Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Thuốc hạ sốt

Thuốc hạ sốt là những thuốc có tác dụng giảm nhiệt độ cơ thể trở về trạng thái bình thường. Sốt là hiện tượng nhiệt độ cơ thể cao hơn 1000F hoặc 37,80C.

Mục đích[sửa]

Sốt thường do nhiễm khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên, sốt cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh tiềm ẩn khác như dị ứng, bệnh tự miễn, chấn thương, ung thư, tập thể dục gắng sức, mất cân bằng nội tiết, hoặc tổn thương vùng dưới đồi. Thuốc hạ sốt có tác dụng hạ nhiệt độ nhanh chóng do bất kỳ nguyên nhân gì, làm tăng quá trình thải nhiệt ( giãn mạch ngoại vi, tăng tiết mồ hôi...), do đó giảm bớt độ khó chịu, giúp người bệnh nghỉ nghơi để phục hồi sức khỏe.

Mô tả[sửa]

Các thuốc hạ sốt được dùng hiện nay đều thuộc nhóm thuốc giảm viêm chống đau không steroid (NSAIDs). Các NSAIDs ức chế enzyme COX, nên làm giảm quá trình sinh tổng hợp PGE1, PGE2, có tác dụng hạ sốt do làm tăng quá trình thải nhiệt ( làm giãn mạch ngoại vi, tăng tiết mồ hôi... ), lập lại thăng bằng cho trung tâm điều nhiệt ở vùng dưới đồi. Đây chỉ là thuốc điều trị triệu chứng mà không có tác dụng điều trị nguyên nhân gây sốt; sau khi thuốc bị thải trừ, sốt sẽ trở lại. Có 3 nhóm thuốc chính được sử dụng để hạ sốt bao gồm:

  • Salicylate: có tác dụng hạ sốt và làm giảm cơn đau như nhức đầu, đau cơ, cảm cúm thông thường, đau nhức do viêm khớp
  • Paracetamol: là hoạt chất phổ biến và có tác dụng được dùng để giảm các triệu chứng sốt, đau đầu,...
  • Thuốc kháng viêm không steroid: có thời gian hạ sốt kéo dài và tác dụng hạ sốt mạnh hơn paracetamol.

Liều khuyến cáo[sửa]

Liều khuyến cáo thay đổi tùy thuộc vào loại thuốc được kê đơn hoặc sử dụng. Một số thuộc giảm đau, hạ sốt không kê đơn được liệt kê dưới đây:

– Acetaminophen (paracetamol)

Thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng đau đầu, đau cơ, đau khớp, đau lưng và cảm sốt. Liều hạ sốt đối với người lớn là 2 viên paracetamol 500 mg trong 4-6 giờ, liều dùng giảm đau là 1 viên paracetamol 500mg trong 4-6 giờ.

– Ibuprofen

Là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) được sử dụng để giảm đau nhức khớp, cơ bắp và đau bụng kinh, ngoài ra thuốc còn được dùng để hạ sốt và giảm đau nhức nhẹ do cảm cúm hoặc cảm lạnh. Liều dùng thông thường với người bị nhức đầu là 1 viên Ibuprofen 600mg cách 90 phút, với người bị đau là Ibuprofen 200-400mg mỗi 4-6 giờ, với người bị viêm khớp là Ibuprofen 400-800mg mỗi 6-8 giờ.

– Aspirin

Là thuốc hạ sốt giảm đau có tác dụng nhanh từ cơn đau nhẹ đến đau vừa, đau răng, cảm lạnh thông thường và nhức đầu. Liều dùng cho người lớn giảm đau là 325-650mg đường uống hoặc đặt trực tràng mỗi 4 giờ khi cần thiết và không quá 4 gram/ngày.

– Naproxen

Là thuốc giảm đau đầu hạ sốt chống viêm không steroid (NSAID) sử dụng đề điều trị đau, viêm khớp dạng thấp và sốt. Liều dùng đối với người lớn bị đau nửa đầu là 550mg 2 lần/ngày sử dụng thuốc trong 4-6 tuần, nếu tình trạng đau đầu không chuyển biến tích cực thì ngưng sử dụng thuốc.

Các chuyên gia đánh giá sử dụng những loại thuốc hạ sốt nhanh này là một trong nhiều cách hạ sốt nhanh cho người lớn vì bạn sẽ sớm nhận thấy kết quả mà chúng mang lại. Ngoài ra, tác dụng của thuốc hạ sốt thường sẽ kéo dài 4 – 8 giờ.

Ngoài ra, để đạt hiệu quả hạ sốt có thể kết hợp thuốc hạ sốt với một số phương pháp khác như uống nhiều nước, bổ sung vitamin C, bổ sung canxi, tắm bằng nước ấm, chườm khăn mát.

Thận trọng[sửa]

Một số sai lầm phổ biến khi hạ sốt nhanh tại nhà cần lưu ý như:

  • Tự ý kết hợp nhiều loại thuốc hạ sốt giảm nhau với nhau có thể dẫn đến sử dụng thuốc quá liều và gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng đối với sức khỏe.
  • Đắp chăn ấm, mặc nhiều áo khi bị sốt cao dễ khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao và càng rét run. Do đó, tuyệt đối không nên đắp chăn khi sốt, phải mở cửa thoáng phòng cửa hoặc sử dụng quạt thoáng người (không thốc quạt vào người) và uống thuốc hạ sốt để hạ nhiệt độ xuống.
  • Thuốc hạ sốt nhanh bằng cách kết hợp cùng lúc nhiều cách hạ sốt như uống thuốc, dùng thuốc kết hợp, ngâm người vào bồn nước ấm…có thể khiến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, rất nguy hiểm. Vì vậy, tốt nhất, người bệnh chỉ nên áp dụng các phương pháp hạ sốt từ từ.
  • Chườm lạnh bằng túi nước đá là quan niệm sai lầm của nhiều người khi tìm cách hạ sốt nhanh cho người lớn. Cách làm này sẽ làm co mạch khiến nhiệt không thể thoát ra ngoài qua lỗ chân lông. Ngoài ra, chườm lạnh còn dễ khiến người bệnh bị bỏng lạnh, do đó tuyệt đối không nên dùng biện pháp này để hạ sốt.

Tác dụng không mong muốn

Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc hạ sốt bao gồm:

  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Khó ngủ
  • Phản ứng dị ứng: Khó thở, khò khè, mề đay, sưng phù mặt,...
  • Phản ứng da: phát ban, nổi mẩn,...

Ngoài ra, thuốc hạ sốt khi dùng quá liều có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác như:

  • Tổn thương gan: Một số thuốc hạ sốt như paracetamol có thể gây tổn thương gan, suy gan,... Đặc biệt ở những người viêm gan, sử dụng rượu hằng ngày tuyệt đối không sử dụng thuốc.
  • Tổn thương thận: Các vấn đề về thận có thể gặp phải nếu lạm thuốc hạ sốt thậm chí có thể gây suy thận.
  • Tổn thương dạ dày: Nhóm thuốc kháng viêm không steroid có thể gây rối loạn dạ dày, nghiêm trọng hơn dẫn tới chảy máu, loét dạ dày,...
  • Các vấn đề về tim: nhồi máu cơ tim, đột quỵ

Để phòng ngừa các tác dụng phụ của thuốc hạ sốt, trước khi dùng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và sử dụng liều lượng, thời gian theo chỉ định. Cần đặc biệt lưu ý đối với người già và trẻ nhỏ, đây là nhóm đối tượng nhạy cảm và dễ gặp những tác dụng không mong muốn nhất.

Tương tác thuốc[sửa]

Hầu hết các NSAIDS đều ức chế chức năng của tiểu cầu, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu do các thuốc khác, các NSAIDS gắn mạnh với protein huyết tương dễ cạnh tranh với các thuốc khác. Trong nhóm thì phenylbutazon có thể ức chế chuyển hóa thuốc qua microsom gan và có thể làm thay đổi bài tiết qua thận của một số loại thuốc.

Trong lâm sàng, người ta đã gặp một số tương tác có khi rất nguy hiểm khi dùng NSAIDS với các thuốc khác. Ví dụ khi dùng cùng với captopril, NSAIDS làm giảm tác dụng hạ huyết áp của captopril. NSAIDS còn có thể làm giảm tác dụng lợi tiểu, thải muối, hạ huyết áp của furosemid, giảm chuyển hóa của phenytoin qua gan và giảm tác dụng chống tăng huyết áp của các thuốc lợi niệu nhóm thiazid. Dùng cùng thuốc chống đông máu, các salicylat gây ức chế tiểu cầu, làm giảm prothrombin trong máu.

Các NSAIDS hầu như đều làm giảm tác dụng hạ huyết áp của các thuốc ức chế bêta giao cảm. Ở người nghiện rượu, paracetamol sẽ tăng tạo thành các chất chuyển hóa độc cho gan. Vì mức độ được sử dụng rất nhiều và thường phối hợp với nhiều loại thuốc khác, các tai biến do tương tác thuốc rất khó đoán biết hết được. Song trong các tương tác do nhóm NSAIDS thì chú ý nhất vẫn là khả năng gây loét dạ dày, chảy máu (khi dùng cùng với thuốc chống đông máu, với corticoid). Ngoài ra khi dùng NSAIDS với các thuốc chữa tăng huyết áp, thuốc lợi niệu cũng phải hết sức chú ý đến các tương tác có hại có thể xảy ra. Thực tế đã có trường hợp bệnh nhân thường xuyên sử dụng các thuốc chống viêm khớp (phenylbutazon, aspirin...) khi tăng huyết áp phải dùng với liều khá cao và đôi khi còn nghi ngờ hiệu quả của các thuốc hạ huyết áp. Nhưng sau khi ngừng thuốc chữa bệnh khớp và vẫn dùng thuốc hạ huyết áp theo liều trên đã gây hạ huyết áp kéo dài và nguy hiểm.

Như vậy là ngay cả khi sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường, muốn phối hợp với các thuốc khác đều cần sự cân nhắc tối đa của thầy thuốc. Điều đó cũng là lý do của việc hỏi ý kiến bác sĩ trong mọi trường hợp dùng thuốc mà không cứ đó là loại thuốc gì.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Dược điển Việt Nam 5.
  2. https://www.drugs.com/paracetamol.html.
  3. Bộ môn dược lý-Đại học y Hà Nội, Dược lý học lâm sàng, Nhà xuất bản y học, 2007.
  4. Seung Jun Choi, Sena Moon, Ui Yoon Choi, et al. The antipyretic efficacy and safety of propacetamol compared with dexibuprofen in febrile children: a multicenter, randomized, double-blind, comparative, phase 3 clinical trial. BMC Pediatr. 2018; 18: 201. doi: 10.1186/s12887-018-1166-z.
  5. Yu Rang Park, Hyery Kim, Ji Ae Park, et al. Comparative Analysis of Single and Combined Antipyretics Using Patient-Generated Health Data: Retrospective Observational Study. JMIR Mhealth Uhealth 2021;9(5):e21668.
  6. Jennifer Ludwig and Hazel McWhinnie. Antipyretic drugs in patients with fever and infection: Literature review. British journal of nursing (Mark Allen Publishing) 28(10):610-618. doi:10.12968/bjon.2019.28.10.610.
  7. Đại học y Hà Nội. Dược lý học. Nhà xuất bản y học, 2007.