cung trong một thời gian nhất định.

Tác dụng phụ của xạ trị: phản ứng da tạ vùng điều trị, mệt mỏi, đau dạ dày, đi lỏng, hẹp lòng âm đạo, mãn kinh sớm, rối loạn tiểu tiện…

Hóa trị[sửa]

Sử dụng một hoặc nhiều hóa chất để tiêu diệt khối u giúp cản trở sự xâm lấn ra xung quanh. Các hóa chất thường được sử dụng cho ung thư cổ tử cung bao gồm: Cisplatin, 5- fluorouracil, Ifosfamide, Paclitaxel, Topotecan. Đường dùng: uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.

Các tác dụng phụ của hóa trị thường gặp bao gồm: Buồn nôn, nôn, mệt mỏi, rối loạn vị giác, loét miệng, âm đạo, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt, mãn kinh sớm, chảy máu âm đạo…

Điều trị đích và điều trị miễn dịch[sửa]

Các thuốc Bevacizumab, Pembrolizumab dùng trong điều trị ung thư cổ tử cung đem lại hiệu quả điều trị cao trong trường hợp tái phát, tiến triển hoặc di căn.

Tiên lượng[sửa]

Đối với ung thư cổ tử cung được chẩn đoán ở giai đoạn tiền xâm lấn, tỷ lệ sống sót sau năm năm là gần như 100%. Khi ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn xâm lấn sớm, tỉ lệ sống còn sau 5 năm là khoảng 91%. Ung thư cổ tử cung giai đoạn IVB không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tỷ lệ sống sót sau năm năm đối với ung thư cổ tử cung nói chung là khoảng 70%.

Phòng ngừa[sửa]

- Tránh các yếu tố nguy cơ.

- Tiêm chủng vắc xin.

- Tầm soát sớm ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap.

- Dự phòng nhiễm HIV.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Dizon, Don S. 100 Questions & Answers About Cervical Cancer .Sudbury, MA: Jones and Bartlett, 2009.
  2. Markovic, Nenad, and Olivera Markovic. What Every Woman Should Know About Cervical Cancer. New York: Sipringer, 2009
  3. American Cancer Society, 1599 Clifton Rd ., NE, Atlanta, GA, 30329, (404) 320-3333, (800) ACS-2345, http://www.cancer.org.
  4. American Social Health Association. National HPV and Cervical Cancer Prevention Resource Center, PO Box 13827, Research Triangle Park, NC, 27709, (919) 361—8400, (800) 227—8922, Fax: (919) 361—8425, http:/,www. ashiistd .org,/hpvccrc.
  5. Cancer Research and Prevention Foundation, 1600 Duke Street, Suite 500, Alexandria, VA, 22314, (703) 836—441 2, (800) 227-2732, info(rr. prevcntca nccr.org, h ttp:/www.prcvcntcanccr.org.
  6. Gynccologic Cancer €oundation, 230 W. Monroe, Suite 2528, Chicago, I L, 60606, (312) 578—1439, (500) 444—4441, I ax: (312) 578-9769, info(n thcgcf.org, http:// www.wcn.org,*gcf.
  7. Nguyễn Bá Đức, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Tuyết Mai, Ung thư cổ tử cung, Điều trị nội khoa bệnh ung thư, Nhà xuất bản Y học, 2010.
  8. Lương Ngọc Khuê, Mai Trọng Khoa, Ung thư cổ tử cung, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu – Bộ Y tế, Nhà xuất bản Y học, 2020, Tr. 360-370.
  9. Trần Văn Thuấn, Lê Văn Quảng, Nguyễn Tiến Quang, Ung thư cổ tử cung, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư thường gặp, Nhà xuất bản Y học, 2019, Tr.346-366.