Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Phùng Quang Thanh
Tập tin:Đại tướng Phùng Quang Thanh (1949-2021).png
Đại tướng Phùng Quang Thanh (1949-2021)

Phùng Quang Thanh (1949-2021), là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương (2006-2016).

Phùng Quang Thanh sinh ngày 2.2.1949, quê xã Thạch Đà, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên (nay là huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Bố là liệt sĩ, hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Tháng 7.1967, Phùng Quang Thanh nhập ngũ, chiến sĩ Tiểu đoàn 20, sau được cử đi học hạ sĩ quan tại Sư đoàn 312. Từ tháng 3.1968 đến tháng 10.1971, lần lượt giữ các chức vụ: Tiểu đội trưởng Trinh sát, Trung đội trưởng, Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, Nam Lào. Ngày 11. 6.1968 được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Tại chiến trường Quảng Trị, Phùng Quang Thanh làm nhiệm vụ trinh sát, nhiều lần cùng tổ vào căn cứ địch điều tra tình hình, giúp cấp trên chỉ huy chiến đấu thắng lợi. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), chỉ huy trung đội đánh hai trận đạt hiệu suất cao, góp phần cùng đơn vị diệt gọn 1 tiểu đoàn và 1 đại đội địch, riêng Phùng Quang Thanh diệt 12 địch. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ngày 20.9.1971, Phùng Quang Thanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Từ tháng 11.1971 đến tháng 7.1972, Phùng Quang Thanh học tại Trường Sĩ quan Lục quân. Tháng 8.1972, tiếp tục trở lại chiến đấu tại chiến trường miền Nam, giữ chức Tiểu đoàn phó sau làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320b, Quân đoàn 1. Từ tháng 8.1974 đến tháng 12.1976, Phùng Quang Thanh là học viên Học viện Quân sự. Từ tháng 1.1977 đến tháng 1.1979, Phùng Quang Thanh giữ chức Tham mưu trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320b, sau đó đi học văn hóa tại Trường Văn hóa Quân đoàn 1. Từ tháng 5.1979 đến tháng 12.1982, được bổ nhiệm làm Phó Trung đoàn trưởng, sau làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320b.

Từ tháng 1.1983 đến tháng 10.1983, Phùng Quang Thanh là học viên Học viện Thực hành tại Liên Xô. Từ tháng 11.1983 đến tháng 4.1984 giữ chức Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1; tháng 5.1984, học tiếng Nga tại Trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự; tháng 3.1986 học viên Học viện Quân sự Cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Từ tháng 9.1986 đến tháng 7.1988, được bổ nhiệm Phó Sư đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng, sau phụ trách Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390, Quân đoàn 1. Tháng 8.1988 được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1. Tháng 8.1989, được cử đi đào tạo chỉ huy tham mưu tại Học viện Quân sự Cấp cao Vôrôsilôp (Liên Xô). Tháng 9.1990, về nước, học bổ túc Binh chủng hợp thành tại Học viện Quân sự Cấp cao; tháng 2.1991, được giao phụ trách Tham mưu trưởng Quân đoàn 1; tháng 8.1991 tiếp tục giữ chức Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1.

Từ tháng 2.1994 đến tháng 8.1997, Phùng Quang Thanh được bổ nhiệm Phó Cục trưởng, Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu. Tháng 9.1997, học Lớp Bồi dưỡng Lý luận chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị - Quân sự (nay là Học viện Chính trị). Từ tháng 2.1998 đến tháng 5.2001, giữ chức Tư lệnh Quân khu 1. Từ tháng 6.2001 đến 5.2006, giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Từ tháng 6.2006 đến tháng 4.2016, Phùng Quang Thanh được Quốc hội bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị phân công giữ chức Phó Bí thư Quân ủy Trung ương. Phùng Quang Thanh cùng với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng có nhiều đóng góp quan trọng trong dự báo chính xác tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh nhất là ở các địa bàn chiến lược, trọng yếu, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.

Phùng Quang Thanh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX-XI; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, XI; Đại biểu Quốc hội khóa XI-XIII; được thăng quân hàm Thiếu tướng (1994), Trung tướng (1999), Thượng tướng (2003), Đại tướng (2007). Tháng 10.2016, Phùng Quang Thanh được Đảng Nhà nước cho nghỉ theo chế độ; từ trần ngày 11.9.2021, tại Hà Nội.

Phùng Quang Thanh có nhiều bài nói, bài viết về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, và Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đồng thời chỉ đạo nội dung biên soạn nhiều công trình khoa học có giá trị, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Năm 2020, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tập hợp những bài nói bài viết tiêu biểu của Phùng Quang Thanh từ năm 2001 đến năm 2015 in thành cuốn: “Quan điểm, thành tựu và định hướng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có giá trị lí luận và ý nghĩa thực tiễn, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Phùng Quang Thanh đã được Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Nhà nước Lào tặng Huân chương Itxala; Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Hợp tác Hữu nghị hạng Nhất...

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Chân dung Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998 tr. 441, 442.
  2. Hội Đồng thi đua khen thương Trung ương, Ban Tư tương Văn hóa Trung ương, Chân dung anh hùng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Lao động, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 972.
  3. Bộ Quốc phòng, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 811.
  4. 12 vị đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Đồng Nai, 2011, tr. 422, 423.
  5. Gương mặt Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012.
  6. 130 danh tướng, tướng lĩnh Việt Nam trọng lịch sử dân tộc và trong thời đại Hồ Chí Minh, Nxb Lao Động, 2012, tr. 422, 423.
  7. Cục Cán bộ, Tóm tắt tiểu sử đồng chí Đại tướng Phùng Quang Thanh, tháng 5.2016.
  8. Báo Quân đội nhân dân: Tóm tắt tiểu sử Đại tướng Phùng Quang Thanh, ngày 13.9.2021.