Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Lãnh hải
Các vùng biển theo luật quốc tế

Lãnh hải (tiếng Anh Territorial sea) là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Lãnh hải là bộ phận cấu thành lãnh thổ quốc gia, thuộc chủ quyền của một quốc gia, là vùng biển nằm bên ngoài và tiếp liền với nội thủy của quốc gia ven biển (đối với quốc gia quần đảo là vùng biển bên ngoài vùng nước quần đảo); là nơi chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài vùng đất quốc gia và nội thủy. Chủ quyền này mở rộng đến vùng trời trên Lãnh hải cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của Lãnh hải.

Lãnh hải có vị trí quan trọng trong hệ thống Luật Biển, là cơ sở xác định đường biên giới quốc gia, chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX, nhiều quốc gia công nhận lãnh hải có chiều rộng là 3 hải lý, bên cạnh đó còn một số quốc gia có các quy định khác như 2 hay 6 hải lý. Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thống nhất việc xác định Lãnh hải, chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng Lãnh hải. Đây cũng là cơ sở pháp lý quốc tế để các quốc gia thực hiện và đưa ra tuyên bố chính thức về quyền và chủ quyền đối với Lãnh hải. Theo đó, chiều rộng Lãnh hải được quy định không vượt quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở.

Có thể chọn một trong hai phương pháp xác định đường cơ sở để tính chiều rộng Lãnh hải (đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng). Tàu, thuyền nước ngoài được quyền qua lại không gây hại trong vùng Lãnh hải của quốc gia ven biển mà không phải xin phép trước (không áp dụng đối với vùng trời trên Lãnh hải, phương tiện bay nước ngoài muốn bay qua vùng trời trên Lãnh hải phải xin phép nước ven biển đó). Quốc gia ven biển quy định chế độ pháp lý của Lãnh hải phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Ranh giới ngoài của Lãnh hải là đường chạy song song với đường cơ sở và cách đều đường cơ sở một khoảng cách tối đa 12 hải lý, được coi là đường biên giới quốc gia trên biển.

Lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định trong Luật Biển Việt Nam năm 2012: “Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của Lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam”. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với Lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của Lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong Lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong Lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên Lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong Lãnh hải Việt Nam.

Lãnh hải là một bộ phận không thể tách rời của sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia ven biển và thiết lập ranh giới ngoài Lãnh hải đòi hỏi phải minh bạch, rõ ràng, chính xác. Giải quyết tốt việc xác định vùng Lãnh hải sẽ góp phần quan trọng vào việc duy trì, củng cố quan hệ láng giềng thân thiện, xây dựng hòa bình và an ninh quốc tế.

Hiện nay, nguyên tắc 12 hải lý cho bề rộng Lãnh hải được công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, việc xác định vùng Lãnh hải của các quốc gia ven biển vẫn còn những bất đồng do có những nước chưa thống nhất với nhau về việc xác định đường cơ sở để tính chiều rộng Lãnh hải. Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn còn tranh chấp phức tạp. Trong tương lai, để bảo vệ vị trí, lợi ích quốc gia về biển, với nhận thức về tầm quan trọng về biển ngày càng tăng, nhiều nước đang có xu hướng tăng cường và hiện đại hóa quân sự, nhất là về hải quân, không quân và khả năng tác chiến trên biển. Đồng thời, phải có sự hợp tác, đề cao vai trò, trách nhiệm của tất cả các quốc gia trong xây dựng, tôn trọng và thực thi nghiêm những quy định của Luật Biển.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Hà Nội, 1977.
  2. Bộ Quốc phòng, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 2, Hà Nội, 1993.
  3. Bộ Quốc phòng, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 10, Hà Nội, 1996.
  4. Nguyễn Hồng Thao, Những điều cần biết về Luật Biển, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1997.
  5. Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  6. Bộ Tư pháp, Từ điển luật học, Nxb Tư pháp, Hà Nội, 2006.
  7. Luật Biển Việt Nam, 2012.
  8. Ban Tuyên giáo Trung ương, 100 câu hỏi - đáp về Biển, Đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2013.
  9. Công ước của Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
  10. G.F.CALINKIN, Chế độ vùng biển, Nxb Giao thông vận tải, Hà Nội, 1998.