Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng là bệnh lí đặc trưng bởi sự phát triển và phân chia mất kiểm soát của những tế bào ác tính của lớp đệm hoặc lớp biểu mô của đại tràng. Các tế bào này có thể xâm lấn vào các tổ chức xung quanh hoặc di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.

Tổng quan[sửa]

Ung thư đại tràng là loại ung thư phổi biến, đứng đầu trong số các ung thư đường tiêu hoá về tỷ lệ mắc. Theo số liệu của Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế, trong năm 2020, ung thư đại tràng đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc với 1.148.515 ca và thứ 5 về tỷ lệ tử vong với 576.858 ca trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư đại tràng đứng thứ 6 về tỷ lệ mắc với 6.448 ca và thứ 8 về tỷ lệ tử vong với 3.445 ca. Theo ghi nhận, ở Hà Nội, tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 7,5/100.000 dân.

Mô tả[sửa]

Yếu tố nguy cơ[sửa]

  • Nguyên nhân chính xác của ung thư đại tràng chưa được làm rõ, song một số yếu tố nguy cơ liên quan đến sự hình thành và phát triển của ung thư đại tràng bao gồm: tuổi cao (> 50 tuổi), tiền sử polyp đại tràng, bệnh Crohn’s, gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, mắc các hội chứng di truyền như đa polyp gia đình, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, ít hoạt động thể lực, béo phì, uống nhiều rượu bia, đái tháo đường týp 2…
  • Đại tràng được chia thành nhiều phần khác nhau, theo thứ tự của đường ống tiêu hoá, bao gồm: mạnh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng xích ma.

Hai loại polyp thường gặp nhất là polyp u tuyến và polyp tăng sản. Các polyp u tuyến được xem là những tổn thương tiền ung thư trong khi các polyp tăng sản lại không.

Triệu chứng[sửa]

Ung thư đại tràng gây ra các triệu chứng liên quan đến sự phát triển tại chỗ hoặc ảnh hưởng lên các cơ quan khác khi di căn. Những triệu chứng có thể xuất hiện đơn độc hoặc kết hợp với nhau:

  • Thay đổi thói quen đại tiện.
  • Máu trong phân.
  • Căng, chướng bụng kéo dài, dai dẳng.
  • Táo bón.
  • Cảm giác đầy hơi kể cả sau khi đã đi đại tiện.
  • Thay đổi khuôn phân.
  • Mệt mỏi kéo dài, dai dẳng có tính chất mạn tính.
  • Gầy sút cân không rõ nguyên nhân.

Chẩn đoán[sửa]

Chẩn đoán ung thư đại tràng dựa vào các xét nghiệm sau:

Xét nghiệm dấu ấn ung thư[sửa]

Xét nghiệm các dấu ấn ung thư như CEA, CA 19-9 trong theo dõi, đánh giá cũng như chẩn đoán tái phát, di căn ung thư đại tràng sau điều trị.

Chụp Xquang bụng không chuẩn bị[sửa]

Được chỉ định trong cấp cứu khi có biến chứng tắc hoặc thủng ruột.

Nội soi đại trực tràng[sửa]

Là phương pháp quan trọng để chẩn đoán ung thư đại tràng. Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát trực tiếp hình ảnh tổn thương, xác định được vị trí, kích thước, bề mặt u, tình trạng chảy máu, sự chít hẹp u so với lòng đại tràng, kết hợp sinh thiết làm mô bệnh học.

Siêu âm[sửa]

Đánh giá tổn thương gan và toàn bộ ổ bụng.

Chụp cắt lớp vi tính[sửa]

Đánh giá tổn thương u đại tràng, di căn hạch vùng và di căn xa. Vai trò tương tự siêu âm nhưng độ nhạy cao hơn.

Chụp cộng hưởng từ[sửa]

Đánh giá di căn gan và tổn thương tại chỗ.

Các phương pháp y học hạt nhân[sửa]

Chẩn đoán tái phát, di căn như: xạ hình xương, xạ hình gan, chụp hình miễn dịch phóng xạ, PET/CT…

Mô bệnh học[sửa]

Nhằm chẩn đoán xác định ung thư, thể mô bệnh học, đánh giá di căn hạch, đánh giá diện cắt sau phẫu thuật… Đôi khi mẫu bệnh phẩm được lấy từ tổn thương di căn tại gan, phổi…

Xét nghiệm gene[sửa]

Các gene KRAS, NRAS, BRAF nhằm tiên lượng và lựa chọn thuốc điều trị đích.

Chẩn đoán mô bệnh học[sửa]

Về mặt mô học, 80% trường hợp là ung thư biểu mô tuyến týp Liberkhunier, 10-20% là u dạng nhầy. Những u không phải biểu mô (u lympho Non-Hodgkin, u carcinoid, sarcoma…) chiếm khoảng 5% các trường hợp. Trong ung thư đại tràng cần đánh giá độ biệt hoá của khối u và các yếu tố đột biến như KRAS, NRAS, BRAF và độ mất ổn định vi vệ tinh…

Chẩn đoán giai đoạn[sửa]

Các hệ thống phân loại được sử dụng nhiều nhất trong ung thư đại tràng là phân loại TNM theo AJCC (2017), phân loại Dukes, Astler và Coller.

Giai đoạn 0: Ung thư tại chỗ, chưa phá vỡ màng đáy, khu trú ở niêm mạc.

Giai đoạn I: Ung thư xâm lấn tới lớp cơ, chưa tới lớp thanh mạc.

Giai đoạn II: Ung thư xâm lấn quá lớp cơ, tới thanh mạc và các tổ chức xung quanh đại tràng.

Giai đoạn III: Di căn hạch vùng.

Giai đoạn IV: Di căn xa.

Điều trị[sửa]

Tiến hành điều trị sau khi đã chẩn đoán xác định bệnh và giai đoạn bệnh:

Phẫu thuật[sửa]

Phẫu thuật là phương pháp chính và chủ đạo trong điều trị triệt căn ung thư đại tràng, thậm chí trong một số trường hợp giai đoạn IV (di căn gan, phổi).

Phẫu thuật cắt một đoạn đại tràng cùng hệ thống mạch máu nuôi dưỡng và hạch bạch huyết vùng là phương pháp điều trị chính cho ung thư đại tràng áp dụng chính cho giai đoạn I đến III. Sau khi cắt đoạn đại tràng và nạo vét hạch, bệnh nhân được nối 2 đoạn ruột hoặc làm hậu môn nhân tạo. Hậu môn nhân tạo có thể là tạm thời và bệnh nhân sẽ được nối lại sau đó khi đã an toàn nhưng đa phần sẽ để hậu môn nhân tạo lâu dài.

Trong các trường hợp ung thư đại tràng có biến chứng, phẫu thuật có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng như cắt đại tràng điều trị tắc ruột, phẫu thuật cầm máu, cắt thuỳ gan, thuỳ phổi trong một số trường hợp di căn gan, phổi…

Xạ trị[sửa]

Xạ trị được sử dụng như một biện pháp điều trị bổ trợ cho phẫu thuật nếu như có nguy cơ tiềm tàng hậu phẫu, vùng có nguy cơ sẽ được điều trị bằng xạ trị. Xạ trị cũng có thể được áp dụng cùng với cả hoá trị liệu trước phẫu thuật (điều trị tân bổ trợ) với mục đích làm cho khối u co nhỏ lại góp phần nâng cao hiệu quả của phẫu thuật. Xạ trị bị giới hạn liều đáng kể khi tiếp xúc với ruột vì cả ruột non và ruột già đều chịu bức xạ không tốt. Xạ trị cũng được sử dụng trong điều trị giảm nhẹ triệu chứng khi khối u to chèn ép lớn, không có chỉ định phẫu thuật; xạ trị điều trị tổn thương di căn xương, di căn não…

Hoá trị[sửa]

Hoá trị liệu có ý nghĩa ở những bệnh nhân đã được cắt u và có nguy cơ tái phát (hoá trị liệu bổ trợ). Hoá trị theo phác đồ FOLFOX là phác đồ phổ biến trong điều trị hoá chất bổ trợ cho bệnh nhân ung thư đại tràng. Phác đồ này bao gồm oxaliplatin, 5-FU và Leucovorin. Thuốc 5-FU và Leucovorin được đưa vào phác đồ hoặc Capecitabine cũng có thể được đưa vào đơn độc. Hoá trị bổ trợ sau phẫu thuật có thể kéo dài tổng cộng 6 tháng.

Điều trị đích[sửa]

Điều trị đích có cơ chế khác so với điều trị hoá chất. Điều trị đích là việc sử dụng các tác nhân tác động vào protein đích có trong cấu trúc của tế bào ung thư nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Ưu điểm của điều trị đích là các tế bào lành không chứa các protein bất thường sẽ không bị ảnh hưởng bởi điều trị đích. Vì vậy, tác dụng không mong muốn của các thuốc này ít hơn so với hoá trị liệu. Các thuốc điều trị đích được dùng trong điều trị ung thư đại tràng bao gồm Bevacizumab, Cetuximab và Panitumumab…

Tiên lượng[sửa]

Ung thư đại tràng có khả năng được điều trị và chữa khỏi cao nếu được phát hiện ở giai đoạn khối u vẫn còn khu trú ở ruột. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ đạo cho phần lớn các ca bệnh ung thư đại tràng và kết quả điều trị khỏi khoảng 50% số bệnh nhân.

Tỷ lệ sống trên 05 năm của ung thư đại tràng từ 74% ở giai đoạn I đến 6% ở giai đoạn IV.

Phòng ngừa[sửa]

Không có một phương pháp phòng ngừa tuyệt đối cho ung thư đại tràng. Tuy vậy, vẫn có một vài cách để làm giảm nguy cơ hoặc để chẩn đoán sớm ung thư đại tràng:

- Bệnh nhân có tiền sử gia đình có thể thực hiện các xét nghiệm sàng lọc và tham gia tầm soát sớm hơn so với những bệnh nhân khác.

- Chế độ ăn nhiều chất xơ và vitamin…

- Tránh béo phì, thường xuyên vận động.

- Tránh hút thuốc lá và đồ uống có cồn.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Compton, C,. et al. Colon Cancer. In Abelhoff, Martin, et al. Clinical Oncology Library. Philadenphia: Elsevier, 2008:1535–1568.
  2. Buunen, M., et al. “Survival After Laparoscopic Surgery Versus Open Surgery for Colon Cancer: Long-Term Outcome of a Randomized Clinical Trial,” Lancet Oncology 10 (2009):44–52.
  3. Levin, B., et al. “ Screening and Surveillance for Early Detection of Colorectal Cancer and Adenomatous Polyps, 2008. A Joint Guideline from the American Cancer Society, the U.S. Multi-Society Task Force on Colorectal Cancer, and the American College of Radiology.” CA: A Cancer Journal for Clinicians. 134 (2008):1570–1595.
  4. Sargen, D., et al. “Envidence for Cure by Adjuvant Therapy in Colon Cancer: Observation Base on Individual Patient Data form 20,898 Patients in 18 Randomized Trials.” Journal of Clinical Oncology, 27 (2009):872-877.
  5. American Cancer Society, (800) ACS-2345, http://www.cancer.org.
  6. Cancer Information Service of the NCI, 9000 Rockville Pike, Bethesda, MD, 20892, (800) 4-CANCER, [email protected], http://www.cancer.gov.
  7. Stephen B., Frederick L. G., et al (2017), Colon and Rectum, AJCC Cancer Staging Manual eighth edition, Springer, pp.251-274.
  8. Nguyễn Bá Đức, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Tuyết Mai. Ung thư đại trực tràng, Điều trị nội khoa bệnh ung thư, Nhà xuất bản Y học, 2010.
  9. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư đại – trực tràng, 2018.
  10. Trần Văn Thuấn, Lê Văn Quảng, Nguyễn Tiến Quang, Ung thư đại tràng, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung thư thường gặp, Nhà xuất bản Y học, 2019, Tr.219-231.